Chuỗi workshop trực tuyến “Nghệ thuật như một phương thức gắn kết xã hội”

14:00 – 17:00, Chủ Nhật, 18/02 – 10/03/2024
Hạn đăng ký: 11:59, thứ Năm 01/02/2023
Zoom
Link đăng ký
Thông tin từ ban tổ chức:
Diễn ra trong vòng một tháng bắt đầu từ ngày 18/2/2024, chuỗi workshop trực tuyến “Nghệ thuật như một phương thức gắn kết xã hội” bao gồm 4 buổi thảo luận chia sẻ kinh nghiệm từ các nghệ sĩ/dự án như một cách mở ra những khả thể thực hành nghệ thuật cho những người trẻ quan tâm đến mối liên kết giữa nghệ thuật và các vấn đề xã hội. Chuỗi workshop sẽ diễn ra hoàn toàn trực tuyến. Đây là một sáng kiến của Thì Collective và nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thị Thanh Mai dưới sự hỗ trợ tổ chức của Heritage Space, nằm trong khuôn khổ của Incubator Grant Programme 2023/24 từ Südkulturfonds và do Artlink triển khai.
Xuất phát từ những mưu cầu cá nhân khi tìm kiếm những điểm giao liên ngành giữa nghệ thuật và các vấn đề xã hội, chúng tôi mong trong khuôn khổ chuỗi workshop có thể gợi mở cho người tham gia về bối cảnh mà các tác phẩm nghệ thuật hướng tới các vấn đề xã hội được khởi sinh, cách nó được gợi mở và phát triển trong bối cảnh xã hội. Cụ thể, workshop sẽ tập trung phân tích các tác phẩm/dự án nghệ thuật gắn với hai vấn đề xã hội nổi bật là di cư và biến đổi khí hậu trong những chuyển dịch đang diễn ra ở bối cảnh Việt Nam đương đại, từ đó tìm kiếm và đề xuất những giải pháp sáng tạo mang tính bền vững. Cùng với đó, chuỗi workshop cũng khai thác nguồn cơn sáng tạo từ các nghệ sĩ như một cách đề xuất các phương tiện sáng tạo nghệ thuật phù hợp hỗ trợ người tham gia có thể biểu đạt được những suy tư của họ trước các vấn đề xã hội.
Trong khuôn khổ giới hạn của chương trình, chúng tôi ưu tiên tiếng nói từ khu vực miền Trung Việt Nam, nhưng cũng không giới hạn để học hỏi và trao đổi thêm từ các thực hành từ các khu vực khác dọc đất nước.
Nội dung chính
– Giới thiệu về các dự án/tác phẩm gắn với vấn đề cộng đồng, tập trung vào hai đề tài là di cư và biến đổi khí hậu trong bối cảnh chuyển dịch.
– Tìm hiểu thực hành của các nghệ sĩ cũng như tiếp cận với quá trình suy tư của nghệ sĩ trong quá trình thực hiện tác phẩm và lựa chọn phương thức sáng tạo phù hợp.
– Quá trình sáng tạo nghệ thuật cũng như những khó khăn mà một người thực hành trẻ có thể sẽ gặp phải.
– Thảo luận bàn tròn về những dự án nghệ thuật hướng đến các vấn đề xã hội, truy vấn những thất bại từ các dự án đi trước và đề xuất những giải pháp sáng tạo mang tính bền vững.
Diễn giả khách mời
– Nghệ sĩ, giám tuyển Trần Lương – trung tâm Bảo trợ và Phát triển Nghệ thuật APD, Hà Nội.
– Giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn – tổ chức nghệ thuật Heritage Space, Hà Nội
– Nghệ sĩ thị giác Trương Thiện – đại học nghệ thuật Huế, Huế
– Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thị Thanh Mai – đại học nghệ thuật Huế, Huế
– Nhà làm phim Mai Huyền Chi – CLB nghệ thuật A Sông, Đà Nẵng
– Nghệ sĩ trình diễn Nguyễn Đình Phương, Hà Nội – Mộc Châu
– Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Vũ Xuân Hạ – CLB nghệ thuật A Sông, Đà Nẵng
Đối tượng tham gia
– Các bạn từ 18 tuổi trở lên, thuộc mọi ngành nghề/lĩnh vực từ nghệ thuật, xã hội học, nhân học,… đặc biệt quan tâm đến sự gắn kết giữa nghệ thuật và các vấn đề xã hội.
– Các cá nhân trình bày được mối quan tâm cụ thể về các vấn đề xã hội hay đang vận hành những dự án mang tính chất liên ngành.
– Chúng tôi ưu tiên các cá nhân/dự án từ khu vực miền Trung Việt Nam. Tuy nhiên, các cá nhân/dự án tiềm năng từ các khu vực khác đều được khuyến khích ứng tuyển.
Đặc biệt, sau khi workshop kết thúc, chúng tôi sẽ chọn ra 3 dự án/cá nhân tham gia để tạo cơ hội trao đổi 1-1 với các nghệ sĩ chia sẻ cùng mối quan tâm. Mỗi dự án cũng sẽ được hỗ trợ một mức phí phát triển là 100USD.
Workshop giới hạn 10 người tham gia nhằm đảm bảo chất lượng. Ban tổ chức sẽ xét duyệt ứng viên phù hợp dựa trên nội dung trong đơn đăng ký, chúng tôi sẽ có thêm một buổi trò chuyện ngắn với ứng viên nếu cần thiết.
Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.