Ngân nga ở đoạn cuối cơn mơ

Ngân nga ở đoạn cuối cơn mơ

Đăng vào
0

Khai mạc: 16:00 – 19:00, thứ Bảy 06/04/2024
Trưng bày: 06/04 – 09/06/2024
Sàn Art
Units B0616 & B0617, tầng 6, tòa văn phòng B, chung cư Millennium Masteri Phường 6, Quận 4, TP HCM (vào bằng cổng Nguyễn Hữu Hào)

Thông tin từ ban tổ chức:

‘Ngân nga ở đoạn cuối cơn mơ’ là triển lãm cá nhân của Nghĩa Đặng, khảo sát mối quan tâm bền bỉ của nghệ sĩ xoay quanh cách tâm trí được kiến tạo, cũng như khả năng tạo tác hình ảnh của trí óc. Tiêu đề triển lãm ám chỉ cảm giác mông lung vô định, vấn vương khó tả khi ta thức dậy sau những trạng thái ngủ. Hồi ức mơ hồ, cảm giác xen lẫn cảm xúc chòng chành, tàn tích của những biểu tượng khi ta cập bờ tỉnh giấc. Cảm giác sắp vén màn bí mật nhưng chẳng bao giờ chạm tới khẳng định, giống như khi nghe một giai điệu ai đó ngân nga – liệu đây có phải…? Chắc ta chẳng bao giờ biết, nhưng ta đang tiến lại gần hơn. Hành trình nghệ thuật của Nghĩa Đặng cũng là sự phát triển kiên định của những câu hỏi này. Khung thực hành của anh dựa trên ghi chép của các nhà phân tâm học Lacan và Jung. Nghệ sĩ không đơn giản sáng tạo theo bản năng hay hướng đến giải tỏa, mà thông qua việc sử dụng chính bản thân mình như chủ thể trong thực hành, người nghệ sĩ có thể thấu rõ và mổ xẻ những mối liên kết đằng sau tâm trí và tác phẩm của anh.

Quá trình tạo tác hình ảnh có khả năng biến đổi vùng đất tinh thần của con người, bởi nó đưa các yếu tố vô thức trong ta trồi lên bề mặt, cho những vết thương vô hình được phát tiếng, đưa ta nhích gần hơn đến khả năng của chữa lành, vẹn toàn. Tuy nhiên trong hành động chuyển hoá này, người nghệ sĩ không cố bưng chép hay tái tạo lại những giấc mơ, vốn không thể nào diễn dịch hay tường thuật chính xác. Thay vào đó, quá trình tạo hình ảnh nắm quyền kiểm soát và dẫn người nghệ sĩ đi một cách vô định, sản sinh ra hình ảnh dưới dạng khác, tựa như tạo ra một giấc mơ ở hiện tại, trên giấy hoặc canvas. Những hình ảnh này hoàn toàn không phải được tái lập từ tâm trí mà thực chất là những phỏng chừng dị ảo, tiệm cận với cốt lõi của trực giác đầu tiên mà tiềm thức mách bảo. Đôi khi anh làm tác phẩm theo linh tính trước rồi phân tích sau, và cũng có đôi khi trực giác đến trước. Anh cứ lần mò theo từng đường dây và gỡ nút từng suy nghĩ: quá trình may vá buộc anh phải dành nhiều thời gian với những hình ảnh này và hình dung ra sơ đồ tư duy của chính mình.

Về nghệ sĩ Nghĩa Đặng

Nghĩa Đặng (s. 1994, Hà Nội) sử dụng lý thuyết phân tâm học, cụ thể là trường phái Lacan, làm phương thức để đi qua cái anh gọi là ‘tàn tích sự đổ nát trong bản thân’, lý giải những trải nghiệm riêng, mối quan hệ, và quan trọng hơn là cách bản ngã được kiến tạo. Tác phẩm của anh luân phiên chuyển di giữa vòng lặp khôn cùng của thực tế và cõi tưởng tượng để tường thuật lại nhiều câu chuyện, thường là của cảm xúc hỗn mang.

Nghĩa tốt nghiệp Cử nhân chuyên ngành Studio Art tại Học viện Nghệ thuật Chicago năm 2018. Cùng năm đó, anh thực hiện triển lãm cá nhân đầu tiên ‘Cảnh tượng của Mẫu’ tại Trung tâm Nghệ thuật Đương Đại Factory. Kể từ giai đoạn này, các tác phẩm của anh dần được trưng bày tại nhiều không gian trong nước và quốc tế như Galerie Quỳnh (Hồ Chí Minh, Việt Nam), Richard Koh Fine Arts (Singapore), Trung tâm Nghệ thuật Đương Đại Factory (Hồ Chí Minh, Việt Nam), và VCCA (Hà Nội, Việt Nam). Nghĩa được bình chọn vào vòng Chung cuộc Giải thưởng Dogma năm 2019, đến 2020 anh trở thành nghệ sĩ lưu trú Mùa 3 của A. Farm International Art Residency, một chương trình lưu trú được đồng sáng lập bởi Sàn Art, MoT+++ và Nguyen Art Foundation. Nghĩa hiện đang là giảng viên bộ môn Nghệ thuật và Lịch sử Mĩ thuật tại Đại học Hoa Sen, Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Về Sàn Art

Sàn Art, thành lập năm 2007 tại thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) dưới hình thức một không gian nghệ thuật do nghệ sĩ khởi xướng, đã trở thành tổ chức nghệ thuật tiên phong tại Việt Nam và khu vực. Duy trì nỗ lực hỗ trợ nghệ sĩ địa phương và quốc tế, Sàn Art còn là nơi khởi xướng những diễn ngôn phản biện với các sáng kiến giáo dụng thường xuyên.

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.

Similar Articles

NO COMMENTS

Leave a Reply