Home Sự kiện Mĩ thuật Mùa Xuân Bất Diệt

Mùa Xuân Bất Diệt

Đăng vào
0

Khai mạc: 17:00, thứ Sáu 14/03/2025
Triển lãm: 14 – 20/03/2025
Bảo Tàng Mỹ thuật Việt Nam
66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội

Thông tin từ ban tổ chức:

Lê Lam là một trong những đại diện tiêu biểu của nền mỹ thuật hiện thực cách mạng Việt Nam, ghi dấu ấn sâu đậm qua những bức ký họa sống động và chân thực về chiến tranh. Cả cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với phong trào cách mạng, từ những năm tháng kháng chiến cho đến khi đất nước thống nhất. Sinh ra với tên khai sinh Vũ Quốc Ái, nghĩa là “người họ Vũ yêu nước”, cái tên như một định mệnh, phản ánh sớm tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc trong con người ông. Từ nhỏ, Lê Lam đã bộc lộ sự thông minh, nhạy cảm và tinh thần hiếu học. Ông nhanh chóng nhận thức được sự bất công của chế độ phong kiến – thuộc địa và đồng thời ông cũng đã biết đến những điều giản dị cao đẹp từ khẩu hiệu nổi tiếng của cách mạng Pháp “Tự do – Bình đẳng – Bác ái”. Chỉ thế thôi là đủ, Lê Lam và đồng bào của ông đi theo cách mạng, quyết giành tự do và độc lập dân tộc, với một ý chí lớn lao và trái tim yêu nước nóng bỏng.

Lê Lam theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, dưới sự dẫn dắt của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Những bài học trong lớp Mỹ thuật kháng chiến của thầy Tô Ngọc Vân không chỉ trang bị cho ông kỹ năng vẽ vững chắc trong bối cảnh kháng chiến mà còn truyền cảm hứng về tinh thần nghệ thuật hiện thực. Thầy từng nói: “Hiện thực rất phong phú, hiện thực thiên biến vạn hóa, mỗi họa sĩ chính là một hiện thực.” Quan điểm này đã ảnh hưởng sâu sắc đến phong cách sáng tác của Lê Lam, giúp ông phát triển khả năng quan sát tinh tế và tái hiện chân thực những gì ông chứng kiến.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Lê Lam luôn giữ vững quan điểm rằng nghệ thuật hiện thực không chỉ đơn giản là tái hiện hình ảnh mà còn phải phản ánh tinh thần và bản sắc dân tộc. Hội họa của ông không chỉ kể lại những câu chuyện về chiến tranh mà còn làm nổi bật vẻ đẹp con người Việt Nam trong gian khó. Một trong những nét đặc trưng cho văn hóa Việt Nam có thể thấy rõ ràng, xuyên suốt trong sáng tác của Lê Lam chính là chủ đề phụ nữ theo truyền thống “Mẫu hệ” (thờ Mẫu) của dân tộc Việt. Họa sĩ thường xuyên vẽ về phụ nữ, đề cao vẻ đẹp hiền thục, tình mẫu tử cũng như sự hy sinh can trường của người phụ nữ. Từ hình ảnh các nữ thanh niên xung phong, những bà mẹ gửi chồng con ra trận đến những người phụ nữ quả cảm như trong tác phẩm Dừng Lại, Đội Quân Tóc Dài, Má Bến Tre – tất cả đều phản ánh sâu sắc tinh thần bất khuất và lòng dũng cảm.

Những đóng góp nổi bật của Lê Lam không chỉ nằm ở số lượng tác phẩm đồ sộ mà còn ở giá trị tinh thần và lịch sử mà chúng mang lại. Ông sở hữu khối lượng tác phẩm lớn nhờ phong cách làm việc cần mẫn, khả năng ký họa nhanh và tinh thần luôn sẵn sàng dấn thân vào thực địa trong suốt những năm tháng kháng chiến. Ông đã để lại hàng ngàn bức ký họa chiến trường, tranh cổ động và tranh khắc gỗ phục vụ cho công cuộc tuyên truyền cách mạng. Những tác phẩm như Bảo vệ Chánh Quyền Nhân dân không chỉ là tác phẩm nghệ thuật mà còn là tài liệu lịch sử vô giá, ghi lại những khoảnh khắc trọng đại của dân tộc.

Di sản mà Lê Lam để lại không chỉ là những bức tranh mà còn là biểu tượng của tinh thần yêu nước và khát vọng tự do. Nghệ thuật của ông là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, là lời nhắc nhở về những hy sinh to lớn của thế hệ cha ông. Triển lãm Mùa Xuân Bất Diệt lần này không chỉ là dịp để tôn vinh những giá trị trường tồn ấy mà còn như một lời nhắc nhở rằng tinh thần cách mạng và khát vọng tự do của dân tộc Việt Nam sẽ mãi mãi tươi mới, như mùa xuân bất diệt trong lòng mỗi con người.

NO COMMENTS

Leave a Reply