Kẻ lữ hành kỳ dị hay là câu chuyện về những dự...

Kẻ lữ hành kỳ dị hay là câu chuyện về những dự án bị từ chối

Đăng vào
0

logo_manzi

Khai mạc: 18:30, Thứ sáu 29/07/2022
Trưng bày: 11:00 – 19:00, Thứ ba – Chủ nhật, 30/07 – 21/08/2022
Manzi Exhibition Space
Số 2 ngõ Hàng Bún, Hà Nội

Thông tin từ Manzi:

Paul Valéry đã tuyên bố, trong một trích dẫn nổi tiếng dù ít nhiều khoa trương, thế này: “Phàm là thứ gì mà được chấp nhận bởi số đông quần chúng, được đón nhận ở hầu khắp mọi chốn, thì gần như chắc chắn chúng chỉ là đồ dỏm, là trò giả, những thứ rởm đời mà thôi.”

Và chúng ta đều nghĩ, chắc chắn luôn tồn tại một vài nghĩa lý/ sự thật nào đó trong những điều đã không được chấp nhận? Nếu đúng là như vậy thì ta có nên chăng nhìn lại, ngẫm thêm về (thay vì bỏ xó) những thứ bị chối từ?

Xuất phát từ băn khoăn có chút ngẫu nhiên trên, lại đang trong những ngày dong dài của một mùa hè chưa biết đâu là kết thúc, manzi quyết định chủ trì một cuộc đổ bộ lạ lùng của kiến trúc tại phòng triển lãm của chúng tôi tháng 7 và 8 này, thân mời các bạn tới chơi: Kẻ lữ hành kỳ dị hay là câu chuyện về những dự án bị từ chối – một trưng bày kiến trúc của KTS. Nguyễn Hà & các cộng sự arb architects.

#1. CÂU CHUYỆN NÀY CÓ CÁI GÌ? TỪ ĐÂU MÀ RA?

24 mô hình
24 đồ án thiết kế
của kiến trúc sư Nguyễn Hà và các cộng sự tại arb architects
24 đề bài (từ khách hàng/chủ đầu tư) – 24 đáp án (từ kiến trúc sư)
24 giải pháp đã lên hình lên dáng
24 lần hủy bỏ/ bị từ chối/thỏa hiệp bất thành
bởi 24 lý do khác nhau
24 công trình không được thi công
Nhưng bởi thế mà đồng thời là:
24 ý tưởng nguyên bản,
24 thử nghiệm thuần túy,
chưa hề bị tác động bởi những cò kè thêm bớt, những yêu cầu nhượng bộ, sửa đổi từ một chủ thể nào khác ngoài người kiến trúc sư đã nghĩ ra chúng.

#2. NÚT THẮT CÂU CHUYỆN Ở ĐÂU?

Aldo Rossi (1931 – 1977), kiến trúc sư người Ý đầu tiên được nhận giải thưởng Pritzker trong tác phẩm lý thuyết nổi tiếng của mình “Một tự truyện khoa học” (A Scientific Autobiography – 1981) đã thốt lên rằng: “Điều làm tôi ngây ngất ngạc nhiên bậc nhất ở kiến trúc ấy là: một dự án kiến trúc, ngoài có một hiện diện trong đời sống tự thân của nó ở thực thể một công trình được xây dựng & sử dụng, nó còn có một tồn tại khác, một cái đời sống riêng – trong hiện trạng được mô tả, được vẽ ra.”

Còn nếu một trong hai cái dạng tồn tại này bị rút đi như trong câu chuyện của chúng ta thì sao – khi mà đồ án không được khởi công và hoàn thiện, không thể đi đến một tồn tại vật lý toàn vẹn cuối cùng; vậy thì hiện diện của kiến trúc mà ta có được, sự cô đọng trong mô hìn với tỉ lệ 1/100 liệu có dịch chuyển đi chút nào?

Và còn những tinh tế vốn có của kiến trúc: nhịp thở của ánh sáng và bóng tối, sự khơi gợi của hình khối, sự rung động của không gian, sức mạnh biểu cảm tự nhiên của vật liệu,… ta sẽ nắm bắt ở đâu? Đây có thể coi một cuộc khảo nghiệm, chất vấn sự hiện diện khác của kiến trúc, song song với đó là những khai mở về hấp lực của “điều không hoàn thành”. Như chia sẻ của Louis Kahn (1901 – 1973), bậc thầy người Mỹ có tầm ảnh hưởng nhất trong kiến trúc thế kỷ XX khi nói về những bản vẽ không được triển khai của mình: “thường thì những thứ mà ta không thể đẩy chúng đến bước thành hiện thực, chúng có sức nặng lớn hơn nhiều ở chính trong cái giai đoạn không-trở-thành này so với khi chúng thật sự được xây nên. Sự thuần khiết nằm trong điều không hoàn chỉnh.” (Một tự thuật bằng lời, cuộc trò chuyện với Jaime Mehta, 22 tháng 10, 1973)

#3. TẠI SAO CÂU CHUYỆN CỦA KIẾN TRÚC LẠI ĐƯỢC KỂ Ở MANZI?

Trong tập tiểu luận gây tranh cãi xuất bản cách đây một trăm năm (On Architecture, 1910) Adolf Loos (1870 – 1933) đã tuyên bố kiến trúc “không phải là một loại hình nghệ thuật”. Vị kiến trúc sư nổi tiếng người Áo đã lập luận như sau: “Một tòa nhà khi đã được xây nên phải thỏa mãn tất cả mọi người sống trong đó, không giống như một tác phẩm nghệ thuật, ta không thể đòi hỏi nó phải thỏa mãn bất cứ ai. Một tác phẩm là vấn đề riêng của một mình nghệ sĩ tạo ra nó thôi, nhưng một tòa nhà thì không thế. Một tác phẩm nghệ thuật được tạo ra mà không cần thế giới phải có nhu cầu hay đòi hỏi sự hiện diện của nó, nhưng một tòa nhà được xây dựng xuất phát từ nhu cầu và đòi hỏi nhất định. Một tác phẩm không ràng buộc trách nhiệm với bất kỳ ai, một tòa nhà mang trách nhiệm với tất cả. Tác phẩm nghệ thuật có sức mạnh hẳn khiến ta bồn chồn, tòa nhà hiệu quả nhất lại vỗ về ta được thoải mái.. Con người sẽ yêu bất kỳ thứ gì dỗ dành cảm giác an lạc, tiện nghi. Con người hẳn ghét bỏ những gì gây hấn, quấy rối người ra khỏi vùng thiết lập an toàn. Con người chúng ta, vì vậy, yêu những tòa nhà và ghét nghệ thuật.” Đến cuối cùng, Loos đi đến một kết luận mà theo ông là không thể tránh khỏi: “Tất cả những thứ nhằm phục vụ một mục tiêu thực dụng thì đều phải loại bỏ khỏi phạm vi nghệ thuật.”

Tất nhiên là cho đến giờ không một kiến trúc sư hiện đại nào tin vào nguyên tắc phản nghệ thuật này của Loos nữa, nhưng sức nặng của tuyên bố này vẫn luôn hiện diện, đâu chỉ trong mỗi ngành thiết kế kiến trúc mà trong mọi ngành thiết kế sáng tạo.

Sự xuất hiện của “Những dự án bị từ chối” trong không gian triển lãm của manzi mang đến một phép thử, một sự nghịch chơi với những đối tượng sáng tạo – những hành vi sáng tạo – những không gian bao chứa sáng tạo; mở ra mọi khả năng cho những giao cắt, trùng lập, vượt thoát khỏi các giới hạn, định nghĩa thông thường giữa:
Kiến trúc sư – Người nghệ sĩ
Không gian kiến trúc – Phòng triển lãm
Mô hình đồ án – Tác phẩm nghệ thuật

* Sự kiện thuộc chương trình nghệ thuật của manzi được bảo trợ bởi Viện Goethe Hà Nội

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.

logo_manzi
Manzi Art Space
14 Phan Huy Ích, Hà Nội
Manzi Exhibition Space
02 Ngõ Hàng Bún, Hà Nội
ĐT: (024) 3716 3397