Tháng Thực hành Nghệ thuật 2022
03/10 – 15/12/2022
Hà Nội, Việt Nam & Online
Thông tin từ ban tổ chức:
Tháng thực hành Nghệ thuật (MAP) là một dự án thường niên của Heritage Space được vận hành từ 2015, nhằm mục đích tạo ra một nền tảng thực hành, thể nghiệm và trao đổi về nghệ thuật đương đại như một Phòng thí nghiệm Nghệ thuật mở. Mỗi năm, MAP đặt ra một chủ đề làm việc chuyên biệt, mời sự tham gia của các nghệ sĩ quốc tế sang Hà Nội thực hành và trao đổi với các nghệ sĩ trẻ tài năng Việt Nam.
Tháng thực hành Nghệ thuật 2022 – phiên bản MAP mùa thứ tám tiếp nối với chủ đề CHIẾN TRANH. Thông qua thảo luận và thực hành nghệ thuật trong thời gian lưu trú tại Việt Nam từ tháng 10 đến tháng 12, các nghệ sĩ cùng suy tư, trao đổi và trình bày dự cảm của họ về những cuộc chiến trong quá khứ và thực tại, về những uẩn khúc chưa biết tới, những sự thật chưa được gọi tên, về tương lai bất định trong một thế giới đầy biến động. Kết quả của quá trình làm việc sẽ được trình hiện tới công chúng thông qua các buổi Trao đổi nghệ thuật mở và đặc biệt là trong Triển lãm nghệ thuật của MAP 2022 vào cuối tháng 11 tại Hà Nội.
Tháng thực hành Nghệ thuật 2022 có sự tham gia của 10 nghệ sĩ đến từ Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam: Oscar Lebeck, Miho Shimizu, Bae Byung Wook, Ryusuke Ito, Sodam Lim, Nguyễn Minh Hoàng, Mi Fa, Jo Ngô & Lê Minh Châu và Lê Tú Anh. Cùng sự đóng góp, cố vấn thông qua các bài giảng, trao đổi từ các chuyên gia: giám tuyển Haruka Iharada (居原田遥), Tiến sĩ-Nhà nghiên cứu nghệ thuật Pamela Nguyen Corey, giám tuyển Gahee Park, Giáo sư-Nhà nghiên cứu Nora Annesley Taylor và nghệ sĩ khách mời Lê Nguyễn Duy Phương.
Tháng thực hành Nghệ thuật 2022 do Heritage Space tổ chức với sự bảo trợ của Trung tâm giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam, Quỹ giao lưu Quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation), cùng sự hỗ trợ từ Á Space, Matca, Trung tâm Bảo trợ và Phát triển Nghệ thuật APD, Nhà Sàn Collective, viện Goethe, A sông, TÁCH space và đồng hành của Hanoi Grapevine, Artplas và Art Republik Vietnam.
Thông tin chương trình:
30/10: Trò chuyện với Nghệ sĩ – “Mình nói gì khi nói về CHIẾN TRANH, buổi 1”
05/11: Trò chuyện với Nghệ sĩ – “Mình nói gì khi nói về CHIẾN TRANH, buổi 2”
12/11: Trò chuyện với Nghệ sĩ – “Mình nói gì khi nói về CHIẾN TRANH, buổi 3”
19.11: Trò chuyện với Nghệ sĩ – “Mình nói gì khi nói về CHIẾN TRANH, buổi 4”
27/11 – 17/12 (10:00 – 19:00 hàng ngày): PHÒNG ĐỢI, Triển lãm nghệ thuật đương đại MAP 2022.
03/12 – 17/12 (10:30 – 12:00 các ngày cuối tuần): Tour triển lãm “PHÒNG ĐỢI”
CHIẾN TRANH
Để nói về chiến tranh chỉ có nước mắt.
Henriqueta Lisboa
Nỗi ám ảnh lớn nhất của mỗi dân tộc có lẽ là chiến tranh. Ám ảnh này lớn đến mức để lịch sử loài người dường như được tiếp nối bởi chính các cuộc chiến, như một sự thật khó tin và buồn rầu.
Nỗi ám ảnh lớn nhất của mỗi dân tộc có lẽ cũng là nỗi sợ thảm họa chiến tranh, dù đang sống trong hòa bình và yên ổn. Thế giới loài người dường như là như thế, là luôn trong trạng thái bất an, trong một phòng đợi, cho một cái gì có thể tới mà không báo trước, và dĩ nhiên không chỉ là những thảm họa đến từ thiên nhiên.
Chiến tranh, gắn liền với số phận của mỗi quốc gia, với những quan hệ người giàu kẻ nghèo, với các màu da… Chiến tranh, gắn liền với những thao túng chính trị của một nhóm người nhưng đủ thế lực đưa toàn thể một dân tộc, nhiều dân tộc và nhân loại vào cảnh khói lửa. Chiến tranh, là những gì không chép được hết trong sách vở, là bi kịch của mỗi cá nhân nhỏ bé, là những góa phụ, những trẻ mồ côi, những người anh em bỏ mạng trong cùng một trận chiến. Con số nạn nhân chiến tranh chẳng bao giờ đếm nổi và hệ lụy của nó kéo dài không chỉ một đời người.
Từ bao đời nay, chiến tranh cũng là nỗi ám ảnh lớn trong nghệ thuật. Nghệ thuật tố cáo cảnh kinh hoàng của chiến tranh, tố cáo phần thú vật và bản năng khiến con người muốn tiêu diệt hàng xóm của mình. Nghệ thuật làm chứng cho những kẻ hiếu chiến đang tự hủy hoại bản thân. Nghệ thuật ao ước xây dựng một thế giới công bằng hơn, đòi hỏi quyền tự do của các dân tộc phải được tôn trọng. Nghệ thuật cũng lên án chiến tranh như công cụ của những kẻ đi tìm quyền lực, những kẻ hầu như không quan tâm đến tính mạng những ai đã hy sinh cho họ. Như vậy, đối tượng của nghệ thuật dường như là mặt trái đầy uẩn khúc của chiến tranh, là tiếng kêu phản chiến chứ không phải những lời ca ngợi chiến tranh là vinh quang, là vinh dự cho những ai được tham gia nó.
“Nạn nhân đầu tiên của chiến tranh là sự thật” (Rudyard Kipling). Sự thật này luôn bị che giấu phía sau những gì được dựng nên bởi cả những kẻ gây chiến và tham chiến, được mệnh danh là «sự thật», trong hàng năm dài, hàng thế kỷ, nếu như không mãi mãi.
Ngày hôm nay, chiến tranh ở mọi xó xỉnh nào trên thế giới đều có thể trở thành cuộc chiến chung của nhân loại toàn cầu, hơn bao giờ hết. Ngày hôm nay, chiến tranh có thể mang những hình hài khác, ở những lĩnh vực khác bên ngoài quân sự. Không chỉ còn trong ký ức, chiến tranh có thể sống lại bất cứ lúc nào, có thể xâm phạm vào cuộc sống và quyền lợi của tất cả những ai dù ở cách xa chiến tuyến. Cũng vậy, Việt Nam đã hòa bình từ 40 năm nhưng chiến tranh dường như chỉ mới chấm dứt ngày hôm qua, bởi vì hậu quả của nó quá đau đớn và cụ thể.
MAP 2022 mời các nghệ sĩ đến làm việc tại Hà Nội, nơi mà ký ức của chiến tranh chẳng bao giờ xóa nhòa. Họ sẽ biểu tỏ những suy nghĩ và dự cảm của họ về chiến tranh, về những cuộc chiến cụ thể thời hiện tại và quá khứ. Họ dĩ nhiên sẽ cần bày tỏ quan điểm cá nhân có thể ngược chiều với người khác. Họ sẽ cùng làm việc và trao đổi trong một không gian trưng bày, như thể họ đang ở trong một PHÒNG ĐỢI cho một thế giới bất an, cho một cuộc chiến nào đấy còn ở xa hoặc còn chưa xảy ra. PHÒNG ĐỢI do vậy cũng có thể là tên gọi của cuộc trưng bày kết quả làm việc của MAP 2022.
– Trần Trọng Vũ
* Ghi chú:
– «Para falar de guerra só existem lágrimas» (To talk about war there are only tears) viết bởi Henriqueta Lisboa.
– «The first casualty when war comes is truth», bởi Rudyard Kipling, nhưng cũng có ý kiến cho rằng đây là lời phát biểu của Hiram Johnson.