Home Sự kiện Mĩ thuật Dogma Prize 2023: Chuyện cá nhân nói chuyện cộng đồng

Dogma Prize 2023: Chuyện cá nhân nói chuyện cộng đồng

Bài và ảnh bởi Hà Bi cho Hanoi Grapevine
Bài có sử dụng tư liệu do Dogma Prize cung cấp
Ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

Giải thưởng Dogma lần thứ 8 (2023) diễn ra tại Không gian 27A (Quận 2, TP. HCM) mở cửa cho công chúng từ ngày 10/10 với 10 tác phẩm đến từ 10 nghệ sĩ. Năm nay, chủ đề chính của Dogma Prize là “Chuyện kể Tôi. Tôi kể chuyện”, vẫn tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ cho các nghệ sĩ chú tâm vào thực hành Tự Họa trong mọi hình thức sáng tác.

10 tác phẩm của 10 nghệ sĩ lần lượt được sắp đặt trên các tầng lầu, với không gian đủ rộng để mỗi tác phẩm có cho mình một góc riêng. Các câu chuyện cá nhân năm nay không những lột tả được tính độc đáo, riêng biệt, mà qua đó, phần nào kể được câu chuyện chung của một tập thể.
Dưới tầng trệt là những bức tranh làm từ bánh đa nem của Chi L. Nguyễn. Sáu tấm tranh lồng khung và hàng chục cuộn thư khác treo như tấm rèm cửa, với nét vẽ, nét chữ đơn giản. Trong mỗi bức thư, nữ nghệ sĩ bộc bạch quan điểm sáng tác, suy nghĩ của mình về nghệ thuật, lồng ghép một số chi tiết trích từ những bức vẽ về cuộc sống của người An Nam của Henri Oger. Mỗi chi tiết này, từ vật liệu sử dụng, các bức tranh, những quan điểm… đều có mối liên hệ đặc biệt với người bố mà cô tự nhận là “hiếm khi trao đổi với nhau bằng lời”.

Việc lật giở những dấu vết này giúp Chi L. Nguyễn nhận ra thông điệp của những áp lực mà bố đặt lên mình, cảm nhận về mối liên hệ với gia đình và quê hương, về cuộc sống làm nghệ thuật và nghệ thuật sống nơi cô sinh ra. Ở một góc độ khác, nó cũng khiến người xem soi chiếu vào câu chuyện của mình: những bất đồng thế hệ, những khoảng cách giữa người thân với người thân, những kí ức hay câu chuyện trong quá khứ mà tới hiện tại ta mới hiểu.

Tác phẩm ‘Thư gởi Bố’ – Chi L. Nguyễn

Một trong số những tác phẩm ấn tượng, khiến người xem ngạt thở theo có lẽ phải kể đến video trình diễn ‘Thổi/Thở’ của Bùi Đức Thảo. Video bắt đầu với một chàng trai thổi quả bóng bay. Anh càng thổi, quả bóng càng lớn, rồi nó lớn đến mức người ta bắt đầu có cảm giác trái bóng đó hút hơi thở của chàng trai, thay vì là chàng trai chủ động thổi khí vào.

Xem tác phẩm này, bạn có thể sẽ thấy mình vô thức nhịn thở trong một vài giây, hoặc không thì cũng chợt chú ý tới nhịp thở của mình. Một sự tác động thú vị của tác phẩm tới người xem. Có lẽ đó là sự đánh động của nghệ sĩ chăng, để xem bạn có đang làm cái việc duy trì sự sống cơ bản và đơn giản nhất, bạn có đang chú ý tới cơ thể mình? Hay rộng hơn ra, như nghệ sĩ chia sẻ: đó là cách anh cố gắng điều hướng trong cuộc sống và trong việc thực hành nghệ thuật, đầy sự bối rối và lạc lõng, “thế giới liên tục vận hành với một lượng thông tin và chất xúc tác khổng lồ khiến cho tôi cảm thấy bị tê liệt trước dòng chảy ấy”?

Video trình diễn ‘Thổi/Thở’ của Bùi Đức Thảo

Ở một góc khác của triển lãm, ít người đứng chờ, lặng lẽ và kiên nhẫn, là tác phẩm ‘Bàn tay của em’ của Hoàng Ngọc Tú. Đó là một tác phẩm sắp đặt chuyển động làm từ các vật liệu tìm thấy từ bãi phế liệu. Ngay phần nguyên liệu làm ra nó đã là một sự giễu nhại đầy thú vị mà không rõ tác giả vô tình hay cố ý thể hiện.

Xem tác phẩm này, chắc hẳn bạn sẽ nhớ ngay tới kí ức ngày bé thơ cắp sách tới trường. Một cánh tay trái đang cầm bút, di đi di lại nét bút chì trên một tờ giấy đặt trên mặt bàn. Phía trước “học sinh” là cánh tay trái của một thầy hay cô giáo đang cầm thước. Ta tưởng tượng rằng cánh tay ấy hẳn phải thuộc về một người thầy nghiêm khắc và cứng nhắc, nhịp nhịp đều cây thước trên mặt bàn, chỉ cần học sinh nguệch sai một nét là cây thước sẽ rít lên trong không khí, để lại một nét hằn đỏ ửng trên da thịt non nớt.

Sắp đặt chuyển động này, như Hoàng Ngọc Tú chia sẻ, là một tái hiện không gian lớp học trong kí ức của một người thuận tay trái phải đối mặt với những khó khăn trong thế giới đa phần thuận tay phải. Đứa trẻ sớm đã phải học cách sinh tồn bên dưới sự điều hành của một xã hội cứng nhắc, bảo thủ, không cho phép sự sai lệch ngẫu nhiên. Tuy là câu chuyện cá nhân của Tú, có vẻ khu biệt vào trải nghiệm của những đứa trẻ thuận tay trái, nhưng ấn tượng của nó vẫn rất mạnh mẽ với những người khác. Chỉ cần nhìn thấy hình ảnh cây thước tượng trưng cho giáo viên, trước một bàn học nơi bàn tay học trò nhỏ xinh đang run rẩy viết từng nét, người viết chưa cần định hình tay nào với tay nào, thì kí ức về những ngày đi học đòn roi đã dội về. Câu chuyện cá nhân của Tú đại diện cho câu chuyện của nhiều học sinh cùng thế hệ, vừa phác họa một chân dung trong triệu chân dung, vừa làm rõ chân dung của toàn bộ thế hệ đó.

Tác phẩm ‘Bàn tay của em’ của Hoàng Ngọc Tú

Trong số 10 tác phẩm tại triển lãm Dogma Prize năm nay, chỉ có ‘Biền biệt bay bay’ của Đặng Thùy Anh (sắp đặt biệt vị, kể lại một lần trình diễn) cho phép người xem tương tác trực tiếp với tác phẩm. Tác phẩm bao gồm một ảnh in kỹ thuật số mô tả một lần trình diễn của tác giả, một đụn sữa bột theo thời gian sẽ dần tan chảy thành chất lỏng đặc trong quá trình tiếp xúc với không khí, và một vài dòng viết của tác giả trên tường.

Những mảnh yếu tố riêng rẽ của tác phẩm này là mong muốn tái sinh một trình diễn cá nhân mà không cần xem trực tiếp – thứ mà người ta vẫn luôn coi là điều kiện cần và đủ cho loại hình nghệ thuật này. Khi đó, trí tưởng tượng có “đất” để nuôi dưỡng một hạt mầm ý tưởng khi chứng kiến phiên bản trình diễn không đầy đủ của tác phẩm, và biết đâu đó, một khả thể tác phẩm riêng biệt sẽ được tạo ra từ đó.

Tấm ảnh in treo trên tường được Đặng Thùy Anh “cover” từ tác phẩm ‘Cuộc biểu tình chống lại khoảng không’ của Tuấn Mami. Ở đó, chị thay chủ thể nam với cơ bắp cuồn cuộn thành chủ thể nữ mềm mại; thay vật thể ném là ớt bột thành bột sữa trắng, mềm, ngọt, nuôi dưỡng, dính dớp, ngầy ngậy; thay sự bỏng rát do ớt mang lại thành sự đeo bám dai dẳng, chảy ra, quyện vào da thịt… Những nỗi đau, những điều đáng xấu hổ, những hành động xuẩn ngốc mà bạn từng “lỡ” làm trong đời, hẳn bạn cũng muốn cầm chúng và ném đi vĩnh viễn. Nhưng chúng lại giống như đống bột sữa này, càng ném càng dính, càng gắng làm sạch càng quyện với mồ hôi dính dớp, càng dùng lực càng bất lực.

Hoặc có thể, khi bạn đến gần đống bột sữa và tương tác với chúng, cũng là lúc bạn nghĩ ra một kết nối mới, để kể câu chuyện ném bột sữa này theo một phiên bản khác.

Ngoài các tác phẩm trên, Dogma Prize còn trưng bày các sắp đặt, tranh vẽ, tác phẩm khác như ‘Cảnh quan rạng nở’ – sắp đặt tượng dị ứng của Đỗ Hà Hoài; ‘Chiếu’ của Keith Khanh Truong; ‘Sự lưu tâm’ – video, ánh sáng và âm thanh của Kong Siden; ‘Mật mã niềm tin’ – màu nước và sắc tố khoáng trên lụa của Lê Nguyễn Minh Như; tác phẩm sắp đặt ‘Mẹ, Chị, Em, Cô, Dì, Bà…’ của Nguyễn Việt Trinh (Chin); tranh ‘Thần sáng tạo hay kẻ hủy diệt? Sao cũng được…’ của Phạm Thế Vinh. Mỗi tác phẩm lại kể một câu chuyện thú vị, vừa mang tính riêng tư, vừa nói được vấn đề trong cộng đồng, mà trong khuôn khổ bài viết này không thể viết hết được.

Theo Dominic Scriven, nhà sáng lập Dogma Prize, “Nghệ sĩ là những nhân vật được công nhận là những người luôn dũng cảm đứng hàng đầu để diễn tả ý kiến cá nhân của mình; và trong năm nay, chúng tôi tiếp tục khuyến khích họ thổ lộ những tâm tư về cái gọi là ‘sự đời’ tại ‘Chuyện kể Tôi. Tôi kể chuyện’.” Đây sẽ là hành trình khám phá những lối đi khác biệt của mỗi nghệ sĩ, có ngắn có dài, có trầy trật có thênh thang, nhưng tất cả đều là sự cô đọng tới mức tối đa các kiến thức, kĩ năng và sự trải nghiệm vi tế. Xin mượn một dòng trong tác phẩm ‘Thư gởi Bố’ của Chi L. Nguyễn để kết thúc bài viết này:

“Vật liệu để làm… rất rẻ, nhưng công sức và trí tuệ thì không thể kể xiết”.

Vì vậy, hãy ghé thăm trực tiếp triển lãm Dogma bạn nhé!

Chiếu đan tay từ sợi, áp dụng kỹ thuật in risograph của Keith Khanh Truong
‘Mật mã niềm tin’ của Lê Nguyễn Minh Như
Tác phẩm sắp đặt ‘Mẹ, Chị, Em, Cô, Dì, Bà…’ của Nguyễn Việt Trinh (Chin)
‘Thần sáng tạo hay kẻ hủy diệt? Sao cũng được…’ của Phạm Thế Vinh

‘Cảnh quan rạng nở’ – sắp đặt tượng dị ứng của Đỗ Hà Hoài
‘Sự lưu tâm’ – Video, ánh sáng và âm thanh của Kong Siden

NO COMMENTS

Leave a Reply