Home Sự kiện Mĩ thuật Quỹ Thiết kế và Nghệ thuật số, Đại học RMIT Việt Nam

Quỹ Thiết kế và Nghệ thuật số, Đại học RMIT Việt Nam

Hạn nộp hồ sơ: 07/03/2025
Link ứng tuyển

Thông tin từ ban tổ chức:

Khoa Truyền thông và Thiết kế (SCD) tại RMIT Việt Nam hân hạnh thông báo ra mắt phiên bản thứ 3 của chương trình Quỹ Thiết kế và Nghệ thuật số, Đại học RMIT Việt Nam.

Chương trình là cơ hội cho các nhà thiết kế và nghệ sĩ phát triển một dự án kỹ thuật số theo sự lựa chọn của họ. Chúng tôi tìm kiếm 2 ứng viên (1 nghệ sĩ và 1 nhà thiết kế) có quan tâm và kinh nghiệm trong lĩnh vực Thiết kế & Nghệ thuật số.

Các ứng viên được chọn sẽ được cung cấp đầy đủ vào các nguồn nghiên cứu cần thiết của RMIT cho dự án của mình, tất cả ứng viên được xem xét cẩn thận dựa trên các nguồn lực và chuyên môn tại Khoa Truyền Thông và Thiết Kế

Mỗi ứng viên tham gia phải
– Phát triển dự án đã chọn trong vòng bốn tháng theo khung thời gian sắp xếp bởi SCD.
– Tập trung vào dự án: phải đạt kết quả theo đề xuất ban đầu.
– Thành quả được trình bày trên chất liệu kỹ thuật số.

Mỗi ứng viên tham gia phải đáp ứng
– Có ít nhất bốn năm kinh nghiệm đã được kiểm chứng trong lĩnh vực Thiết kế và Nghệ thuật số nếu ứng viên không phải là cựu sinh viên của RMIT Việt Nam.
– Có ít nhất một năm kinh nghiệm đã được kiểm chứng trong lĩnh vực Thiết kế và Nghệ thuật số sau khi tốt nghiệp từ RMIT Việt Nam nếu ứng viên là cựu sinh viên của RMIT Việt Nam.
– Giao tiếp và viết tiếng Anh thành thạo.
– Là công dân Việt Nam (có hộ chiếu hoặc căn cước công dân Việt Nam).
– Có thể tham gia vào các hoạt động ngoại khóa không thường xuyên dành cho sinh viên RMIT (ví dụ như các buổi nói chuyện của diễn giả khách mời, đi thực tế, giới thiệu dự án, v.v…) để chia sẻ tiến độ của dự án.
– Có mặt ở Thành phố Hồ Chí Minh vào thời điểm triển lãm diễn ra.
– Không phải là nhân viên hoặc sinh viên của RMIT ở thời điểm nộp bài và trong khung thời gian của dự án.
– Không có mối quan hệ trực hệ (cha mẹ, con, anh chị em ruột, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, vợ chồng) với nhân viên của RMIT.

Mỗi ứng viên tham gia sẽ được
– Hỗ trợ thích hợp về mặt kỹ thuật và nguồn lực của SCD cho dự án của mình.
– Hỗ trợ chi phí lên tới 55.000.000 Việt Nam Đồng cho mỗi dự án để trang trải chi phí sản xuất dự án và các chi phí liên quan khác (như thuế thu nhập cá nhân).
– Hỗ trợ chi phí lên tới 45.000.000 Việt Nam Đồng (cho mỗi ứng viên tham gia) cho buổi triển lãm nhóm, bao gồm hai dự án sau khi chất lượng của chúng đã được xem xét và phê duyệt bởi SCD, RMIT Việt Nam. Khoản hỗ trợ bao gồm tất cả chi phí triển lãm (như phí người giám tuyển triển lãm, phí thiết bị và địa điểm) và các chi phí liên quan khác (như thuế thu nhập cá nhân).
– Hỗ trợ từ SCD, RMIT Việt Nam cho các cơ hội tài trợ khác (địa điểm triển lãm, thiết bị v.v…) nếu không có mâu thuẫn quyền lợi.

Ban giám khảo

Martin Constable
Martin Constable đã có các buổi triển lãm tác phẩm rộng rãi ở Châu Âu và Châu Á với tư cách là một hoạ sĩ và nghệ sĩ kỹ thuật số. Vào năm 2000, ông đã được đề cử cho giải thưởng danh giá Sovereign Art Foundation. Các khách hàng của ông gồm David Bowie, Elton John, Iggy Pop, Lord Gowrie (cựu Bộ trưởng Bộ Nghệ thuật của Vương quốc Anh), Hội đồng Nghệ thuật của Anh Quốc, Glaxo Smith Klien, Câu lạc bộ Rotary của Anh Quốc, tập đoàn JPMorgan Chase, tập đoàn UniCredit và ngân hàng Đức. Với vai trò giảng viên, ông có niềm đam mê với các hiệu ứng hình ảnh và thiết kế kỹ thuật số.

Nguyễn Hoàng Giang
Nguyễn Hoàng Giang là một nghệ sĩ truyền thông đa phương tiện và một nhà thiết kế kỹ thuật số tại Thành phố Hồ Chí Minh. Các tác phẩm của anh khám phá tầm ảnh hưởng đến xã hội và văn hoá của công nghệ và được trưng bày ở các phòng trưng bày nghệ thuật quốc tế như Museo del 900 (Ý), Asian Cultrual Complex (Hàn Quốc), Kunstverein Tiergarten (Đức) cũng như các địa điểm thương mại khác. Hiện anh đang là giảng viên của ngành Thiết kế kỹ thuật số, RMIT Việt Nam.

Ricardo Arce
Ricardo Arce là trưởng ngành Thiết kế kỹ thuật số tại RMIT Việt Nam. Ông từng là chủ tịch Hiệp hội Phim Hoạt hình Quốc tế (ASIFA) chi nhánh Columbia, liên kết với Hiệp hội Nghiên cứu Hoạt hình (SAS) và Mạng lưới Nghiên cứu Hoạt hình Mỹ Latinh Sur A Sur. Ông còn là một nhà thiết kế đồ hoạ, chuyên gia truyền hình, và Thạc sĩ về Mỹ học và Lịch sử Nghệ thuật. Ngoài ra, ông có những tác phẩm được xuất bản về lĩnh vực hoạt hình của Columbia và Mỹ Latinh, đồng thời sản xuất phim hoạt hình ngắn ở Columbia, Trung Quốc và Việt Nam.

Cách thức nộp đơn
1. Lý lịch bản thân đính kèm các giấy tờ liên quan (sao y công chứng hộ chiếu hoặc căn cước công dân Việt Nam, chứng chỉ tiếng Anh, kinh nghiệm chuyên môn được kiểm chứng, bằng khen thưởng, nếu có).
2. Hồ sơ năng lực (portfolio) dưới dạng .pdf, bao gồm
– Bản tuyên ngôn nghệ sĩ, thể hiện các mối quan tâm cá nhân liên quan tới thực hành nghệ thuật và thiết kế.
– Hồ sơ tài liệu ảnh gồm 5 tác phẩm xuất sắc nhất gần đây, kèm theo phần mô tả ngắn gọn (dưới 200 từ) cho mỗi tác phẩm. Đối với tác phẩm sử dụng chất liệu công nghệ mới (phần mềm, VJ, ứng dụng, v.v…) và video, vui lòng đính kèm liên kết công khai (Vimeo, Youtube hoặc trang web, v.v…) trong phần mô tả để dễ truy cập.
3. Một văn bản (PDF) trình bày ngắn gọn dự án đề xuất của ứng viên. Văn bản bao gồm
– Tên của ứng viên
– Tiêu đề tạm thời của dự án
– Các kết quả hoặc tác phẩm dự kiến của dự án, bao gồm kết quả mà ứng viên sẽ trình bày trong ba bài thuyết trình tiến độ làm việc
– Đề xuất ngân sách, nêu tất cả các nguồn tài nguyên mà dự án yêu cầu (yêu cầu về không gian, vật liệu, phần mềm, phần cứng v.v…)
– Bất kỳ hỗ trợ cụ thể nào khác mà dự án yêu cầu (hỗ trợ về kỹ thuật, chẳng hạn như hỗ trợ về phần mềm v.v…)
** Lưu ý rằng các tài liệu phải viết bằng tiếng Anh.

Mọi câu hỏi và thắc mắc, xin vui lòng liên hệ email [email protected].

NO COMMENTS

Leave a Reply