UOB Painting of the Year | Triển lãm các tác phẩm thắng giải và chung khảo (2024) tại Hà Nội
08:30 – 17:00, 07 – 19/05/2025
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Tầng 2, số 66 Nguyễn Thái Học, Quận Ba Đình, Hà Nội
Thông tin từ ban tổ chức:
Với mục tiêu quảng bá mỹ thuật Việt Nam và mang tên tuổi các nghệ sĩ tài năng của UOB Painting of the Year đến với đông đảo công chúng yêu nghệ thuật ở miền Bắc, 6 tác phẩm thắng giải ở hai hạng mục Nghệ sĩ Thành danh và Nghệ sĩ triển vọng cùng 6 tác phẩm chung khảo UOB Painting of the Year mùa hai (2024) được trưng bày trong một Triển lãm mở cho công chúng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội từ ngày 7 tháng 5 đến hết ngày 19 tháng 5 năm 2025.
Các tác phẩm tại triển lãm UOB POY 2024 mang đến trải nghiệm nghệ thuật đặc sắc cho cộng đồng yêu hội họa tại Hà Nội, gây ấn tượng từ cách thực hành nghệ thuật sáng tạo, nét giao thoa giữa tính đương đại và di sản ở các tác phẩm khi truyền tải những thông điệp sâu sắc về thời đại nhưng vẫn gìn giữ và tôn vinh giá trị truyền thống của Việt Nam.
Tại buổi Khai mạc Triển lãm, các nghệ sĩ đã cùng chia sẻ quan điểm về xu hướng thực hành nghệ thuật đương đại kế thừa di sản mỹ thuật Việt Nam trong 100 năm qua cũng như lối đi trong tương lai cho các họa sĩ Việt trên hành trình vươn tầm quốc tế, đặc biệt thông qua các sân chơi uy tín khu vực như UOB Painting of the Year.
Tọa đàm nghệ thuật “Đương đại trên nền di sản” với sự tham gia của Họa sĩ Đặng Xuân Hòa – Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật hội họa, Hội Mỹ thuật Việt Nam đồng thời là Trưởng ban Giám khảo cuộc thi UOB POY 2024-2025, Họa sĩ Ngô Văn Sắc – Giải bạc hạng mục Nghệ sĩ thành danh, Cuộc thi UOB POY 2024 và bà Dương Thu Hằng, Giám đốc Hanoi Studio Gallery đã mang đến nhiều góc nhìn đa chiều và sâu sắc về cách thực hành nghệ thuật sáng tạo, ghi dấu ấn cá nhân nhưng vẫn giữ gìn được tinh hoa mỹ thuật Việt.
Sau Hà Nội, chuỗi Tọa đàm nghệ thuật này sẽ được UOB tiếp tục triển khai tại Tp Huế và Tp.Hồ Chí Minh trong tháng 5 năm 2025, tạo cơ hội giao lưu học hỏi giữa các thế hệ nghệ sĩ Việt, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ các nghệ sĩ bước ra từ cuộc thi UOB POY và đặc biệt là truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ trẻ tiếp tục sáng tạo, giữ vững niềm đam mê nghệ thuật và tìm được lối đi riêng cho bản thân trong hành trình đưa mỹ thuật Việt Nam hội nhập và vươn xa trên bình diện khu vực và quốc tế.
Thông tin các tác phẩm tại Triển lãm
6 tác phẩm thắng giải cuộc thi UOB POY năm thứ hai tại Việt Nam (2024)
Hạng mục Nghệ sĩ thành danh
1. Giải thưởng UOB Painting of the Year
“Flow” (Dòng Chảy)
Tác giả: Họa sĩ Nguyễn Việt Cường
Chất liệu: Than đá, bột gạo và keo trên toan
Kích thước: 150 x 150 (cm)
Tác phẩm sử dụng hai vật liệu bản địa là than đá Quảng Ninh và bột gạo từ đồng bằng sông Cửu Long để kể câu chuyện về tài nguyên thiên nhiên của hai nền công-nông nghiệp Bắc-Nam. Nghệ sĩ đã tinh tế kết hợp hai vật liệu này để tạo nên bức tranh thủy mặc đương đại, mang hiệu ứng trừu tượng của địa hình thạch nhũ, nhấn mạnh sự đối thoại giữa đen và trắng, sáng và tối. Đây là một đại tự sự về sự giao thoa giữa các ngành công-nông nghiệp và ảnh hưởng của chúng lên cảnh quan thiên nhiên cũng như tập quán nhân sinh bản địa.
Về tác giả:
Nguyễn Việt Cường (sn. 1989) lớn lên tại Kiên Giang. Cường tốt nghiệp cử nhân hội họa trường Đại học Mỹ Thuật TPHCM. Tính thẩm mỹ trong nghệ thuật của Cường song hành với tính đương đại, anh vận dụng chất liệu để đối thoại với hiện thực. Với tinh thần phản kháng nhị nguyên và quan niệm về sự dịch chuyển của tự nhiên, anh đang tiếp tục mở ra những tường thuật mới mẻ từ cốt lõi của những vật liệu thô, để khơi gợi sự phản tư những chất liệu vốn dĩ đã ăn sâu vào ký ức chung, đời sống chung của Sài Gòn đô hội nói riêng và Việt Nam nói chung.
2. Giải Vàng
“Xếp Máy Bay”
Tác giả: Họa sĩ Nguyễn Văn Hè
Chất liệu: Sơn mài trên gỗ công nghiệp
Kích thước: 177 x 117 (cm)
Tác phẩm khởi nguồn từ mạch sống của người nghệ sĩ đã sinh ra và lớn lên tại chiến khu Hòa Mỹ, Huế, nơi những trò chơi trẻ thơ gắn liền với chấn thương từ việc dò mìn hậu chiến để mưu sinh. Tác giả tỉ mỉ thu gom những mảnh vỡ thời chiến—những tấm ván ép, để mài, cắt ghép tái hiện hình ảnh máy bay giấy ngây ngô. Những dấu tích chiến tranh hiện diện qua các lớp sơn, kim loại, và họa tiết loang lổ, tạo nên một thông điệp sâu sắc về sự mất mát vĩnh viễn của tuổi thơ hồn nhiên.
Về tác giả:
Nguyễn Văn Hè (sn. 1981), tốt nghiệp trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế, là một nghệ sỹ đương đại. Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ hậu chiến, anh thể hiện mối quan tâm sâu sắc với các ký ức và các tàn dư của thời chiến và luôn truy vấn các cảm xúc, suy tư của thế hệ tiếp nối về vòng luân hồi của các xung đột và chiến tranh. Với chủ đề này, thực hành của anh trải dài từ hội họa, điêu khắc, trình diễn tới sắp đặt; anh kiên trì thu thập các mảnh vỡ, phế liệu từ chiến khu quân đội hay các khu tàn tích địa phương.
3. Giải Bạc
“Xâm Thực”
Tác giả: Họa sĩ Ngô Văn Sắc
Chất liệu: Đốt gỗ và tổng hợp trên gỗ
Kích thước: 172 x 170 (cm)
Tác phẩm khám phá trải nghiệm của nghệ sĩ trong các chuyến điền dã dọc bờ biển Việt Nam, nơi anh chứng kiến sự xâm lấn của biển, chặt phá rừng và ảnh hưởng của việc xây dựng đập thủy điện trên dòng Mekong. Sử dụng kỹ thuật cắt và đốt ván gỗ kết hợp với vẽ và in, tác giả tạo ra một hình ảnh đa chiều, thể hiện mối quan hệ phức tạp giữa con người và thiên nhiên. Hình ảnh sóng nước và con người từ nhiều vùng miền hòa quyện, phản ánh sự phản kháng của thiên nhiên, đồng thời chất vấn cách con người đối xử với môi trường.
Về tác giả:
Ngô Văn Sắc (sn. 1980), tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, đã định hình tiếng nói nghệ thuật độc đáo của mình qua kỹ thuật đốt gỗ. Khi cảm thấy chưa hài lòng những tác phẩm ban đầu trên gỗ, anh quyết định đốt chúng, từ đó khám phá ra một hướng đi mới. Sự kết hợp giữa lửa và gỗ đã giúp anh lột tả những cảm xúc mãnh liệt và sâu sắc.
4. Giải Đồng
“Đường Trở Về”
Tác giả: Họa sĩ Lê Việt Trung
Chất liệu: Màu nước trên lụa
Kích thước: 120 x 160 (cm)
Trong một chuyến trở về quê hương, nghệ sĩ thả mình xuống bờ cát, để tâm hồn trôi dạt theo dòng suy tư về sự sống và cái chết, rồi tự vẽ chân dung cho chính mình. Làn nước ôm ấp đám cỏ dại, mơ hồ hiện hình một con người: khuôn mặt ngả về bên trái, không rõ danh tính, chân tay buông lỏng, thư giãn. Mỗi nét cọ tỉ mỉ khắc họa từng ngọn cỏ, nhánh cây, hòa quyện trong sắc xanh dịu dàng, như một bản giao hưởng của sự sống, gợi nhắc về vòng luân hồi vĩnh cửu, nơi kiếp nhân sinh hòa quyện vào dòng nước trong veo.
Về tác giả:
Lê Việt Trung (sn. 1982) hiện đang là giảng viên tại trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế. Anh thực hành chủ yếu với lụa với các kỹ thuật nhuộm lụa và chừa trắng công phu. Các chủ đề anh quan tâm là những vẻ đẹp bình dị của thiên nhiên, con người với những cảm xúc cá nhân nhẹ nhàng, mơ màng và sâu lắng.
Hạng mục Nghệ sĩ triển vọng
1. Giải thưởng Nghệ sĩ triển vọng nhất của năm
“Doraeco”
Tác giả: Họa sĩ Phan Tú Trân
Chất liệu: Tổng hợp trên vải nhung đỏ, ván nhựa durabo và thổi bóng bảo vệ bằng vật liệu epoxy
Kích thước: 98 x 107 (cm)
Tác phẩm gồm sáu lá bài xếp trên mặt bàn casino, trong đó mỗi lá đại diện cho một khía cạnh khác nhau của ô nhiễm sinh thái: đất (J rô), nước (Q cơ), không khí (K bích), năng lượng (Q chuồn). Lá bài Joker, với sự bối rối của Doraemon, ẩn dụ cho xung đột giữa tiến bộ công nghệ và hậu quả môi trường. Chưa được lật, lá bài cuối cùng ám chỉ một tương lai vô định của thế hệ sau khi họ kế thừa cả thành tựu lẫn những hậu quả mà thế hệ trước để lại.
Về tác giả:
Phan Tú Trân (1990) khởi điểm là một họa sĩ minh họa. Hiện tại cô thực hành nghệ thuật chủ yếu qua phong cách phái sinh, tạo nên các ý niệm, tầng lớp mới cho các hình tượng cũ. Cô ưu tiên các thử nghiệm với các chất liệu mới nhằm kể những câu chuyện vui tươi, đời thường tới công chúng.
2. Giải Bạc
“Nhật Ký 2024”
Tác giả: Họa sĩ Nguyễn Đức Niệm
Chất liệu: Lụa và acrylic trên toan
Kích thước: 60 x 60 (cm)
Tác phẩm được lấy cảm hứng từ những trang nhật ký, những dòng cảm xúc bị che giấu trong cuốn sổ tay của nghệ sĩ. Lớp màu xanh che phủ đi chiếc phong bì ẩn dụ cho những khúc mắc, hay những điều thầm kín đang bị làm nhòe hay tô đè lên. Trên phong thư, dòng chữ “From: Niệm 25 To: Niệm 24” như một lời gửi gắm tới bản thân của một năm trước, gợi lên sự hoài niệm về những khoảnh khắc đã qua. Các kí tự về chữ và số được thực hiện theo quy tắc riêng, là một tuyên ngôn của chính nghệ sỹ về việc muốn những tâm tư của mình được viết ra nhưng chưa chắc đã cần được thấu hiểu.
Về tác giả:
Nguyễn Đức Niệm (1999) là một nghệ sĩ trẻ tốt nghiệp chuyên ngành hội họa, trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế năm 2022. Mối quan tâm của anh xoay quanh những di tích lịch sử, những khung cảnh quen thuộc đời thường trong cuộc sống để qua đó lồng ghép, gửi gắm những bộc bạch của cá nhân vào tác phẩm.
6 tác phẩm chung khảo của UOB POY năm thứ hai tại Việt Nam (2024)
Hạng mục Nghệ sĩ thành danh
1.
“Quý cô trong vườn”
Tác giả: Họa sĩ Nguyễn Thế Hùng
Chất liệu: Sơn mài trên toan
Kích thước: 150×150 (cm)
Lấy cảm hứng từ thể loại tranh pin-up, tác giả sử dụng hình ảnh người mẫu trên áp phích và tạp chí lối sống kết hợp với các họa tiết trang trí trong lịch sử kiến trúc của Việt Nam. Những đường nét kỷ hà mang hơi hướng phương Tây kết hợp với đường cong mềm mại của phương Đông khéo léo tạo ra nhiều lớp không gian khác nhau. Việc pha trộn này phản ánh sự hội nhập và xung đột đang diễn ra giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại, và sự ảnh hưởng của nó lên các giá trị xã hội và thái độ cốt lõi. Quá trình ấy hối thúc những trăn trở về chất lượng văn hóa, xã hội, đạo đức cũng như nghệ thuật, qua đó thúc đẩy năng lượng sáng tạo của nghệ sĩ.
2.
“Đối Diện”
Tác giả: Họa sĩ Lưu Tuyền
Chất liệu: Mica và sơn dầu trên toan
Kích thước: 90 x 105 (cm)
Tác phẩm tập trung vào việc truy tìm danh tính lịch sử, văn hóa, và di sản đang dần bị xoá mờ trong đời sống đương đại. Nghệ sĩ sử dụng tấm gương cũ để tái tạo và kết hợp với hình ảnh “Chính Bắc Môn” – Cửa Bắc Hoàng thành Thăng Long với lỗ thủng trên tường thành – vết thương của lịch sử – trở thành điểm nhấn. Gam màu tương phản và cách biểu hiện không gian mang tính siêu hình tạo nên một trạng thái ký ức mơ hồ, luôn biến đổi. Đây là một cuộc đối thoại với ký ức tập thể, nơi quá khứ và hiện tại cùng hiện diện, khuyến khích ta suy ngẫm về cách mình đối diện với di sản dân tộc.
3.
“Nét Cọ Mưu Sinh”
Tác giả: Họa sĩ Đinh Hải
Chất liệu: Acrylic trên toan
Kích thước: 100 x 160 (cm)
Tác phẩm thuộc trường phái hiện thực, khắc họa hoàn cảnh của một họa sĩ phải xoay xở giữa lao động nghệ thuật và chăm lo cho gia đình. Gương mặt bơ phờ, cau có của người cầm cọ thể hiện nỗi bất lực với tình cảnh khó khăn: cô vừa vẽ vừa phải chăm lo cho hai bé con đang lớn – cả hai công việc đều đòi hỏi sự tập trung cao độ. Khổ tranh tuy lớn nhưng bố cục chật hẹp với không gian tù túng đẩy sự ngột ngạt lên tột độ, khiến người xem như có cảm giác cũng đang bó gối ngồi trong căn phòng, nín thở dõi theo từng động tác tiếp theo của người họa sĩ.
Hạng mục Nghệ sĩ Triển vọng
1.
“Thiên Sứ”
Tác giả: Họa sĩ Nguyễn Đức Nghĩa
Chất liệu: Acrylic trên toan
Kích thước: 100 x 150 (cm)
Là những thực thể siêu nhiên phụng sự các đức tin lớn, thiên sứ thường được miêu tả với hình dáng con người cùng đôi cánh mạnh mẽ, tượng trưng cho những điều tốt lành mà họ mang đến cho nhân gian. Tuy nhiên, tác giả lại chọn khắc họa hình ảnh thiên sứ quá khổ, béo mập với đôi cánh tí hon, bị chiếc móc câu kéo xuống. Đây là một ẩn dụ sâu sắc về những cám dỗ, ám chỉ rằng ngay cả những thiên sứ mang trọng trách cao cả cũng có thể bị thao túng bởi ham muốn và lợi ích trần tục.
2.
“Đi Vào Giấc Ngủ”
Tác giả: Họa sĩ Bach Vu
Chất liệu: Sơn dầu trên toan
Kích thước: 140 x 240 (cm)
Sử dụng ngôn ngữ thị giác giao thoa giữa nghệ thuật trừu tượng và biểu hình, bố cục của tác phẩm được lấy cảm hứng chính từ các phong cách cổ điển và tân cổ điển. Tác phẩm khám phá một cánh rừng nguyên thủy, truy dấu về những ký ức tập thể còn sót lại trước khi xuất hiện những nền văn minh, như một giấc mơ không ngừng tìm kiếm trong tiềm thức của con người. Ở đây, con người không phải là nhân vật chính, mà là một phần của một thế giới rộng lớn và bí ẩn. Trong không gian đó, ký ức tập thể tin rằng: tổn thương sẽ được chữa lành, sự hổ thẹn sẽ được tha thứ và những gánh nặng cuộc đời sẽ được trút bỏ.
3.
“Cấu Trúc Của Nỗi Cô Đơn”
Tác giải: Họa sĩ Linh Lưu
Chất liệu: Màu nước trên lụa
Kích thước: 105 x 225, mỗi tấm 105 x 75 | 105 x 225, 105 x 75 (cm)
Tác phẩm mang phong cách bán trừu tượng, thể hiện cảm nhận của tác giả về cuộc sống trong thành phố hiện đại. Các khu đô thị với cao ốc sừng sững và chung cư đông đúc cùng ánh đèn rực rỡ, tiện
nghi xa hoa, tạo nên vẻ ngoài hào nhoáng. Tuy nhiên, ẩn sâu bên trong là sự trống rỗng, mất kết nối với cảm xúc thật sự. Tác giả truyền tải cảm thức cá nhân này qua sự tương tác tinh tế giữa các hình khối đơn giản và màu sắc, tạo nên một quang cảnh vừa đương thời vừa sâu lắng.
Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.