Triển lãm “Khúc ca dao mùa hè”
Khai mạc: 15:00 – 19:00, thứ Ba 01/07/2025
Triển lãm: 01/07 – 31/08/2025
Berge Art Gallery
B1st floor 51-gil 81-6, Mapo-gu, Seoul
Thông tin từ ban tổ chức:
“Cái đẹp thuộc về thời gian, về sự chiêm nghiệm suy tư cô đọng. Nó không phải là một chớp loé sáng nhất thời hay một lực hút mãnh liệt, mà là dư quang, là lân tinh còn đọng trên sự vật… Chỉ khi nán lại trong những chiêm nghiệm, thậm chí là sự tiết chế khắc kỷ, sự vật mới bộc lộ vẻ đẹp của mình, hương thơm đích thực của nó.”
— Han Byung-Chul, Hương của Thời gian
Tựa như mùi hương – chậm rãi, riêng tư, không thể tăng tốc, không thể bị dồn ép thành những hình ảnh thị giác dồn dập – hội hoạ của Lê Quỳnh Anh trong Khúc ca dao mùa hè mở ra một cõi tạm của độ lùi, của sự thinh lặng thị giác. Lê Quỳnh Anh không vẽ thiên nhiên theo cách tả thực, mà cô gạn lọc nó thành những mảng màu, đường nét, và kết cấu, như thể đang chắt chiu từng hương vị của ký ức. Cách tiếp cận này khiến người xem không chỉ nhìn thấy cảnh vật, mà còn cảm nhận được nhịp điệu, nhiệt độ, và cả mùi hương của không gian. Trong tác phẩm Đất trời phai dần, những lớp sơn mỏng chồng lên nhau tạo hiệu ứng ánh sáng dịu dàng, như thứ nắng vàng cuối ngày tan loang nơi mặt hồ. Đối nghịch với đó, Ẩn trong gió lại gợi lên sự chuyển động uyển chuyển của những tán cây nhỏ xen kẽ dưới làn gió thoảng, với những nét vẽ phóng khoáng như thư pháp, vừa mạnh mẽ vừa tinh tế.
Trong triển lãm “Khúc ca dao mùa hè” của Lê Quỳnh Anh tại Verger Gallery, Seoul, sự đối lập giữa nhịp sống đô thị hối hả của Hàn Quốc và miền đồng quê êm đềm của Việt Nam được khắc họa qua ngôn ngữ trừu tượng, như một lời nhắc nhở về một khung cảnh hoà hợp thiên nhiên mà con người đang dần đánh mất. Một sự phản kháng nhẹ nhàng với nhịp điệu liên tục về thị giác của đời sống đô thị như Seoul, đang xé nhỏ thời gian thành chuỗi các khoảnh khắc hiện tại rời rạc, đầy phô trương và chóng quên. Bởi khúc ca dao, cũng như mùi hương được nhắc đến trong cuốn sách nổi tiếng của triết gia Han Byung-Chul, đều là những thứ chậm rãi, những thứ được sống bằng hồi ức và ký ức, thong thả, cô đọng và lâu bền. Và như thế, nó thoát khỏi “hành động” (l’action) và “sự hưởng thụ tức thì” (la jouissance immediate), những bức tranh cần sự lắng lại, và thời gian. Đắm mình giữa Mây trôi, nước lặng hay Một niệm trôi qua, cảm giác ấy đến gần với một kiểu ghi nhớ bằng giác quan: như thể những phong cảnh không còn rõ hình dáng, nhưng vẫn còn nguyên không khí – một không khí đầy sự chăm chút, nâng niu. Thiên nhiên, dù không hiện lên theo cách trực tiếp, vẫn là trung tâm của mỗi tác phẩm: vừa là chất liệu hình thành, vừa là không gian nuôi dưỡng cảm thức sống.
Gần 100 năm trôi qua kể từ những học thuyết trừu tượng của Alfred Barr – Giám đốc đầu tiên của MOMA (New York), những lý giải về sự phản ánh thiên nhiên hay mối quan hệ giữa tự nhiên với con người đã mang nhiều sắc thái thử nghiệm đương đại mới. Trừu tượng trong tranh của Quỳnh Anh không phải là sự xa rời hiện thực, mà là một cách tiếp cận khác để nắm bắt bản chất của nó. Giống như cách một khúc ca dao không kể lại câu chuyện cụ thể, mà gói ghém trong đó cả một thế giới cảm xúc, những bức tranh của cô cũng chứa đựng những lớp nghĩa sâu xa, đòi hỏi người xem phải dừng lại, chiêm nghiệm, và cảm nhận bằng trái tim. Và có lẽ, trong một thế giới ngày càng vội vã, chúng ta cần những nghệ sĩ như Lê Quỳnh Anh—những người biết cách lưu giữ lại những mùi hương của ký ức, những khúc ca dao của riêng mình.
— Nguyễn Tú Hằng
Một số tác phẩm tại triển lãm:




