Giới thiệu: Dự án VIỆT NAM CỦA TÔI và chiến dịch gây...

Giới thiệu: Dự án VIỆT NAM CỦA TÔI và chiến dịch gây quỹ cộng đồng

logo_Goethe

19:00, Thứ sáu 05/08/2022
Viện Goethe
56-58-60 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội
Link Zoom

Thông tin từ Viện Goethe:

Bốn nhà văn người Việt thế hệ thứ hai từ Séc, Đức, Pháp, và Mỹ, cùng với năm tác giả trẻ từ miền Bắc và Nam Việt Nam viết vở kịch dài năm phút về chủ đề Việt nam có ý nghĩa gì với họ. Mỗi vở kịch được viết dựa trên trải nghiệm cá nhân và những câu hỏi về căn cước văn hóa.

Mỗi vở kịch sẽ được diễn ở không gian sân khấu phi truyền thống và ghi hình lại rồi biên tập thành các phim sân khấu. Từ các vở kịch được dựng và ghi hình theo ngôn ngữ chính của các tác giả, mỗi bộ phim sẽ được gắn phụ đề tiếng Anh, tiếng Đức, và tiếng Việt và được đăng tải trên một trang dành riêng cho dự án này của Viện Goethe. Bằng cách này sẽ tạo ra nền tảng cho một đối thoại văn hóa quan trọng xuyên biên giới.

Buổi Giới thiệu mang đến cho khán giả quan tâm cơ hội tìm hiểu nội dung của 05 kịch bản phim ngắn và các tác giả trẻ tài năng của Việt Nam Của Tôi năm 2022. Ngoài ra, cũng sẽ có phần cung cấp thông tin về chiến dịch Gây quỹ cộng đồng của chúng tôi bắt đầu từ Tháng 8 năm 2022, nơi bạn có thể đóng góp và trở thành một phần của dự án với nhiều phần quà ghi nhận ý nghĩa từ Ban Tổ chức.

Ngôn ngữ: tiếng Việt & tiếng Anh

Nội dung tóm tắt năm vở kịch:

“Mộng Tam Sinh” của Maik Cây (Nguyễn Phương Anh)

Một ni cô già hồi cố những tiền kiếp – kiếp của huyền sử và thực tại, kiếp của hư cấu và phi hư cấu, kiếp của cổ đại và hiện đại – trong dòng suy tư về thân phận bất toại, khốn cùng, luyến ái, và giác ngộ của người Việt nữ.

Maik Cây (Nguyễn Phương Anh) (*1988) là một người viết và một nhà làm phim độc lập, một thành viên của tổ hợp sáng tác Tiếng-Thét, một người đi tìm những khả thể để hoặc dốc ngược thế giới, hoặc lộn trái bóng tối, hoặc kéo một chiếc thuyền qua núi, hiện đang sống tại Hà Nội. Tiểu thuyết ngắn “Wittgenstein của thiên đường đen” của cô đoạt giải Nhì cuộc thi “Văn học Tuổi 20 Lần 6” do Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Trẻ và Báo Tuổi trẻ cùng tổ chức (không có giải Nhất) vào năm 2018.

“Coca, rau muống, tỏi” của Đỗ Văn Hoàng

Trong chuyến đi đến Đức để dự triển lãm Documenta với đầy những nghi ngờ, sợ hãi mệt mỏi, người đàn ông trung niên ngẫm lại cái ngày hồi những năm 1990 khi còn là một cậu bé lần đầu tiên từ trại tị nạn ra với thế giới tự do ở Hong Kong để mua rau.

Đỗ Văn Hoàng (*1987) là nhà làm phim và người viết. Anh tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, chuyên ngành viết kịch bản vào năm 2011. Kể từ đó anh làm đạo diễn/người viết và sáng tạo ra một số tác phẩm, bao gồm truyện ngắn/phim tài liệu, video art, phim truyền hình, và video âm nhạc. Phim của anh được trình chiếu Hanoi Docfest, Yamagata Film Festival, Centre Pompidou, Times Museum – Quảng Đông, và Documenta 15.

“Nhà hàng Việt Nam” của Lê Khải Việt

Cặp nam nữ trẻ làm nhà hàng để dành tiền mở nhà hàng. Trong khi chờ đủ tiền họ suy nghĩ về nhà hàng và những phức tạp đa văn hoá liên quan đến số phận gia đình, đất nước.

Lê Khải Việt (*1983) là một cây viết có một tuyển tập truyện ngắn đã được xuất bản và nhiều bài điểm sách trên các tạp chí. Anh cũng dạy ngành luật kinh doanh tại Đại học Công nghệ Sài Gòn trong chương trình liên kết với Đại học Troy (Alabama). Công việc chính của anh là làm trưởng phòng bản quyền tại công ty sách Phương Nam.

“Căn phòng” của Vũ Ánh Dương

Một cô gái trẻ quay lại căn nhà cũ, nơi mình đã sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn và gặp người chủ cũ, người chạy khỏi Việt Nam sau năm 1975 và trở thành người Mỹ gốc Việt, giờ đây anh sống ở Việt Nam và lại là chủ mới của căn nhà. Họ cùng chia sẻ những ký ức về căn nhà này giữa những thăng trầm trong lịch sử Việt Nam.

Vũ Ánh Dương (*1985) là người viết kịch bản phim, nhà phê bình phim, và giảng viên ngành Truyền thông và Điện ảnh ở nhiều trường đại học như Hutech, Hoa Sen, FPT. Anh cũng là giám khảo ở nhiều liên hoan phim và là admin của trang chuyên về điện ảnh trên Facebook tên là Vivacinema.

“Thế mà cũng là nhà thơ?” của ChuKim (Nguyễn Anh Tuấn)

Cuộc chuyện trò giữa nhà thơ trẻ cách tân, người không còn gắn bó gì với nơi mình sinh ra, và hai nhà thơ nghiệp dư truyền thống thuộc câu lạc thơ tổ hưu bộc lộ mâu thuẫn trong quan điểm của họ về việc thế nào là một nhà thơ Việt Nam và tình yêu quê hương bản quán có nhất thiết phải có khi viết thơ.

ChuKim (Nguyễn Anh Tuấn) (*1988) là người viết truyện ngắn và thơ. Anh cũng là một chuyên gia về truyện tranh Việt Nam và kiếm sống bằng nghề kiến trúc sư.

Ủng hộ dự án Việt Nam của tôi bằng cách nào:

Dự án “Việt Nam của tôi” hiện cần sự hỗ trợ tài chính để thực hiện việc dàn dựng và quay phim năm vở kịch của các tác giả Việt Nam. Bạn có thể đóng góp và trở thành một phần của dự án thông qua nền tảng Crowdify tại đây

Về đơn vị tổ chức:

VIỆN GOETHE

Viện Goethe là một tổ chức văn hoá của Cộng hoà liên bang Đức, hoạt động trên phạm vi toàn thế giới. Chúng tôi hỗ trợ việc phổ cập tiếng Đức ở nước ngoài và thúc đẩy sự hợp tác quốc tế về văn hoá.

ZZZ REVIEW

Zzz Review là một tạp chí văn học, hoạt động độc lập, trực tuyến, phi lợi nhuận bằng tiếng Việt. Với số đầu tiên ra mắt vào tháng 7 năm 2018, trong vòng bốn năm, Zzz Review đã xây dựng được một vị trí vững vàng trong lòng độc giả, đem đến cho người đọc Việt một cái nhìn đa chiều, hiện đại, có kiến thức nền tảng, về văn học trong và ngoài nước.

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.

logo_Goethe
Viện Goethe Hà Nội
56-58-60 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội
Tel.: +84 24 3734 2251
Fax: +84 24 3734 2254
[email protected]
website

NO COMMENTS

Leave a Reply