Ly Trần: Một cú chạm nghệ thuật miên man say đắm

Ly Trần: Một cú chạm nghệ thuật miên man say đắm

Đăng vào
0

Phỏng vấn thực hiện bởi Đàm Vũ cho Hanoi Grapevine và Art Republik Vietnam
Bài phỏng vấn đầy đủ được đăng trên Art Republik

Hội họa không chỉ là cú chạm mang đến sự rung động mà còn là điểm chạm thay đổi cả cuộc đời nữ nghệ sỹ. Ly Trần cầm cọ không phải là một thói quen, mà đã trở thành sự “thôi thúc biểu hiện”. Dám sống thực với cảm xúc của mình, dám làm, và dám trả giá cho những gì mình yêu thích, nhịp điệu trong tranh chị vì thế cũng thêm phần tự do. Tác phẩm của chị có rung cảm nồng nhiệt và cả sự vô ngã của người phụ nữ mạnh mẽ trên con đường đi tới sự cân bằng.

Diễn ra từ 17 – 21/06/2023 tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội, triển lãm “Đa Sắc” của hoạ sĩ Ly Trần giới thiệu hơn 70 tác phẩm hội hoạ về chủ đề đa văn hoá với chất liệu đa dạng sơn dầu, sơn mài, đa vật liệu. Hoạ sỹ sinh năm 1982 ở Việt Nam, theo học ngành thiết kế công nghiệp tại Moscow, định cư tại Mỹ và gần đây trở lại Việt Nam để toàn tâm toàn ý thực hành sáng tạo.

Chừng ấy tác phẩm là một hành trang khá đồ sộ cho một cuộc triển lãm cá nhân. Màu sắc và ánh sáng trong các bức tranh của chị mạnh bạo, sống động và đâu đó có cả huyền bí, dù chủ điểm, đề tài rất gần gũi. Sau hàng loạt triển lãm trên đất Mỹ, lần ra mắt tại quê nhà là một trải nghiệm lay động cảm xúc. Không ngừng khám phá đa chất liệu, cứ thế Ly Trần sưởi ấm người xem bằng những hoà sắc ngọt ngào bất kể tông màu nóng hay lạnh.

Hoa xương rồng | Sơn dầu

Điều gì thúc đẩy chị đến với nghệ thuật? Chị đã vẽ gì trong bức tranh đầu tiên?

Tôi lớn lên cùng hai anh họ lúc nào cũng mang theo bút chì, các anh sau này đều là những kiến trúc sư, và tôi đã bắt đầu vẽ từ rất nhỏ cùng các anh. Tôi đã vẽ hoa sen một biểu tượng của vô ngã trong bức tranh đầu tiên của mình.

Tranh về tình yêu của chị không chứa hình mà cả nguồn sinh khí dịu dàng ấm áp, nhẹ nhưng tựa hồ như có thể khiến cả những trái tim cứng rắn nhất tan chảy. Trong yêu có hận, trong tranh của chị có gì? Chị đã tìm thấy mức độ biểu hiện như ý chưa?

Cám ơn anh vì cảm nhận của anh khi xem tranh về tình yêu của tôi.
Tranh của tôi thể hiện nhân sinh quan của tôi. Mọi người thường nói Yêu là Hận. Trong tình yêu của tôi chưa từng có Hận. Với tôi tình yêu có thể có lúc hạnh phúc, lúc đau buồn, mang hi vọng và cả những thất vọng, nhưng chưa bao giờ có sự oán hận. Tôi luôn trân trọng và cám ơn những người đã cùng tôi đi một đoạn đường dù dài hay ngắn.
Vì vậy tình yêu trong tranh của tôi chính là “yêu cái vẻ đẹp của tình yêu”. Tôi không chuẩn bị sẵn cho mình ý niệm về một con đường cụ thể. Có lẽ cứ đi sẽ thành đường.

Kiss me | Sơn dầu

Theo chị, tranh có nhất thiết thể hiện nhân sinh quan thế giới quan của hoạ sĩ hay là một thế giới mới, khác biệt hoàn toàn?

Theo tôi thì không có gì là nhất thiết hay chuẩn mực trong việc một người hoạ sỹ thể hiện thế giới quan của họ theo cách nào. Đó là sự lựa chọn của mỗi hoạ sỹ. Với tôi hiện tại tranh đang giúp thể hiện nhân sinh quan thế giới quan của tôi. Nhưng cũng có thể khi tôi 60 tuổi, lúc ấy lại muốn vẽ về một thế giới lý tưởng tôi mơ đến.

Làm quen và trải nghiệm kỹ thuật sơn mài đã thay đổi cách vẽ của chị ra sao?

Họa sỹ Thẩm Cầm Phương, con gái họa sỹ Thẩm Đức Tụ (Cựu Tổng thư kí Hội Mỹ thuật Hà Nội (trực thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội) – người góp phần hoàn thiện phương pháp dạy vẽ đặc biệt cho trẻ em mù ở trường Nguyễn Đình Chiểu) đã hướng dẫn tôi vẽ sơn ta. Chất liệu này khó, đòi hỏi sự kiên nhẫn, mang đến nhiều thách thức nhưng thú vị. Sơn mài có nhiều công đoạn làm tôi mất sức lực, giống một người thợ thủ công hơn là một người nghệ sỹ. Tôi sử dụng màu đen của tấm vóc như một phần trong tác phẩm. Sơn mài chưa thay đổi tôi, mà tôi sẽ dùng tất cả những kỹ thuật về mix media/pha trộn chất liệu để tìm ra phong cách riêng của mình với sơn mài. Đó sẽ là con đường mà tôi theo đuổi lâu dài.

Ký ức | Sơn dầu

Xem thêm tranh của hoạ sỹ tại đây

NO COMMENTS

Leave a Reply