Home Sự kiện Bắt Sóng trò chuyện: Về Nguồn

Bắt Sóng trò chuyện: Về Nguồn

Đăng vào
0

19:00 – 21:00, Chủ Nhật ngày 12.05.2024
Dreamers
126 Ngõ 1 Phú Yên, Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội.
Link đăng ký (50 người)

Thông tin từ ban tổ chức:

Làm thế nào để chúng ta hiểu hơn về sự biến đổi của cảnh quan và sống với chúng? Khả năng của nghệ thuật cho phép chúng ta nhận thức sâu sắc về sự biến đổi của di sản nghệ thuật địa phương và môi trường sống? Các thực hành nghệ thuật âm thanh có thể giúp chúng ta hòa nhập vào cộng đồng với vùng đất khác không?

Qua nhiều thế hệ, người dân địa phương đã phát triển những kiến ​​thức phong phú về thế giới tự nhiên, sức khỏe, kỹ thuật, nghi lễ và các biểu hiện văn hóa khác. Là một quốc gia đa tộc (hơn 54 tộc người, và vẫn có những tộc người chưa được ghi nhận chính thức) sống chung với nhau trên dải đất nhỏ hẹp kéo dài ven biển Đông, văn hóa Việt Nam là một tổ hợp vô cùng phức tạp không dễ gì để coi một nét văn hóa nào đó được gọi là đặc trưng. Một lịch sử giao tranh và giao hòa của các nhóm người khác nhau, xuất thân từ gốc Hoa Hạ, gốc Ba – Thục, gốc Ngô – Sở – Việt, gốc Ấn, gốc Polynesia… càng khiến bức khảm văn hóa Việt Nam đa sắc đa hình. Hơn thế, nữa từ thời Bắc thuộc, đặc biệt là thời Tam Quốc và cuối thời Đường, đất Giao Chỉ (miền Bắc Việt Nam) là điểm trung chuyển của tuyến giao thương Ấn Độ – các nước Đông Nam Á – Trung Hoa, khiến cho hàng hóa và cư dân các vùng di chuyển liên tục, mang theo các nét văn hóa hòa trộn cùng nhau để biến chuyển thành các giá trị bản địa.

Các khách mời đều có một điểm chung là họ đã sống hết mình vì sự đổi thay trong các khía cạnh khác nhau từ thay đổi cuộc sống cá nhân để đến với con đường nghệ thuật, hay đam mê nghiên cứu đóng góp cho sự phát triển của đời sống văn hóa, cho đến tìm tòi sáng tạo, hoặc đi sâu hơn vào khám phá những gì đang có để biến nó thành sự đồng hành với thế giới nghệ thuật cá nhân, mà tất cả động lực nằm ở chính tình yêu nghệ thuật và di sản địa phương.

Đến với buổi trò chuyện thân mật lần này, các nghệ sĩ sẽ cùng nhau ngẫu hứng với âm nhạc và đồng thời chúng ta cũng sẽ cùng nhau khám phá các vấn đề lịch sử – sinh thái mà cộng đồng địa phương phải đối mặt. Qua đó, gợi lên những ý tưởng rộng lớn hơn về truyền thống, thẩm mỹ, nghi lễ và sự thay đổi môi trường.

Chủ đề: Cảnh quan ký ức và hành trình thiên di
Diễn giả: Nghệ sĩ Ly Mí Cường & Nghệ sĩ Trung Bảo
Điều phối: Nguyễn Quốc Hoàng Anh
Lĩnh vực quan tâm: Di sản, Truyền thống, Nghệ thuật biểu diễn, Sáng tác
Chương trình diễn ra bằng tiếng Việt.

Thông tin về diễn giả

Ly Mí Cường

Cường là một nghệ sĩ người Hmong trẻ đến từ vùng cao tại Tỉnh Hà Giang, Việt Nam. Anh lớn lên trong môi trường văn hóa bản địa của cộng đồng Hmong, được theo học các nghệ nhân chơi các nhạc cụ như sáo, đàn môi, khèn… và thực hành âm nhạc dân gian hàng ngày tại vùng đất của mình. Anh thể hiện sự quan tâm đến phát triển nghệ thuật dân gian Hmong theo hướng đương đại qua việc tiếp xúc cũng như học hỏi từ các nghệ sĩ Việt Nam cũng như quốc tế thông qua các dự án phát triển văn hóa nghệ thuật. Hiện tại anh đang theo học chuyên ngành nhạc cụ truyền thông tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Nguyễn Bảo Trung (Trung Bảo)

Trung Bảo là Beatboxer và nghệ sĩ thị giác. Anh theo học ngành Thiết kế đồ hoạ, Đại học Pacific Northwest College of Art (Mỹ). Anh đã đạt Top 4 giải đấu Beatbox thế giới Grand Beatbox Battle 2017 và Quán quân giải đấu solo World Beatbox Camp 2017. Trung có sự quan tâm đặc biết đến chất liệu di sản văn hoá Việt Nam với các chất liệu từ đồ hoạ và âm nhạc dân gian. Anh đã tham gia chiều concert biểu diễn cùng nghệ sĩ Nguyên Lê, Ngô Hồng Quang… tại Việt Nam và quốc tế. Dự án gần đây là ‘Voice Gem – Đá Tiếng Nói’ là dự án của TRUNG BAO hợp tác cùng nghệ sĩ người Anh Reeps One (Harry Yeff ) sử dụng dữ liệu từ 100 tiếng nói ẩn danh chế tác thành những viên đá quý kỳ diệu. Dự án đang tiếp tục được lựa chọn trong triển lãm MISA – NFT booth, và sẽ được trưng bày tại bảo tàng Koenig tại Berlin.

Thông tin về khách mời

Trịnh Quang Vũ

Giáo sư, họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Trịnh Quang Vũ không phải là tên tuổi xa lạ trong giới sử học và mỹ thuật VN. Nhiều tác phẩm về trang phục các triều vua, phục chế những bức tranh cổ, như: Lịch sử trang phục các triều đại phong kiến VN, Trang phục triều Lê – Trịnh, Lịch sử mỹ thuật VN, Các vị tư nghiệp và tế tửu Văn Miếu Quốc Tử Giám, Họ Trịnh và Thăng Long… Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật VN, ông có nhiều năm nghiên cứu sinh tại Đức. Trở về nước, ông là họa sĩ thiết kế cho Xưởng phim Truyện VN. Ông là họa sĩ thiết kế chính cho các bộ phim Điện Biên Phủ, Cạm bẫy, Bông sen… và hợp tác với những hãng phim Pháp, Úc, Algeria.Họa sĩ Trịnh Quang Vũ cho rằng phong cách nghiên cứu của ông không chỉ thuần túy kỹ thuật mà còn nghiên cứu cả dân tộc học và tôn giáo. Ông cho biết thời trẻ đã từng có cơ hội làm việc và học hỏi được ở nhiều bậc giáo sư hàng đầu VN, như: nhà nông học Lương Định Của, nhà khảo cổ học Phạm Huy Thông… Họa sĩ Trịnh Quang Vũ còn thừa nhận mình đã học được phong cách làm việc chuyên nghiệp của các nhà khoa học Đức thời ông học nghiên cứu sinh tại viện phim nổi tiếng DEFA.

Đinh Tiến Sinh

Tiến Sinh là nghệ sĩ thực hành nghệ thuật Chèo. Sau khi tốt nghiệp Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, hiện tại anh đang công tác tại Nhà hát Chèo Việt Nam. Tiến Sinh chơi nhạc cụ chính là đàn nguyệt và sử sụng cây đàn này tham gia vào đa dạng các hoạt động của mình: Dàn nhạc sức sống mới, các hội nhóm bảo tồn âm nhạc dân gian truyền thống…

Lưu ý

– Lên Ngàn sẽ gửi email xác nhận kèm link tham dự sự kiện tới tận email các bạn.
– Sơ đồ đường đi xem tại đây
– Chuỗi sự kiện Thanh Cảnh là dự án phi lợi nhuận, các sự kiện không bán vé và miễn phí. Thời gian check-in trước sự kiện 15 phút. Trước khi vào tham dự chương trình, các bạn hãy đến sớm hơn một chút để có thể chọn vị trí thích hợp cho mình nha.
– Buổi trò chuyện sẽ mở ra những đối thoại trên tinh thần thân mật, cởi mở và tôn trọng sự khác biệt. Lên Ngàn khuyến khích các bạn chia sẻ các góc nhìn riêng và đưa ra ý kiến phản biện.

Buổi trò chuyện thân mật nằm trong chương trình “Bắt Sóng” hướng tới cộng đồng do Lên Ngàn khởi xướng. Đây là chuỗi trò chuyện đầu tiên về đối thoại liên ngành được tổ chức bởi Lên Ngàn với mong muốn làm sáng lên những bức chân dung và ý tưởng mà thời gian, hoặc những hạn chế xã hội – lịch sử đã phủ lên một lớp bụi mờ, khiến chúng ta lãng quên những đóng góp có tính chất khai mở của thế hệ trước.

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.

NO COMMENTS

Leave a Reply