Mảnh Hồn Hoang Sơ

Mảnh Hồn Hoang Sơ

11:00 – 19:00, thứ Ba – thứ Bảy, 14/05 – 19/06/2024
Galerie BAQ
15 rue Beautreillis, 75004 Paris

Thông tin từ ban tổ chức:

Galerie BAQ và Sàn Art vui mừng được giới thiệu đến công chúng tại Paris triển lãm Mảnh Hồn Hoang Sơ, của hai nghệ sĩ Trương Công Tùng và Nguyễn Duy Mạnh. Hai thực hành rất tương phản này, khi được đặt trong cùng một triển lãm, lại trở thành một bữa tiệc thịnh soạn giữa khu vườn hoang. Triển lãm quy tụ những mảnh “đất” thuộc nhiều văn hóa, lịch sử và trạng thái.

Ở giữa không gian, bữa tiệc ngồn ngộn biểu tượng, đầy kịch tính, được bày như một set bàn ăn dành cho 6 người. Trưng bày này được tách ra từ chuỗi tác phẩm hoàn chỉnh gồm 54 chỗ ngồi, tượng trưng cho 54 dân tộc cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, được thực hiện từ năm 2017-2023. Nguyễn Duy Mạnh đặt tên cho series là Hồn Xiêu – Phách Lạc, với phần “hồn” là những tấm da gốm lơ lửng trên tường; phần “phách” nặng hơn, là những món ăn cầu kỳ trên bàn tiệc, được chế biến từ những phân mảnh của các hoa văn và đồ dùng mang hình gốm cổ. Một phần của bàn tiệc này cũng đã từng được trưng bày trong triển lãm Alice Ở Đường Hầm Thời Gian tại The Outpost Hà Nội hồi đầu năm 2024. Sự chia sẻ và phân tán này khiến bữa tiệc của nghệ sĩ trở nên hào phóng và thân mật hơn. Anh mời gọi người xem tham gia vào nghi lễ của mình.

Chọn phong cách gốm Chu Đậu làm chủ đạo, nghệ sĩ đúc kết lịch sử gốm sứ của Việt Nam qua sự đồng hiện của các hoa văn thời Lý Trần (TK XI – XIV) và Lê Sơ (TK XV), rồi cắt, lột, tái cấu trúc chúng thành một món ăn bắt mắt chỉ chực chờ được tiêu thụ. Theo nhà nghiên cứu Philippe Trương: “Những thương tích lộ rõ trên gốm của anh ấy [Nguyễn Duy Mạnh] không chỉ là dấu vết của sự đau khổ mà còn là sự tủi hổ, khi bản sắc và di sản văn hóa của đất nước anh đang sống đứng trước nguy cơ tuyệt diệt trong xã hội đương thời.”

Giữa thời đại kỹ thuật số thống trị, việc làm gốm, đối với Nguyễn Duy Mạnh, là cách mà anh tri ân cổ học và nâng niu truyền thống của quê hương mình. Đồng thời cũng là cách mà anh tỉ mẩn lưu trữ lịch sử gia đình, vốn là những người nông binh. Vô hình trung, đất trong tay anh trở thành ẩn dụ của thân phận con người trong lúc giao thời, ám ảnh về sự đứt gãy giữa các thế hệ và phê phán mạnh mẽ đến chủ nghĩa tiêu dùng.

Bên cạnh đó, một cách trừu tượng hơn, tác phẩm Khi thời gian trôi qua những cái bóng…(2023-nay) của Trương Công Tùng rù rì hiển lộ những dao động của tuổi thơ. Sinh ra và lớn lên ở Gia Lai, Tây Nguyên, tuổi thơ của Trương Công Tùng là những đêm dài vịn vào ánh trăng để điều hướng trong những rẫy cà phê; là nghe tiếng côn trùng để chìm vào giấc ngủ. Kỹ thuật làm sơn mài khiến nghệ sĩ phải xóa đi những lớp bề mặt để tìm thấy dáng hình qua các lớp bên ẩn phía dưới, như một cuộc khảo cổ. Mỗi ô đất nung là một tấm bia tri nhận ký ức.

Trương Công Tùng làm nghệ thuật như người ta làm vườn, nghĩa là tạo ra một môi trường, gieo vào đó một hạt mầm rồi quan sát nó sinh trưởng. Hầu hết, các chuỗi tác phẩm của anh đều ở trạng thái “đang tiếp diễn”, để anh có thể quay lại thăm nom bất kỳ lúc nào và bồi tụ thêm vào đó những hạt giống mới. Nhờ đó, các thời kỳ sáng tác của anh dễ dàng song hành cùng nhau và liên kết chặt chẽ như một hệ sinh thái. Từ trưng bày cá nhân Khu Vườn Lạc Hướng…Hơi Thở Chiêm Bao… (2023-nay) tại Sàn Art (TP. Hồ Chí Minh) hồi đầu năm 2024, đến Trạng Thái Đi Vắng…Lời Nói Ngoài Kia… (2020-nay) ở Venice Biennale lần thứ 60, người xem dễ dàng nhìn thấy sự tương thông này. Mọi thứ đều cùng nhịp thở, đều quy tụ về linh hồn của Tây Nguyên.

Gần như không có một khoảng chênh nào giữa video Hành Trình Của Một Cục Đất, được bắt đầu từ năm 2013 tới nay đã hơn một thập kỷ, với các tác phẩm mới được khởi xướng gần đây. Ở triển lãm Mảnh Hồn Hoang Sơ tại Galerie BAQ, video được trưng bày dưới một tầng hầm đá, đòi hỏi người xem phải đi xuống một không gian hẹp, như một chuyến du hành nhỏ về quá khứ. Phần trưng bày của Trương Công Tùng như hai lớp trầm tích đan đặt lên nhau, ẩn bên trong đó là tầng tầng lớp lớp những hình ảnh, chuyển động, thi ca và sự đảo điên của một cộng đồng.

Theo lời nghệ sĩ, “Câu chuyện xoay quanh hành trình của Rơh Ma Dzô, một người đàn ông dân tộc thiểu số Jrai ở một làng nhỏ thuộc tỉnh Gia Lai, Tây Nguyên Việt Nam…Hành trình bắt đầu với việc anh đi tìm và đào một cục đất, (một tổ mối) và cùng với nó anh chu du từ đông sang tây, từ nam ra bắc, từ rừng rậm qua thành phố, qua các dấu vết sống chết, qua những vùng đất…”

Trên hành tinh này, mảnh đất nào cũng (sẽ) là tàn tích của một nền văn minh. Đất không chỉ là lãnh địa, là chỗ dung thân, mà đất còn là trầm tích của thời gian, là nơi sinh dưỡng cũng như chỗ kết thúc. Triển lãm “Mảnh Hồn Hoang Sơ” chính là muốn gợi nhắc đến vòng tuần hoàn này, rằng sự phát triển của con người luôn là hữu hạn và tự nhiên chứa đựng linh hồn của vạn vật mới là thứ duy nhất luôn có thể quay về trạng thái sơ khởi, do đó trở nên vĩnh cửu.

Về các nghệ sĩ:

Trương Công Tùng (sn. 1986), lớn lên ở Đắk Lắk – cùng với nhiều cộng đồng người đồng bào sinh sống ở Tây Nguyên, Việt Nam. Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 2010, chuyên ngành sơn mài. Với mối quan tâm nghiên cứu về chủ đề khoa học, vũ trụ, triết học và cảnh quan, Trương Công Tùng làm việc cùng nhiều chất liệu: video, sắp đặt, tranh, và đồ vật có sẵn để thể hiện suy ngẫm cá nhân về những chuyển dịch văn hoá và địa chính trị trong bối cảnh hiện đại hoá, được thể hiện trong sự biến đổi sinh thái, tín ngưỡng, hoặc huyền thoại của một vùng đất. Anh còn là thành viên của Art Labor ( thành lập 2012), một nhóm hoạt động giữa nghệ thuật thị giác và khoa học xã hội/đời sống, cùng tạo ra những hiểu biết khác – không chính quy, thông qua các hoạt
động văn hóa nghệ thuật ở những bối cảnh công cộng và địa phương khác nhau.

Trương Công Tùng đã triển lãm nhiều nơi tại Việt Nam và trên thế giới với tư cách cá nhân hay một thành viên của Art Labor Collective.
Các tác phẩm của anh đã được triển lãm tại nhiều bảo tàng và tổ chức nghệ thuật uy tín trên thế giới, bao gồm Venice Biennale lần thứ 60, Venice, Ý (2024), Institute of Contemporary Art, Los Angeles, USA (2023), Haus der Kulturen der Welt, Berlin, Đức (2023), Para Site, Hồng Kông (2023), Carnegie International lần thứ 58, Pittsburgh, Mỹ (2022), Sàn Art, Hồ Chí Minh, Việt Nam (2019); The Bangkok Art Biennale, Bangkok, Thái Lan (2018); Dhaka Art Summit, Dhaka, Bangladesh (2018); Centre Pompidou, Paris, Pháp, (2017); Kadist, San Francisco, Mỹ (2016), v.v..

Nguyễn Duy Mạnh (sn. 1984) tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm, chuyên ngành sư phạm mỹ thuật năm 2007, là hội viên hội mỹ thuật Việt Nam. Hiện anh sống và làm việc tại Hà Nội. Quá trình hoạt động nghệ thuật của anh là quá trình tự học, tìm tòi thể nghiệm trên một số chất liệu hội họa, sợi và vật có sẵn, v.v. Anh nỗ lực làm hiển thị đời sống tinh thần bên trong đồ vật, vật chất mà anh đưa vào tác phẩm bằng thao tác, hành vi và bằng việc sắp đặt tổ chức không gian nơi tác phẩm được trưng bày. Xuyên suốt quá trình hoạt động của mình, anh nhấn mạnh, soi rọi vào sự tổn thương, đổ vỡ của những giá trị, của văn hóa. Trong thời gian khoảng 7 năm gần đây anh thực hành với gốm, giai đoạn này những tác phẩm gốm đã tiệm cận sâu sắc hơn vào hình thức-nội dung biểu đạt mà anh tìm kiếm trong giai đoạn trước đó.

Một số triển quan trọng của anh bao gồm: Alice Ở Đường Hầm Thời Gian, The Outpost, Hà Nội, 2024; Không gian bên trong, Vietnam Fine Arts Museum, Hà Nội, 2016; Yin & Yang in contemporary sculpture, The Muse Art Space, Hà Nội, 2023; The National Vietnam Fine Arts exhibition, 2 Hoa Lư, Hà Nội, Vietnam, 2020; Bịt mắt bắt dê, Ngo Quyen Art Exhibition Center, Hà Nội, Vietnam, 2019.

Về ban tổ chức:

Galerie BAQ do Lê Thiên Bảo và Quinnie SG Tan đồng sáng lập, ra đời vào tháng Tư năm 2023. Nằm ở trung tâm của Paris, Galerie BAQ ủng hộ và bồi dưỡng cho những thực hành nghệ thuật đương đại từ các trung tâm sáng tạo bên ngoài phương Tây, làm việc trực tiếp và hợp tác với các nghệ sĩ có liên kết với Đông Nam Á và cộng đồng di cư của họ ở mọi nơi. Ngoài ra, Galerie BAQ luôn nỗ lực tìm hiểu thêm về các phương thức sản xuất văn hóa và sáng tạo tương tác với những lịch sử và danh tính phức tạp, tái tưởng tượng các truyền thống và thách thức các quan điểm thống trị.

Lấy cảm hứng từ cấu trúc địa lý đặc trưng của Đông Nam Á, Galerie BAQ tập trung việc phát triển hợp tác với các tổ chức và tập thể, trải dài trên cả khu vực, ẩn dụ cho những hòn đảo trong cùng một quần đảo, tuy cách ly địa lý nhưng vẫn gắn kết chặt chẽ. Các đối tác bao gồm Tổ chức Nghệ thuật The Outpost (Hà Nội), Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory (Thành phố Hồ Chí Minh), POUSH (Aubervilliers), A2Z Art Gallery (Paris), Dự án Nghệ thuật Sa Sa (Phnom Penh), RUBANAH-Underground Hub (Jakarta), và ATTA Gallery (Bangkok).

Sàn Art thành lập năm 2007 tại thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) dưới hình thức một không gian nghệ thuật do nghệ sĩ khởi lập, đã trở thành tổ chức nghệ thuật tiên phong tại Việt Nam và khu vực.

Duy trì nỗ lực hỗ trợ nghệ sĩ địa phương và quốc tế, Sàn Art còn là nơi khởi xướng những diễn ngôn phản biện với các sáng kiến giáo dụng thường xuyên. Ngoài các trương trình triển lãm (hơn 110 triển lãm đã tổ chức từ năm 2007), các dự án bao gồm chương trình lưu trú cho nghệ sĩ Sàn Art Laboratory (2012-2015) và Nhận thức Thực tại (2013-2016), một chuỗi sự kiện ấn bản cùng với các tác giả, nghệ sĩ, các nhà tư tưởng về văn hóa Nam Bán Cầu. Năm 2018, Sàn Art phát triển dự án Truy Đuổi Lạ Thường—một seminar-workshop cho những giám tuyển trẻ tại Đông Nam Á—đồng thời khởi động lại phòng trưng bày với quan tâm về đối thoại liên thế hệ giữa nghệ thuật hiện đại và đương đại Việt Nam và khu vực.

Cùng năm, Sàn Art, kết hợp với MoT+++ và Nguyễn Art Foundation, khai triển A. Farm (2018-2020), một chương trình lưu trú quốc tế. Mở ra một chương mới trong lịch sử của tổ chức, Sàn Art mở rộng hoạt động thành một trung tâm cộng đồng với mục tiêu hỗ trợ và bồi dưỡng các thực hành và quan điểm thử nghiệm, sáng tạo.

NO COMMENTS

Leave a Reply