Home HanoiGrapevine Kể chuyện TỎA IV: Những đối thoại đương đại

TỎA IV: Những đối thoại đương đại

Đăng vào
0

Bài viết và ảnh bởi Nguyễn Tú Hằng cho Hanoi Grapevine
Ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

Tôi vẫn còn nhớ triển lãm TOẢ | The Foliage đầu tiên năm 2017 tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), quy tụ 18 nghệ sĩ trong nước và quốc tế. Một không gian gần 2000 mét vuông theo đúng nghĩa “white-cube” như các bảo tàng đương đại lớn trên thế giới, một chương trình được “curate” tỉ mỉ từ khai mạc, truyền thông tới các buổi art tour, trò chuyện nghệ thuật. TOẢ | The Foliage là một trong những dấu mốc về triển lãm nghệ thuật đương đại được đầu tư đúng mực và bài bản, nơi các nghệ sĩ được thể hiện tác phẩm theo đúng ý niệm, không gian và bối cảnh mình mong muốn. Có lẽ vì thế, những năm tiếp theo 2018, 2019, triển lãm TOẢ II, TOẢ III nối tiếp đều trở thành chủ đề bàn tán và là sự kiện được giới nghệ thuật cả nước mong ngóng và chờ đợi.

Nhưng phải sau 3 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch, triển lãm TOẢ IV mới quay trở lại vào năm 2022, với concept thiết kế và hình ảnh vẫn mang biểu tượng của cây Gốc, nhưng kết nối với nhau như những sợi mạch điện neon phát sáng làm tôi liên tưởng tới cây thần trên hành tinh Pandora trong bộ phim Avatar, hay những minh hoạ cho khung lý thuyết của mạng lưới thân rễ (“rhizome”) đang nổi lên trong giới khoa học tự nhiên trong vài năm trở lại đây. Triển lãm được giám tuyển bởi Đỗ Tường Linh – đồng giám tuyển ở TOẢ III – và giám tuyển quốc tế Abhijian Toto, xoay quanh chủ đề “Phương thức đối thoại với thiên nhiên”, mở ra chuỗi ý tưởng của các nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu trong việc thiết lập lại suy nghĩ về các mối quan hệ giữa đời sống thiên nhiên và thế giới con người.

Cũng giống như các triển lãm nghệ thuật đương đại trên thế giới khác, TOẢ IV đòi hỏi chúng ta đào sâu vào lớp bề mặt lịch sử ẩn dưới những tác phẩm hiện sinh. Bốn chủ đề tập trung về lịch sử, mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người, mối quan hệ không chiết xuất, và thế giới tương lai, nơi con người và thiên nhiên có thể hoà hợp vào nhau tạo thành những hình thức hiện hữu mới.

Tác phẩm “Giữa chừng không gian” của James Prosek

Bước vào không gian triển lãm, tôi bị choáng ngợp bởi bức tường “Giữa chừng không gian” của James Prosek – hoạ sĩ, nhà văn, nhà tự nhiên học người Mỹ. Giống hệt như những bức tranh đoán động vật của trẻ con nay được phóng lên hàng chục lần, các loài sinh vật biển chỉ còn được đánh số và bôi đen khiến ta phải hình dung ngược lại những điều được thấy trong sách đôi khi còn chưa nhìn tận mắt, nhưng những con số không dẫn ta đến đâu. Chống lại sự ám ảnh của việc “đặt tên” cũng như hệ thống phân loại tự nhiên kế thừa từ thế kỷ 19, tác phẩm của James kích thích trí tưởng tượng của chúng ta gần như ngay lập tức thông qua trải nghiệm nhìn thấy, và cho phép chúng ta tiếp cận lại thiên nhiên theo một cách khác, rũ bỏ hệ thống thông tin tiên quyết mặc định đầy thông số buồn tẻ như trước đây.

Tác phẩm 8100:1 của Trần Thảo Miên

Chính giữa không gian lớn là tác phẩm “8100:1” của Trần Thảo Miên, với điện thờ trắng muốt gần như trong suốt và dòng chữ “Step in to offer yourself | Bước vào để tế thân”. Ngước nhìn lên trên để thấy những cành khô, xương lá điểm xuyết giăng trên mái thờ, hệt như thần linh, tổ tiên luôn ở vị trí phía trên chúng ta. Tác phẩm đặt ra một câu hỏi đơn giản nhưng trực diện: Tại sao chúng ta luôn chỉ lấy đi từ thiên nhiên và mong thiên nhiên bảo vệ, nhưng chúng ta khai thác thiên nhiên thì có đồng thời chữa lành thiên nhiên không? Tại sao chúng ta chết đi thì được thờ cúng, nhưng một người chặt cây và thay thế bằng cây mới lại có thể được chấp thuận dễ dàng? Trong tâm tưởng “vạn vật hữu linh” của người Việt, Trần Thảo Miên có thể đã lấy cảm hứng từ tục thờ rừng của các dân tộc miền núi phía Bắc như người Pu Péo ở Hà Giang, người H’Mông ở Lào Cai,…, thấm nhuần thế giới tâm linh và vật chất không thể tách rời, mỗi cây cỏ là một hiện sinh mà chúng ta cần trân quý. Đột nhiên, tôi nhận ra, việc bước vào tác phẩm và được tác phẩm để ngắm nhìn cho rõ, vô hình chung đã biến tôi thành “đồ tế”, dâng bản thân mình lên thiên nhiên. Một tác phẩm đòi hỏi sự tương tác để thấu hiểu ý niệm, rất thú vị.

Tác phẩm “Cú sốc nước muối” của Josie Rae Turnbull

Đi vào bên trái không gian chính có một phòng nhỏ biệt lập như một phòng thí nghiệm cho tác phẩm “Cú sốc nước muối” của Josie Rae Turnbull, nghệ sĩ người Anh. Tác phẩm kể về con sam chúng ta vẫn thuờng biết, và câu chuyện về ngành công nghiệp y sinh chạy bằng máu cua móng ngựa (sam) dùng để kiểm tra vắc-xin và các loại thiết bị y tế, đang làm tê liệt sinh lý học của loài, khiến dân số loài đang sụt giảm nghiêm trọng và có nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai. Câu hỏi đặt ra về sự cân bằng sinh thái, những quyết định vì lợi ích của loài người làm tôi không khỏi liên tưởng tới một hiện tượng khác về loài tằm không thể tự sống được nữa mà phụ thuộc hoàn toàn vào con người “cho sống và chăn nuôi” để lấy tơ. Với bối cảnh không gian được phủ bằng tấm phim cách nhiệt lấp lánh ánh bạc, các luồng điện đèn chạy ngang dọc ánh lên những xe đẩy y tế chở các thiết bị vô cảm với đâu đó hình ảnh cua móng ngựa, những dáng hình người trong bộ đồ bảo hộ khiến tôi không khỏi rùng mình nghĩ về mối quan hệ khai thác giữa con người với thiên nhiên.

Tác phẩm “Cánh đồng và rừng” của Pujita Guha

Tác phẩm “Cánh đồng và rừng” của nhà nghiên cứu Pujita Guha không gây ấn tượng mạnh về thị giác, nhưng lại được trình bày bằng nhiều khung hình đen trắng được in trên vải, có dòng chữ tiếng Anh bên dưới khiến người xem không khỏi liên tưởng tới những thước phim đang chạy phụ đề, nói về cộng đồng Akha ở miền Bắc Thái Lan và lịch sử đồn điền trồng cà phê của vùng. Trong nghiên cứu, cô đã định vị cách một vùng biến chuyển từ canh tác hoa anh túc thành cà phê, dưới sáng kiến của vua Rama IX của Thái Lan. Một phần dài của mạng lưới đồn điền này cung cấp á phiện cho vùng ‘Tam giác vàng’, trải dài qua biên giới Thái, Lào, Myanmar và phần lớn có cộng đồng bản địa cư ngụ, sau nằm dưới sự soi xét của vương triều Thái như một nỗ lực để xây dựng một nhà nước quốc gia hiện đại. Cách kể sử của Pujita cung cấp một cái nhìn khái quát về một phần lịch sử quan trọng, nhưng thường bị bỏ quên bởi vì không có bóng dáng con người.

Một trong những điều khiến tôi mừng rỡ là được nhìn thấy tận mắt tác phẩm của nghệ sĩ người Philippines Cian Dayrit và nghệ sĩ người Bồ Đào Nha Pedro Neves Marques, hai nghệ sĩ đương đại nổi bật với các tác phẩm về dân tộc bản địa và lịch sử hậu đế quốc – thực dân. Nếu như tác phẩm dệt cầu kỳ “Vùng đất” của Cian nói về lịch sử của cuộc kháng chiến của người nông dân ở Luzon, hòn đảo phía bắc của Philippines, và về các vấn đề lớn hơn của cuộc đấu tranh bản địa ở Đông Nam Á, thì bộ phim ngắn YWY, Android của Pedro Neves Marques xoay quanh cuộc trò chuyện giữa một người máy bản địa và một cây ngô biến đổi gen trong một trang trại ở Brazil. Thực tiễn của Neves Marques thường tập trung vào lịch sử lâu dài của chủ nghĩa đế quốc và tác động của nó đối với những hiểu biết về ‘tự nhiên’, nếu chúng ta còn nhớ về nguồn gốc của chất độc màu da cam tại Việt Nam chính được sản xuất bởi những công ty biến đổi gen ngô lớn nhất nước Mỹ. Câu chuyện ở những nơi rất xa xôi tưởng chừng như không liên quan tới Việt Nam lại gợi lên không ít phản tư không chỉ quan hệ giữa người với người, mà còn là mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên.

Tác phẩm “Kỉ niệm loài cây” của Rune Bosse

Cùng với các tác phẩm khác như Xuân Hạ với cuộc sống người Xu Đăng, Nguyễn Trà My với những người Việt Nam lao động nhập cư bên Đức, Đào Văn Hoàng với những chuyến đi “nằm rừng” thực địa, Rune Bosse với khảo sát các cây ở mỗi địa phương và đảo ngược quá trình bảo tồn, các tác phẩm nghệ thuật, tài liệu nghiên cứu ở triển lãm TOẢ IV được trình bày tạo thành một câu chuyện phi tuyến tính, làm sáng tỏ những dấu mốc thường bị bỏ qua, đưa chúng ta đến một không gian của cảm xúc, một không gian tồn tại khác với thế giới của con người.

NO COMMENTS

Leave a Reply