Home Sự kiện Mĩ thuật Triển lãm “Một hành trình”

Triển lãm “Một hành trình”

Đăng vào
0

22/02 – 09/03/2025
Sann – The house of Art
92 Lê Thánh Tôn, Quận 1, TP HCM

Thông tin từ ban tổ chức:

Khi còn là sinh viên (những năm 1994-1995), Bùi Tiến Tuấn đã tập tành sáng tác, đến nay xem lại những tác phẩm thời kỳ này, vẫn thấy được ý hướng thẩm mỹ mà anh đã theo đuổi, khám phá suốt 30 năm qua. Vì vậy mà, triển lãm song hành và nhìn lại lần này mới có tên là “Bùi Tiến Tuấn – Một hành trình/ An artistic exploration”.

Từ cuối thập niên 1 của thế kỷ 21, thế hệ Bùi Tiến Tuấn (chỉ vài người thôi) đã có công giúp hồi sinh và canh tân tranh lụa Việt Nam. Mấy thập niên liền trước đó, tranh lụa như bị thoái trào, vì nhiều quan niệm hơi cũ kĩ, nặng lối mòn tuyên truyền, ngay trong trường mỹ thuật cũng hơi bị xem nhẹ. Quan trọng hơn, là do thiếu nhân tố sáng tác mới, đủ hấp lực, để thu hút tầm quan tâm của cộng đồng mỹ thuật.

Nhìn lại hơn 90 năm của hành trình tranh lụa Việt Nam, thấy Bùi Tiến Tuấn khá giống tiền bối Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) ở khía cạnh tạo thân phận cho các nhân vật đời thường. Những phụ nữ của cả hai như chiếm trọn không gian của cả bức tranh, đôi khi lấn lướt, thay thế mọi sự, mọi vật. Nếu so với cấu trúc phổ biến kiểu thiên-địa-nhân của một bức tranh lụa truyền thống (trừ tranh thờ, tranh vẽ vua quan), thì Bùi Tiến Tuấn chỉ lấy nhân làm trung tâm, đôi khi không cần thiên hoặc địa.

Nhìn lại lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam, trừ những tranh lụa được vẽ vì mục đích chiến đấu, tuyên truyền là có mang thân phận của một tập thể, một tinh thần cách mạng, một nhóm lao động – sản xuất, còn đa số (chắc trên 75%) chỉ có hình thể, bố cục, hành động… chứ không có thân phận cá nhân, hoặc có thì khá mờ nhạt, chỉ như một cái cớ nhỏ của tạo hình, của thị giác.

Phụ nữ trong tranh Bùi Tiến Tuấn thường không có dấu vết của nông thôn và nông nghiệp, mà thường là dân thị thành, chuộng thời trang, đôi khi hơi phù phiếm, thụ hưởng. Họ yêu mến và đề cao bản thân, tự lập trong suy nghĩ và hành vi của mình. Vì tự lập nên nỗi niềm, sự hân hoan, thậm chí sự cô đơn của họ cũng rất khác với những người phụ nữ lao động, tảo tần vì cuộc sống. Vì vậy mà bảng màu tranh lụa Bùi Tiến Tuấn cũng khác, thời trang hơn, tân kỳ hơn, tạo được sự phá cách.

Nhìn lại hành trình 30 năm sáng tác, Bùi Tiến Tuấn không chỉ có tranh lụa – vốn đang rất chín muồi – mà còn có tranh sơn dầu, giấy dó, sơn mài, gần đây là tranh acrylic khổ lớn. Bùi Tiến Tuấn không chỉ có chủ đề thiếu nữ thị thành, phù phiếm, yêu kiều, mà còn có phong cảnh Hội An thơ mộng, hiện thực đường phố trền trụi, tinh thần hậu biểu hiện và cả trừu tượng. Ở bất kỳ vật liệu, chất liệu, hoặc đề tài nào, Bùi Tiến Tuấn cũng luôn tỏ rõ sự sung mãn, quyến rũ và đặc biệt là giữ được bản sắc, phong cách của riêng mình.

Bùi Tiến Tuấn không chỉ có tranh lụa – vốn đang rất chín muồi, mà còn có tranh sơn dầu, giấy dó, sơn mài, gần đây là tranh acrylic khổ lớn. Bùi Tiến Tuấn không chỉ có chủ đề thiếu nữ thị thành, phù phiếm, yêu kiều, mà còn có phong cảnh Hội An, hiện thực đường phố, tinh thần hậu biểu hiện và cả trừu tượng. Ở bất kỳ vật liệu, chất liệu, hoặc đề tài nào, Bùi Tiến Tuấn cũng luôn tỏ rõ sự sung mãn, quyến rũ, và đặc biệt là giữ được bản sắc của riêng mình.

NO COMMENTS

Leave a Reply