Triển lãm ‘từ Gốc lên Tàng’

Triển lãm ‘từ Gốc lên Tàng’

Đăng vào
0

10:00 – 19:00, thứ Ba – thứ Bảy, 12/09 – 07/10/2023
Galerie Quynh
118 Nguyễn Văn Thủ, ĐaKao, Quận 1, TP HCM

Thông tin từ ban tổ chức:

Xuyên suốt hành trình văn hoá của nhân loại, cây cối được minh chứng như nguồn biểu tượng mang nhiều tầng ý nghĩa khác nhau. Đặc trưng bởi các cành vươn thẳng lên trời và rễ bành trướng dưới đất, tính đối xứng và đối ngẫu vốn có này của cây là ví dụ phản ánh rõ nhất về các khía cạnh sự sống của con người. Tâm điểm của triển lãm nhóm này là loạt tác phẩm của Hoàng Dương Cầm & Takayuki Yamamoto, Lê Thừa Tiến và Bruce Yonemoto, các nghệ sĩ đi sâu vào bản sắc, sự dịch chuyển và mối quan hệ phức tạp giữa cái tôi và cái ta.

“Cây là một trong những biểu tượng ẩn dụ được sử dụng đa dạng trong các nền văn hoá, bởi lẽ chức năng, hình ảnh thị giác, chất lượng gỗ, và hành vi của nó có thể được áp dụng để mô tả các khía cạnh đời người. Cấu trúc phức tạp của cây, cùng bộ phận của nó (bao gồm rễ, cành, vỏ, thân, tán lá, hoa), là nền tảng cho phép ẩn dụ và hoán dụ nhằm miêu tả con người vừa là một cá thể vừa là một phần của cấu trúc xã hội nhân loại. Rễ cây đại diện cho nguồn gốc, khởi đầu, quá khứ; thân cây là đặc điểm nhân cách; cành cây và lá là quả ngọt, hạt giống, kết quả; cùng với đó, cành cây cũng mang ý nghĩ của sự vận động, lan toả, vươn xa; và cuối cùng, vỏ cây là ẩn dụ cho sự toàn vẹn. Hơn nữa , hình ảnh thị giác của cây còn đóng vai trò ẩn dụ cho khái niệm gia đình, không chỉ giới hạn trong tầm nhìn gia đình con người, mà còn bao gồm cả gia đình ngôn ngữ.” *

Tại sảnh chính, bộ tác phẩm điêu khắc của Lê Thừa Tiến đứng hiên ngang, sững sờ như những người gác cổng giữa truyền thống và hiện đại, đại diện cho tinh thần trường tồn của di sản văn hóa. Sự sáng tạo tỉ mỉ của anh đối với nghề thủ công truyền thống Việt Nam gói gọn những thăng trầm trong quá trình phát triển văn hóa, đặt câu hỏi suy ngẫm về mối liên hệ giữa quá khứ và hiện tại.

Tiến sâu hơn vào triển lãm, bộ tranh ‘Pinhole’ đầy mê hoặc của Hoàng Dương Cầm dần hiện mình. Qua lăng kính của anh, những khoảnh khắc dịch chuyển và ký ức có phần mơ hồ được khắc sâu vào thời gian – một thực hành uyên thâm về những phức tạp của danh tính. Tác phẩm cộng tác của Cầm Takayuki Yamamoto‘Trên mỗi cột mốc’ – dệt nên lớp cộng hưởng giữa những hành trình song song, như cây và cành, bộc lộ bản chất đan xen của cái cá nhân và đoàn kết.

Tại tầng trên, ‘Lịch Sử Mây’ của Bruce Norman Yonemoto đưa ra cái nhìn trầm ngâm về bầu trời – một bức tranh đã chứng kiến cuộc hành trình của nhân loại qua các thời đại. Tác phẩm video mô tả sự hiện diện của những đám mây trong nghệ thuật, phát triển từ các yếu tố vô định hình trong tranh sơn dầu đến phông nền sản phẩm mơ mộng trong studio quảng cáo.

Bộ tác phẩm ‘Bao phủ Trái đất’ của Bruce Yonemoto bắt nguồn từ ký ức thời thơ ấu về màu sơn đỏ đổ xuống Trái đất (tham chiếu đến logo mang tính biểu tượng của công ty Sherwin-Williams), được chuyển thành một tuyên bố về bản sắc văn hóa và sự thống nhất. Bằng cách kết hợp sơn mài hữu cơ châu Á với “sơn mài” phương Tây, các tác phẩm của Bruce tượng trưng cho sự biến đổi về bản sắc và chống lại định kiến chủng tộc. Là phản ứng trước những tổn thương thế hệ và nạn phân biệt chủng tộc chống lại người châu Á vốn trở nên trầm trọng hơn trong đại dịch Covid-19, loạt tác phẩm này gây tiếng vang mạnh mẽ, nói lên tiềm năng biến đổi của nghệ thuật trong một thế giới bị chia rẽ. Đối mặt với những thách thức này, tác phẩm của Bruce tiếp tục thu hẹp khoảng cách văn hóa, nhấn mạnh tầm quan trọng của chất liệu trong việc thể hiện bản sắc văn hóa.

(*) Ẩn dụ người-cây trong ngôn ngữ học Anh”, viết bởi Elena Abramova, Elena Pavlycheva, Olga Tarasova và Lubov Tsilenko (2021), trang 6.

Về Galerie Quynh

Được nhìn nhận như phòng tranh nghệ thuật đương đại hàng đầu Việt Nam, Galerie Quynh luôn tích cực thúc đẩy thực hành nghệ thuật đương đại trong nước suốt gần hai thập kỷ qua. Phòng tranh duy trì các chương trình triển lãm chất lượng và dự án hỗ trợ nghệ sĩ tiềm năng, đã thành danh và tên tuổi tại Việt Nam và cả quốc tế. Hoạt động trong hệ sinh thái nghệ thuật còn trẻ, Galerie Quynh là một không gian kết hợp nhằm phục vụ cho cộng đồng thông qua các chương trình hỗ trợ giáo dục nghệ thuật. Phòng tranh thường hợp tác với các nghệ sĩ, nhà giám tuyển, địa điểm trưng bày khác trong và ngoài nước, để tổ chức các buổi trò chuyện, thuyết trình cũng như xuất bản nhiều ấn phẩm bằng cả hai ngôn ngữ Anh-Việt. Tháng 5 năm 2014, phòng tranh thành lập tổ chức phi lợi nhuận Sao La dưới sự dẫn dắt của nghệ sĩ Tùng Mai và Nguyễn Kim Tố Lan. Sao La hiện đã phát triển thành một tập thể nghệ sĩ độc lập, điều phối bởi Tố Lan và nghệ sĩ Nguyễn Đức Đạt. Mùa hè năm 2020, với sự tài trợ từ Viện Goethe, phòng tranh đã khởi động chương trình phi lợi nhuận mang tên CáRô, một sáng kiến phát động chương trình giáo dục nghệ thuật cho những học sinh từ 13-18 tuổi.

Vào tháng 12 năm 2017, một chương mới bắt đầu khi phòng tranh chuyển đến không gian với tổng diện tích là 600m2 tại phường Đa Kao, Quận 1. Trải rộng hơn bốn tầng lầu, Galerie Quynh giờ đây đã có thể tổ chức những chương trình với quy mô lớn hơn, nhiều tham vọng hơn để nắm giữ một vai trò quan trọng trong cộng đồng văn hoá Việt Nam.

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.

NO COMMENTS

Leave a Reply