như thể ai đó mù đang ngắm trăng
14:00 – 16:00, Chủ nhật 08/12/2024
Viện Goethe Hà Nội
56-58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội
Link đăng ký
Thông tin từ ban tổ chức:
Như thể
Ai đó mù
Đang ngắm trăng
Bài Haiku trên đây của Basho được lấy làm tên cho Sự kiện số 2 trong tháng thơ Se Sẽ Chứ. Một sự kiện xoay quanh thơ Haiku và thiên nhiên – một cuộc chuyện trò về sự Nhìn – Thấy – Biết – Thấu cảm cùng nhà thơ Hàm Anh, nhà hoạt động xã hội/ tác giả Đặng Hoàng Giang, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, nhà thơ Hoàng Văn Lý và rất nhiều bè bạn văn chương từ các cộng đồng đa dạng.
Đôi nét về các diễn giả:
Nhà thơ Hàm Anh từng là sinh viên Khoa Ngữ văn, ĐH Tổng hợp Hà Nội khoá 33. Năm 1989, được Trường Viết văn Nguyễn Du tuyển và gửi sang học tại Trường Viết văn M. Gorki, Matxcơva, Liên bang Nga, khoá 1990-1996, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga từ năm 1994. Sau khi về nước, chị công tác tại Bộ Ngoại giao.
Chị từng xuất bản các tập thơ Màu tự nhiên, Gọi tháng ba…thơ của Hàm Anh thân gần với tinh thần và thể thức haiku – mà chị gọi là “tinh thể muối, bạn không thể nuốt chửng nó, bạn phải nhấm nháp…Haiku là một bí ẩn, một huyền nhiệm. Haiku là một tập hợp từ mà người làm ra nó đã yểm bùa bằng sâu thẳm tinh thần của người ấy. Không có thuốc để giải bùa, bạn không cảm nhận được. Một dạng MẬT NGỮ. Khi bạn chạm được đáy sâu thân phận ấy, nỗi rung cảm với bài Haiku khác hẳn với những thể loại thơ khác, nó sâu xa, lan tỏa mãi, dai dẳng và nhiều khi như thể bạn đạt tới một sự giác ngộ nào đó.”
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là nhà hoạt động xã hội và tác giả phi hư cấu, viết về các chủ đề xã hội đương đại. Ông tiên phong trong các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe tinh thần, phá bỏ định kiến và kỳ thị. Ông nỗ lực mở rộng không gian xã hội dân sự, góp phần xây dựng một xã hội giàu lòng khoan dung và trắc ẩn. Trong quá trình viết cuốn sách mới nhất, Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường, ông phát hiện ra thế giới đẹp đẽ của thơ haiku, và đặc biệt được thu hút bởi cách người khiếm thị trải nghiệm và thưởng thức thiên nhiên.
Đối với ông “Các tác giả haiku nhìn sâu vào từng sinh linh, tái hiện chúng như những chủ thể đang sống theo đúng bản chất tự nhiên của chúng, qua đó thể hiện lòng tôn trọng và thấu cảm. Chúng quan trọng bởi chúng là chúng, chứ không phải vì chúng đem lại lợi lộc gì cho ta. Thật kỳ lạ là khi tập trung vào những điều bé nhỏ mà vẫn bị coi là tầm thường, tầm phào, không đáng để tâm thì thế giới của ta lại trở nên vô cùng rộng lớn.”
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp là nhà làm phim độc lập đã gặt hái thành công tại các liên hoan phim quốc tế lớn, đồng thời, cô là người tích cực kiến tạo các dự án văn hoá xã hội nhằm kết nối nghệ thuật và đời sống, nghệ sĩ và công chúng. Tác phẩm và mối quan tâm của cô đặc biệt hướng tới phụ nữ, trẻ em gái và các nhóm yếu thế trong xã hội. Phim mới nhất mà cô đang thực hiện có sự tham gia của rất nhiều diễn viên khiếm thị.
“Đôi khi tôi thấy tuyệt vọng vì chẳng mấy người tin rằng thi ca có thể làm cho mình đẹp lên…nên mỗi năm, vào lúc đỡ buồn nhất, tôi thường tích cực “nài nỉ” mọi người se sẽ yêu thơ đi, tận hưởng nghệ thuật đi. Tình cờ, trong lúc quay phim 1982, tôi đã được truyền cảm hứng bởi rất nhiều người bạn khiếm thị, và tìm được cách trị bệnh muộn sầu bằng việc đi vào rừng. Thế là Se Sẽ Chứ 2024 là phép cộng của THI CA – THIÊN NHIÊN – SỰ THẤY BIẾT”.
Hoàng Văn Lý là người khiếm thị từ khi mới chào đời, sau này anh học báo chí và gắn bó với công việc làm báo nhưng không ngừng theo đuổi tình yêu với thi ca. Hiện anh công tác tại hội người mù quận Hoàn Kiếm, anh là thành viên nòng cốt cùng xây dựng tháng thơ Se Sẽ Chứ 2024. Anh chia sẻ: “Đọc thơ là khoảnh khắc mà tôi cảm thấy mình thực sự kết nối với mọi người, như thể đang mở cánh cửa tâm hồn để đón nhận sự đồng cảm. Thơ ca với tôi không chỉ là nghệ thuật ngôn từ mà còn là cách để khám phá bản thân và thế giới xung quanh. Mỗi bài thơ là một hành trình, một cuộc đối thoại thầm lặng giữa tôi và cuộc đời.”
Se Sẽ Chứ là dự án của Ơ Kìa Hà Nội, do đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cùng những người yêu văn hoá tổ chức nhằm lưu giữ, tưởng nhớ và lan tỏa di sản nghệ thuật của Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ, và hiện đã trở thành lễ hội thơ thường niên lớn nhất do chính cộng đồng thực hiện
Se Sẽ Chứ 2024 đã kết nối các thành viên từ nhiều câu lạc bộ, hội, nhóm của người khiếm thị với những người không khiếm thị yêu văn chương. Để cùng nhau khám phá sức mạnh đa giác quan trong nghệ thuật nói chung và thi ca nói riêng. Các hoạt động bao gồm sáng kiến về phòng đọc màu xanh “Sờ Chữ Nghe Thơ”, toạ đàm “Như thể ai đó mù đang ngắm trăng” về thơ Haiku, workshop chữ nổi, tour thơ kết hợp tắm rừng “Se sẽ đi vào rừng”, đêm thơ ”SE SẼ CHÀO NĂM MỚI”…
Dự án “Se Sẽ Chứ 2024” do Ơ Kìa Hà Nội khởi xướng nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác “Kêu gọi đề xuất ý tưởng: Nghệ thuật bao hàm” của Goethe-Institut Hà Nội. Đây là dự án nhằm hướng sự quan tâm đến những vấn đề của người khuyết tật tại Việt nam, cũng như gợi mở những tiềm năng của thực hành nghệ thuật bao hàm và cách mọi người trong xã hội – bao gồm cả người khuyết tật và người vận động – có thể hưởng lợi từ hướng tiếp cận này·
Hãng phim Ơ Kìa Hà Nội, thương hiệu mỹ phẩm Menard, công ty sách Omega đồng hành cùng dự án.
Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.