Bà Hoàng trên đá – Chân dung nữ quý tộc trên điêu khắc Hậu Phật thế kỷ 16 – 18 ở Việt Nam
16:00, Thứ bảy 03/12/2022
Không gian văn hóa Đình làng Việt
Phòng 107 nhà D4, Tập thể Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội
(tới 79 phố Đặng Văn Ngữ nhìn sang là Nhà D4)
Thông tin từ ban tổ chức:
Tọa đàm giới thiệu công trình nghiên cứu vừa được xuất bản của tác giả Vũ Thị Hằng, do Viện Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Dự án châu Âu Vietnamica, Viện Khảo cứu Cao cấp Pháp- EPHE, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản.
Khách mời buổi Tọa đàm:
– PGS. TS. Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Diễn giả:
– ThS Vũ Thị Hằng, Bảo tàng Mỹ thuật VN (tác giả sách).
Hậu Phật là thuật ngữ Phật giáo chỉ Phật xuất hiện đời sau, tức Vị Lai Phật Di Lặc Bồ Tát. Ở Việt Nam, Hậu Phật thường được hiểu là người có công với làng xã, cơ sở tôn giáo, được ghi nhận bằng hình thức khắc bia ghi công và được thờ phụ tại di tích.
Với những đóng góp to lớn, nhiều bà Hoàng, bà Chúa được tôn xưng như những vị Phật, Bồ Tát, được bầu làm Hậu Phật, được khắc bia, tạc tượng thờ. Nghệ thuật điêu khắc Hậu Phật trên đá đặc biệt phát triển vào giai đoạn thế kỷ 16 – 18 ở hai hình thức là tượng tròn và bia tạo tượng (bia tượng, phù điêu). Số lượng các tượng, bia tượng bà Hoàng, bà Chúa trong các ngôi chùa Việt là rất lớn. Phạm vi khảo sát trong cuốn sách mới chỉ dừng lại ở một số di tích, với những pho tượng, bia tượng điển hình. Tuy nhiên, tham vọng của người viết là làm rõ bối cảnh văn hóa xã hội tác động tới nghệ thuật điêu khắc Hậu Phật thế kỷ 16 – 18; cung cấp những thông tin cơ bản về thân thế nhân vật, khảo tả, đánh giá về nghệ thuật tạo tượng, bia tượng từng thời kỳ. Trên cơ sở xem xét một cách có hệ thống đặc điểm các tượng, bia tượng thể hiện chân dung nữ quý tộc trên điêu khắc Hậu Phật bằng đá thế kỷ 16 – 18, người viết đánh giá tiến trình phát triển của nghệ thuật tạc tượng chân dung nữ quý tộc ở giai đoạn này. Thân thế của các nhân vật được quan sát, nhìn nhận qua hệ thống: tư liệu văn bia, sử liệu và nghệ thuật tạo hình (hình khối, họa tiết trang trí, màu sắc, y phục). Một số nhận định, giả thuyết mới được đặt ra, xét lại về niên đại tạo tượng, thân thế nhân vật như trường hợp các Bà Hoàng thời Mạc, bà Hậu Bối Khê, bà Hậu Phổ Minh, bà Hậu Lý Quốc Sư…
Về tác giả Vũ Thị Hằng
Sinh năm 1986, tại Nam Định.
Cử nhân Lý luận, lịch sử và phê bình Mỹ thuật, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, năm 2013; Thạc sĩ Lý luận và Lịch sử mỹ thuật, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, năm 2016.
Hiện công tác tại phòng Nghiên cứu Sưu tầm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Lĩnh vực quan tâm nghiên cứu: Mỹ thuật Việt Nam giai đoạn thế kỷ 16 – 18.
Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.