Open Call: Dự án sân khấu thể nghiệm Now – Here – After
Thời hạn đăng ký: 03/08/2022
Thông tin từ ban tổ chức:
Now – Here – After (Bây giờ – Ở đây – Mai sau này) là dự án sân khấu thể nghiệm do nghệ sĩ trình diễn/video Trần Minh khởi xướng, dự kiến thực hiện phần tìm tòi, sáng tạo trong 6 tuần từ đầu tháng 8 – giữa tháng 9/22 tại Hội An. Dự án được sự hỗ trợ truyền thông và sản xuất từ TheaFter, mô hình thử nghiệm về sân khấu bất định của CAB Hoian và hỗ trợ sản xuất, không gian và phục trang từ Avana Vietnam
Dự án Now – Here – After tìm kiếm 3 diễn viên nữ độ tuổi từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt quốc tịch, nói được tiếng Việt hoặc tiếng Anh, đang làm việc, sinh sống tại Hội An hoặc có thể ở Hội An trong thời gian thực hiện dự án từ 8/8 – 21/9/22. Ưu tiên những người không hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực biểu diễn nhưng yêu thích nghệ thuật, mong muốn và sẵn sàng trải nghiệm các hình thức “chơi”, thể nghiệm và sân khấu mới, cam kết tham gia theo đúng lịch dự án. Dự án phi lợi nhuận nên người tham gia không có thù lao nhưng sẽ có cơ hội học hỏi và trải nghiệm nhiều cách thức khám phá bản thân và tư duy mới, cảm nhận và sáng tạo nghệ thuật, đồng sáng tạo nên một tác phẩm sân khấu khác lạ, mở rộng các mối liên kết trong văn hoá, nghệ thuật tại Hội An nói riêng, Việt Nam cũng như quốc tế nói chung.
Cách thức đăng ký và lịch casting, làm việc:
– Đăng ký theo mẫu
– Thời hạn đăng ký: đến hết ngày 03/08/2022
– Thông báo danh sách casting: từ ngày 04 – 06/08/2022
– Casting trực tiếp tại kịch trường (địa điểm tập luyện và ghi hình dự án): 08/08/2022
– Thông báo kết quả đến ứng viên: 09/08/2022
– Tìm tòi sáng tạo/làm việc: 10/08 – 21/09/2022 (Thời gian sẽ được sắp xếp linh hoạt, dựa theo lịch của diễn viên, không gian và ekip).
– Địa điểm casting và làm việc: Avana House, Bến đò Duy Hải, Cửa Đại, Hội An
Về Dự án “Now- Here – After”
“Now – Here – After” là dự án nhóm đầu tay do nghệ sĩ trình diễn/video art Trần Minh khởi xướng và đóng vai trò biên đạo, trong đó có 3 diễn viên và một nghệ sĩ thiết kế âm thanh cùng làm việc tạo ra nhiều tầng lớp ý nghĩa, các chiều Không-Thời gian khác nhau có tính đồng hiện gây ấn tượng về thị giác/thính giác trong một bản thể sân khấu giả định.
Dự án làm việc với các tính năng của thiết bị camera an ninh và không gian tại một xưởng thiết kế thời trang, với những đồ vật, thiết bị có sẵn trong không gian được sắp xếp tạo thành một kịch trường với nhiều cấu trúc thử nghiệm khác nhau. Diễn viên bước vào không gian và chơi, suy nghĩ về không gian, cùng tìm kiếm một ngôn ngữ biểu đạt của riêng mỗi người như chuyển động, trình diễn, âm thanh, sắp đặt… hoặc là trạng thái chơi giữa diễn viên và Không – Thời gian (kịch trường). Không có câu chuyện hay một sự kiện cố ý nào được sắp đặt trước, hoàn toàn là sự ngẫu nhiên của cảm tính, trực cảm về Không – Thời gian đang hiện hữu trong khung hình. Tác phẩm cuối cùng của dự án là kết quả chắt lọc quá trình tìm tòi và sáng tạo các cấu trúc phiên bản sân khấu khác nhau (đầu tháng 8-giữa tháng 9/22), được biên tập và dàn dựng chọn lọc thành một phiên bản sân khấu cuối cùng dưới dạng kịch chiếu (Theater of image), (10 -11/2022), được trình chiếu dự kiến vào tháng 5/2023 tại Hội An và Hà Nội.
Dự án được sự hỗ trợ truyền thông và sản xuất từ TheaFter, mô hình thử nghiệm về sân khấu bất định của CAB Hoian và hỗ trợ sản xuất, không gian và phục trang từ Avana Vietnam.
Trần Minh
Trần Minh (sinh năm 1992 tại Hà Nội, hiện sinh sống tại Hội An) là nghệ sĩ trình diễn, video art. Năm 2018, Minh tốt nghiệp trường múa Việt Nam và bắt đầu sự nghiệp tại Nhà hát nhạc giao hưởng vũ kịch Việt Nam (VNOB). Từ năm 2019 anh bắt đầu thực hành cá nhân tập trung vào việc khám phá các chuyển động thuận tự nhiên, trình diễn, thực hành đa phương tiện – Video/Hình ảnh chuyển động và tìm kiếm một thực hành tập trung vào việc thử nghiệm các khả năng công nghệ mới cũng như các cấu trúc sân khấu. Các dự án của Minh hướng đến sự hòa nhập tâm trí, thể xác, bản ngã và sự thật như “Tôi là cái tôi là” (2020), “Tờ Mờ” (2022) “’She’’(2022). Bên cạch đó Minh còn tham gia các dự án của các nghệ sĩ, các workshop, lưu trú sáng tác, triển lãm cá nhân/nhóm, với các tổ chức như Quỹ Famlab – Hội Đồng Anh, VNOB, Á Space, Viện Goethe, CAB Hoian…
“Tờ mờ” là dự án mở xưởng cá nhân đầu tiên của Minh tại CAB Hoian đầu năm 2002. Dự án sân khấu phi lý đầu tiên của TheaFter, “họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn” là lần thứ hai Minh cộng tác với CAB với vai trò là diễn viên, vừa là đồng sáng tạo. Dự án Now- Here – After do Minh khởi xướng là dự án thứ 3 anh cộng tác với CAB Hoian, cũng là dự án sân khấu thứ 2 TheaFter hỗ trợ sản xuất.
TheaFter là mô hình thử nghiệm về sân khấu bất định của CAB Hoian và Chinh Ba. Tự bản thân nó là một phản đề trước sự bất lực trong việc thuê mướn và vận hành một không gian vật lý tại địa phương, cũng là một nỗ lực tìm những phương thức mới cho các hình thức sân khấu bước tiếp trong muôn vàn câu hỏi về tương lai của nó.
TheaFter (Sân khấu thế hệ F của sau này) đặt ra các chất vấn về tính biểu hiện và tính ước lệ nhằm thay đổi các phương thức nhận thức và hình thành những mối quan hệ mới hơn, tích cực hơn giữa con người với con người, con người với không gian, không gian với tính phi vật lý, với khán giả, với thiết bị hoặc không gì cả.
Dự án kêu gọi nguồn mở những người ham thích thực hành thể nghiệm sân khấu, kịch, trình diễn, chữ viết… hoặc đơn giản là thực hành sống cùng nhau sáng tạo và phá vỡ các ranh giới giữa chuyên nghiệp và không chuyên.
Vở kịch phi lý “họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn” là dự án đầu tiên của TheaFter, ra mắt tại Hội An ngày 1.5.2022.
CAB Hoian
CAB Hoian (culture&arts base Cab Hoian), do Chinh Ba sáng lập tháng 6/2019, là không gian nghệ thuật hướng đến các thể nghiệm mới mẻ trong thực hành, và tương tác sinh học đa dạng các thực hành với công chúng Hội An. Qua 3 năm hoạt động, CAB đã tạo nên và phối hợp tổ chức 2 tuần nghệ thuật, 1 liên hoan nghệ thuật CABCON 2020, 1 liên hoan phim Đức, 1 Liên hoan phim Châu Âu, 1 chương trình Nghệ thuật vì môi trường, tài trợ 9 chương trình lưu trú nghệ sỹ về đa dạng lĩnh vực như múa, trình diễn, âm nhạc, phim, nhiếp ảnh, mỹ thuật…, cũng như các hoạt động văn hoá, nghệ thuật thường xuyên kết nối văn hoá địa phương với các nghệ sỹ ở các thành phố khác, nhằm dần xây dựng và phát triển cộng đồng thưởng thức và thực hành văn hoá nghệ thuật tại Hội An.
Avava Việt Nam là một thương hiệu thời trang do nhà thiết kế Avana người Bỉ sáng lập, có xưởng thiết kế, cửa hàng tại Hội An và mạng lưới cửa hàng phân phối tại Quảng Nam, Huế, Tp. Hồ Chí Minh. Avana tập trung vào những thiết kế mang tính toàn cầu được sản xuất tại địa phương và lấy cảm hứng từ những nghệ nhân tài năng. Các sản phẩm của Avana đều được làm thủ công và mang tính độc bản, mang đến trải nghiệm sở hữu sản phẩm duy nhất. Các thiết kế của Avana mang tính phi giới tính, phi kích cỡ và được sản xuất theo một quy trình không rác thải.
Avana Art Residence, là không gian cho các hoạt động lưu trú, nghệ thuật, workshop do Avava Việt Nam tổ chức, hỗ trợ tại Hội An như nhóm thực hành chuyển động Movement Choir của Cab Read, Dự án sân khấu thể nghiệm Now- Here – After của Trần Minh (5-9/2022), Tour trình diễn âm nhạc Rec Tour (7/2022)…