Tọa đàm: La Hầu và hình tượng La Hầu trong văn hóa...

Tọa đàm: La Hầu và hình tượng La Hầu trong văn hóa – kiến trúc Việt Nam

Đăng vào
0

09:30, Chủ nhật 10/04/2022
Di tích Quốc gia Đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám
58 Quốc Tử Giám, Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội
Trực tuyến qua Fanpage Không gian Văn hoá Quốc Tử Giámkênh Youtube Không gian Văn hoá Quốc Tử Giám.

Thông tin từ ban tổ chức:

Dân gian Việt Nam từ xa xưa đã truyền tụng những câu chuyện về một thế giới tâm linh u hiển. Không chỉ những thần tích của “Tứ bất tử”, mà những tinh linh, hình tướng ma quỷ cũng trở nên một tín ngưỡng phổ biến. Gương mặt La Hầu, hay còn được gọi là Hổ phù, là một trong những hình ảnh dữ tợn nhất trong số đó. Tuy thế, hình ảnh này lại được phổ biến trên hầu hết các không gian tín ngưỡng từ đình, đền, miếu, cho đến các đồ lễ khí như ngai kiệu, hương án, sập đá bia đá…

So với hệ thống thần linh và các con vật linh của người Việt, đồ án La Hầu hình thành tương đối muộn, manh nha từ thời Lê Trung Hưng và phát triển mạnh vào thời Nguyễn. Có thể nói, hình tượng La Hầu là sự đan xen của hai hệ thống thẩm mỹ Trung Hoa và Ấn Độ, góp phần khẳng định nghệ thuật trang trí cổ truyền Việt Nam nói chung và nghệ thuật trang trí kiến trúc thời Nguyễn nói riêng mang những giá trị đặc biệt, thể hiện cốt cách và tâm hồn của dân tộc.

Không gian Văn hóa Quốc Tử Giám hân hạnh đưa tới các vị khán giả buổi Toạ đàm về La Hầu mang tên: “La Hầu và hình tượng La Hầu trong văn hóa – kiến trúc cổ Việt Nam”. Buổi Toạ đàm sẽ được dẫn dắt bởi MC Ngọc Hà, và khách mời Giảng viên, Nhà nghiên cứu nghệ thuật, Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế – tác giả của cuốn sách “Đi tìm khuôn mặt La Hầu”, sẽ đưa đến cho các bạn cái nhìn tổng quát về hình tượng La Hầu trong văn hoá tín ngưỡng và nghệ thuật thế giới, cũng như trong văn hoá và kiến trúc cổ Việt Nam, bao gồm:

– Lịch sử hình thành và phát triển của La Hầu trong văn hoá tín ngưỡng và nghệ thuật cổ xưa.
– Hình tượng La Hầu và ý nghĩa của La Hầu trong văn hoá và kiến trúc cổ Việt Nam.
– Tín ngưỡng đi vào đời sống là một quy luật tất yếu trong lịch sử Việt Nam, vậy hình tướng La Hầu đã được truyền bá trong đời sống dân gian như thế nào, và liệu nó còn giữ nguyên sức sống trong đời sống văn hoá hiện đại?

Về Trần Hậu Yên Thế

Giảng viên, họa sĩ, Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế sinh năm 1970 và hiện làm việc tại khoa Lý luận, lịch sử và phê bình Mỹ thuật, ĐH Mỹ thuật Hà Nội. Anh là tác giả của những cuốn sách nghiên cứu mỹ thuật, di sản văn hóa, như: “Dịch đồ-cách tiếp cận từ thị giác”, “Đồ án trang trí mỹ thuật ở đền Vua Đinh-Lê”, “Song xưa phố cũ”… Anh được giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội năm 2014 cho cuốn “Song xưa phố cũ”.

Bên cạnh lĩnh vực mỹ thuật đương đại, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế còn thể hiện một tình yêu lớn dành cho mỹ thuật cổ của dân tộc. Anh vốn đam mê nghiên cứu những kiến trúc cổ xưa, những hình tượng, vật phẩm mà mọi người thường ít để ý, hay đã lãng quên. Anh đã có nhiều nghiên cứu lý luận mỹ thuật về điêu khắc dân gian, nhất là các biểu tượng quen thuộc nơi đình, chùa, đền, như: Con rồng, con nghê… Đầu năm 2018, cuốn sách “Phác họa Nghê – gã linh vật bên rìa” của nhóm tác giả Trần Hậu Yên Thế (chủ biên), Nguyễn Đức Hòa, Hồ Hữu Long ra mắt và nhận được sự chào đón nồng nhiệt của độc giả. Năm 2022, Trần Hậu Yên Thế tiếp tục cho ra đời cuốn sách “Nghê Việt tinh tuyển” tạo được tiếng vang lớn trong cộng đồng.

Không chỉ dừng lại ở đó, năm 2021, anh cùng Nhà xuất bản Mỹ thuật phối hợp phát hành cuốn sách “Đi tìm khuôn mặt La Hầu” – công trình nghiên cứu về dạng thức, vị trí và nghệ thuật Đồ án La Hầu trong trang trí kiến trúc, đặc biệt là kiến trúc cổ dân tộc.

Với cảm nhận từ tuổi thơ về gương mặt La Hầu trong các đình chùa, Trần Hậu Yên Thế đã theo đuổi nghiên cứu về hình tượng này. Anh chia sẻ: “La Hầu là gương mặt hung dữ bậc nhất trong mỹ thuật Việt mà ông đã từng nhìn thấy ở chùa Hưng Ký thuở ấu thơ.” Thực sự đó là khuôn mặt lớn nhất trong các khuôn mặt ác quỷ ở đình chùa, đền miếu của người Việt. Khuôn mặt ấy vẫn thường được gọi là hổ phù, là long hàm thọ.

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.

NO COMMENTS

Leave a Reply