Nguyễn Trần Cường: Mê Lộ và những tầng lớp ẩn dụ

Nguyễn Trần Cường: Mê Lộ và những tầng lớp ẩn dụ

Bài bởi Nguyễn Tú Hằng cho Hanoi Grapevine
Hình ảnh cung cấp bởi nghệ sĩ
Ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

Quay trở lại sau “Mùa vô hình” và “Toại Kỳ Sinh”, Nguyễn Trần Cường đánh dấu một thử nghiệm độc đáo nhưng vô cùng vạn biến với “Mê Lộ” – triển lãm cá nhân mới nhất của nghệ sĩ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong tháng 12/2023 này.

Dạo đầu của không gian sẽ không khỏi khiến người xem bối rối. Một sự quen thuộc xen lẫn với xa lạ, cảm giác một điều mình từng biết rất rõ hay đã từng lướt qua nhưng không thể gọi tên và đang dần mất đi ngay trước mắt. (Có phải là) Thần Vệ nữ của Boticelli (1445-1510) không còn mái tóc hoàng kim bước ra từ ngọc trai, mà thay vào đó là cô gái tóc đen huyền chấm gót giữa vùng bạch liên. (Có phải là) nàng gái điếm trong Olympia của Manet (1832-1883) không còn người hầu da màu, đã trở về nguyên bản là nàng Venus nhà Urbino trong tranh của Titian (1490-1576), nay lại cầm quạt nhắc người ta gợi nhớ đến Tố nữ Dương Châu trong tranh tứ bình Việt Nam cổ xưa. (Có phải là) Quan m tống tử lần đầu tiên thay vì giữ đứa trẻ trong lòng hay để ngồi cạnh, lại ôm đứa bé cầm quả lựu thật không thể không nhớ tới các bức khắc họa Đức Mẹ đồng trinh và hình hài Chúa của Boticelli hay Lorenzo di Credi (1459-1537). Và hơn cả, những sự xếp chồng của từng lớp văn hóa phương Tây – Á Đông qua nhiều thế kỷ lại được nhìn thấy qua một thấu kính khác – thấu kính của sơn mài Việt Nam. Sự bối rối của người xem là bởi lạc lối giữa mê cung của những bao hàm, những ẩn dụ trong từng chi tiết làm đảo lộn giá trị biểu tượng trong những tác phẩm “từng nhìn thấy đâu đó”, hay nghệ thuật chuyển dụng phổ biến trong pop-art và nghệ thuật đương đại, lại được “nhuần nhuyễn” bởi một họa sĩ sơn mài?

Giữa những bức tranh về thiên nhiên cảnh vật – sở trường của nghệ sĩ khi khắc họa tinh tế từng thời khắc chuyển giao, nhưng khoảnh khắc chuyển động của mùa, của cây, của lá, của chim muông, thú bầy – những khắc họa chân dung lần này, từ những danh họa nổi tiếng như Hokusai (1760-1849) hay Tề Bạch Thạch (1864-1957), tới những nhân vật hư cấu như Prometheus hay Trương Chi, mang đến không chỉ cho nghệ sĩ và cả người xem, cơ hội tìm kiếm tính chủ quan và thế giới nội tâm của bản thân thông qua tìm hiểu nhân vật. Khoác lên “chiếc áo Việt” do chính nghệ sĩ tạo ra, việc Nguyễn Trần Cường thâm nhập vào các bức tranh lớn của kinh điển phương Tây khiến anh trở thành người thừa kế đương đại trước những trăn trở của các nghệ sĩ Việt Nam hiện đại, theo đó họ chỉ có thể thể hiện bản thân bằng cách tuân theo các chuẩn mực nghệ thuật do nền văn hóa nước ngoài đặt ra. Đồng thời, Nguyễn Trần Cường giải mã những quan niệm cố định của hội họa phương Tây bằng cách đưa những yếu tố Á Đông, đưa những con người nhỏ bé tóc đen da vàng ở những hình ảnh khác nhau, từ đó làm sáng tỏ câu chuyện thần thoại, giới tính và sắc tộc ẩn giấu dưới bề mặt. Những người phụ nữ luôn được yêu thương, tôn thờ và nhân danh nghệ thuật, những người đàn ông luôn có những nỗi thống khổ riêng, dù là bị trừng phạt hay là bị khước từ bởi tình yêu. “Cái tôi” mà những bức chân dung tự họa này miêu tả không phải là thứ phản ánh thế giới nội tâm, mà là một cá nhân Việt Nam bị cuốn vào cuộc xung đột phức tạp giữa các nền văn minh. Nhưng có lẽ làm người xem thích thú hơn cả giữa cuộc xung đột ấy, là những yếu tố dân tộc, vẫn được Nguyễn Trần Cường điểm xuyết bình thản, hiển hiện lấp lánh trên lớp lang sơn mài. Cặp tình nhân Hasanlu giữa thành phố tro tàn trở thành bộ xương khô, nay vẫn sống động yêu đương giữa vườn hoa hướng dương và cúc trắng, tượng trưng cho tình yêu thanh khiết và vĩnh hằng, nàng Venus bình dị giữa rừng sen nở rộ… Sự chuyển dụng được tái tạo hoàn toàn mới mẻ, những mê cung biểu tượng dần dần được hé mở, như sự giao thoa giữa những kinh điển và hiện đại đan xen.

Nguyễn Trần Cường khởi điểm với sơn mài, kiên trì lao động nghệ thuật bền bỉ đã hơn 20 năm nay. Điều đáng quý cho sự kiên nhẫn, các tác phẩm của anh chạm đến người xem, lay động cảm xúc sâu thẳm mà không cần một statement (tuyên ngôn nghệ thuật) nào hỗ trợ. Anh kiệm lời, tác phẩm trân trọng mỗi cách hiểu cách dịch cách chuyển nghĩa của người xem, như một cuộc dạo chơi trong mê lộ nghệ thuật mà mỗi người tự vẽ ra tự đắm chìm trong đó.

Triển lãm “Mê Lộ” mở cửa từ ngày 01/12 tới hết ngày 10/12/2023, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

NO COMMENTS

Leave a Reply