Quỳnh Phạm – Người đàn bà kể chuyện Jazz
Viết bởi Uyên Ly cho Hanoi Grapevine và Hanoi Blues Note
Hỗ trợ bởi Minh Hiếu
Hình ảnh do Hanoi Blues Note cung cấp
Ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép
Ít ai biết rằng, không chỉ nổi tiếng trong cộng đồng khán giả yêu jazz với giọng ca đậm chất trữ tình, Quỳnh Phạm còn là một trong những nghệ sĩ jazz tiên phong tại Việt Nam những năm 2000. Khán giả thường xuyên lui tới Bình Minh Jazz Club trên phố Lương Văn Can, Hà Nội thời ấy hẳn còn nhớ giọng ca Quỳnh Phạm. Cô gái trẻ ở độ tuổi 20, xinh đẹp, cá tính, và có chút bất cần, “cân” được nhiều ca khúc jazz kinh điển. Nhiều người còn nhớ đến cô khi thể hiện các ca khúc Phố nghèo (Trần Tiến), Hát theo người đi trên phố (Anh Quân), Gửi người em gái (Đoàn Chuẩn), Somewhere over the rainbow, Willow weep for me, Summertime, Fly me to the moon, All of me, Watermelon man (những ca khúc jazz thế giới kinh điển tại jazz club những năm 2004-2014).
Bẵng đi nhiều năm, không thấy Quỳnh Phạm xuất hiện ở vai trò ca sỹ. Thế nhưng con người hát trong cô vẫn luôn âm ỉ và chỉ chờ đến lúc được bung nở. Gần đây, khi đã hội đủ các điều kiện, Quỳnh Phạm chuẩn bị cho ra mắt EP nhạc jazz đầu tiên trong sự nghiệp ca hát của mình. Cô chọn nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, chọn thể hiện 05 ca khúc của người nhạc sỹ này theo phong cách jazz, vừa có chút phóng khoáng vừa có chút tự sự, trong không khí lắng đọng đến từ những trải nghiệm cuộc đời.
Cái tên của album cũng vô cùng ý nghĩa và đầy ẩn ý: “Rồi như đá ngây ngô”. Đây là một album mà vào đêm muộn hoặc những khi cần tĩnh hơn một chút, người ta có thể nhấn nút bật lên cho mình nghe, hoặc nghe cùng một vài người bạn. Trên nền nhạc tối giản và có chút vintage, giọng ca của Quỳnh Phạm, của người đàn bà kể chuyện cất lên, thong thả nhâm nhi những gửi gắm nghệ thuật và trải nghiệm cuộc đời của người hát trong ánh nến vàng hồng, cùng chiêm nghiệm, cùng trân trọng tình yêu và cuộc đời.
Quỳnh Phạm đã có những bật mí thú vị với chúng tôi về sản phẩm mới, cũng như trải lòng về quãng thời gian theo đuổi jazz tại Việt Nam.
Quỳnh bắt đầu đến với jazz từ khi nào?
Tôi bắt đầu học piano từ năm 10 tuổi. Bố là ca sĩ, mẹ là con của hai nghệ sỹ cải lương, chị gái là giáo viên dạy nhạc. Tôi lớn lên trong gia đình nghệ thuật nên được học âm nhạc từ bé. Ngày ấy tôi thích hát, nhưng bố tôi cho rằng nghề hát vất vả nhiều cạm bẫy nên muốn con gái theo học piano.
Tôi theo học ngành piano cổ điển tại trường Nghệ thuật Quân đội. Những năm 2000, trường bắt đầu đưa nhạc nhẹ và jazz vào chương trình học. Đó là một trong những khóa nhạc jazz đầu tiên ở Việt Nam nên mọi thứ còn mới mẻ đối với chúng tôi. Vốn đã quen với sự mẫu mực trong âm nhạc cổ điển, nhiều bạn ở thời điểm đó gặp khó khăn trong việc thích nghi với nhạc jazz được chơi theo kiểu phóng khoáng, nghịch điệu, trong đó có tôi.
Jazz rất khắt khe vì nó kén người nghe. Khi ấy, đất nước mới bước vào thời kỳ mở cửa, mọi người quen nghe âm nhạc phổ thông như pop hay rock chứ chưa quen nghe jazz. Khó khăn trong việc kiếm sống bằng jazz đã thôi thúc tôi học tiếp văn bằng hai về Quản trị Kinh doanh ở NEU (Đại học Kinh tế Quốc dân), sau đó về làm việc cho các công ty truyền thông và quân đội trong mảng biên tập & sản xuất nội dung (Vietnamnet, Vietnamnet Media Group, VTC,…), sau này mới ra làm riêng.
Tôi là ca sĩ ở jazz club của NS Quyền Văn Minh trong khoảng 10 năm (2004-2014). Làm công việc văn phòng và đi hát, lại cộng thêm việc gia đình, tôi không dám dành toàn bộ thời gian cho nghệ thuật. Dù vậy, tôi vẫn mong mỏi làm thế nào để phát triển jazz tại Việt Nam.
Khoảng năm 2019, 2020, tôi quyết định thành lập Hanoi Blues Note. Khởi đầu với vai trò là một công ty biểu diễn và tổ chức sự kiện, sau này nương theo sự thay đổi của thị trường, tôi quyết định mở rộng sang sản xuất, khai thác phát triển nhạc số trên nền tảng mạng xã hội.
Quá trình này giúp tôi có cơ hội nhìn lại sự nghiệp. Âm nhạc vẫn là điều tôi yêu thích nhất và làm tốt nhất, vậy mà bấy lâu nay vẫn tôi phớt lờ nó. Sau một thời gian, tôi thấy giờ mới bắt đầu đủ để mình làm những điều mong mỏi với jazz.
Những việc khác bạn làm cũng tốt, vì sao lại cho rằng mình làm âm nhạc là tốt nhất?
Vì tôi được nuôi dưỡng và dạy dỗ bằng âm nhạc, được tiếp xúc với âm nhạc và đem lòng yêu âm nhạc từ nhỏ. Âm nhạc giống như đời sống của tôi, là chuyện cả đời. Tôi thấy mình may mắn khi được sinh ra và trở về đúng nghề âm nhạc.
Trong 10 năm đi hát ở jazz club của Quyền Văn Minh, Quỳnh Phạm vừa đi hát, vừa đi làm công việc văn phòng. Chị đã cân bằng giữa nhịp sống và nhịp sinh hoạt như thế nào?
Hơn 10 năm đó là quãng thời gian tôi làm nghề nhiều nhất. Ban ngày, tôi làm công nhân viên chức 10 tiếng, sau đó lại xách đồ đi diễn ở khắp nơi. Thời điểm đó, tôi không vướng bận về gia đình nên có sự tự do trong âm nhạc. Tôi hoạt động rất mạnh mẽ, tham gia nhiều chương trình lớn nhỏ về jazz. Cho tới khi có gia đình, phải cân bằng thời gian giữa gia đình và công việc, tôi gần như từ giã và chỉ nhận một ít chương trình phù hợp.
Nghệ sỹ là thế, chỉ cần một, hai năm không hoạt động là chắc chắn không còn hình ảnh nữa. Ai cũng phải trả giá cho điều mình mong ước. Mình muốn gia đình ổn định thì không thể dành toàn bộ thời gian cho công việc. Gần như nghệ sỹ nào cũng gặp vấn đề đó, phải là người rất thương và hiểu họ thì mới có thể ở bên cạnh họ.
Tôi từng rất muốn phát hành đĩa nhạc, nhưng cứ đến nửa chừng là dừng vì chi phí tăng cao quá, lại chưa đủ sự tự tin, chưa có ai nâng đỡ và hướng dẫn. Khi Hanoi Blues Note mở ra, tôi mong có thể giúp đỡ nghệ sỹ bằng cách làm chương trình miễn phí để giới thiệu gương mặt mới. Tôi muốn giúp đỡ và đem lại giá trị cho cộng đồng.
Hãy chia sẻ một chút về album lần này của bạn nhé!
Từ khi bắt đầu học nhạc, tôi đã luôn ấp ủ ước mơ phát hành sản phẩm riêng. Nhưng jazz không phải là mảnh đất màu mỡ. Không như các dòng nhạc theo xu hướng khác, nghệ sỹ jazz rất khó phát hành sản phẩm riêng, hoặc nếu có thì chủ yếu là sản phẩm của một số nghệ sĩ nhạc cụ chứ không phải ca sĩ. Chưa có nghệ sỹ trẻ nào có sản phẩm được sản xuất và truyền thông bài bản.
Chính vì vậy, tôi lại càng mong muốn phát hành đĩa để truyền cảm hứng và động lực cho thế hệ jazz trẻ. Các bạn nhiều người giỏi, yêu jazz giống tôi, nhưng lại không có kinh nghiệm và tài chính để phát hành sản phẩm riêng.
Đây là EP đầu tiên mang dấu ấn nhạc jazz của một ca sĩ jazz hát nhạc Việt. Ban đầu tôi dự định phát hành album bằng tiếng Anh, nhưng sau đó tôi nghĩ rằng phải là một sản phẩm thuần Việt mới có thể truyền tải được đúng hiện trạng của jazz với người nghe.
Sau khi suy nghĩ, tôi thấy nhạc Trịnh là phù hợp nhất. Nhạc Trịnh có nhiều chất thơ, đẹp, nhân văn, giống như Bob Dylan (ca sỹ, nhạc sỹ huyền thoại người Mỹ) của Việt Nam. Tôi thích ca từ như thế. Lời hát và giai điệu của Trịnh Công Sơn cũng phù hợp để chuyển sang dòng nhạc jazz.
Sau quãng thời gian COVID, thế giới thay đổi, mọi người sống nội tâm hơn, họ quan tâm tới cái tôi của mình hơn. Tôi lựa chọn cách hát theo kiểu tự sự, nơi tôi là người kể chuyện bằng nhạc jazz. Tôi mong rằng sản phẩm này không chỉ là cột mốc đánh dấu chặng đường cá nhân mà còn là một câu chuyện âm nhạc gần gũi hơn trong cuộc sống.
Bạn đã gặp phải những thách thức nào khi thể hiện nhạc Trịnh Công Sơn theo lối jazz?
Mọi người đã quen với cách hát da diết của cô Khánh Ly hay trong veo của chị Hồng Nhung, vậy nên làm thế nào để giữ được tinh thần bài hát nhưng vẫn đưa vào chất riêng của mình mới là cái khó. Tôi phải tìm bản nhạc phù hợp, thử nhiều kiểu hát khác nhau để tìm ra phiên bản phù hợp nhất. Suốt hai năm ấp ủ dự án này, tôi đã sửa đi sửa lại nhiều lần, mỗi lần lại muốn thay đổi.
Các bản nhạc được thu live toàn bộ. Khi nghe, bạn có thể sẽ thấy một vài chỗ không được mượt mà, nhưng đó là âm thanh chân thực nhất, hạn chế sự chỉnh sửa ít nhất theo đặc trưng của jazz.
Ekip của Quỳnh Phạm đã phối hợp làm việc như thế nào cho album lần này?
Người giúp đỡ tôi nhiều nhất là bạn Thế Anh, giám đốc âm nhạc của dự án. Tôi đưa cho bạn làm với ý đồ xem các bạn trẻ nghĩ gì về nhạc Trịnh, từ đó tìm ra những góc nhìn mới. Khi phối bài, các bạn cũng đưa câu chuyện của mình vào chứ không chỉ là câu chuyện của người nhạc sĩ. Mỗi bài hát sống được như thế nào trong lòng công chúng là dựa vào cách người làm nhạc kể câu chuyện đó.
Thế Anh là người trẻ có chiều sâu tư duy. Khi mới bắt đầu, bạn cũng thấy căng thẳng vì thậm chí còn không nghe thể loại nhạc này mấy (cười). Tôi mới gợi ý cho bạn, nhạc Trịnh đẹp, nhưng cái đẹp cần đi cùng năm tháng để phù hợp với dòng chảy thời đại, chứ không phải cứ giữ nguyên cái cũ. Dần dần, Thế Anh cũng tìm được cảm hứng, bạn thích thú và cùng tôi thảo luận xem chất liệu nào là hợp, phải đưa vào sản phẩm cuối cùng chất liệu ra sao.
Cũng cãi nhau nhiều lần lắm, nhưng cuối cùng thì mọi người đã hoàn thiện đúng như tôi mong muốn: một người đàn bà kể chuyện của thời đại mới, phảng phất hơi thở hiện đại, lại có sự giao thoa giữa cái cũ và cái mới. Tôi muốn bản thân mình sau này cũng thế: một nghệ sỹ làm mới lại những ca khúc ít người biết theo năm tháng, đưa vào đó sắc màu và tinh thần của jazz.
Khác với sự mềm mại trong album lần này, Quỳnh Phạm lại là người có cá tính rất mạnh mẽ và gai góc. Có bao giờ bạn muốn thay đổi các màu sắc âm nhạc khác nhau hay không?
Có chứ. Bản thân tôi là một người cá tính, gai góc trong âm nhạc. EP đầu tay này của tôi là màu sắc của người đàn bà kể chuyện, còn trong các sản phẩm tương lai thì sẽ khác. Có thể về nhạc truyền thống kinh điển của Việt Nam, dân ca quan họ, ca trù,…
Chỉ dựa trên một đĩa nhạc để nói về cá tính âm nhạc thì chưa đủ. Nó chỉ là một màu, một trạng thái trên đó thôi.
Quỳnh Phạm nghĩ mình có thể đóng góp được điều gì khác biệt trong thế giới âm nhạc rộng lớn này?
Âm nhạc là món ăn tinh thần, luôn có người thích và người không thích. Có thứ phù hợp với số đông, có thứ chỉ phù hợp với một số người. Là nghệ sĩ, tôi có trách nhiệm mang đến cho khán giả trải nghiệm trong câu chuyện âm nhạc.
Mỗi nghệ sĩ sẽ có màu sắc khác nhau. Nếu đúng cái mình thích thì tại sao không giữ, tại sao phải đi theo ý kiến của người khác? Đó mới là cá tính trong âm nhạc chứ không phải sự xù xì vẻ bề ngoài.
Hy vọng cách nói chuyện theo hơi hướng hiện đại, ấm cúng này của tôi sẽ chạm tới những người có cùng tần số (trải nghiệm, độ tuổi). Nếu có nốt nhạc nào đó của tôi chạm tới họ thì đó đã là thành công rồi. Âm nhạc không nhất thiết phải hàn lâm hay có kỹ thuật, khiến mọi người nghĩ rằng đó là cái gì ghê gớm lắm.
Nhìn lại chặng đường vừa qua, điều gì khiến chị cảm thấy tự hào nhất?
Tôi tự hào vì đã gây dựng được công ty riêng của mình, một công ty về âm nhạc, biểu diễn và nhà sản xuất có uy tín với khách hàng. Cái gì bạn làm tốt thì tự nó sẽ lan tỏa được thôi.
Tôi mong muốn đem lại những giá trị trong âm nhạc, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ với hướng đi và cái nhìn sâu sắc hơn. Cái tôi tiếc nuối là đã không quyết liệt với bản thân, nhưng đó là điều đã qua và giờ tôi đã có cái nhìn rõ ràng hơn.
Ở Việt Nam, Quỳnh Phạm chịu ảnh hưởng bởi ai trong âm nhạc?
Nghệ sĩ Quyền Văn Minh, vì đó là sân khấu jazz chuyên nghiệp đầu tiên mà tôi biểu diễn. Tôi luôn dành sự tôn trọng cho những người đã dám khẳng định mình một cách rất quyết liệt. Bây giờ có nhiều bạn giỏi, không thể so về kỹ thuật chuyên môn. Nhưng với những người đã làm được nhiều điều cho âm nhạc thì tôi mong sự công nhận dành cho họ. Tôi muốn tách bạch khía cạnh con người với chuyên môn kỹ thuật.
Về ca sĩ, tôi thích Trần Thu Hà và Thanh Lam. Thanh Lam giống như chị cả trong giới ca sỹ, tôi thích cách các chị đối xử với nghệ sỹ đàn em. Lúc hát xong chị hay chờ ban nhạc chơi xong mới về, luôn tôn trọng các em, luôn giữ văn hóa giữa đồng nghiệp với nhau. Đó là cái mà đôi khi các bạn trẻ bỏ lỡ.
Tôi thích Trần Thu Hà ở phong cách hát. Chị có màu sắc và cá tính riêng trong đó, là tấm gương khiến tôi phải cảm thán rằng tại sao họ có thể sống hết mình trong âm nhạc như thế. Họ không liên quan tới dòng nhạc tôi theo đuổi, nhưng tôi thấy ấn tượng với họ.
Tôi thích Tùng Dương nữa, một người cá tính dữ dội trong âm nhạc, quyết liệt trong việc theo đuổi thứ âm nhạc mình muốn.
Nếu album này là một bức họa, thì bạn mô tả chân dung nghệ sĩ với đầy đủ các màu sắc như thế nào?
Một màu đỏ của sự dữ dội. Màu đen và trắng của nguyên bản.
Có lúc nào có gì đó mách bảo bản thân bạn làm album này, nếu không làm thì sẽ “chết” không?
Có chứ. Tôi luôn nghĩ khi nào thì có thể phát hành sản phẩm mới. Nếu không phải bây giờ thì bao giờ? Tuy là sản phẩm đầu tay và có nhiều kinh nghiệm trong nghề nhưng tôi vẫn gặp rất nhiều khó khăn và phải sử dụng tất cả sự hỗ trợ mà mình có được để có thể hoàn thiện EP này. Nhưng nếu không làm gì cả, thì bạn sẽ mãi chỉ là người ngoài cuộc với nghề.
Cảm ơn Quỳnh Phạm rất nhiều vì đã dành thời gian phỏng vấn!