Home Ý Kiến Điện ảnh Myanmar: Sự trỗi dậy và suy tàn của diễn xuất...

Điện ảnh Myanmar: Sự trỗi dậy và suy tàn của diễn xuất chân thực

Đăng vào
0

Do: Na—Tác giả người Miến Điện đã trình bày rõ nét quan điểm của cô về sự suy tàn của kỹ thuật diễn xuất thực tế trong nền điện ảnh của Myanmar. Người viết đã đối chiếu phong cách diễn xuất tự nhiên và nguyên sơ của những diễn viên lớn tuổi như Maung Maung Ta với diễn xuất cường điệu và phóng đại thường thấy ở nhiều diễn viên đương đại. Ngoài ra, cô còn nhấn mạnh rằng việc cải thiện kịch bản và xây dựng nhân vật, cũng như kỹ xảo có thể góp phần làm nâng cao những tiêu chuẩn trong diễn xuất của điện ảnh Myanmar.

Bài viết này được thực hiện qua Học bổng ArtsEquator Fellowship. Mọi nội dung thuộc về tác giả/người sáng tạo.

Nếu ví diễn xuất như một khả năng/sự kiện siêu nhiên, thì có lẽ một linh hồn ngụy tạo nào đó đã thâu tóm hầu hết các diễn viên của Myanmar hiện nay. Chỉ xét riêng cách cau mày cũng đã thể hiện rõ nét sự lệch lạc và thiếu hợp lý trong vai diễn, từ đó đánh mất đi bản sắc riêng của các nhân vật trên màn ảnh. Có vô vàn câu hỏi được đưa ra để tranh luận về thời điểm và nguyên nhân cho sự suy thoái này, và trong khuôn khổ của bài báo, sẽ tập trung vào một số yếu tố cụ thể của những vai diễn hiện thực kinh điển trong lịch sử đã từng thu hút khán giả Myanmar để so sánh với những màn diễn ngày nay mà khiến tệp khán giả ấy bức xúc.

Bác sĩ Aung Kyaw Oo—nhân vật chính trong bộ phim năm 1957 do Maung Maung Ta (1926-2015) thủ vai, là một vai diễn phản diện thành công. Trong phim, ông được xây dựng là một người đàn ông đã có gia đình nhưng lại vô cùng kệch cỡm. Kyaw Oo xuất hiện thường xuyên với điếu thuốc trên tay, ngồi trong tư thế một chân lên bàn làm việc, chân còn lại chống xuống sàn, và liên tiếp nhả khói khi tán tỉnh một cô bệnh nhân trẻ trung xinh đẹp. Maung Maung Ta nắm rõ nhân vật của mình là một kẻ đào hoa, vì vậy anh đã thể hiện sâu sắc được vai diễn bằng sự trần trụi, tự tin mà đang được coi là hiếm hoi ở thời điểm hiện tại.

Diễn viên Myanmar, Maung Maung Ta. Ảnh: Wikipedia

Sự chân thật trong phân cảnh ông lóng ngóng quanh phòng khám với nỗi lo âu bao trùm trước khi thực hiện tội ác minh hoạ rõ nét chân dung của một diễn viên hoàn toàn đắm chìm vào thế giới giả tưởng của bộ phim. Những cảm xúc được lột tả trần trụi tới mức dường như đây là hai linh hồn đang tồn tại song song, cùng thở dưới một làn da, cùng một chiều không gian và thời điểm. Nếu là ngày nay, chúng ta sẽ bị xao nhãng bởi những động tác đứng-nói-thở dài giả tạo, thừa thãi và những cử chỉ trống rỗng thay vì bị cuốn hút những sắc thái tinh tế và phù hợp với bối cảnh phim.

Khi nói đến mối quan hệ giữa phân cảnh và cơ thể, các diễn viên Myanmar thường được sắp xếp hời hợt, cứng nhắc như những món đồ chơi; điều này có thể được nhìn thấy từ thời kỳ điện ảnh đen trắng của Myanmar. Những phân cảnh trong phim với hai nhân vật đứng song song, thường là có một người đang trình bày những câu thoại nghiêm túc và quay lưng về phía nhân vật còn lại khiến người xem cảm thấy thiếu kết nối cũng như sự chân thật.

Đôi khi tất cả lại phụ thuộc vào giọng nói của người diễn viên. Htun Eaindra Bo (1966-) là một nữ diễn viên thành công trong việc truyền tải hiện thực qua phong cách nói chuyện điều tiết và hài hoà. Mặc dù bài viết này chỉ tập trung vào diễn xuất thay vì vinh danh một cá nhân cụ thể, vậy nhưng nữ diễn viên/ca sĩ này xứng đáng được khen ngợi nhờ vào tài năng xuất chúng của cô: phong thái trầm tĩnh và điềm đạm, ngay cả trong những phân cảnh đầy cảm xúc. Đặc biệt trong những khoảnh khắc cao trào, sự run rẩy nhẹ nhàng của giọng nói cô vang lên tựa những gợn sóng lăn tăn trên mặt nước.

Htun Eaindra Bo trong Stranger’s House. Ảnh: Stranger’s House / Facebook

Trong bộ phim kinh dị tâm lý Tha Sein Eain (Stranger’s House) năm 2019, Htun Eaindra Bo vào vai một kẻ sát nhân tâm thần—một vai diễn khá khác biệt cho một nữ diễn viên chủ yếu đóng phim tình cảm từ khi còn trẻ. Đối lập với Nay Toe (1981-), một nam diễn viên luôn thủ vai kinh dị như trong Tả Tay Gyi (The Great Ghost), vai diễn mà mang về cho anh giải thưởng Academy thứ ba vào năm 2017. Ngoài ra, nhân vật Daw Yin Yin của Htun Eaindra Bo lôi cuốn người xem bằng sự mê hoặc, ớn lạnh trong giọng nói của cô mỗi khi phân cảnh đẫm máu hiện lên.

Thêm vào đó, nhân vật Pan Aung của Zaw Lin trong bộ phim Pan Thankhin (Thre Flower Master) năm 1996 đã đối mặt với vô vàn nỗi bi kịch từ khuyết tật đến nghèo đói và những vấn đề gia đình khác. Sau khi qua đời, ông đã đoạt được giải thưởng Academy cho Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất. Đây là một cột mốc quan trọng bởi tuy rằng nhân vật Pan Aung được xây dựng với một hình ảnh một màu, bi kịch thường thấy trong điện ảnh, Zaw Lin lại không phụ thuộc vào những biểu hiện khuôn mẫu, cứng nhắc như cau mày, thở dài, liếc ngang hay rơi lệ dồn dập mà ông lại chọn cách truyền tải xung đột nội tâm chủ yếu qua ánh mắt đa chiều của mình.

Diễn viên Myanmar, Zaw Lin. Ảnh: Old Burma / Facebook

Ở một khía cạnh khác, nam diễn viên huyền thoại Kyaw Hein (1974-2020), người từng giành giải thưởng Academy năm lần lại không phù hợp với phong cách diễn xuất hiện thực này. Khả năng bộc lộ cảm xúc qua đôi mắt đã góp phần giúp đưa Kyaw Hein vào hàng ngũ các diễn viên Myanmar xuất sắc nhất, nhưng phong thái của ông trong các cuộc hội thoại lại có phần gay gắt, thường dẫn đến việc diễn “quá đà”, khiến nhân vật trở thành một quả bom hẹn giờ chực chờ nổ tung, tức giận và đau khổ quá mức độ cần thiết. Thêm vào đó, Zaw Lin có xu hướng thể hiện các cung bậc cảm xúc qua ánh mắt đa dạng hơn Dwe (1966-2007), một nam diễn viên khác với đôi mắt quyến rũ và thu hút. Vì vậy, Dwe phù hợp với các vai lãng mạn trong khi Zaw Lin lại mang đến nhiều màu sắc khác nhau trong các vai diễn của anh.

Để các diễn viên có động lực phát huy tối đa tài năng của mình, câu chuyện cần đủ sự lắng đọng, chặt chẽ và bao quát để tạo điều kiện cho các nhân vật có chiều sâu một cách thành công nhất. Tuy nhiên, các thể loại phim lãng mạn và bi kịch nặng nề đã thu hẹp ngành công nghiệp điện ảnh Myanmar; bởi ở đây, các diễn viên đã bị giới hạn bởi những “bộ” biểu cảm có sẵn cho hình thể, ánh mắt và giọng nói áp dụng vào nhiều thể loại và câu chuyện khác nhau. Vì vậy, khó để kỳ vọng một diễn viên Myanmar có thể cô đọng hình ảnh nhân vật của họ trong tâm trí người xem, như thể nhân vật đó thật sự tồn tại trong cuộc sống hàng ngày.

Paing Phyoe Thu trong ‘Mi’. Ảnh: Mi / Facebook

Tuy nhiên, Paing Phyoe Thu (1990-) lại là một nữ diễn viên đã đem lại hơi thở mới lạ trong nền điện ảnh Myanmar qua vai chính là một người phụ nữ mạnh mẽ và táo bạo của cô trong bộ phim tình cảm tâm lý Mi năm 2019. Trong vòng xoáy cuộc đời đầy ma mị của cô, Paing Phyoe Thu đã thu hút khán giả như cái cách cô quyến rũ và đùa giỡn với những người đàn ông xung quanh, khiến họ tự lao vào vòng xoáy đó. Người xem dường như không thể rời mắt khỏi hình ảnh ranh mãnh và xảo quyệt, với những giọt nước mắt bí ẩn, giọng nói thì thầm nửa vời, cũng như những lỗ hổng trong tâm hồn của cô. Những thành công trong diễn xuất của Paing Phyoe Thu không chỉ đơn thuần là một ngoại lệ, mà còn là tiêu chuẩn cho các diễn viên học hỏi. Bởi việc thực hiện một vai diễn trọn vẹn không dừng lại ở niềm đam mê nghệ thuật, mà còn đòi hỏi sự tận tâm, trau dồi kiến thức, cùng với vô vàn yếu tố khác. Có lẽ tất cả đều bắt đầu từ việc sẵn sàng từ bỏ những biểu cảm thừa thãi và không cần thiết.

NO COMMENTS

Leave a Reply