Home HanoiGrapevine Kể chuyện Nghệ sĩ Jazz Nguyễn Bảo Long: “Jazz Club như là trường học”...

Nghệ sĩ Jazz Nguyễn Bảo Long: “Jazz Club như là trường học” (P1)

Phỏng vấn bởi Uyên Ly cho Long Waits và Hanoi Grapevine
Hỗ trợ bởi Minh Hiếu
Hình ảnh do Long Waits cung cấp
Ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

Nghệ sĩ Nguyễn Bảo Long (phải) và nghệ sĩ Hà Củi (trái)

Long Waits là một câu lạc bộ nhạc jazz nhỏ xinh và ấm cúng nép mình trên gác hai một ngôi nhà trong con ngõ hẹp trên phố cổ Nguyễn Quang Bích, Hà Nội, bên cạnh chợ Hàng Da lịch sử. Đã một năm trôi qua kể từ buổi biểu diễn đầu tiên, căn phòng đậm nét hoài cổ ấy mở cửa mỗi cuối tuần để chào đón những tâm hồn trót phải lòng với thứ nhạc jazz thuần khiết nhất.

Long Waits được sáng lập và dẫn dắt bởi nhóm ba người bạn Nguyễn Bảo Long, Khuất Tuấn Anh và Bùi Xuân Hùng. Cùng chia sẻ sự tôn trọng trước nghệ thuật, và cả sự dấn thân, họ mạnh dạn đầu tư tiền bạc, tài năng và thời gian vào một địa điểm biểu diễn cho jazz, với vài chục khán giả cho mỗi đêm diễn cuối tuần.

Hãy cùng chúng tôi nhìn lại hành trình một năm của Long Waits với nhà đồng sáng lập, cây saxophone truyền cảm và kiên định Nguyễn Bảo Long. Trong bài phỏng vấn này, Bảo Long nói rằng “Anh thích khó khăn hơn là dễ dàng”. Bảo Long muốn mỗi khu phố có một jazz club, và anh cho rằng “Người chơi nhạc trở thành người xấu ít hơn. Người ta lương thiện hơn!”

Qua một năm, Long Waits đã trở thành một trong những câu lạc bộ nhạc jazz chất lượng và đáng chú ý nhất Hà Nội. Một trong những dự án ấn tượng và độc đáo của Long Waits là dự án biểu diễn 100 album nhạc jazz. Mỗi tuần ban nhạc chọn một album để giới thiệu với người yêu nhạc. Và ở thời điểm cuộc phỏng vấn này diễn ra, dự án đáng kinh ngạc này đã đi được một nửa chặng đường liền mạch gần 50 album qua gần 50 tuần, bền bỉ và đầy thử thách.

Bảo Long cho biết: “100 album, nếu chơi đủ thì khoảng 800 bài, số lặp lại tầm 5%. Để lục tung internet ra mà tìm tài liệu là một việc khủng khiếp. Cùng một bài thì rất nhiều phiên bản. Thậm chí có nhiều bài không có tài liệu anh phải nghe rồi ghi lại”.

Lưu ý: Đây là một bài phỏng vấn dài bao gồm 02 phần đăng liên tiếp nhau. Hãy theo dõi cả 2 bài để có được một hình dung đầy đủ về chủ đề và nhân vật phỏng vấn.

Động cơ của dự án 100 album là gì?

Đơn giản là anh muốn xây dựng chương trình cho quán. Anh cũng không biết là anh sẽ va vào những album rất khó. Anh chỉ chọn theo cây phả hệ của jazz. Và cho đến thời kỳ free jazz, không có hệ thống lại cho người chơi sau, nên có những bản nhạc anh phải vẽ lại như đồ thị toán. Nhưng cũng rất thú vị, là với nhạc jazz cũng phản ánh các giai đoạn khác nhau của xã hội. Ví dụ giai đoạn bị gò bó của xã hôi (thập niên 50) rồi đến giai đoạn tự do phóng khoáng hơn, mang cái tôi nhiều hơn. Và rất bất ngờ là những album đấy các nhạc công ở đây họ rất vui, rất thích.

Cái đó anh không nhìn ra, chỉ khi bắt đầu làm thì mới thấy là nó là như thế và cho đến album từ 45 thì mới thấy lựa chọn của mình theo cây phả hệ jazz là đúng, vì nó đã được sắp xếp hợp lý. Chứ ban đầu anh không nghĩ là khối lượng công việc lại lớn như thế. Nhưng nó đem lại cảm giác như trải nghiệm một bộ phim chạy từ thập kỷ 20 đến thập kỷ 80. Hàng tuần mọi người được trải nghiệm cùng nhau như thế là một dịp rất hiếm. Các bạn quốc tế đến đây và bảo là chưa có chỗ nào làm việc này.

Nghệ sĩ Nguyễn Thùy Linh (Linhbof) tại Long Waits

Cớ làm sao anh lại đến với kèn saxo?

Bố anh nguyên là diễn viên ballet Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Việt Nam Nguyễn Văn Bảo. Anh đã từng thử đi thi ballet nhưng do hồi nhỏ còi xương phát triển chậm nên thi trượt. Một dịp tình cờ, gia đình anh có người chú đi Tiệp Khắc, gửi về một chiếc thùng toàn đường kính (đường trắng – người viết) trong có nhét một cái kèn trumpet, thế là anh học 10 năm trumpet Nhạc viện (nay là Học viện m nhạc quốc gia Việt Nam – người viết) rồi mới học chú Minh sax (nghệ sỹ jazz gạo cội Quyền Văn Minh).

Vì sao anh chọn chơi nhạc jazz?

Ở trong nhạc viện cái anh học chính là nhạc cổ điển. Chú Minh có hướng dẫn anh, luôn nói là chơi sax thì phải chơi nhạc jazz. Những bài học về nhạc jazz với chú Minh nó rất giá trị. Không phải là giá trị về biên tập về phối khí hay kỹ thuật mà giá trị về cách mình nhìn nhận âm nhạc. Người thầy tốt là người làm cho mình trân trọng từng bài tập về nhà, từng tiểu phẩm cho đến tác phẩm lớn. Mình tôn trọng nó và có trách nhiệm với nó. Có sự trân trọng đối với tác giả và đối với người nghe. Cái anh học được từ chú Minh đó là mình không nên là người phát ra âm nhạc đấy một cách cẩn trọng hay chỉn chu, mà mình nên là người có cá tính có câu chuyện để mà diễn đạt tác phẩm đấy.

Cuộc sống của người nghệ sỹ nên chấp nhận hy sinh một chút để chơi nhạc jazz. Trong nhạc cổ điển, mình phải hy sinh mình (cái tôi – người viết) để chơi như ý đồ bản nhạc. Còn trong phần ngẫu hứng của nhạc jazz, mình phải là mình. Khi học với chú Minh, chú làm cho anh cảm thấy là không chỉ có happy (vui vẻ tích cực – người viết) để mà chơi nhạc hay. Mà âm nhạc nó hay thậm chí khi mình bế tắc, mình đau khổ trong cuộc sống. Cái gì ở trong mình thực sự lúc đấy thì nó sẽ dễ ấn tượng với người nghe.

Bây giờ mình coi jazz như ngôn ngữ để chuyển tải chính mình, cái tôi của mình thôi. Jazz không còn là âm nhạc của một quốc gia nữa. Nó có thể mạnh ở quốc gia đó nhưng ở mỗi nước nên có một ngôn ngữ riêng.

Học nhạc viện ra anh cũng chưa chơi nhạc jazz đâu. Thời đấy là những năm 2000, Hà Nội có nhiều sàn nhảy và tụ điểm âm nhạc. Anh đi chơi kèn những chỗ đấy, chơi nhạc pop. Sau đó là nhạc truyền hình, Sao mai, Sao mai điểm hẹn, Con đường âm nhạc. Về chuyên môn mình thấy là mình không nghiên cứu tập tành gì, cứ xách kèn đi, quần áo đẹp, sân khấu hào nhoáng, rồi đem tiền về. Nhưng như thế có nghĩa là đứng yên và đi lùi lại. Khi chơi jazz anh thấy mình không biết nhiều lắm. Mình phải tìm hiểu học hỏi. Có cái jazz club của chú Quyền Văn Minh cũng như Long Waits hôm nay. Mình đến đấy buổi tối và sáng hôm sau mình lại lôi kèn ra mình tập mình học… Để đỡ kém hơn.

Chỗ chú Quyền Văn Minh (Bình Minh jazz club – Người viết) anh chơi phải đến 15 năm, mình thực hành và tập luyện học được rất nhiều. Những cơ hội mà mình gặp được người chơi đến từ bên ngoài, và mình biết level chơi của các bạn quốc tế đang ở đâu, và người chơi ở jazz club đang ở đâu. Khi nhận biết được sự khác biệt thì mình muốn xây cái level gần nhất có thể.

Bên cạnh đấy, ở trong ngành nhạc này, anh có nhu cầu được biên tập, tức là mình muốn nhìn tác phẩm ở góc độ lớn hơn. Cách mình biên tập một chương trình là một cách làm để lớn hơn cái mình biết. Anh không biết cái gì thúc đẩy nhưng anh có nhu cầu được biên tập. Anh không biết cái gì thúc đẩy, nhưng anh đã từng rủ rê các bạn cùng nhau thuê Nhà hát Lớn, tập, và bán vé. Bán vé xong thì chia tiền với nhau. Đấy là thời khó khăn nhưng rất vui. Sau quãng thời gian đấy anh học được kỹ năng biên tập chương trình, từ những thành công và thất bại, từ việc bán vé được ít người mua hay nhiều người mua. Mọi tác động đấy anh nghĩ là kể cả thất bại hay thành công đều là tác động tốt cho nghệ sỹ tham gia. Đấy là thời gian tự làm show, vừa biên tập vừa bán vé, sử dụng các mối quan hệ trong danh bạ điện thoại để bán vé, rồi vừa tập xong thì đi đổ xăng lên đường ship vé, rồi tìm cách đi kết hợp với các bên để bán vé.

“Cái mình lãi là những cái mình đi qua chứ không phải là bao nhiêu tiền.”

Jazz đối với anh nó không có mấu chốt hay giai đoạn gì. Với anh nó là một chặng đường luôn đậm đặc, học và chơi ở mức độ đầu tư cao nhất.

Long Waits được thành lập như thế nào anh nhỉ?

Long Waits có anh, Tuấn Anh và Hùng là ba người cộng tác với nhau để xây dựng Long Waits. Hai bạn kia làm về kinh doanh, anh làm về âm nhạc, nên mọi thứ về kinh doanh do hai bạn ý quyết. Về nhạc thì anh quyết và không giẫm chân lên nhau.

Về nghệ thuật thì anh lên kế hoạch theo năm. Đến giờ nó vẫn chạy ổn về cả chất lượng nghệ thuật và kinh tế. Tụi anh chưa phải bù lỗ, tự nó nuôi được nó. Anh rất mừng, chứng tỏ người Hà Nội có nhu cầu trả tiền vé để thưởng thức nghệ thuật chứ không phải là uống rượu nghe kèm nghệ thuật. Bọn anh muốn người ta mua vé để xem nghệ thuật, còn uống hay không thì không bắt buộc.

Chiếc đàn piano được chuyển tới Long Waits ngày mới thành lập

“Cái thái độ bỏ tiền ra mua vé (nghe nhạc) nó khác với thái độ bỏ tiền ra mua ly rượu và nghe nhạc miễn phí.”

Sau một năm anh thấy khá thành công và mình đã cố chấp theo hướng đấy. Ban đầu mọi người khá căng thẳng, rồi sau cũng thấy là việc nên làm. Mà, nếu làm miễn phí thì lại phải lệ thuộc vào nhà tài trợ. Anh cũng tham gia nhiều event có tài trợ, anh đã va nhiều rồi. Nếu không có tài trợ mà sống ổn thì chứng tỏ nghệ thuật của mình có giá trị thực.

Còn về phản hồi, anh khá bất ngờ vì internet mang mọi người đến gần nhau và rất nhanh. Hầu như tháng nào cũng có nghệ sỹ ngỏ ý muốn chơi ở đây. Có nhạc viện Sydney của Úc này, Thụy Điển này, nghệ sỹ Nhật cũng đã đến chơi ở đây. Đấy là cái rất vui. Nó khẳng định chất lượng của mình. Trong tháng sáu thì có một nghệ sỹ Indonesia muốn chơi, rồi nhạc viện Sydney sau một năm cũng muốn quay lại chơi tiếp…

Nghệ sĩ Lisa Sung trong chuyến lưu diễn tại Long Waits tháng 05/2024
All That Mojo, một trong những ban nhạc thường xuyên biểu diễn tại Long Waits

Anh gặp hai người bạn Tuấn Anh và Hùng như thế nào?

Do tình cờ thôi. Tuấn Anh thì ở bên Úc. Còn Hùng thì là bạn học đại học của Tuấn Anh. Có một buổi sinh nhật của một người bạn chung, anh phi đến chơi nhạc và Tuấn Anh ở bên Úc xem qua camera, thấy thích thì nói chuyện với nhau. Tuấn Anh học kèn với anh hai năm. Đến năm thứ ba thì bảo là hay là làm cái gì với nhau, vì sau thời gian trao đổi thấy cũng hợp. Anh thì cũng muốn làm cái gì đấy nhưng một mình không làm được. Vớ được cái cọc thế là chốt luôn. Còn Hùng thì khi mà bắt đầu chạy mọi thứ, Tuấn Anh vẫn ở bên Úc, anh thì về nhạc, nên mọi thứ còn lại đổ vào vai Hùng hết, xây dựng sửa sang, quản lý chăm sóc. Người trực chiến ở đây là ông Hùng.

Khi nói chuyện về âm nhạc, ba nhà đồng sáng lập nói về điều gì?

Đơn giản nhất là hai ông ý đều thích kèn, thổi saxo và đều học anh. Là nghệ sỹ, phải có sức ảnh hưởng với người xung quanh. Hai bạn ý cảm thấy cách anh chơi kèn và cách anh sống ok thì các bạn ý muốn học. Cái anh thấy xã hội này khá thiếu, là sự tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng những cá thể riêng biệt, không dùng cái tôi để giẫm lên giá trị của người khác và đẩy mình lên cao. Anh với hai bạn thì cùng tôn trọng nhau và tôn trọng nghệ thuật để cùng xây dựng cái Long Waits này. Đấy là cái quan trọng nhất. Nếu tôn trọng được và cùng đứng với nhau thì hy vọng sẽ làm được cái gì đấy lớn hơn.

Tôn trọng nhau có nghĩa là…?

Tôn trọng, là bọn anh cãi nhau thì vẫn cãi, nhưng khi chốt về nhạc là anh chốt. Còn về xây dựng hay thiết kế, có cãi nhau nhưng là Hùng chốt. Về lương của nhân viên thì Tuấn Anh chốt. Và đã chốt rồi thì phải happy (vui vẻ – người viết) để mà làm, chứ không phải là tôi chỉ theo ý ông chứ tôi không làm đâu. Còn cái tôn trọng kiểu lúc nhu lúc cương, tiến hay lùi một chút thì khó mà lấy ví dụ cụ thể. Anh với Tuấn Anh với Hùng có vài năm để bộc lộ trong những giờ học kèn, những giờ tự tập, bộc lộ cách các bạn ý đối diện với nghệ thuật như thế nào, cách các bạn vượt qua như thế nào. Nó chứng tỏ cách các bạn tôn trọng nghệ thuật. Nó mới quan trọng.

Anh chọn nhạc cho Long Waits như thế nào?

Ở khắp nơi trên thế giới, jazz club như trường học. Ở trường các bạn được trang bị học hành, sau đó là tiếp tục học ở jazz club. Ở đây cũng thế, mình đón nhận các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp nhạc viện. Hàng năm nếu có cơ hội, nếu nhạc viện mở cửa thì anh vào nghe các bạn sinh viên tốt nghiệp. Mình biết các bạn đạt được gì sau bốn năm đại học và nếu may mắn thì chọn được các bạn cộng tác với mình.

Chương trình của Long Waits anh chọn các album tiêu biểu trong nhạc jazz và anh không mix giữa các album mà chơi nguyên một album. Anh chọn những album để người nghe hiểu được jazz ở mức độ nguyên bản nhất. Vì jazz có nhiều nhánh. Khi chọn thì mình chọn album của nhánh chính trước khi nó phân nhánh ra thành các thể loại khác. Mình chọn những nghệ sỹ có sức ảnh hưởng nhiều, dựa vào cách chơi, cách nghệ sỹ sáng tác, cách họ biên tập cái đĩa đấy. Với cách làm như vậy, người chơi nhạc họ sẽ biết được âm nhạc nguyên bản nhất của thời đấy, họ sẽ hiểu vì sao nghệ sỹ này có nhu cầu sáng tạo ra thể loại nhạc mới dựa trên chi tiết của một bản nhạc hiện tại. Nghệ sỹ thường có nhu cầu phá vỡ quy tắc để cho ra một loại nhạc mới. Chỉ khi làm việc trọn vẹn với một album thì mới hiểu tại sao cái hòa thanh đoạn này, chỗ này lại phá quy tắc, tuần nào bọn anh cũng phát hiện ra điều đó và gửi gắm được cái tôi của mình vào.

Với Long Waits, chương trình đang rất tốt vì có được cái đấy. Tiếp nữa là anh cho phép thứ sáu và thứ bảy là hai ban nhạc khác nhau chơi. Để chơi hoàn thiện một album thì anh chuẩn bị thông tin của album từ thứ hai, đến thứ sáu bọn anh mới tập với nhau và chỉ tập hai tiếng thôi. Anh yêu cầu chỉ tập hai tiếng như thế để mà đạt được trình độ quốc tế. Nghệ sỹ quốc tế để chơi một album người ta chỉ cần một buổi sáng hoặc chiều để tập luyện. Những tháng đầu tiên, tập như thế rất khó. Dần dần các bạn đã quen hơn. Và các nghệ sỹ quốc tế sang đây cũng ngạc nhiên vì việc xử lý bài nhanh và chất lượng ok.

Như vậy, có phải mục đích chính của hoạt động âm nhạc tại Long Waits là luyện và học từ âm nhạc?

Ừ, đúng rồi. Mình biết ở trong giới, bạn nào thích nhạc jazz hoặc được giới thiệu qua nghệ sỹ khác, hoặc quan sát những bạn học trong nhạc viện. Mình phải cởi mở để tìm được nhân tố khác. Và những bạn đến với mình, có bạn đã từng làm nghề đi đòi nợ thuê. Họ đến với mình còn là để thành nhân. Người ta tin mình. Và trong một ban nhạc thì anh chấp nhận việc sẽ có những người khá hơn bạn ý. Nếu kiên trì thì sẽ đi cùng mình được và chịu được sức ép có người chơi giỏi hơn mình. Anh không chọn người chơi giỏi cùng nhau, mà anh chọn khi vào đây và khi bước ra, người ta sẽ có chuyên môn giỏi, mà là giỏi so với quốc tế.

Làm sao để kéo gần khoảng cách giữa những người không qua đào tạo bài bản và những người đã qua trường lớp?

Mình sẽ mất thêm chút thời gian để hệ thống lại, mã hóa nó, số hóa nó, chơi làm ví dụ để người đó dùng tai nghe. Mình không thể cung cấp bài nhạc phức tạp như trong nhạc viện. Anh phải có hệ thống riêng cho bạn ý. Nhưng âm nhạc nó là thứ ngôn ngữ buồn cười lắm. Cuối cùng khi lên sân khấu mọi người đều sẽ làm được, nếu mà có niềm tin với người dẫn dắt.

Nghệ sĩ trẻ Mỹ Anh trong đêm Bass Day (2023) tại Long Waits

NO COMMENTS

Leave a Reply