Home Sự kiện ”Gối Chữ” | Vòng tròn đọc văn học Nhật Bản: “Tơ nhện”...

”Gối Chữ” | Vòng tròn đọc văn học Nhật Bản: “Tơ nhện” Akutagawa

Đăng vào
0

19:30, thứ Tư, 24/07/2024
Thư viện Trung tâm Giao lưu Văn Hóa Nhật Bản
27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Link đăng ký (Giới hạn 20 người)

Thông tin từ ban tổ chức:

“Gối Chữ” là một dịp để thưởng thức và thảo luận về văn chương Nhật Bản diễn ra ở thư viện của Trung tâm Giao lưu Văn Hóa Nhật Bản tại Việt Nam. Chúng tôi cung cấp một nơi ẩn náu để mỗi người đắm mình trong niềm vui giản đơn khi được kết nối và thảo luận về trải nghiệm đọc của cá nhân, nhìn ra con đường bước vào thế giới văn chương Nhật Bản tuy dài nhưng không đơn độc. Gối Chữ hoan nghênh những người dày kinh nghiệm trong tương tác với văn chương Nhật Bản và cả những người muốn khám phá một địa hạt mới mà không phải chịu áp lực đưa ra một lời bình ý tứ, hay áp lực phải cảm thấy chính xác những gì ta được nghe kể.

Giữa thế kỷ trước, ‘Rashomon’ (La sinh môn) của đạo diễn Kurosawa Akira đã trở thành bộ phim Nhật Bản đầu tiên gặt hái được sự công nhận đáng kể từ quốc tế, khi lần lượt đoạt giải Sư tử Vàng tại Liên hoan phim Venice 1951 và Giải Oscar Danh dự năm 1952. Vốn được chuyển thể từ hai truyện ngắn là ‘Rashomon’ và ‘Bốn bề bờ bụi’, bộ phim đã góp phần giúp công chúng toàn cầu biết đến tác giả của chúng là Akutagawa Ryūnosuke – người được mệnh danh là ‘cha đẻ của truyện ngắn hiện đại Nhật Bản’.

Bằng lý tính lạnh lùng, Akutagawa đã dệt nên một mạng lưới văn bản kỳ lạ, nơi văn chương kim cổ của Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây được nối liền với những chuyện thường ngày vụn vặt nhất; rồi dùng tấm lưới đó để sàng lọc những biểu hiện phổ quát của con người ở mọi vùng đất và kỷ nguyên. Nhờ chạm đến tính phổ quát này, những tác phẩm nổi bật của ông như ‘Rashomon’, ‘Trong rừng trúc’, ‘Cái mũi’, ‘Mùa thu’… đã không ngừng làm lay động nhiều thế hệ khán giả, dù ở dạng nguyên tác hay qua bản chuyển thể điện ảnh. Nhưng trên tấm lưới bi quan dày đặc ấy, liệu Akutagawa có tự mắc lại, khi không ngừng nhìn nhận bản thân như phán xét một nhân vật, để rồi vĩnh viễn được tưởng nhớ như một nhà văn trẻ tuổi 35?

Trong buổi đọc này, chúng ta sẽ cùng khám phá cuộc đời và một số tác phẩm của Akutagawa, một trong những tượng đài của văn học trẻ Nhật Bản. Buổi đọc cũng diễn ra nhân dịp ‘Giải thưởng Akutagawa’ mang tên ông, một trong những phần thưởng văn chương danh giá nhất nhất Nhật Bản, công bố nhà văn nhận giải vào tháng 7 năm 2024.

Về sự kiện “Gối Chữ”

Khác với những buổi toạ đàm về văn chương có một hoặc vài diễn giả đóng vai trò trung tâm, Gối Chữ đặc trưng bởi tính bình đẳng và duy cảm. Trong không gian sinh hoạt của Gối Chữ, mọi người sẽ ngồi thành vòng tròn và cùng chia sẻ cảm nhận của mình khi đọc tác phẩm, với niềm tin rằng mọi cảm nhận cá nhân đều có giá trị tự thân của nó, và không nên bị phán xét đúng sai. Người điều hợp chỉ cung cấp các thông tin cơ bản về tác giả, tác phẩm và bối cảnh thời đại, đồng thời đặt ra các vấn đề kích thích thảo luận, để mỗi người tham gia tự xây dựng góc nhìn của mình, trong một vòng tròn chia sẻ giúp mỗi chúng ta nhìn văn chương và thế giới qua con mắt của người khác. Chúng mình sẽ có hai tuần để thưởng thức các tác phẩm liên quan do Ban tổ chức cung cấp, và hai giờ gặp nhau để ngồi thành vòng tròn và thảo luận một cách bình đẳng.

Mời bạn đọc các tác phẩm được liệt kê trong danh sách này để tham gia Gối Chữ ngày 24/07.

Tiến trình buổi đọc
– 2 tuần trước sự kiện: Tự đọc trước ít nhất 5 truyện ngắn của Akutagawa trong danh sách mà ban tổ chức cung cấp. (Truyện số 1-5)
– 19:30 – 19:45: Thời gian làm quen, phục vụ đồ uống & đồ ăn nhẹ và giới thiệu các tài liệu tham khảo
– 19:45 – 19:50: Giới thiệu về ‘Gối Chữ | vòng tròn đọc văn học Nhật Bản’
– 19:50 – 20:10: Cùng tìm hiểu về cuộc đời của Akutagawa và bối cảnh xã hội là nền tảng cho sự nghiệp văn chương của ông.
– 20:10: Tự do chia sẻ cảm nhận về các truyện ngắn mình đã đọc, phân đoạn yêu thích hoặc thấy ấn tượng, cảm nhận về lối viết của Akutagawa; có thể đặt trong tương quan với bản chuyển thể điện ảnh của ‘Rashomon’, và với các tác giả Nhật Bản khác.
Từ đó hình dung về các bước đi của Akutagawa trên bàn cờ của nền văn học Nhật Bản đầu thế kỷ 20 và đặc trưng lối viết của ông.
* Không có đúng và sai, các góc nhìn khác nhau làm cho cuộc thảo luận trở nên thú vị hơn.
– 21:15 – 21:30: Tổng kết sự kiện và nhận món quà nhỏ từ BTC.

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.

NO COMMENTS

Leave a Reply