thời gian, cỏ mùa xuân
18:30, thứ Bảy 12/04/2025
Speedy Grandma, Charoenkrung, Bangkok
Á Space, Hà Nội
Thông tin từ ban tổ chức:
Thế giới mở ra những triền sáng, những khoảnh khắc thoáng qua của hiện diện và vắng mặt – nhịp điệu của khoảng cách và kết nối. Thời gian, cỏ mùa xuân tập hợp một loạt phim ngắn của bạn bè, những bộ phim cho phép một người bước vào thế giới hình ảnh của bạn mình mà không cần giao tiếp bằng lời.
Đa dạng trong ngôn ngữ hình ảnh và góc nhìn cá nhân, những tác phẩm này bắt lấy bất chợt những cuộc gặp gỡ, là những quan sát về thế giới bên ngoài và bên trong bằng cả ngôn ngữ hình ảnh thực và ngôn ngữ hoạt họa. Đa dạng trong sắc thái biểu đạt, có những khoảnh khắc đời sống hiện lên qua ống kính phê bình đầy hóm hỉnh, có đôi khi thơ mộng và chiêm nghiệm. Một nhà làm phim lạc lối, một chú dế lang thang, một con gián không thoát khỏi số phận của chính mình—mỗi tác phẩm đều nán lại ở ngưỡng cửa, nơi thời gian chậm lại, tan biến hoặc quay trở lại vòng lặp của chính nó.
Được sắp xếp theo ba nhịp, buổi chiếu mời người xem lắng nghe, trôi dạt và nhìn thế giới trôi đi trong những hình ảnh thoáng qua này.
Poster sử dụng hình ảnh trích từ tác phẩm ‘Đêm Trung thu’ (2024) của Lê Xuân Tiến
Phim ngôn ngữ tiếng Việt, Czech, Pháp với phụ đề tiếng Anh.
Với sự tham dự của
+ LINGXI
+ Cao Việt Nga
+ Lananh Chu
+ Phạm Minh Thắng
+ Louise Lan
+ Lê Xuân Tiến
nhịp 1
Green Ball (2019), Lingxi Yuan, 01:48
Blue Light (2023), Lingxi Yuan, 02:54
Hai hình ảnh động thể nghiệm, khám phá chuyển động của các vật chất nhỏ.
pure imagination (2025), Cao Việt Nga, 08:24
một cô gái tỉnh dậy giữa cơn mơ
một diễn viên loay hoay, một nhà làm phim lạc lối.
quan sát âm thanh quanh đầm lầy nước mặn (2025), Lananh Chu, 02:20
Một thử nghiệm lắng nghe bằng tai và mắt.
Démon de Laplace (2017), Lingxi Yuan, 06:11
Một con gián được tìm thấy, hình ảnh được ghi lại qua hai góc nhìn: một máy quay DV cũ cho góc nhìn của người và một máy quay phim 16mm cho hành trình của gián. Tác phẩm khám phá số phận, định mệnh và thuyết quyết định luận, lấy cảm hứng từ các lý thuyết khoa học như Démon de Laplace. Việc quan sát những con côn trùng chết, mặc dù chúng có khả năng thích nghi cao, vẫn cho thấy một số phận không thể tránh khỏi, cũng giống như tồn tại của con người. Về đại cảnh, tất cả các sinh vật đều phù du, nhưng tâm trí chúng ta vẫn bị mắc kẹt trong một chu kỳ vi mô.
nhịp 2
dear… (2024), Lananh Chu, 01:16
Video sử dụng công nghệ quét đen trắng, luận về cách các giấy tờ quan liêu “quét” qua cuộc sống của chúng ta.
Động lực cho nghệ sĩ trẻ (2019), Phạm Minh Thắng, 06:09
nhịp 3
Mèo (2025), Louise Lan, 05:23
Trong bộ phim này, Louise Lan đã làm việc cùng một lớp học gồm các em nhỏ sống gần khu rừng ở vùng Yvelines, Pháp. Mèo là một bộ phim nơi con người và các linh hồn của rừng gặp gỡ nhau. Hoa, cây cối, động vật và âm thanh trở thành những người dẫn đường cho con người. Những câu chuyện mang đến hy vọng và giúp tạo nên các kết nối giữa các thế giới, giữa con người và động vật, thực vật và cả giữa thế giới của sự sống với thế giới của các linh hồn và ma quỷ. Thực vật, động vật là những linh hồn có khả năng tiếp cận, biến đổi con người; chúng mang trong mình một năng lượng sống riêng nhưng không ngừng tương tác với chúng ta.
Phiêu lưu (2021), Phạm Minh Thắng, 02:11
Chúng ta cùng xem câu chuyện về chú dế mỏng manh, lang thang trong khung cảnh tuyệt đẹp và ấn tượng. Chú cần phải ngụy trang vì bất cứ lúc nào cũng có thể bị con bọ ngựa đáng sợ bắt được. Liệu dế có thể thoát khỏi kẻ săn mồi?
Đêm Trung thu (2024), Lê Xuân Tiến, 08:12
2024, Hà Nội, Tết Trung Thu, dưới ánh trăng, Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát.
Về các nghệ sĩ:
LINGXI
Đến từ Trung Quốc. LINGXI là một nghệ sĩ và một nhà làm phim.
Cao Việt Nga (sn. 2002) là một nhà sản xuất, một người thực hành nghệ thuật trẻ. Nga khám phá sự thân mật, sự chơi và các trần thuật vi mô/alternative thông qua điện ảnh và trình diễn. Từ năm 2021, Nga làm việc tại ba-bau AIR và Hoa Quỳnh Cinema (nhánh phim của ba-bau, thành lập năm 2022) với tư cách là người quản lý không gian, làm chương trình và là thành viên của ba-bau collective.
Lananh Chu (cô ấy/họ) là một nhà làm phim, một người viết. Lananh quan tâm đến mối quan hệ bện quyện giữa con người, phi nhân, thực vật, động vật, đá, đất, không khí và các phương tiện truyền thông khác. Lananh đứng cùng với người dân Palestine, Sudan và Congo, những người đang chống lại nạn diệt chủng và đấu tranh giành tự do.
Louise Lan (sn. 1993) là một nhiếp ảnh gia và nhà làm phim. Cô sống và làm việc giữa Paris và Sài Gòn. Sau khi hoàn thành bằng thạc sĩ văn học và học tại École des Beaux-Arts ở Paris, cô đã đồng sáng lập Nabuzardan, một không gian triển lãm tại vùng Paris dành cho các nhóm nghệ sĩ. Các tác phẩm của cô từng được trưng bày tại Musée de la Chasse ở Paris, Centquatre Paris, Bangkok Contemporary Art Biennale, PhotoSaintGermain (Paris) và Bangkok Experimental Film Festival 7. Cô đã tham gia một số chương trình lưu trú, bao gồm tại Ateliers Medicis (Pháp) và Villa Saigon (Đà Lạt), nơi cô làm việc về chủ đề thuộc địa hóa cảnh quan Việt Nam bằng các loài hoa Pháp. Cô được CNC tài trợ cho bộ phim ngắn Rock Dragon (một bộ phim về ông của cô, ông đang sống ở Hà Tiên) và được nhận tài trợ nghiên cứu từ ADAGP cho Hoa, anh ơi (một video về hoa kể về sự biến đổi của cảnh quan Đà Lạt từ góc nhìn của chúng).
Phạm Minh Thắng (sn. 1996) sẽ tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Praha năm nay. Anh sinh ra trong gia đình có cha mẹ là người Việt di cư sang châu Âu vào những năm 1980. Lớn lên trong môi trường song ngữ đã tạo ra một cuộc xung đột văn hóa mà về sau chính điều này đã trở thành chủ đề khám phá ngay từ khi anh bắt đầu học, làm nghệ thuật. Trong các dự án trình diễn mà anh mời bố tham gia, anh truy vấn mối quan hệ liên thế hệ, sự lầm hiểu và những rào cản văn hóa. Năm 2023, anh đã thực hiện một khóa lưu trú kéo dài một năm tại Việt Nam để nghiên cứu về hội họa sơn mài truyền thống. Kỹ thuật này đã trở thành phương tiện để anh tương tác trực tiếp với truyền thống, lịch sử và ký ức văn hóa thông qua thủ công.
Lê Xuân Tiến
Hà Nội, vào giờ Thân ngày 7 tháng 2 năm 1995, năm Kỷ Hợi, một đứa bé đã chào đời, tên là Lê Xuân Tiến. Người đó dành một phần cuộc đời mình cho hoạt động nghệ thuật, sử dụng video làm phương tiện nghệ thuật chính.