Triển lãm “Nguồn Cội”
07 – 25/03/2025
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
36 Lý Thường Kiệt, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Thông tin từ ban tổ chức:
Lân Tinh Foundation, Lê Bá Đảng Memory Space và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam xin vui mừng giới thiệu tới công chúng triển lãm cá nhân “Nguồn Cội” của nghệ sỹ Tô Bích Hải.
Đây là triển lãm hồi cố đầu tiên của nghệ sỹ Tô Bích Hải tại Việt Nam. Dành tình cảm đong đầy với khái niệm “cội nguồn”, bà tìm kiếm những ký ức, cảm giác về quê hương trong những sự vật hiện diện trong đời sống thiên nhiên và sinh hoạt hằng ngày. Triển lãm là chuyến du hành đi theo các bước chuyển lớn trong sự nghiệp của nghệ sỹ Tô Bích Hải, khi bà thử nghiệm với các chất liệu khác nhau như sơn dầu, than chì, điêu khắc gỗ,… Tô Bích Hải là người nghệ sỹ của những linh hồn truyền thống và hiện đại.
Loạt tranh sơn dầu “Nguồn cội” tập trung vào hiệu ứng thị giác khi những rễ cây được vẽ ở khổ lớn, bó rễ bện chặt vào thân cây rắn chắc như những sợi dây thừng. Những rễ cây chạy theo toàn bộ phần thân của cây, như các sợi nơ ron thần kinh liên kết từng mảng ký ức của người nghệ sỹ. Chính bởi kích cỡ lớn này, có thể coi đây là những bức chân dung về “nguồn cội”.
Hai loạt tác phẩm “Lắng nghe đá thì thầm” và “Lắng nghe cây than thở” như một lời mời gọi ta soi chiếu về những gì sơ khởi và thuộc về thiên nhiên.
“Lắng nghe cây than thở”:
Không chỉ thoáng qua ở vẻ ngoài của lá xào xạc, tiếng róc rách của nước luồn qua kẽ đá, trong tranh Tô Bích Hải, hình ảnh con người, cây cối, động vật hiện lên như chúng được sinh ra với hình hài của những loài cây. Dáng hình của các thực thể trở nên trần trụi với hình thái của những vân gỗ, tế bào liên kết với nhau như những bó cơ, hòa hợp và bền chặt.
“Lắng nghe đá thì thầm”:
Đá là biểu tượng của sự rắn rỏi, vững chắc; ẩn sâu trong đá luôn là những năng lượng bền bỉ, chúng là nền tảng của thiên nhiên. Tô Bích Hải phác thảo ra một không gian riêng của đá, sử dụng than chì như một la bàn dẫn lối vào cuộc phiêu lưu với những nét gấp, khúc cua ngoằn ngoèo. Nét vẽ của bà kết hợp khéo léo những mảng trắng, tạo nên những bối cảnh huyền ảo, nơi những hòn đá có một hệ thống để kể lại những câu chuyện riêng của chúng. Những cảnh đuổi bắt, hay những lúc các sinh linh cùng đứng chen chúc, nhìn nhau rồi lại đơn độc trong khoảng không vô định… Tất cả như một giấc mơ, lúc mờ lúc rõ, cộng hưởng nên một thế giới siêu thực điểm xuyết nét cổ tích.
Loạt sơn mài tĩnh vật là một góc nhìn mới của người nghệ sỹ khi bà đặt vấn đề về cội nguồn của thiên nhiên qua lát cắt của các loại quả. Loạt tranh chân dung về trẻ em đưa ta vào những nhánh nhỏ trong cuộc sống của Tô Bích Hải khi xa xứ. Cuối cùng, cụm điêu khắc sắp đặt Totem đưa người xem về với những gì đơn sơ nhất của các phong tục thờ cúng truyền thống.
“Tôi chỉ là hạt giống nhỏ, loài cây hoang vươn lên tìm ánh sáng, để nghe cây thở dài, để nghe đá thì thầm trong cuộc chuyển mình rạo rực. Tôi như kẻ nhìn trộm vào sự biến hoá và thăng hoa của vật.”
– Tô Bích Hải
Về nghệ sỹ
Tô Bích Hải, sinh năm 1947 tại Móng Cái – vùng biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, là người dân tộc Tày với gốc rễ văn hóa từ Cao Bằng và Lạng Sơn. Quê hương giàu truyền thống dân gian và tín ngưỡng, nhưng cũng chịu nhiều biến động chiến tranh, đã để lại dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời và hành trình nghệ thuật của bà.
Năm 1954, trong bối cảnh chia cắt đất nước, gia đình bà di cư từ miền Bắc vào miền Nam. Trải nghiệm này đã khắc sâu vào ký ức, trở thành nguồn cảm hứng cho các tác phẩm phản ánh chủ đề ly hương và giao thoa văn hóa trong bà.
Ở tuổi 20, Tô Bích Hải theo học tại Học viện Mỹ thuật Lausanne, Thụy Sĩ, trước khi định cư tại Pháp vào năm 1968. Thời gian đầu, bà theo đuổi phong cách hội họa cổ điển, sáng tác các bức tranh tái hiện hình ảnh trẻ em làng quê vùng Bourgogne. Những tác phẩm này gợi lên sự hoài niệm, thân mật và gắn bó với ký ức tuổi thơ.
Sau khi chứng kiến sự thay đổi của làng quê, bà chuyển sang phục chế búp bê cổ, đặc biệt là các dòng búp bê Pháp nổi tiếng như Thuillier, Schmitt, Jumeau, và Pauline. Công việc này không chỉ mở rộng hiểu biết về chất liệu và kỹ thuật mà còn làm sâu sắc thêm cảm nhận của bà về hình khối và kết cấu.
Một biến cố sức khỏe nghiêm trọng sau đó đã đánh dấu bước ngoặt trong hành trình nghệ thuật của Tô Bích Hải. Trong cơn khủng hoảng, bà sáng tạo hai con búp bê mang phong cách Art Brut, “Aspirine” và “Pénicilline,” như một sự phản kháng đối với điều trị y học truyền thống. Đây cũng là thời điểm bà tái kết nối với các tín ngưỡng dân gian thời thơ ấu, đưa yếu tố tâm linh và huyền bí vào nghệ thuật của mình.
Tác phẩm của Tô Bích Hải đã được triển lãm tại các bảo tàng quốc tế như Halle Saint-Pierre và La Fabuloserie, Pháp.