Home Sự kiện Mĩ thuật Trò chuyện Đỡ Đần ++: Tại sao liên ngành “nóng”?

Trò chuyện Đỡ Đần ++: Tại sao liên ngành “nóng”?

Đăng vào
0

14:00, thứ Bảy, 07/09/2024
COMPLEX 01
Số 29 ngách 31 ngõ 167 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội
Link đăng ký

Thông tin từ ĐỠ ĐẦN:

Nắm bắt các xu hướng phát triển liên ngành mới nhất trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo với Trò chuyện Đỡ Đần ++: Tại sao liên ngành “nóng”?

Trên khắp thế giới, xu thế hợp tác và làm việc theo hướng tiếp cận đa liên ngành nhằm đem lại các giải pháp bao quát và thấu đáo hơn đang diễn ra mạnh mẽ. Ở Việt Nam, hợp tác đa liên ngành được chào đón và trở nên nóng hổi trong thời gian gần đây. Đã có nhiều các dự án văn hóa nghệ thuật khoa học được thực hiện qua sự kết hợp đa liên ngành, giữa nghệ sỹ, kĩ sư và nhà nghiên cứu khoa học. Riêng trong năm 2024, đã có hai cơ sở đào tạo và nghiên cứu liên ngành ra đời. Vào tháng 4, Trường khoa học Liên ngành và Nghệ thuật Đại học Quốc gia Hà Nội chính thức ra mắt, là sự trưởng thành nhanh chóng từ Khoa các khoa học liên ngành Đại học quốc gia Hà Nội. Vào tháng 6 vừa rồi, Viện Đại học Sydney Việt Nam đã được thành lập tại Việt Nam, với mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu đa lĩnh vực (trong đó bao gồm ngành nghệ thuật và khoa học xã hội) chất lượng cao từ cấp độ địa phương đến toàn cầu.

Buổi trò chuyện này được Hanoi Grapevine và Đỡ Đần tổ chức với hy vọng làm rõ hơn cách hiểu về liên ngành, lý do và tầm quan trọng của hợp tác đa liên ngành cũng như cách thức hợp tác đa liên ngành hiệu quả từ góc nhìn và kinh nghiệm của các khách mời từ các lĩnh vực khác nhau.

Khách mời:
– Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Thu Anh, Viện trưởng tại Viện Đại học Sydney Việt Nam (University of Sydney Vietnam Institute).
– PGS.TS Phạm Quỳnh Phương, Trưởng khoa Công nghiệp văn hóa và Di sản, Trường Khoa học Liên ngành và nghệ thuật, Đại học quốc gia Hà Nội.
Trung Mai, Kiến trúc sư HMONP, nhà thiết kế đô thị, người khởi xướng Hanoi Ad Hoc và Ad hoc practice.

Người điều phối:
Trương Uyên Ly, nhà báo, nhà nghiên cứu độc lập về Không gian sáng tạo Việt Nam.

Về khách mời:

GS. BS Nguyễn Thu Anh là nhà nghiên cứu dịch tễ học và khoa học xã hội. Chị có hơn 25 năm kinh nghiệm nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm, tâm lý và hành vi con người trong chăm sóc sức khỏe, trị liệu nghệ thuật, ứng dụng công nghệ và xây dựng mô hình dự báo trong y tế, và chính sách và hệ thống y tế.

Dựa trên chuyên môn học thuật của mình, chị từng làm việc với tư cách cố vấn cấp cao cho các cơ quan của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Pakistan, Indonesia và Thái Lan. Năm 2022, chị được Chính phủ Việt Nam trao tặng Giải thưởng Khoa học Công nghệ Hồ Chí Minh. Chị hiện đang là Viện trưởng của Viện Đại học Sydney Việt Nam và giáo sư Y tế công cộng tại trường Đại học Sydney, Úc. Chị cũng là thành viên ban cố vấn của Tạp chí The Lancet Regional Health – Western Pacific và biên tập viên khoa học của tạp chí PLOS Global Public Health.

PGS. Phạm Quỳnh Phương nhận bằng Tiến sĩ Nhân học tại Đại học La Trobe (Australia) và nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Trong nhiều năm làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, PGS. Quỳnh Phương đã xuất bản riêng và đồng tác giả trên 80 đầu mục sách và bài báo trong nước và quốc tế về các chủ đề liên quan đến biến đổi văn hoá, tôn giáo dân gian, dân tộc thiểu số và phong trào xã hội. PGS. Quỳnh Phương cũng đã dành nhiều thời gian tham gia làm việc và nghiên cứu cùng các tổ chức phi chính phủ quốc tế và Việt Nam trong lĩnh vực phát triển.

Với vai trò hiện nay là trưởng bộ môn Công nghiệp văn hoá và sáng tạo, đồng thời là trưởng khoa Công nghiệp văn hoá và Di sản của Trường KH Liên ngành và Nghệ thuật, PGS. Quỳnh Phương đang hoàn thành nghiên cứu về vai trò của giáo dục đại học trong hệ sinh thái công nghiệp văn hoá sáng tạo cũng như quan tâm đến các chiều kích của di sản trong xã hội đương đại.

Trung Mai là Kiến trúc sư HMONP, người khởi xướng Hanoi Ad Hoc và Ad hoc practice. Anh tốt nghiệp cử nhân và thạc sỹ chuyên ngành kiến trúc từ ENSA Paris Malaquais (Pháp) và thạc sỹ về quy hoạch và cảnh quan tại Leibniz Universitat Hannover (CHLB Đức).

Sau một thời gian dài tu nghiệp tại các văn phòng kiến trúc như Atelier Jean Nouvel, Dominique Perrault Architecture, Trung đã thành lập văn phòng thực hành kiến trúc của riêng mình – Ad hoc practice, song song với việc sáng lập Hanoi Ad Hoc như một tổ chức nghiên cứu định hướng thiết kế (research-creation).

Trung Mai là người Việt đầu tiên 03 lần chiến thắng giải thưởng giành cho kiến trúc sư dưới 40 tuổi tại Châu Âu Europan (Pháp, Ý, Tây Ban Nha). Anh từng chiến thắng và được đề cử cho nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, bao gồm IBA’27 (Đức), World Architectural Festival 2018, Architizer A+ award 2024, Association of Siamese Architects International Competition 2015, Density/dense city (Thái Lan). Tác phẩm của anh được tham gia các triển lãm như “Out There | Landscape Architecture on Global Terrain” tại Architekturmuseum der TU München, “Echos der Bruderlander” tại HKW (Haus der kulturen der welt) tại Berlin. Hiện tại, Trung là thành viên của Hội Kiến trúc sư Pháp. Anh được mời tham gia giảng dạy tại các workshop tại RMIT, ENSA Paris Belleville, Ecole Special d’architecture – Paris.

Trung luôn bị cuốn hút bởi các rối loạn và tính chất tùy biến trong môi trường đô thị, mà anh coi là bản sắc vô hình của cảnh quan đô thị, một phương pháp phổ quát để phi thực dân hóa, và là yếu tố cần thiết để kích thích những thay đổi cơ bản trong đô thị. Công việc của anh tập trung vào việc xây dựng các chiến lược đổi mới đô thị cho các bối cảnh hậu công nghiệp, tích hợp nông nghiệp vào các môi trường đô thị, và khám phá chủ nghĩa critical regionalism, khả năng phục hồi, tính đảo ngược, cũng như sự sắp xếp lại trong kiến trúc trong bối cảnh của Kỷ Nhân Sinh (Anthropocene).

Về người điều phối:

Trương Uyên Ly là nhà nghiên cứu độc lập về Không gian sáng tạo Việt Nam từ năm 2014 đến nay. Chị từng là phóng viên văn hóa nghệ thuật ở báo Tuổi Trẻ từ năm 2001 đến năm 2009; Cố vấn quan hệ công chúng tại Đại sứ quán Đan Mạch từ năm 2009 – 2019; Chị từng là đồng giám khảo Quỹ Trao đổi và Phát triển Văn hóa Việt Nam – Đan Mạch (2008-2013). Uyên Ly tốt nghiệp Khoa Báo chí Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2002, hoàn tất khoá đào tạo chuyên sâu MediaNet kéo dài 3 năm – dự án nâng cao kỹ năng cho các nhà báo trẻ Việt Nam do Hội đồng Anh thực hiện cùng với Thông tấn xã Việt Nam với sự hỗ trợ chuyên môn của quỹ Thomson Foundation diễn ra từ năm 2005-2007. Chị từng đoạt giải A Báo chí quốc gia năm 2005.

Sự kiện nằm trong chuỗi workshop “Đỡ Đần 2024: Vui – Khoẻ – Có ích trong thế giới nghệ thuật” gồm 11 khoá học ngắn và Series Talk Đỡ Đần ++ : Tầm nhìn và xu hướng văn hóa nghệ thuật Việt Nam, mang đến những buổi học đồng hành cùng giới nghệ sĩ/người thực hành nghệ thuật/tổ chức nghệ thuật trên chặng đường bước ra khỏi lĩnh vực sáng tác để hiện thực hoá các sự kiện, triển lãm nghệ thuật.

Chuỗi workshop Đỡ Đần là một sáng kiến của Hanoi Grapevine nhằm hỗ trợ tích cực và hiệu quả hơn nữa cho các nghệ sỹ, nhà khởi xướng và nhà tổ chức văn hoá nghệ thuật, nhằm tạo ra một hệ sinh thái cởi mở và minh bạch.

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.

Hanoi Grapevine
32 phố Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội

Email
Website
Facebook
Instagram
Youtube
X

NO COMMENTS

Leave a Reply