Home Sự kiện Mĩ thuật Chương trình Tổng kết dự án Tháng thực hành Nghệ thuật –...

Chương trình Tổng kết dự án Tháng thực hành Nghệ thuật – MAP 2023

Đăng vào
0

16:00 – 18:00 (GMT +7), thứ Sáu 08/12/2023
Phòng Đa năng, Viện Goethe
56-60 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Link đăng ký

Thông tin từ ban tổ chức:

Những xung động nghệ thuật từ Hà Nội, Việt Nam và Bremen, Đức tạo nên Tháng Thực hành Nghệ thuật 2023 (MAP 2023) – phiên bản mùa thứ chín với chủ đề Chuyển động Ngoại biên. MAP 2023 là sự hợp tác giữa Đại học Nghệ thuật Bremen (HfK) và Heritage Space tại Hà Nội, Việt Nam, đồng thời là một phần của Dự án Nghiên cứu Hợp tác BMBF Bremen Bền vững (BreGoS). Với sự hợp tác đặc biệt này, Tháng Thực hành Nghệ thuật năm nay vừa tiếp nối mô hình phòng thực nghiệm sáng tạo di động và linh hoạt ở nhiều địa điểm ở Hà Nội, vừa khởi phát những điểm mới trong cách tiếp cận và làm việc.

Để tổng kết lại MAP 2023, Heritage Space trân trọng mời những người quan tâm tới dự buổi tọa đàm Tổng kết dự án, để lắng nghe các chia sẻ quá trình thực hiện MAP ở hai thành phố tại Hà Nội của Giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn (Heritage Space), và tại Bremen của nghệ sĩ-nhà giáo dục nghệ thuật Ingo Vetter. Tiếp nối sẽ là một phản hồi của Đinh Thảo Linh (nghệ sĩ-sáng lập không gian Bà Bầu Air) và nghệ sĩ Nguyễn Minh Hoàng với tư cách các nhà quan sát độc lập về MAP, và sau đó là thời gian trò chuyện cởi mở với khán giả. Buổi trò chuyện sẽ do giám tuyển, nhà nghiên cứu nghệ thuật Hải Nam Nguyễn điều phối và dẫn dắt.

Tháng thực hành Nghệ thuật 2023 do Heritage Space phối hợp với Đại học Nghệ thuật Bremen tổ chức với sự bảo trợ của Viện Goethe, Quỹ giao lưu Quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation), Hội đồng Nghệ thuật Thụy Sỹ Pro Helvetia cùng sự hỗ trợ từ của các không gian-tổ chức nội địa Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS), Á Space, Matca, Bà Bầu Air, Sao La Collective, A sông, Mơ Art Space, sự đồng hành truyền thông của ASEF 360 Culture (thuộc Quỹ Á Âu), Hanoi Grapevine, Artplas và Art Republik Vietnam.

Lịch trình:
16:00 – 16:05 | Phát biểu của ông Oliver Brandt, viện trưởng Viện Goethe Hà Nội.
16:05 – 16:25 | Trình bày của Nguyễn Anh Tuấn, Heritage Space/ giám đốc dự án MAP về các thông tin chung và nội dung dự án diễn ra ở Hà Nội: thời gian, nghệ sĩ, các chương trình, triển lãm, nhóm làm việc, kết quả.
16:25 – 16:45 | Phần trình bày của Ingo Vetter, HfK Bremen/ đồng giám đốc dự án, về chủ đề Chuyển động Ngoại biên (mobility), nội dung dự án diễn ra ở Bremen: thời gian, nghệ sĩ, các chương trình, triển lãm, nhóm làm việc, kết quả.
16:45 – 17:00 | Phát biểu của Đinh Thảo Linh, nghệ sĩ-sáng lập Bà Bầu Air, với vai trò là người quan sát quá trình làm việc của dự án MAP và đưa ra đánh giá khách quan.
17:00 – 17:15 | Phản hồi của Hoàng Nguyễn, nghệ sĩ độc lập, trong vai trò là người quan sát quá trình làm việc của dự án MAP.
17:15 – 17:45 | Thảo luận và Hỏi đáp giữa các diễn giả và Moderator. Q&A với khán giả tham dự chương trình.
17:45 | Vài lời kết luận từ Ingo Vetter/ Nguyễn Anh Tuấn. Kết thúc chương trình.

Ngôn ngữ: Tiếng Việt, tiếng Anh, có phiên dịch song song.

*Vào cửa tự do. Số người tham dự tối đa: 50 người (tại viện Goethe) và 100 người qua ZOOM.
**Các sự kiện của Heritage Space hướng đến giảm thiểu rác thải nhựa và phát tán carbon, nên rất mong các bạn mang theo bình nước cá nhân và không mang đồ uống đựng trong cốc dùng một lần tới sự kiện.
***Sự kiện sẽ được tư liệu hoá dưới dạng hình ảnh và ghi âm, phục vụ cho mục đích lưu trữ, nghiên cứu, khảo sát, quảng bá… của tác giả và Heritage Space. Khi tham gia, khán giả đồng ý cho phép Heritage Space (và tác giả) được quyền sử dụng hình ảnh, ý kiến của bạn để làm tư liệu cho chương trình.

Về diễn giả:

Nguyễn Anh Tuấn là nhà quản lý và giám tuyển nghệ thuật độc lập hoạt động tại Hà Nội, Việt Nam. Ông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam), chuyên ngành Lý luận & Lịch sử Mỹ thuật. Ông từng làm nghiên cứu nghệ thuật tại Viện Mỹ thuật từ năm 2002 – 2015, quản lý Mường AIR, chương trình nghệ sĩ lưu trú của Mường Studio từ năm 2012 – 2016 và đảm nhận vai trò giám đốc quốc gia do Hiệp hội Nghệ thuật Đông Dương bổ nghiệm (2016 – 2019). Từ tháng 3 năm 2016, ông đảm nhận vị trí Giám đốc Nghệ thuật của Heritage Space – một tổ chức nghệ thuật độc lập tại Hà Nội, Việt Nam.
Coi nghệ thuật như một cách tiếp cận và công cụ để phát triển xã hội, Tuấn đưa ra những sáng kiến và cách thức đa dạng để nuôi dưỡng nghệ thuật, tương tác trực tiếp với bối cảnh đặc biệt ở Việt Nam và các cộng đồng đa dạng.

Ingo Vetter là một nghệ sĩ thị giác làm việc trong lĩnh vực điêu khắc, nhiếp ảnh và sắp đặt. Các tác phẩm của ông được trưng bày nhiều nơi trên thế giới và ông thường cộng tác với các nghệ sĩ khác để tạo ra các chương trình dài hạn như Xưởng gỗ Cây Thiên đàng Detroit (Detroit Tree of Heaven Woodshop, từ năm 2005). Mối quan tâm đến việc phát triển thành phố và các khái niệm về không gian công cộng dẫn đến các dự án nghiên cứu như Thành phố Thu hẹp (Shrinking Cities, 2002-2008) và các hoạt động tư vấn như tác phẩm được đặt làm nhằm tạo ra một công viên công cộng liên tục di chuyển ở Kiruna, một thành phố khai thác mỏ ở cực bắc Thụy Điển (2011-17), hay đài quan sát công cộng Horizontalturm Mistelbach ở Áo. Từ năm 2011, ông giảng dạy với tư cách là giáo sư về điêu khắc tại Đại học Nghệ thuật Bremen, Đức với trọng tâm cụ thể là vật liệu và sản xuất nghệ thuật trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Đinh Thảo Linh là nghệ sĩ – giám tuyển đa ngành từ Việt Nam. Cô luôn mong muốn tạo ra các không gian biểu đạt – dù là không gian vật lý, tạm thời hay tâm lý nơi mọi người từ các cộng đồng khác nhau có thể tiến đến gần với nhau hơn. Công việc hay tác phẩm của cô loanh quanh các góc nhỏ của ngôi nhà ba-bau AIR số 82A Thợ Nhuộm, Hoàn Kiếm, Hà Nội đến những nơi khác như Đại học Thái Nguyên (Thái Nguyên, Việt Nam, 2021), documentafifteen (Kassel, Đức, 2022), VIVA ExCon 2023 (Antique, Đảo Panay, Philippines, 2023).

Hoàng Nguyễn (sinh 1992) chọn cho mình cách tiếp cận nhiếp ảnh hàm chứa cả hiện thực và ý niệm. Anh dùng chân dung tự họa để kết nối bản thân với thế giới bên ngoài, để tiếp cận và tìm hiểu những người, những vật, những sự kiện lịch sử hay đương thời, và những ý tưởng siêu thực. Những khi không tự chụp mình, anh chụp những khung cảnh tiệm cận li kì trong cuộc sống đời thường xung quanh. Hoàng nhận bằng thạc sĩ nghệ thuật về nghệ thuật phóng sự thể nghiệm ở trường đại học Duke, Hoa Kỳ. Trong thời gian ở trường anh thực hiện Title Wanted, một bộ tác phẩm về câu chuyện của chiến tranh Việt Nam, và Crimson Heart, một bộ ảnh về tình yêu qua một đóa hoa cúc. Anh thực hiện bộ ảnh You Are Here vào năm 2017, một bộ ảnh về kiếm tìm một nơi anh thuộc về. My Dear Solitude là một bộ ảnh đường phố dài hạn về cảm giác anh luôn không thuộc về nơi nào, luôn nằm giữa sự thân mật và sự xa lánh người khác.

Về người điều phối

Nguyễn Hải Nam tốt nghiệp cử nhân ngành Lịch sử nghệ và khoa học truyền thông tại trường đại học Martin Luther Halle Wittenberg ( Martin Luther University Halle-Wittenberg). Năm 2019 , Hai Nam được học bổng cho Giám tuyển trẻ và trở thành trợ lý giám tuyển cho Bảo tàng nghệ thuật đương đại Leipzig (GfZK). Hiện tại anh đang làm giám tuyển và nhà nghiên cứu độc lập với Haus der Kulturen der Welt, đồng thời quản lý dự án đào tạo nhóm những người di dân làm công tác cộng đồng về chủ đề chống kì thị chủng tộc ở Halle (Saale).

NO COMMENTS

Leave a Reply