Triển lãm tranh MỚ – Trò chuyện giữa curator Trần Lương và...

Triển lãm tranh MỚ – Trò chuyện giữa curator Trần Lương và nghệ sĩ Phạm Trần Việt Nam

Ghi và biên tập cho APD và Hanoi Grapevine: Hải An – Ngân Hạnh
Ảnh do APD cung cấp
Ghi rõ nguồn APD và Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

Diễn ra tại Trung tâm Bảo trợ và Phát triển Nghệ thuật APD từ ngày 14/04 đến ngày 14/08/2023, tranh MỚ đánh dấu bước chuyển mới trong tư duy và thực hành của hoạ sĩ Phạm Trần Việt Nam. Lần đầu tiên, các tác phẩm sáng tác sau Đại dịch Covid được giới thiệu đến công chúng Hà Nội. Đây là triển lãm cá nhân thứ hai của Phạm Trần Việt Nam do Trần Lương giám tuyển kể từ “Văn tế thập loại chúng sinh” năm 2017. Triển lãm ghi dấu kết quả của quá trình đồng hành hơn 15 năm, đối thoại và hợp tác bằng vai trò khác nhau, không chỉ thực hành nghệ thuật mà còn trong đời sống và trách nhiệm xã hội giữa nghệ sĩ và curator. Từ liên tục va chạm, gập ghềnh và đứt gãy đến trôi chảy, gắn kết và thấu hiểu. Hội thoại giữa hai người một ngày sau khai mạc triển lãm tiếp tục đào sâu những suy nghiệm về hành trình của MỚ, cùng những khả năng / chiều hướng thực hành trong tương lai.

Trần Lương (TL): Nguyên nhân sâu xa ban đầu, hay cảm xúc, động lực làm việc của anh đến từ trạng thái tâm lý không phải là tích cực. Nó xuất phát từ những giấc mơ, điều mà anh nói rất nhiều lần với tôi. Vấn đề của những giấc mơ xuất phát từ trạng thái / tâm lý / hoặc có thể nặng hơn là bệnh lý từ giai đoạn những năm 2010. Vậy những giấc mơ, hay sinh hoạt hàng ngày của anh có biến chuyển gì không?

Phạm Trần Việt Nam (PTVN): Giai đoạn đó tôi nghiên cứu nhiều về lịch sử và bị ám ảnh bởi những câu chuyện của chiến tranh, sự chết chóc. Ban ngày nhìn thấy những hình ảnh rồi những cơn ác mộng lập lòe đan xen vào từng giấc ngủ. Những ám ảnh này giống như tư liệu hay kho tàng để mình khai thác, chuyển hóa thành hình vẽ. Những điều diễn ra trong ác mộng, thực ra là sự thật mà mình đối diện mỗi ngày. Và bắt đầu lầm lũi, tôi cứ mon men đi theo nó, dẫn đến cách tìm đề tài, tìm được cái ảo trong giấc mơ, tìm cách tạo hình nửa thật nửa mơ.

TL: Vậy thời gian sau này (sau Covid) – giai đoạn sáng tác series tranh MỚ, thì tâm trạng, sức khỏe, cách ngủ, giấc mơ có khác biệt gì so với giai đoạn trước đây 10 năm?

PTVN: Đến hết dịch Covid tôi đã dừng vẽ gần bốn năm. Về lý trí, tôi đã quyết tâm bỏ vẽ. Nhưng trong thời gian 6-7 tháng dịch, có tín hiệu gì đó rất nhỏ ở bên trong nói với tôi mình phải làm việc lại. Đó là nhu cầu tự thân muốn ở trong một thế giới không phải chỉ có cơm áo gạo tiền. Bởi nghệ thuật đối với tôi như một cõi riêng, nơi mình tự đối thoại, đi sâu vào tâm hồn. Giai đoạn này, những ám ảnh, giấc ngủ và suy nghĩ của tôi đã mềm mại hơn, không còn hằn học như trước – có thể mình đã trưởng thành hơn. Sau bốn năm đi làm kiếm tiền, khi quay lại với nghệ thuật thì cách nhìn, đối thoại của mình với nó như một câu chuyện thân thuộc. Ở trong thế giới đó, tôi cảm thấy an toàn, tôi hòa nhập, chìm đắm vào những giấc mớ và thấy mọi thứ thấm vào người, hai thế giới đó là một.

Các tác phẩm trưng bày trong triển lãm tranh MỚ của nghệ sĩ Phạm Trần Việt Nam tại APD.

TL: ‘Cái gọi là vẽ’ đối với PTVN khá đặc biệt. Nó không giống với khái niệm hay thực hành sinh học sự vẽ của đa số hoạ sĩ. Với thực hành của Nam giai đoạn trước (2010 – 2015), ‘cái gọi là vẽ’ này là một con đường để phòng thủ, đối phó, trốn tránh, để giải thoát, hay như trong statement trước của Nam có nói: nếu không vẽ thì cảm giác mình bị hư không, quỷ dữ bắt đi, cảm giác mình không tồn tại. Liệu bây giờ việc vẽ có còn quan trọng như vậy, hay nó đã tươi sáng, thân thiện hơn, nói đơn giản là vẽ cũng được, không cũng được, không còn phải vẽ để thấy mình đang tồn tại nữa?

PTVN:

Khi vẽ ở giai đoạn này, tôi thấy như mình đối diện với chính bản thân mình. Giống như tự nói chuyện với bản thân, rồi tự tạo ra tình huống, xử lý tình huống và tìm cách liên tưởng.

Thường tôi không nghĩ trước bố cục, hình hài sẽ thể hiện ra sao. Trong lúc vẽ, tôi liên tưởng đến những hình ảnh đã thấy, đã nghe, đã cảm nhận như thế nào. Nó giống như cuốn băng tua đi tua lại. Bây giờ mọi thứ nói như anh là nó thân thiện hơn, không còn hằn học.

TL: Việc vẽ không còn là một hành vi bức thiết duy nhất như giai đoạn trước, vậy thì đi sâu vào kỹ năng thể hiện, liệu anh có giữ nguyên những cách mặc định từ trước? Ví dụ anh không bao giờ dùng bút lông mà vẽ trực tiếp bằng đầu ngón tay. Gần đây tôi đã vẽ lại, cũng quệt bằng đầu ngón tay nhiều, chỉ hai ba ngày sau, đầu ngón rát đau nên phải đổi bằng các ngón khác. Và nhận thấy không cách gì để chuyển màu mà mịn được như dùng tay. Nói chính xác thì đầu ngón tay cảm được độ dày mỏng của màu, nên những lúc cần tinh tế là dùng tay. Vậy có phải do chấn thương các đầu ngón tay nên bây giờ anh dùng giẻ nhiều? Và cảm xúc của anh có thay đổi không khi chuyển từ dùng đầu ngón tay sang dùng giẻ để vẽ?

PTVN: Giai đoạn đầu năng lượng bột phát mạnh mẽ nên tôi dùng tay rất nhiều, vẽ tầm 8 tiếng trở lên với cường độ cao nên ngón rất đau, đến mức vân tay, móng tay mòn đi. Nên tôi phải cuốn giẻ. Vẫn dùng đầu ngón tay nhưng không phải để ‘chay’ mà bọc giẻ hai lớp. Giai đoạn sau, tôi còn kết hợp thêm dùng miếng quẹt sơn nước, để giảm tải cho ngón tay. Thực hành sau này của tôi cũng ổn định và điều độ hơn. Ngày xưa có thể vẽ liên tục 16 tiếng ngày đêm. Giờ thì vẽ từ sáng tới chiều rồi dừng, vẽ đều và ổn định hơn nên giảm tải được cho ngón tay của mình.

TL: Tôi cũng thấy hiệu ứng của việc dùng miếng quẹt sơn nước trong series tranh MỚ. Nó có tác dụng giống cái bay bằng thép, một phương tiện mà các họa sĩ sơn dầu dùng rất nhiều. Miếng quẹt sơn nước bản rộng hơn, nó tạo các mảng dày mỏng, nên khi quẹt nghiêng sẽ thấy bên sáng, bên tối dần, trong khi cái bay vẽ để tạo các mảng phẳng và trát sơn thôi. Dùng miếng quẹt sơn khi cào đến sát dưới đáy sẽ tạo thành những mảng trong để lộ canvas ở phía dưới, đó là một trong những thủ pháp của anh. Vâỵ việc đưa thêm phương tiện miếng quẹt sơn nước vào thực hành có làm thay đổi hình thức và dẫn đến những phát hiện gì mới không?

PTVN: Thời gian bỏ vẽ đi làm kiếm tiền. Trong lúc xây dựng, tôi thấy người thợ hồ pha bột trát, họ dùng hai miếng mica múc bột rồi chuốt qua chuốt lại. Cái hành động chuốt chuốt đó rất hay, lấy miếng bột bên kia chuốt qua bên đây thì cái bay được chuốt sạch sẽ. Người thợ sơn làm việc đó theo thói quen, nhưng phần nào nó cũng có cảm giác như thư giãn khi công việc khó khăn. Sau này khi thực hành vẽ, có hôm đau tay quá, tự dưng tôi có ý tưởng là sử dụng miếng quẹt sơn bôi trét đó. Thực ra tôi có rất nhiều bay vẽ, nhưng các dụng cụ đó có tư thế cầm bất tiện, và thường để đắp, chồng các lớp màu như trong hội họa cổ điển. Bay vẽ miết không đã, nó bị điệu đà, chậm chạp, và mình khó làm chủ được. Nên tôi quyết định dùng miếng quẹt sơn nước để lấy sáng và tạo hình. Thường là tôi vẽ một gương mặt hình tròn, rồi quẹt một nhát, như nhát chém ngọt, lúc đó mình thấy cảm giác sướng. Đó có thể là hình một đầu lâu, thây ma, hay là một gương mặt buồn bã, như là một số phận đã rồi, không ra sống mà chết cũng không xong.

TL: Lần này việc đục thủng vải vẽ càng nhiều hơn và đã trở thành một phần không thể thiếu trong thực hành vẽ của anh. Thậm chí xa hơn, đục lỗ trước vẽ sau. Điều này khẳng định việc đục lỗ đã là một phần chủ đạo trong công việc tạo hình, chứ không chỉ là đục bỏ những lỗ thủng không gian của hình vẽ. Đục xong mới vẽ, rồi vẽ xong có thể đục bổ sung. Trong bài nghiên cứu của tôi, việc đục cũng liên can đến sự ám ảnh muốn phá đi không gian vốn bị mặc định bởi tấm vải vẽ.

Giờ trở lại một vấn đề chung: trong cả lịch sử hơn 1000 năm kể từ khi có hội họa giá vẽ, loài người chúng ta luôn vẽ trên những tấm có 4 góc vuông và 4 cạnh, thậm chí sau này làm computer art trên màn hình cũng như vậy. 4 góc vuông, 4 cạnh này mặc nhiên là yếu tố đầu tiên can thiệp đến cái gọi là bố cục trong đầu óc nghệ sĩ. Nhưng tôi thấy anh là người thực hành khác, ngay từ những series đầu tiên, anh đã không quan tâm đến bố cục mà vẽ từ góc của tấm toan, tức anh đã coi thường việc ở giữa nó như thế nào. Với những tranh trước, anh có cắt ở mép tranh, nhưng không quá can thiệp sâu vào bên trong. Đến lần này, sự cắt ở mép bạo liệt hơn, thậm chí mép dưới của tranh bị cắt thành hình hoặc mất đi vài mảng.

Vậy quan niệm của anh đối với việc bố cục đó ra sao, nó tác động thế nào đến thực hành của anh?

PTVN:

Việc tôi cắt các mép xung quanh tranh xuất phát từ quá trình quan sát đời sống bình thường. Đôi khi tôi thấy những sự mất mát của cá nhân mình, hoặc của xã hội, lịch sử, và đưa vào trong tranh sự mất mát đó bằng cách cắt ở các mép.

Mình biết một bức tranh 4 cạnh 4 góc vuông vức là đẹp, là đều, thì mình làm cho nó mất đi. Tôi nghĩ cái mất mát đó cũng là nét hay, nét đẹp. Trong quá trình vẽ những tranh khổ lớn, ví dụ tranh dài 6 mét, thì chặng cuối tôi cảm thấy nếu tiếp tục vẽ nốt làm cho nó vuông vắn thì cũng không giải quyết được gì. Tôi thấy có khi việc mình làm biếng, hoặc là bỏ ngỏ như thế cũng là một cách sáng tạo, làm mới. Đó cũng là một lối tư duy để tôi phát triển hình thức bên ngoài của tranh.

TL: Quay lại việc đục lỗ trước khi vẽ, việc đó rất ngược so với cách người ta vẽ màu lên toan, vì vẽ lên thì mới xác định được mối quan hệ bố cục sau này. Chúng ta có đề cập đến việc tranh của anh không có bố cục, với cách vẽ từ góc toan mà anh nói là khi vẽ ra nét này nó sẽ bảo để mình vẽ ra nét sau – đấy là mối quan hệ rất sinh thái của các nét vẽ, nó có sự đối thoại trong từng hành vi. Nhưng bây giờ anh đục thì nó khắc nghiệt hơn. Đục là làm hỏng, làm thủng, rất khó để làm lại. Vậy việc đục lỗ trước khi vẽ đó có gì hấp dẫn, cảm xúc của anh như thế nào? Anh mường tượng nó thế nào trước khi đục?

PTVN: Thật ra khi tôi đục lỗ, những mô típ, đường nét đến từ vô thức và mặc nhiên tự hình thành theo một cấu trúc. Khi tôi thực hành vẽ trước, đục sau, hình nó cũng có một sự an toàn nhất định. Còn khi đục trước, sau mới vẽ, thì việc đục giống như là tiêu hóa ngược, quá trình này khiến tôi bị cuốn theo. Cứ thế hình dẫn hình, đường nét dẫn đường nét, mình đục rất khí thế, đam mê.

Việc đục trước tạo cho tranh một hình thái giống như chuyện đã rồi. Sau đó khi vẽ là mình tìm cách hàn gắn, tìm hình, đường nét, những sự cân bằng, những màu sắc uyển chuyển dựa trên chuyện đã rồi đó. Đây là cách mà tôi thử nghiệm để tìm ra một kết cấu hình mới hơn.

Chi tiết mặt sau tác phẩm “Vọng chúng sinh #11” (2022 – 2023, sơn dầu trên toan, 666 cm x 160 cm)

TL: Lần này anh có thay đổi kích thước tranh khá nhiều, nhỏ hơn so với trước kia. Việc thay đổi kích thước này nguyên nhân từ đâu? Từ sức khỏe, thay đổi quan niệm hay từ việc mình hiểu biết nhiều hơn về triển lãm, sưu tập, hiểu biết về thị trường tiêu thụ tranh. Cũng có thể là do nhu cầu cần bán tác phẩm? Kích thước này nói lên điều gì, nguyên nhân sâu xa?

PTVN: Series trước tôi vẽ những tranh rất lớn, từ hai mét mấy đến hai mươi mét. Không tính toán, nghĩ gì thì làm đó rất bột phát, cũng là thỏa mãn sự khao khát của mình. Nhưng sau này tôi vẽ những bức nhỏ gọn hơn. Nó dễ treo, dễ trưng bày hơn, ai muốn mua thì người ta sẽ sưu tầm. Nhưng có một lý do quan trọng đằng sau hình thức nhỏ gọn là tôi có suy nghĩ về tỉ lệ bản thân, cao 1m68, size đầu và size vai cỡ 20 phân, 50 phân. Vậy mình vẽ theo tỉ lệ thật của chính con người mình đứng đối diện trước tranh như là đứng đối diện trước tấm gương. Việc vẽ đó như chính là vẽ nội tâm, con người của mình.

Nghệ sĩ Phạm Trần Việt Nam và tác phẩm “Vọng chúng sinh #9” (2022, sơn dầu trên toan, 89,5 cm x 164 cm)

TL: Trong thực hành, anh đặt ra tiêu chí cá nhân có cá tính và đặc sắc. Ví dụ như việc anh không đóng tranh lên khung gỗ (tiếng Pháp gọi là châssis) mà muốn nó phải được thể hiện ở dạng thân thiện và phóng túng. Liệu những cá tính này có bị mất đi khi hòa nhập với thị trường, với người thưởng thức và nhà sưu tập? Anh đã bao giờ nghĩ là sẽ đóng tranh của mình lên khung gỗ?

PTVN: Tranh của tôi chắc chắn không cần thiết phải đóng lên khung. Vì bỏ khung và cắt những đường nét xung quanh viền đã tạo nên sự hấp dẫn. Tôi sẽ vẫn phát triển theo hướng này, có thể là sẽ cắt nhiều hơn vào những đường viền. Việc phá cách tạo nên cái gì đó mới hấp dẫn bản thân, nó luôn bắt mình đi theo để ra được những thứ độc đáo hơn.

TL: Series tranh lần này của anh có một thay đổi khá lớn về hòa sắc. Hòa sắc ở tranh cũ phần lớn là tông nâu đậm, monotone. Lần này rõ ràng chúng ta thấy khắp nơi có màu vàng và đỏ, bên cạnh những màu xanh tím, xanh rêu, nâu là truyền thống mà anh đã vẽ qua nhiều năm. Vẫn tông nâu nhưng rõ ràng lé lên nhiều màu rực rỡ hơn. Liệu có mối quan hệ tổng hòa nào đối với thay đổi này không, về tâm sinh lý, giấc mơ, mối quan hệ xã hội, gia đình… đây có phải là một sự đổi mới không?

PTVN: Giai đoạn này tôi vẽ khá nhiều màu vì thấy cần phải có màu sắc vào để thay đổi những màu tối – màu của những cảm xúc tối tăm. Mỗi khi vẽ một gương mặt hay một đoạn hình màu tối, thì tôi lại có nhu cầu quệt một màu vàng, một màu đỏ lên – giống như mình tự tạo một nguồn năng lượng cho mình. Khi quệt một màu sáng kế một màu tối, thì tôi lại có năng lượng vẽ một màu tối tiếp. Cứ như vậy, cấu trúc làm việc đó tái diễn trong suốt thời gian khoảng 6-7 tháng, việc dùng các màu sắc, nhất là màu vàng màu đỏ với tôi giống như một nhu cầu.

TL: Với kinh nghiệm về hội họa của tôi, hai màu vàng và đỏ rất khó dùng, dễ tạo nên một độ cháy, gắt, khê về màu. Để diễn tả tâm trạng tích cực thì mọi người thường dùng màu sáng, những gam ấm, hoặc gam xanh sáng. Nhưng trường hợp của anh, dùng vàng và đỏ lại nhìn được, không gây ra sự khó chịu về hòa sắc. Anh đã biết cách xử lý những sự tương hỗ, màu phụ, màu tối để tạo không gian, tạo nên cái nền làm bà đỡ cho hai màu này một cách rất nhuần nhuyễn. Anh có kinh nghiệm hay cảm xúc gì trong quá trình làm việc với hai màu vàng và đỏ này?

PTVN: Thường khi dùng màu vàng mà trong vô thức tôi cảm thấy nó bị quá sáng chói thì ngay lúc đó tôi sẽ ‘chữa cháy’ bằng cách chọt một chút xíu đỏ vào. Chọt một chút mà nó đỏ quá, thì tôi lại thêm vàng, có nghĩa là lúc nào mình cũng cân bằng từng tí từng tí. Và khi đó hình nó sẽ lan ra. Rồi nhìn bố cục tổng quát, thiếu cái gì thì mình lại cân nhắc điều chỉnh. Cách ‘chữa cháy’ qua lại làm tranh phát triển lên từng chút, hình mọc lên từ tư duy đối thoại trực tiếp giữa hai màu đỏ và vàng. Đó cũng là cách tôi tìm hình, tạo hình.

TL: Trước kia anh dùng cách khâu, thêu, thậm chí là đắp những mảng mà anh thấy cần để bù hoặc sửa về hình. Thủ pháp đó vừa hỗ trợ về thị giác, mặt khác nó cũng tạo độ vững cho toàn bộ bề mặt toan khi mình đục thủng, làm vỡ cấu trúc chịu lực của tấm canvas. Lần này tôi không thấy anh khâu, thêu nữa. Liệu có phải do sự chủ động về hình sau hơn một thập kỷ làm việc, thực hành đã trở nên nhuần nhuyễn và có một độ quen tay, cầm dao cắt cũng lịch duyệt, nhanh và mềm mại hơn, độ kiểm soát hành vi tốt hơn trước. Lý do không có khâu thêu ở đây là gì?

PTVN: Trong giai đoạn này, thật ra tôi cũng có nghĩ đến chuyện khâu, thêu và thử nghiệm với vài bức, nhưng không thể ngồi cần mẫn như trước đây. Có thể là vì như anh nói, do mình đã có kinh nghiệm để xử lý bằng cách quẹt sơn mà không cần thêu quá cần mẫn như trước đây. Đó cũng là tiến trình tự nhiên, khi thực hành quá nhiều thì tay nghề mình sẽ có sự kiểm soát và điêu luyện. Ngoài ra, tôi còn dùng cách cắt để tạo nên hiệu ứng thị giác thay vì thêu. Có thể khi thêu, ý tưởng và những sự liên tưởng uyển chuyển trong đầu đến với tôi chậm hơn so với khi mình cắt. Khi cắt, tốc độ ý tưởng đến bột phát nhanh hơn, mình đu từ ý tưởng này đu qua ý tưởng khác, nó táo bạo và quyết liệt hơn. Vì vậy mà tôi tập trung vào thực hành cắt hơn là thêu.

TL: Qua trao đổi thì có thể thấy ở anh sự chủ động và biết rõ việc mình đang làm, từ lịch duyệt về kỹ thuật, về tâm lý đến hiểu biết về chất liệu, phương tiện mình cầm trên tay. Vậy nếu nhìn ở góc độ phê bình, tại một ngưỡng thành công về kinh nghiệm, ghi nhận bằng triển lãm cá nhân, liệu có tiềm ẩn một bước dừng, một giai đoạn nghỉ mới hay anh vẫn còn hừng hực năng lượng để làm tiếp, không cảm thấy bị quen tay, bị chán? Nói cách khác, là thực hành của anh sẽ đi về đâu trong thời gian tới? Những nhu cầu tâm lý còn nặng nề như trước để nó tạo năng lượng cho sự thám hiểm, cho sự thách thức đối đầu hay không?

PTVN: Khi trưng bày triển lãm này, tôi cũng tự quan sát, cảm nhận, suy nghĩ về tương lai, mình sẽ làm việc và thực hành như thế nào. Tôi vẫn cảm giác tràn trề năng lượng và sẵn sàng thử nghiệm. Tôi biết mình còn quá trẻ so với chặng đường thực hành này, nên cách duy nhất là phải thử nghiệm rất nhiều.

Ở series này cũng như series trước, tôi vẫn giữ một lối tư duy là luôn luôn thử nghiệm và tìm cách làm mới trong việc tiếp cận tạo hình, từ hình hài đến màu sắc, rồi cách trưng bày một tác phẩm về mặt thị giác.

Mỗi buổi sáng khi bắt đầu làm việc, tôi luôn đi tìm một nguồn năng lượng mới, một cách tư duy đảo ngược hay một cách gì đó ngẫu nhiên, bất chấp đúng sai. Chặng cuối mới là lúc tôi sử dụng lý trí và kinh nghiệm thực hành để chỉnh sửa lại các yếu tố thử nghiệm trước đó cho ổn định về mặt thị giác. Tôi hy vọng những kinh nghiệm có được từ những lần triển lãm như thế này sẽ làm cho mình đủ tinh thần để xử lý những thử nghiệm sắp tới cũng như các tác phẩm mới trong tương lai.

TL: Quá may mắn khi nghe anh nói là vẫn còn năng lượng để tiếp tục làm việc, hy vọng sẽ có những kết quả hấp dẫn, đột biến mới. Những người có kinh nghiệm sáng tạo đều nhắc đến việc làm khác, bất kể hay hay dở. Chỉ để chiều lòng người xem, chiều lòng thị hiếu thì đó không phải là sáng tạo.

PTVN: Làm vậy thì mình sẽ tự giết mình.

TL: Hy vọng anh tiếp tục tràn chảy ra những thực hành mới. Và đó cũng là cơ hội để giữ mối quan hệ của chúng ta. Nếu anh mà có tác phẩm mới hay ho, chúng tôi vẫn muốn tiếp tục làm triển lãm cá nhân của anh.
Chúc anh mọi sự an lành!

Tác phẩm “Văn tế thập loại chúng sinh #1” (2016 – 2017, sơn dầu, vải màn tuyn, keo trên toan, 2000 x 316 cm)

NO COMMENTS

Leave a Reply