Giới thiệu sách Spinoza, triết học thực hành – Gilles Deleuze
10:00, thứ Bảy 11/05/2024
EMASI Nam Long
147 Đường số 8, Khu Dân cư Nam Long, Quận 7, TP HCM
Link đăng ký
Thông tin từ ban tổ chức:
Bài nói chuyện này mong muốn làm rõ một số canh tân của Deleuze, qua cách đọc Spinoza của riêng ông đã làm mới câu hỏi về cơ thể trong truyền thống tư tưởng phương Tây. Cách hiểu độc đáo của Deleuze vừa không tách rời, vừa đối lập với một lịch sử tiếp nhận tư tưởng Spinoza, từ thế kỉ XVIII đến thời hiện đại, vốn tập trung vào vấn đề phiếm thần luận trong tư tưởng của Spinoza. Deleuze đã nương vào các khẳng định duy tự nhiên (Deus sive Natura – Thượng Đế tức là tự nhiên) của Spinoza, tức suy cho cùng là một học thuyết nội tại (immanentism), theo đó quyền lực tuyệt đối vô hạn biểu hiện bản chất của chính mình thông qua vô hạn thể tính (attribut) trong vô hạn sự vật cá biệt. Mỗi cơ thể là một bộ phận quyền lực của Thượng Đế, mỗi cơ thể có một ý niệm tương ứng với nó, tuân theo cùng một trật tự và xâu chuỗi nhân quả. Spinoza đã biến cơ thể trở thành một hình mẫu, cho phép xây dựng một mô hình về xúc cảm (vui, buồn, yêu, ghét) diễn ra bên trong tinh thần. Tinh thần nay hiểu được các xao động tình cảm của nó, sẽ nhận thức được những sự tất yếu bên trong tự nhiên, sẽ tìm cách tổ chức các sự gặp gỡ sẽ sinh ra các thụ cảm vui, gia tăng quyền lực của chính mình và đến một mức nào đó khai mở quyền lực thuần túy của tư duy trong một đời sống theo “lý tính”, tức tràn đầy Tình Yêu và Độ Lượng.
Cuộc sống với Spinoza như vậy trở thành một sự vụ thí nghiệm, vì “ta không biết trước một cơ thể có thể làm gì”, ta tổ hợp hay phân giải một cơ thể khác tùy theo tốc độ, theo nhanh và chậm mà ta len vào một quan hệ, dựa trên cảm xúc mà ta cùng lúc hiểu được khả năng tác động và nhận tác động của mình trong một quan hệ. Cuộc sống là sự vụ thí nghiệm, cũng chính vì thế mà đầy may rủi và nhiều phẫn hận từ những xao động không dứt trong tinh thần. ‘Đạo Đức Học’ mong muốn khai mở cái quyền lực cố hữu của tư duy, xét như ý niệm về ý niệm, thông qua việc hiểu ra xâu chuỗi về nhân quả theo mô hình toán học đã vẽ ra bức tranh tổng thể về một đời sống của Tự Nhiên mà trong đó con người chỉ là một mắt xích, một quyền lực hữu hạn. Từ đó mà tư duy hiểu được các ảo tượng cố hữu của chính nó (về ý chí, về tự do, về thần học), có thể vươn đến một nhân thức cao hơn, tách rời nhiều nhất có thể các xúc cảm tiêu cực, tự tạo cho mình một niềm vui lâu bền và vĩnh cửu gắn với nhận thức về Tự Nhiên.
Ngôn ngữ: Tiếng Việt
Gilles Deleuze (1925-1995) là một trong những tác giả hậu cấu trúc quan trọng nhất trong thế kỉ XX. Ông phát triển một triết học về sự trở thành, giải cấu trúc và phê phán quyền lực. Các nghiên cứu của ông có ảnh hưởng sâu rộng đến tư duy hậu hiện đại nói chung, mở rộng ra các lĩnh vực văn học, chính trị, điện ảnh, tâm lý học.
Baruch Spinoza (1632-1677) triết gia Hà Lan gốc Do Thái. Ông xây dựng một học phiếm thần dựa trên truyền thống duy tự nhiên và duy lý của thời cận đại. Tác phẩm chính của ông, ‘Đạo Đức Học (Ethica)’ là một trong những thành tựu quan trọng nhất trong tư tưởng phương Tây hiện đại. Ông có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng duy tâm và lãng mạn ở Đức trong thế kỉ XIX. Quan niệm về Thượng Đế như Tự Nhiên của ông góp phần xây dựng các học thuyết triết học sinh thái trong thời hiện tại.
Nguyễn Anh Cường là dịch giả Pháp văn. Dịch phẩm: ‘Spinoza, triết học thực hành – Gilles Deleuze’, ‘Tiến hóa sáng tạo – Henri Bergson’, ‘Học thuyết Bergson – Gilles Deleuze’. Từ năm 2018, ông thành lập và điều hành văn phòng kiến trúc Nhabe Scholae.
Dr. Trương Trọng Hiếu, Tiến sĩ triết học đại học Wuppertal. Luận án: ‘Das Topische der Philosophie und der deutsche Grund’. Dịch phẩm: ‘Phương Tiện Và Cách Mạng (Medium Und Revolution) – Peter Trawny’, ‘Từ Điển Triết Học Hegel -Michael Inwood’ (Bùi Văn Nam Sơn chủ biên). Từ năm 2023 ông là giảng viên ĐH XHNV TP Hồ Chí Minh, giảng viên Học Viện Dòng Tên.
Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.