Trưng bày chuyên đề “Những tác phẩm mỹ thuật trong sưu tập...

Trưng bày chuyên đề “Những tác phẩm mỹ thuật trong sưu tập của bảo tàng”

Đăng vào
0

16 – 30/09/2022
Toà Nhà 2, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh
97A Phó Đức Chính, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP HCM

Thông tin từ ban tổ chức:

Dấu ấn mỗi thời đại luôn hiện hữu qua các di vật vượt thời gian tồn tại đến hôm nay. Từ tác phẩm điêu khắc cổ xưa mang màu sắc tôn giáo, tín ngưỡng của nền văn hóa Chăm Pa, Óc Eo…, hay những sáng tạo mỹ thuật mang hơi thở hiện đại đều có giá trị phản ánh các quan niệm thẩm mỹ, các biến cố chính trị – xã hội của quốc gia. Các bảo tàng có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa, nghệ thuật cổ, kim đó bằng hiện vật. Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh từ những ngày đầu thành lập đã thực hiện vai trò, nhiệm vụ của một định chế văn hóa là sưu tầm và bảo quản. Từ năm 1987 đến năm 2022, Bảo tàng đã xây dựng nhiều sưu tập hiện vật có niên đại từ thế kỷ IV công nguyên đến thế kỷ XXI và được chia thành hai phần: mỹ thuật cổ – cận đại và mỹ thuật hiện đại. Để từng hiện vật trong các sưu tập phát huy hết những giá trị vốn có, ngoài trưng bày cố định, Bảo tàng còn có kế hoạch tổ chức trưng bày chuyên đề hàng năm.

Nhân kỷ niệm 35 năm thành lập (1987-2022), Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện trưng bày chuyên đề đặc biệt nhằm giới thiệu đến công chúng môt phần di sản mà Bảo tàng đang lưu giữ. Trong “Trưng bày chuyên đề kỷ niệm 35 năm thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (1987 – 2022), Bảo tàng đã lựa chọn 152 hiện vật gồm cả mỹ thuật cổ và mỹ thuật hiện đại.

Đối với hiện vật mỹ thuật cổ: Bảo tàng Mỹ thuật trích từ Sưu tập gốm cổ Việt Nam 49 hiện vật, giới thiệu đến công chúng các hiện vật phong phú hình thức và đa dạng màu men, kiểu thức hoa văn từ thế kỷ XII đến đầu thế kỷ XX, gồm loại hình gốm gia dụng (như bình rượu, bình vôi, bình trà…), loại hình gốm được tạo tác phục vụ nhu cầu tín ngưỡng (như lư hương, bát nhang,….. ) và loại hình gồm dùng để trang trí (như tượng nghê). Đó không chỉ là những loại gốm men đơn sắc mộc mạc, trang trí hoa văn giản đơn nhưng tạo hình ấn tượng mà còn bao hàm cả gốm men đa sắc trang trí hoa văn tinh tế, ý nhị mang tính biểu tượng như Long, Lân, Qui, Phụng hoặc những đề tài như Liên áp, Long ẩn vân, Tùng hạc, Lã Vọng câu cá,… truyền tải nhiều ý nghĩa nhân văn. Tất cả đều là biểu vật văn hóa Việt Nam, là sức sống nghệ thuật gốm sứ qua nhiều thời kỳ.

Đối với hiện vật mỹ thuật hiện đại: Bên cạnh 6 tác phẩm điêu khắc chất liệu gốm, đồng, gỗ, Bảo tàng còn trưng bày 73 tác phẩm hội họa chất liệu sơn dầu, sơn mài, màu nước… và 24 ký họa, phác thảo được sáng tác từ năm 1939 đến năm 2021. Di sản văn hóa, nghệ thuật không chỉ hàm chứa những giá trị thuộc về lịch sử mà còn hiển hiện những giá trị có yếu tố định hướng tương lai. Chính vì vậy trong trưng bày có tác phẩm của những nghệ sĩ đã khẳng định tên tuổi trong lĩnh vực mỹ thuật như Lê Thị Kim Bạch (Hoa tàn trên ghế tre), Lưu Công Nhân (Tranh vẽ hoa Lys), Lê Bá Đảng (Không gian), Trương Hán Minh (Thu sắc)…, đến các tác phẩm của những nghệ sĩ trẻ sẵn sàng thử thách những đề tài, chất liệu, phong cách sáng tác mới, táo bạo, góp phần làm đa dạng, đa chiều cho hoạt động mỹ thuật Việt Nam như Mạc Hoàng Thượng (Vươn tới mặt trời), Bùi Duy Khánh (Bến bình yên ), Lâm Chí Trung (Trị An mùa khô)…

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.

NO COMMENTS

Leave a Reply