”Thủy Triều Cảm Xúc” – Nhân sinh quan trong những kiệt tác...

”Thủy Triều Cảm Xúc” – Nhân sinh quan trong những kiệt tác đương đại của Chiharu Shiota

Bài bởi Nguyễn Tú Hằng cho Hanoi Grapevine
Bài có sử dụng tư liệu hình ảnh do VCCA cung cấp
Ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

Từ ngày 04/10/2023 đến ngày 31/3/2024, tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) sẽ diễn ra triển lãm sắp đặt quy mô lớn mang tên “Thủy triều cảm xúc”, lần đầu tiên giới thiệu đến công chúng tại Việt Nam các tác phẩm của nữ nghệ sĩ người Nhật Bản Chiharu Shiota.

“Akai ito” – mang nghĩa ‘sợi chỉ đỏ’ trong tiếng Nhật kể về truyền thuyết xưa cũ, sợi chỉ đỏ vô hình buộc vào ngón tay út mỗi người từ lúc sinh ra, nối người với người để tìm thấy nhau. Xa hơn nữa, sợi chỉ đỏ được nàng Adriane trong thần thoại Hy Lạp sử dụng như lời chỉ dẫn giúp người anh hùng Theseus thoát khỏi cạm bẫy mê cung của con quái vật Minotaur hung hãn. Năm 2023, Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) mang đến “Thuỷ triều cảm xúc” – tác phẩm sắp đặt với những sợi chỉ đỏ ở quy mô hoành tráng nhất từ nghệ sĩ đương đại tên tuổi người Nhật – nghệ sĩ Chiharu Shiota.

Bước vào không gian triển lãm, người xem sẽ bị choáng ngợp bởi từng khối lớp màu đỏ ken đặc vươn lên từ những con thuyền, không ngừng phân nhánh, len lỏi và bám sát nhau, liên kết chặt chẽ nối tiếp. Sự choáng ngợp dần dần trở thành sự tò mò bản năng, sự kiếm tìm gốc gác của sự vật sự việc, làm thế nào mà lấp đầy được không gian này, sợi chỉ đỏ đi từ đâu tới đâu, đâu là khởi đầu đâu là kết thúc. Càng cố gắng tìm hiểu kết cấu, càng nhận ra các sợi chỉ được đan với nhau không phải từ những nút thắt, mà từ những lực đẩy lực kéo nửa như hữu ý nửa như tự nhiên, người xem bước từ ngạc nhiên này tới trầm trồ, thán phục khác. Cảm xúc khi ấy cũng như một đợt thuỷ triều, bùng lên rồi dịu xuống, có phải ngụ ý của tác giả là như vậy không?

Sáng tác không ngừng nghỉ từ năm 1994 đến nay, Chiharu Shiota luôn tìm cách để thể hiện trạng thái tinh thần qua những sự vật, hiện tượng, những câu chuyện cá nhân, những ký ức lãng quên tập thể, nỗi đau bản thân, điều chưa kịp nói… Cùng hiện vật ấy, nhưng mỗi nơi lại mang những câu chuyện khác nhau. Những cánh cửa từng nhìn ra bức tường Berlin giữa Thế chiến II trong “Bên trong, bên ngoài” (2008) khác xa với những cánh cửa trong tác phẩm “Kí ức xa cách” (2010) được dựng lên giữa hòn đảo nhỏ Teshima với dân số già đang ngày một mai một. Những chiếc vali ngày xưa được tìm thấy và thu thập trong những phiên chợ đồ cũ mang biểu tượng của những chuyến đi, của những hành trình từ những người khônq quen biết, nhưng ở một giai đoạn khác, những chiếc vali mang ý nghĩa như biểu tượng ngôi nhà của những người xa xứ luôn dịch chuyển liên hồi. Cũng như vậy, những con thuyền trong “Thuỷ triều cảm xúc” là một dấu ấn riêng, một đại dương riêng không giống bất kì con thuyền nào đã từng xuất hiện trước đây trong những tác phẩm của Chiharu.

Năm 2019, Chiharu Shiota đến Việt Nam và VCCA, cũng đồng thời ghé cố đô Hoa Lư, Ninh Bình và đi thuyền thăm khu di tích Tràng An. Những con thuyền đánh cá bằng gỗ, mà tác giả Ken Preston nhắc đến trong “Thuyền cá Việt Nam”, được ví như “những điều nguyên bản tuyệt vời nhất còn lại trên biển ngày nay”, đã thu hút nghệ sĩ tìm hiểu về gốc gác, lai lịch và giá trị kiến tạo của những con thuyền trong lịch sử hình thành đất nước. Với đường bờ biển trải dài và vị trí giao thương kinh tế đặc thù, những con thuyền đã bắt đầu xuất hiện trong sử thi Việt Nam từ trận chiến Bạch Đằng năm 938, đi qua năm tháng cùng các triều đại, từ phong kiến tới thực dân và qua hai trận chiến, hình ảnh thuyền gỗ đánh cá đã thành một phần của câu chuyện dân tộc. Con thuyền không chỉ là vật chuyên chở, mà còn là nơi tích luỹ ký ức, không chỉ chở người mà chở cả thời gian, cả hy vọng và ước mơ, từ đó tạo ra ý niệm vừa mong manh nên thơ vừa bền chặt tới gai góc. Thu thập những con thuyền ở làng chài duyên hải Việt Nam, đặt vào bối cảnh của không gian triển lãm, Chiharu Shiota hẳn đã kết hợp đối thoại đa tầng lớp giữa trải nghiệm cá nhân vào bối cảnh lịch sử, hàm ý của nghệ sĩ giữa những chuyến đi và vị trí cố định trưng bày, và hơn cả, kết nối tất cả những điều đó lại là những sợi chỉ đỏ đan xen.

Sợi chỉ đỏ trong các tác phẩm của Chiharu có thể nhìn lại từ điểm xuất phát trong sắp đặt “Sự tồn tại của tôi như một mở rộng về mặt vật lý” năm 1995 ở Nhật Bản, khi cô muốn thể hiện những sợi dẫn tượng trưng cho dây rốn có mạch máu chảy qua như một sự nối dài về hiện diện của tâm trí, trạng thái và cơ thể của chính nghệ sĩ. Sau một loạt thử nghiệm nghệ thuật trình diễn, sợi chỉ đỏ, rồi lần lượt chỉ trắng, chỉ đen, trở thành một trong những lựa chọn nguyên liệu sáng tác truyền tải thị giác tới người xem của Chiharu. Sợi chỉ trở thành thông điệp cho những mối quan hệ, những mạng lưới giữa người với người, giữa điều vô hình và điều nhìn thấy, lúc căng lúc chùng, khi thắt lại lúc mở giao. Điều rõ ràng nhất có thể cảm nhận được chính là sự kết nối. Dường như có một khoảnh khắc người xem cảm như những đường nét mỏng manh đó đang tụ lại và trải ra một mạng rộng hơn. Đột nhiên, những đường nét đó vượt ra bên ngoài, không thể theo dõi kịp bằng mắt. Trong giây lát mỗi sợi chỉ bị nhoà đi, không còn hiển thị nữa, người ta kịp nhận ra ‘sự thật bên trong’ đâu đó vừa hiện lên. Những sợi chỉ này không tạo ra ranh giới giữa người xem và tác phẩm. Vì thế, khi quan sát tác phẩm của Chiharu, người xem sẽ thường không biết mình đang ở đâu. Có cảm giác như mình có thể nhìn thấy thứ gì đó nhưng thực tế mình sẽ không tài nào nắm bắt được hình dạng. Đó có thể là lý do tại sao mọi người muốn xem đi xem lại tác phẩm của cô.

Cùng với tác phẩm “Thuỷ triều cảm xúc”, “Một ngày dài” là một suy tư ư lự, giữa bộ bàn ghế uống trà cũ và những ý nghĩ ngổn ngang trên những trang giấy. Nhấn mạnh vào tính hiện diện của sự vắng mặt, dấu vết của một người để lại, của người ngồi đó đã bỏ đi, đồ vật vẫn ở đây như một phần kí ức vẫn đang được ghi nhớ với thời gian, Chiharu sử dụng đồ vật trong đời sống hàng ngày, thu thập những câu chuyện tích lại, những “memento”, những vật kỉ niệm dù là của riêng nghệ sĩ hay của cả một thành phố, môt quốc gia, hay một thời đại, tạo ra nếp gấp hiện sinh giữa hai đầu sống và chết. Những đồ vật này được kể lại qua những sợi chỉ trắng tinh khôi, tính hiện diện của yếu tố ‘vắng mặt’ trở nên lớn hơn cả yếu tố ‘có mặt’, để ý nghĩa vắng mặt được mang tính lịch sử vĩnh hằng của chính nó. “Một ngày dài” không còn chỉ cảm nhận của con người, mà toả lan sang mọi thực thể hữu hình khác.

Chiharu Shiota sinh năm 1972 tại Osaka, hiện đang sống ở Đức. Cô từng bị chẩn đoán và điều trị ung thư ở hai thời điểm khác nhau, kéo theo những lần sảy thai nối tiếp. Những trải nghiệm đau đớn, mất mát ở Chiharu được thể hiện ở sự trân trọng các liên kết giữa con người với con người, giữa con người và đồ vật, giữa quá khứ và tương lai, giữa hiện tại có thể và tương lai nếu thì. Các tác phẩm là sự dung dưỡng cảm xúc, là chiêm nghiệm, những nhân sinh quan về thế giới chúng ta chưa hiểu biết được hết được kiến tạo đồ sộ và rực rỡ, công phu và tỉ mỉ bởi nữ nghệ sĩ tài hoa. Triển lãm “Thuỷ triều cảm xúc” là một trong số đó, với mỗi lần chiêm ngưỡng lại một lần thêm một góc nhìn mới mẻ.

NO COMMENTS

Leave a Reply