Âm vang của hiện diện
09:30 – 18:30, 15/06 – 15/07/2025
Indochine House
Penthouse 2301, The Vista
628C Võ Nguyên Giáp, Q2, TP. HCM
Thông tin từ ban tổ chức:
Khám phá mối liên kết giữa ký ức, vật chất, cảm xúc ở vật thể, hình thể cùng tính đối thoại giữa gốm sứ Imari, hiện vật đồng của xứ sở mặt trời mọc và các tác phẩm hội họa đương đại Việt, sự kiện trưng bày “Âm vang của hiện diện” giới thiệu tới công chúng 3 bối cảnh: sự đa tầng của thiên nhiên, thiền định và vật dụng trong đời sống thường nhật. Cụ thể, ở mỗi bối cảnh, 5 nghệ sĩ Đương đại Việt Nam gồm Đoàn Xuân Tặng, Nguyễn Thế Hùng, Khổng Đỗ Duy, Đoàn Văn Tới, Mifa, bước vào đàm luận với cổ vật Nhật Bản từ góc nhìn đương thời.
Dù cách nhau nhiều thế kỷ, tất cả các tác phẩm trong trưng bày này đều mang bề mặt sáng tác (gốm sứ, đồng, lụa, toan, vóc, giấy Điệp) không đơn thuần là chất liệu mà như những bình chứa xúc cảm và hệ thống nhiều câu chuyện khác nhau. Chúng rung động, ghi nhớ và cất lời như một người dẫn dắt.
Một mặt, tuy làm việc với các chủ thể khác nhau như: sự đồng hiện của núi rừng hùng vĩ trong tâm thức con người giữa bối cảnh truyền thống và hiện đại hóa (Họa sĩ Đoàn Xuân Tặng); hình thức đan xen nhiều lớp lang văn hóa (Họa sĩ Nguyễn Thế Hùng); nét đặc trưng trong không gian sống riêng tư thường nhật (Họa sĩ Khổng Đỗ Duy); tính tương tức – trong cái nọ có cái kia của vạn vật – (Họa sĩ Đoàn Văn Tới); mạch cảm xúc về thiên nhiên, chất thơ trong các nền văn hóa, và sự xung động nội tại trong tâm lý con người (Họa sĩ Mifa), 5 họa sĩ Đương đại Việt kể trên đã và đang cùng chia sẻ một mối quan tâm sâu sắc tới sự hiện diện.
Mặt khác, cổ ngoạn Nhật Bản từ gốm sứ tới đồ đồng bao đời nay đã luôn âm thầm kể những câu chuyện về cuộc sống, tính thiền định và khai phá sự trù phú của thiên nhiên. Việc đặt hội họa trưng bày theo bối cảnh cùng cổ vật là cách khơi nguồn thêm một cuộc đối thoại giữa hai nền văn hóa và cả trong các chiều kích khác nhau của cảm xúc, truyền thống, sự vô định của thời gian.