Home HanoiGrapevine Kể chuyện Nghệ Thuật Công Cộng Và Sức Mạnh Biến Đổi Không Gian Và...

Nghệ Thuật Công Cộng Và Sức Mạnh Biến Đổi Không Gian Và Cộng Đồng

Bài viết bởi Chii Nguyễn
Ảnh: Chii Nguyễn
Bản dịch tiếng Anh: Đinh Vũ Nhật Hồng
Vui lòng ghi rõ nguồn VFCD 2024 khi chia sẻ bài viết.
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép.

Tối ngày 22/11/2024, trong khuôn khổ VFCD 2024, một tour đi bộ đặc biệt do giám tuyển/nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn dẫn dắt đã thu hút gần 20 người từ nhiều quốc tịch khác nhau. Đây là hành trình khám phá cách nghệ thuật có thể thay đổi không gian và cộng đồng, tập trung vào những dự án nghệ thuật công cộng tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Hành trình từ Ga Long Biên – Biến đổi từ lịch sử đến hiện đại

Tour bắt đầu tại ga Long Biên, nơi gắn liền với di tích cầu Long Biên và nhiều câu chuyện thời chiến. Ga Long Biên cũng là địa điểm mới nhất được biến đổi dưới đôi bàn tay tài năng của các nghệ sĩ.

Phía sau sân ga, khu vực nối liền với xóm chợ gầm cầu nhiều năm chìm trong bóng tối, nay được thắp sáng bởi những chiếc đèn lồng bằng gốm sứ, những gánh hàng rong cắt CNC và một tác phẩm 3D khổng lồ trên bức tường cũ nhuốm màu thời gian. Mỗi tác phẩm mang một nhiệm vụ đối thoại với không thời gian và cuộc sống con người kẻ chợ.

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật – “Thủy Cung” trên không trong lòng Hà Nội

Tiếp nối hành trình, đoàn di chuyển đến cầu đi bộ Trần Nhật Duật, từng là một cây cầu xuống cấp, nay được “tái sinh” thành một không gian nghệ thuật công cộng đầy sắc màu. Dưới bàn tay của nhóm nghệ sĩ CungDinh, cây cầu trở thành một “thủy cung” sinh động.

“Nhờ nghệ thuật mới có động lực bước lên cầu.” – một người tham gia chia sẻ.

Từ những bậc thang đầu tiên dẫn lên cầu đi bộ, chúng tôi đã bắt gặp những “Cá Chép vượt vũ môn” của nghệ sĩ Cấn Văn Ân. Nối tiếp hai bên lan can cầu là tác phẩm “Sóng” của nghệ sĩ Lê Đăng Ninh gợi lại ký ức của những lớp sóng sông Hồng và cuộc sống của những con người nơi đây. Mái vòm của cây cầu đi bộ là tác phẩm “Thủy Cung” của hoạ sĩ Vũ Xuân Đông, như một đường hầm thuỷ cung sinh động với đủ loại sinh vật biển làm từ đồ tái chế. Điều thú vị là những tác phẩm này đã sống sót vẹn nguyên sau cơn bão lịch sử Yagi, khi toàn bộ phần mái vòm bị thổi bay, “các sinh vật biển” vẫn bền bỉ với sức sống của chúng.

Phúc Tân – Nơi ánh sáng nghệ thuật xóa tan bóng tối

Đi thêm một số bước chân, qua cửa khẩu Thanh Yên, chúng tôi bước sang khu Phúc Tân. Ở đó có dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân đi vào hoạt động bốn năm trước và dự án công viên rừng Phúc Tân do nhóm Think Playgrounds khởi xướng, đi vào hoạt động đầu năm nay, đã bổ sung thêm một không gian mở đầy sáng tạo cho cộng đồng. Những tác phẩm nghệ thuật công cộng tại đây không chỉ làm đẹp cảnh quan mà còn mang lại sức sống mới cho khu vực từng bị bỏ hoang, là nơi của trộm cắp và ma tuý.

Theo nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, cây cầu là một gạch nối góp phần hiện thực hóa ý tưởng nối liền bên này và bên kia thành phố bằng nghệ thuật công cộng. Các tác phẩm được các nghệ sĩ dày công nghiên cứu và tạo ra những tác phẩm mang tính tương tác, gần gũi với người dân tại nơi đó.

Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân đã biến đổi khu vực dân cư sinh sống tại đây bằng ánh sáng, bằng cái đẹp. Dự án được tạo nên bởi 16 nghệ sĩ tình nguyện trong và ngoài nước, mục đích cải tạo một khu vực bị bỏ rơi trở thành nơi dành cho cộng đồng, cho du lịch và mang lại lợi ích về môi trường, văn hoá.

Nghệ thuật công cộng ở đây đề cập đến những vấn đề cấp bách của thời đại, chẳng hạn như khí thải từ 40 triệu xe máy, sự ô nhiễm rác trong môi trường, sự liên tưởng giữa quá khứ và tương lai, đô thị mới, trong sự phát triển của Việt Nam… Ở đây diễn ra sự đối thoại của các tác phẩm với chính nơi đặt tác phẩm. Ví dụ: hình cây cầu Long Biên, quang cảnh và người xem phản chiếu lên hàng trăm mảnh gương ghép trên các tác phẩm thuyền của nghệ sĩ Cấn Văn Ân. Không chỉ thưởng lãm như tác phẩm trưng bày trong bảo tàng, chúng tôi được tương tác trực tiếp, đụng chạm và thậm chí đẩy kéo các tác phẩm, ví dụ kéo tai Con voi vàng của George Burchett, quay những bánh xe máy với hình ảnh lịch sử cầu Long Biên của Trịnh Minh Tiến, bệ ngồi gạch bông của Trần Hậu Yên Thế và bệ ngồi gắn kính cường lực của Ưu Đàm.

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn giới thiệu với chúng tôi quá trình sáng tạo, tái tạo của từng tác phẩm, đan xen là những sinh hoạt, hoạt động sống động của người dân nơi đây. Anh cũng giới thiệu với chúng tôi những dự án gần đây, những dự án các nghệ sĩ đang ấp ủ và chuẩn bị ra mắt trong khu vực lân cận phố cổ.

Chúng tôi chứng kiến những tác phẩm đã trải qua sự bào mòn của thời gian, của thiên nhiên khắc nghiệt (đã có lúc các tác phẩm bị ngâm trong nước lũ nhiều ngày), nay đã hòa mình trở thành một phần của cảnh quan. Khu vực này trước đây rất tối, im lìm trong rác phế thải, nay đã trở thành nơi sinh hoạt náo nhiệt của người dân khu vực này: đội bóng chuyền, khiêu vũ, tập thể dục, trà nước… Nghệ thuật đã trở thành một phần của cuộc sống nơi đây.

Trải nghiệm từ dự án nghệ thuật công cộng cầu đi bộ Trần Nhật Duật, dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân cho thấy ở đâu có ánh sáng nghệ thuật tới, có ánh sáng tới thì những điều không hay, những điều tiêu cực bớt đi./

Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam
Website
Facebook
Instagram
X
YouTube

NO COMMENTS

Leave a Reply