thế giới như là bản nháp
Khai mạc: 18:00 – 20:00, thứ Sáu 01/11/2024
Triển lãm: 10:00 – 19:00, thứ Ba – thứ Bảy, 02/11 – 07/12/2024, hoặc qua đặt hẹn
Galerie Quynh
118 Nguyễn Văn Thủ, Đa Kao, Quận 1, TP HCM
Thông tin từ ban tổ chức:
Galerie Quynh hân hạnh giới thiệu ‘thế giới như là bản nháp’ – một triển lãm trưng bày tác phẩm mới của Đỗ Thanh Lãng và Nguyễn Đức Đạt, hai thành viên cốt cán của nhóm nghệ sĩ Sao La.
Trong hai tuần vào mùa xuân năm 2017, Sao La tiếp quản địa điểm cũ của Galerie Quynh tại Đồng Khởi để tổ chức NGUCHONOBAY – một triển lãm với chuỗi hoạt động, ngẫu hứng và những tai nạn nghệ thuật. Phòng triển lãm hoàn toàn biến thành một không gian sống, nơi cộng đồng sáng tạo tụ họp để giao lưu, cười đùa, tranh luận, thử nghiệm, ngủ, nhảy múa, gội đầu, chiêm ngưỡng nghệ thuật và sinh hoạt như ngày thường; Cù Rú (quán bar vận hành bởi nghệ sĩ) pha chế những món cocktail đậm vị địa phương, Onion Cellar tổ chức trình chiếu bài thơ thị giác dài 5 tiếng As I Was Moving ahead occasionally I Saw Brief Glimpses of Beauty (tạm dịch: Đôi Lúc Tôi Thoáng Thấy Cái Đẹp Khi Đang Dạo Bước) của Jonas Mekas và dàn xếp buổi biểu diễn âm nhạc miễn phí, quy tụ nhạc sĩ từ nhiều dòng nhạc khác nhau. Những tình bạn mới chớm nở, vài mối quan hệ phai nhạt dần; nghệ thuật được khai sinh, và cũng có những tác phẩm dần lụi tàn.
Tôi nhớ những cái ôm trên cầu thang.
Tôi nhớ tấm mùng chống muỗi phất phơ trong sân gallery.
Tôi nhớ một tác phẩm trong Nguchonobay có hình dạng (nhưng không phải bề mặt) của một tấm da chuột lớn trải trên sàn, như một chiếc thảm, đặt trước một vô tuyến loại cổ.
Tôi nhớ mình chơi nhạc cùng Rắn Cạp Đuôi ở buổi khai mạc của Nguchonobay, nơi nhiều điều xảy ra, bao gồm việc gặp Zach lần đầu tiên.
Tôi nhớ tác phẩm của Sunny cho Nguchonobay, dù cho làm bằng chất liệu gì, bắt đầu có mùi vào ngày hôm sau buổi khai mạc.
Tôi nhớ mình lên cơn sốt cao và nằm dài trên sàn gallery, khắp xung quanh là tưng bừng tiệc tùng đang diễn ra.
Tôi nhớ những con mèo hoang, trong đó có một con thường vào sân gallery đi vệ sinh.
Tôi nhớ mình chợp mắt trong sân gallery sau giờ đóng cửa và rồi trời bắt đầu mưa.(sắp xếp lại)
trích từ Tính năng của các thiết bị hồi tưởng, viết bởi Trần Duy Hưng,
cựu Quản lý Dự án tại Galerie Quynh
Hà Nội, tháng 10 năm 2024
Trong thế giới như là bản nháp, tinh thần ứng biến, chắp vá của NGUCHONOBAY luôn hiện hữu: những tia laser màu xanh neon cắt ngang dọc trên tường; băng chuyền tự chế chạy nghe lạch cạch, nhưng vẫn vận chuyển tác phẩm một cách hiệu quả; tác phẩm treo lơ lửng bằng dây thừng ròng rọc trong phòng nghỉ không cửa sổ, với đệm ngồi và một cây chuối giả; những tấm rèm vải sợi bông, nhựa nilon và PVC được đặt rải rác tùy vào nhu cầu. Trọng tâm không nằm ở vẻ hào nhoáng, mà ở cách tạo nên giá trị từ những gì sẵn có. Điều này phản ánh tinh thần tháo vát trong văn hoá nơi đây – việc chế tạo có thể được coi như một hành động sinh tồn.
Các tranh của Lãng dẫn chúng ta đến những chốn mơ hồ, nơi các nhân vật vô danh sinh hoạt một cách bất thường; đôi khi là những hành vi bạo lực và gây rối. Khung cảnh tưởng chừng vui tươi ấy hiện lên trên nền màu sắc rực rỡ và bề mặt bóng loáng. Đỗ Thanh Lãng thường tìm nguồn hình ảnh từ internet và các kênh truyền thông, rồi chuyển thể chúng thành những (phi) bối cảnh tưởng tượng. Những hoạt cảnh này không kỳ quái như vẻ bề ngoài, nhưng lại ẩn chứa sự căng thẳng thấm xuyên qua các lớp sơn và nhựa resin.
Nếu tranh của Lãng truyền tải một cảm giác lạnh lùng tách biệt, thì tác phẩm của Nguyễn Đức Đạt lại đầy cảm xúc và theo bản năng. Cuộc sống (ngoại tuyến) hàng ngày, những khoảnh khắc của cái đẹp và cái lạ thường trên thế giới, và những xung đột xã hội-chính trị toàn cầu được tái hiện một cách chân thật, đan xen giữa bi hài kịch và chuyện kể sâu sắc.
Về nghệ sĩ:
Đỗ Thanh Lãng
Tranh của Đỗ Thanh Lãng có một thế lực tiềm ẩn dưới những dải màu rực rỡ, tạo nên sự tò mò và bối rối. Sự thể hiện của các nhân vật và sự kịch tính hoá của bối cảnh đóng vai trò như một hành động đánh lừa thị giác, che giấu đi những nguy hiểm đang chờ đợi phía dưới lớp bề mặt nhựa. Khán giả đóng vai trò như người đang mơ, vì như trong những giấc mơ chúng ta không thể biết rõ vì sao mình đến được đây, hay bất kì tình huống nào trong mơ ra sao. Những bối cảnh siêu thực của Đỗ Thanh Lãng ám chỉ tới cái nghịch lý của sự làm người khi trong chính tiềm thức, bản thân ta trở thành một nhân vật được trang bị những kịch bản và cốt truyện nằm ngoài tầm kiểm soát – chúng ta là nhân chứng, nhưng không phải là người tham gia.
Tiếp cận thực hành nghệ thuật với một bản năng hiếm có — có thể nhìn thấy ở các cạnh gai góc của tấm toan, hoặc những con côn trùng bị hóa thạch bởi nhựa resin — Đỗ Thanh Lãng ở trong vị trí thích hợp để khéo léo tạo ra sự hài hước từ thực tế khốc liệt. Với sự mơ hồ kỳ lạ, tác phẩm của anh tưởng như những mảnh ký ức, một ghi chép trực quan về những khoảnh khắc khi ta giao chuyển giữa hai trạng thái nhận thức và vô thức.
Sinh năm 1986 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đỗ Thanh Lãng học chuyên ngành Hội họa tại Đại học Mỹ thuật Hồ Chí Minh. Tác phẩm của anh đã được trưng bày ở nhiều triển lãm nhóm tại Việt Nam và trong khu vực, như Muối Rừng, triển lãm Việt Nam–Hàn Quốc, Seoul, Hàn Quốc; Modern Wind, Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh; Chị Tôi, Sàn Art; Fall, Cafe Trầm; Trên Trời Rơi Xuống và Ngoài Lề Bảo Tàng, Sao La; Dạo Bước Nghệ Thuật, nhiều địa điểm ở Thành phố Hồ Chí Minh; Chung, PongDang Gallery; và Dăm Kết Mặt Trăng, Bồi Tích, bài ca ve sầu giữa anh túc mùa hạ, Lò Cò và NGUCHONOBAY (giám tuyển bởi Sao La), Galerie Quỳnh.
Đỗ Thanh Lãng cũng đã tham gia Spot Art Singapore 2014 tại ARTrium@MCI, Singapore và chương trình nghệ sĩ lưu trú Chuyển động Brown tại Heritage Space ở Hà Nội.
Đỗ Thanh Lãng sinh sống và làm việc tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Nguyễn Đức Đạt
Sinh năm 1979 tại Pleiku, Việt Nam, Nguyễn Đức Đạt học chuyên ngành Hội họa tại Đại học Florida. Anh là thành viên của nhóm nghệ sĩ Sao La và người đồng sáng lập Cù Rú, quán bar vận hành bởi nghệ sĩ ở Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Lạt. Anh đã giám tuyển cho Nhà Sàn Collective và từng là giám đốc nghệ thuật của Nhà Sàn ở Hà Nội. Tác phẩm của anh đã được trưng bày ở nhiều triển lãm như documenta 15, Kassel, Đức; NGUCHONOBAY #2: 2,99999 THẾ GIỚI, 20/20 Gallery, Elizabeth Foundation for the Arts, New York, Hoa Kỳ; Muối của rừng, Korea Foundation Gallery, Seoul, Hàn Quốc và CUC Gallery, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam; Nổ Cái Bùm: Đà lạt mộng mơ, Đà Lạt; Nổ Cái Bùm, Huế; Những chân trời có người bay 4, Nhà Sàn Collective, Hà Nội; và Trên trời rơi xuống, Sao La, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Đạt cũng đã giám tuyển và tổ chức nhiều dự án nghệ thuật như Dạo Bước Nghệ Thuật – March: Art Walk và Dạo Bước Nghệ Thuật 2.0, nhiều địa điểm, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam; địa/phương ~ local-liti, Sao La, Địa Projects, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam; NGUCHONOBAY, Galerie Quynh, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam; và zine Nghệ Thuật và Pháp Luật.
Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.