Miền Lạ: Trò chuyện giữa Giám tuyển và Nghệ sĩ
14:00, thứ Bảy 16/03/2024
EMASI Vạn Phúc
2 Đường số 5, Khu Dân cư Vạn Phúc, Thủ Đức, TP HCM
Link đăng ký
Thông tin từ ban tổ chức:
Được hình thành như một dự án nghiên cứu sáng tạo, Miền Lạ: Hành trình của Cacao khám phá câu chuyện cacao ở Châu Á từ góc nhìn liên ngành. Dự án được khởi phát từ những quan sát về sự thiếu hụt thông tin lịch sử và câu chuyện văn hóa đằng sau cây cacao và ngành công nghiệp sản xuất sô-cô-la trong khu vực. Thay vì chỉ tiếp cận từ góc nhìn học thuật và cốt để thu thập những hồi âm đa chiều và cởi mở hơn, giám tuyển đã tập hợp đa dạng đối tượng từ nhiều ngành nghề khác nhau: từ nghệ sĩ, học giả, đến nhà nông và người làm việc trong ngành sản xuất sô-cô-la. Các tác phẩm xuất hiện trong triển lãm đều được nghệ sĩ thực hiện riêng cho dự án, với những suy tư và câu chuyện liên kết chặt chẽ với địa phương nơi họ sinh sống và làm việc.
Với sự tham gia của giám tuyển Caroline Ha Thuc và các nghệ sĩ Bùi Công Khánh, Cyril Delettre và Pan Lu, buổi thảo luận này tập trung giới thiệu các thực hành lấy nghiên cứu và thực địa làm gốc, với mục đích sử dụng nghệ thuật để sản tạo tri thức. Động lực nào đã khiến nghệ sĩ mong muốn học hỏi và sẻ chia kiến thức trong quá trình sáng tác? Nghiên cứu ảnh hưởng đến việc họ thực hiện tác phẩm ra sao? Khác với nghiên cứu học thuật đơn thuần, nghệ sĩ được thỏa sức đi trệch khỏi những khuôn mẫu sẵn có khi làm việc với tác phẩm. Vậy sự tự do được trình hiện như thế nào trong hình thức nghiên cứu đậm tinh thần giải phóng này? Nghệ sĩ có gặp phải những thử thách nào không trong quá trình chuyển hóa kết quả nghiên cứu thành các hình thức biểu đạt hữu hình?
Đa số các nghệ sĩ trong triển lãm lần này đã tìm thấy cảm hứng sáng tác từ chính những trải nghiệm thực địa của họ. Sử dụng các mẫu huy chương làm khuôn, Bùi Công Khánh kết hợp với nghệ nhân địa phương để đúc nên chuỗi điêu khắc lằm bằng sô-cô-la. Tưởng chừng khô cứng, những chiếc huy chương của anh thực chất ngọt ngào như kẹo: ở đó, thế chỗ cho xung đột là những nỗ lực hòa giải. Trong khi đó, Cyril Delettre lại du hành tới Đồng bằng sông Cửu Long và Đắk Lắk, phỏng vấn người nông dân, thu thập dữ liệu về ước mơ mà họ mong cầu cho tương lai. Nghệ sĩ sau đó chuyển hóa những chuyến đi và dữ liệu ấy thành một sắp đặt nhiếp ảnh mang tính toàn nhập, gọi mời người xem chầm chậm cảm nhận, qua đó thấu hiểu tâm tư của người làm nông. Bộ đôi Pan Lu và Bo Wang tập trung nghiên cứu các vườn thực vật và lịch sử cacao ở đảo Hải Nam. Tác phẩm của họ mang hình thái một trò chơi board game khuyến khích người tham gia đóng vai các nhân vật lịch sử trên hành trình học hỏi về nguồn gốc cây cacao nơi đây.
Là cầu nối giữa nghệ thuật và nghiên cứu, các tác phẩm kể trên mang tới những biểu đạt phong phú và hữu hình hơn của tri thức, từ đó làm sáng tỏ hơn thế giới muôn màu muôn vẻ của câu chuyện cacao ở châu Á. Những tác phẩm này cho ta một cái nhìn khác về mối liên hệ giữa nghệ thuật và tri thức, nhấn mạnh vào sự giao thoa của tư duy và thẫm mỹ, từ đó tôn vinh tính đa dạng trong công cuộc kiến tạo tri thức.
Ngôn ngữ: Tiếng Anh
Buổi trò chuyện này thuộc chuỗi chương trình giáo dục và cộng đồng xoay quanh triển lãm Miền Lạ: Hành trình của cacao, được trưng bày tại EMASI Nam Long và EMASI Vạn Phúc từ 15/03/2024.
Giới thiệu diễn giả
Bùi Công Khánh thuộc lứa nghệ sĩ địa phương đầu tiên được biết đến ở ngoại quốc vào những năm 1990 với các trình diễn đặt nghi vấn về vấn đề biểu đạt cá nhân. Bị cuốn hút sâu sắc bởi các giả định xã hội về giá trị văn hóa, thực hành đa dạng của Khánh từ đó đã bao quát sang cả hội họa, điêu khắc, sắp đặt và video. Mang tính thách thức, đồng thời nên thơ, nghệ thuật của anh ngày một phát triển bề dày và chiều sâu, thể hiện thái độ nghiêm túc với nghiên cứu lịch sử, đồng thời kết hợp nhuần nhuyễn giữa đào tạo nghệ thuật tạo hình và phương pháp thực hành nghệ thuật có tính biện luận, vị niệm.
Các tác phẩm của Bùi Công Khánh đã được triển lãm rộng rãi tại Đông Nam Á và trên thế giới, với các triển lãm nhóm và cá nhân tiêu biểu bao gồm Phổ Hiếu Kỳ, Nguyễn Art Foundation, TP. HCM, 2022; Vết In Từ Đất, Sàn Art, TP. HCM, 2021; Stealing the public space, Singapore Art Week, Singapore, 2020; Homo Faber: Craft in Contemporary Sculpture, Asia Culture Center, Gwangju, Hàn Quốc 2019; Singapore Biennale lần thứ 5, Singapore Art Museum, Singapore, 2016; và Lạc Chốn, The Factory Contemporary Arts Centre, được tổ chức bởi Sàn Art, TP. HCM. Tác phẩm của anh nằm trong bộ sưu tập của M+, Hong Kong và Nguyễn Art Foundation, TP. HCM.
Cyril Delettre chủ yếu sáng tác với nhiếp ảnh và video; thực hành của anh là điểm giao thoa giữa tài liệu và nghệ thuật, nhằm tạo nên cách kể chuyện lôi cuốn thông qua hình ảnh tĩnh và động. Sau khi hoàn thành chương trình học chuyên ngành kinh tế, Cyril chuyển hướng sang nhiếp ảnh; tích luỹ kinh nghiệm quý báu khi tham gia ghi hình Liên hoan Cannes năm 1987, với thành quả sau đó được xuất bản trong tạp chí Les Cahiers du Cinéma. Năm 1989, anh gia nhập công ty Imapress dưới vai trò phóng viên ảnh và sau đó trở thành thành viên chính thức của công ty REA. Năm 2012 ghi dấu sự hợp tác giữa anh và SNCF (tạm dịch: Công ty đường sắt quốc doanh quốc gia của Pháp) bằng một tác phẩm đồ sộ tại ga Austerlitz (Paris) có chiều dài 60m và chiều rộng 7m, được đặt tại mặt tiền nhà ga.
Năm 2014, Cyril chuyển đến Hồng Kông, nơi anh hiện đang điều hành một phòng trưng bày nghệ thuật chuyên về nhiếp ảnh. Được truyền cảm hứng mới mẻ từ những vùng đất Á Châu, Cyril đã tạo ra một loạt các tác phẩm thị giác bao gồm How To See The Light… Walk the dog, Eclosions HK, After Midnight, Afternoon, Rythmes, Walk Don’t Walk, Wild City và Hope. Năm 2018, anh đã tư liệu hoá lại cuộc sống của người dân sống tại Khu rác và phế thải Cebu, Philippines.
Pan Lu hiện tại là Phó giáo sư Khoa Lịch sử và Văn hoá Trung Hoa tại Đại học Bách khoa Hồng Kông, còn Bo Wang là nghệ sĩ, nhà làm phim và nghiên cứu gia sinh sinh sống tại Amsterdam. Từ năm 2012, nhờ sự giao thoa giữa nghệ thuật và khoa học này mà bộ đôi đã cùng đồng hành thực hiện nhiều dự án, nhằm khám phá các yếu tố không gian, hình ảnh, môi trường, Chủ nghĩa thực dân và Chiến tranh Lạnh trong dòng chảy lịch sự đầy biến động từ xưa đến nay tại khu vực Đông Á. Những tác phẩm sắp đặt đa phương tiện của bộ đôi có bao gồm Postcards from the Future (2014) và Ode to Infrastructure (2016). Ngoài ra, Pan Lu và Bo Wang cũng đồng đạo diễn các bộ phim và sắp đặt video như Traces of an Invisible City: Three Notes on Hong Kong (2016); Miasma, Plants, Export Paintings (2017); và Many Undulating Things (2019).
Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.