Trần Quốc Long – Gạn lọc truyền thống để kể chuyện tâm thức thời đại
Bài viết bởi Nga Nguyễn
Hình ảnh được cung cấp bởi Alpha Gallery
Vui lòng ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép
Sơn mài một chất liệu truyền thống đặc biệt nhưng rất khó
Những năm trở lại đây, khoa sơn mài của Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh rất ít sinh viên theo học. Có năm chỉ có 1-2 sinh viên tốt nghiệp lớp sơn mài.
Vì sao vậy, vì sao một chất liệu truyền thống từng và vẫn đang là niềm tự hào của Mỹ thuật Việt Nam ngày càng ít người theo học?
Trở lại đôi nét với lịch sử phát triển của sơn mài. Sơn mài đã xuất hiện và phát triển hàng ngàn năm tại các quốc gia Phương Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam…
Trong hàng ngàn năm phát triển tại Việt Nam, sơn ta hay sơn mài chủ yếu để chế tác sản phẩm mỹ nghệ thân thuộc trong đời sống. Từ đồ thờ trong đình chùa như tượng thờ, hoành phi, câu đối, cửa võng, ngai thờ, cuốn thư, hộp đựng sắc phong, mõ, mâm bồng… đến đồ gia dụng như tủ, bàn, mâm, khay… sơn mài còn để phủ trên nhiều chất liệu làm cốt như gỗ, đất, đá, đồng.
Mãi đến những năm 20 của thế kỷ XX, các vị thầy người Pháp ngoài dạy vẽ sơn dầu còn khuyến khích sinh viên Trường Mỹ Thuật Đồng Dương nghiên cứu chất liệu truyền thống để đưa vào hội họa, trong đó có sơn mài.
Nhiều tên tuổi bậc thầy của hội họa Việt Nam đã gắn liền và thành danh với chất liệu sơn mài như: Nguyễn Gia Trí (Vườn xuân Trung Nam Bắc), Kim Đồng (Lò gốm), Nguyễn Sáng (Chùa Phổ Minh), Nguyễn Tư Nghiêm (Thánh Gióng), Trương Bé, Bùi Hữu Hùng, Đinh Quân…
Như vậy hội họa sơn mài Việt Nam đã có hàng trăm năm phát triển rực rỡ. Hội họa sơn mài hấp dẫn đặc biệt vì nó mang được vẻ đẹp nền nã, huyền bí phương Đông thể hiện trong phong cách Tây Phương.
Cho đến ngày nay, các bức sơn mài giai đoạn Mỹ thuật Đông Dương vẫn được tìm mua, định giá, giao dịch với con số hàng triệu đô la. Tuy vậy, với người trẻ ngày này, sơn mài có vẻ như không “hợp trend” nữa. Cuộc sống hiện đại nhiều áp lực khiến mọi thứ phải hoàn tất nhanh gọn. Tranh sơn mài thì chậm rãi, thâm trầm. Người trẻ thích tự do, phóng khoáng, sơn mài lại đòi hỏi tỉ mỉ và kiên nhẫn.
Vẽ tranh sơn mài khó, khó từ chất sơn – chất liệu để vẽ tranh sơn mài có nhiều độc tính, nếu người học có cơ địa nhạy cảm với sơn, khi tiếp xúc sẽ gây sưng phù, hoặc lở loét da. Vẽ sơn mài cần nhiều lớp, ủ và mài mất nhiều thời gian và công phu. Để vẽ tranh sơn mài, họa sĩ phải đầu tư vật liệu vẽ phức tạp như vóc, sơn, bột màu, kim lại vàng bạc… tốn kém hơn tranh sơn dầu, màu nước hoặc các chất liệu khác.
Tất cả những yếu tố này khiến tranh sơn mài ít người theo học. Nhưng mặc cho những khó khăn đó, Trần Quốc Long – một họa sĩ còn khá trẻ, đã theo đuổi và thực hành sơn mài hơn mười lăm năm nay.

Giữ cái hồn truyền thống trong lối vẽ đương đại
Họa sĩ Trần Quốc Long năm 1981 tại bán đảo Nghi Sơn, Thanh Hóa, anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, chuyên ngành sơn mài. Hơn ai hết, Trần Quốc Long hiểu rõ những đặc tính “khó chịu” của sơn mài, nhưng anh đã lựa chọn để gắn bó với sơn mài như một định mệnh.
Trò chuyện với bạn bè đồng môn, Trần Quốc Long hay đùa rằng: “Đôi khi tôi thấy mình không giống họa sĩ, mà giống bác sĩ hơn, ‘bác sĩ sơn mài'”. Đó không phải là câu nói đùa bâng quơ, mà từ đó rút từ những trải nghiệm thực tế trên hành trình nghệ thuật.
“Bác sĩ sơn mài” vì anh luôn phải tỉ mẩn làm việc, thử nghiệm phương pháp mới khi vẽ tranh sơn mài. Hơn mười lăm năm năm nay, anh đã đúc kết rất nhiều kinh nghiệm, “điều trị” những nết khó của sơn ta để cho ra đời những tác phẩm hoàn toàn truyền thống bằng nét vẽ bung tỏa tinh thần tự do phóng khoáng rất đương đại.
Tranh sơn mài Trần Quốc Long đậm chất truyền thống: Vóc, then, son, vàng bạc, và cách thực hành sơn mài cầu kỳ, Long vẫn giữ cái hồn cốt đó. Vẫn là then, son, cánh gián, vàng bạc quỳ những chất liệu hoàn toàn truyền thống nhưng dưới bàn tay của anh mang đến mỹ cảm rất hiện đại. Họa sĩ đặc biệt ưa thích bạc rây, bạc vụn, vàng thì chôn ở dưới son, then rồi mài moi, phẳng mà nhám nên không bị mỹ nghệ.

Họa sĩ Trần Quốc Long sống làm làm việc tại thành phố Đà Lạt, nhưng anh luôn đặt vóc, toan và các vật liệu vẽ gửi vào từ Hà Nội. Anh cho rằng các làng nghề truyền thống hàng trăm năm của đồng bằng Bắc Bộ có được các nghệ nhân lành nghề, tạo nên những tấm vóc và các nguyên liệu vẽ sơn mài chất lượng tốt nhất cả nước.
Hình tượng thô ráp, xù xì mà thấu hiểu nhân sinh
Đừng tìm kiếm những hình vẽ bóng bẩy đèm đẹp, vờn tỉa trong tranh Trần Quốc Long, anh không quan tâm đến việc tả kỹ hình hoặc sao chép hình tượng thực tế. Đối tượng trong tranh của Trần Quốc Long không mô tả hình ảnh nguyên trạng mà trở thành biểu tượng đại diện tư tưởng, trăn trở về đời sống. Đối tượng anh vẽ là chân dung chính anh và chân dung những gương mặt quanh anh “Chân dung Tôi” (Như Mây Liêu, solo lần 3, năm 2022); “Chân dung người lính” (Solo Mộng Bình Thường 2024)…
Tranh của anh có khi thấp thoáng câu chuyện về quê hương, hay những lát cắt của đời sống thường nhật nhưng được thể hiện bằng hình ảnh kì lạ đến dị thường, vượt khỏi các chuẩn mực thị giác, tạo ra vùng ngôn ngữ riêng biệt để lắng nghe, chuyển hóa và biểu đạt thế giới nội tâm của anh hay chính của con người thời đại ngày nay.
Tranh sơn mài của Trần Quốc Long rất phẳng, bóng. Có thể nhận thấy tính chất đặc trưng này qua hầu hết các tác phẩm “Những đền đàn bỏ hoang”, “Tỉnh mộng” (Như Mây Liêu, solo lần 3, năm 2022) đó không phải là lớp bóng bẩy của dầu bóng người ta thường sử dụng. Cái “bóng phẳng” trong tranh anh như cách hòn đá được “đẽo gọt” bên dòng suối. Dòng nước có khi cuồn cuộn, khi dịu dàng trôi qua hằng ngày cứ thế theo thời gian mà “mài dũa” tự nhiên cho hòn đá xù xì trở thành một chiếc gương trong trẻo (tác phẩm “Đá ở đáy sông” 1,2 – Triển lãm Như Mây Liêu, solo lần 3, năm 2022).

Trần Quốc Long có một không gian sáng tác nhỏ nhắn và khiêm tốn trong gian nhà của mình, anh không có xưởng lớn để bày biện màu vẽ la liệt ê hề, anh cũng không có những người phụ việc. Anh tự mình làm tất cả các công đoạn để hoàn tất bức tranh.Trong không gian nhỏ bé ấy những tác phẩm đồ sộ với chất lượng nghệ thuật cao vẫn đều đặn ra đời.
Mài tranh, nghệ thuật hay triết lý sống?
Tranh của Trần Quốc Long sâu, anh có kỹ thuật ủ và mài nhiều lớp. Vậy nên hiệu ứng lớp lang trong tranh của anh tạo nên không gian sâu thẳm, huyền ảo, mênh mang Họa sĩ Lê Thiết Cương từng nhận xét rằng: “Phải gọi họa sĩ Trần Quốc Long là “Long mài”, vì ngoài hiểu về sơn mài và thực hành điêu luyện. Long còn cầu toàn khi vẽ tranh, Long mài nhiều lớp để tạo ra hiệu quả sắc màu và lớp lang đặc biệt khác biệt”.
Mài tranh là một kỹ thuật khó, đòi hỏi sự khéo léo và tính tế. Mài đến mức nào ngừng để có được hiệu quả hình ảnh mong muốn, nhưng nó luôn ẩn chứa nhiều rủi ro, nếu quá tay có thể mất hình, hỏng tranh. Nhưng nếu ngại không dám mài, thì tranh đặc màu, không trong không sâu huyền ảo. Vậy nên dù nhiều khó khăn hay rủi ro thế nào đi nữa, anh vẫn làm và vẫn mài. Đó giống như định nghĩa con người anh.
Làm nghệ thuật đã khó, sống được bằng nghệ thuật lại càng khó hơn. Anh không thỏa hiệp với thị hiếu phổ thông, không vẽ những thứ chỉ đèm đẹp bên ngoài để sinh nhai. Tác phẩm của Trần Quốc Long thường có hình tượng xù xì, thô ráp, nhưng đủ lắng đọng sẽ nhận ra một là tâm hồn tinh tế, thấu hiểu nhân sinh. Vẻ đẹp này cần thời gian, sự chiêm nghiệm và một con mắt tinh đời mới có thể nhận ra giá trị ẩn sâu trong đó.
Các triển lãm cá nhân như “Như mây liêu xiêu”; “Mộng bình thường”, “3600 ngày”… cùng nhiều dự án nghệ thuật nhóm uy tín khác đã góp phần khẳng định vị trí của anh trong dòng chảy sơn mài đương đại tại Việt Nam. Tranh của Trần Quốc Long hiện diện trong nhiều bộ sưu tập trong và ngoài nước, tuy không ồn ào, nhưng anh luôn có cách riêng để ghi dấu tên tuổi của mình một cách đậm nét. Đó cũng chính là cách anh bước đi trong nghệ thuật: chắc chắn, sâu và không lệ thuộc vào ánh sáng nhất thời của đám đông.
Thực hành nghệ thuật, nếu chỉ vài ba năm, kiểu như “nghệ thuật là một cuộc dạo chơi” thì không có gì nhiều để bàn cãi, với Trần Quốc Long đã có gần 2 thập kỷ gắn bó bền bỉ với sơn mài để gạn gọc chất truyền thống miệt mài kể câu chuyện của anh, câu chuyện của thời đại hôm nay. Và tôi tin đó cũng chính là lẽ sống của cuộc đời anh.

Triển lãm “Huyễn Động” của họa sĩ Trần Quốc Long – Lê Văn Trọng tháng 6.2025
“Huyễn Động” là triển lãm song hành của họa sĩ Trần Quốc Long & Lê Văn Trọng – Cuộc hội ngộ giữa chất liệu sơn mài đậm chất Á Đông cùng chất liệu sơn dầu kinh điển Tây Phương. “Huyễn Động” mở ra một không gian đối thoại nhiều chiều. Giữa cái cứng rắn và cái mềm mại, giữa cái thô ráp với dịu dàng, cái chân thực mộc mạc trong huyễn hoặc phù du.
Trong triển lãm “Huyễn Động” tháng 6/2025, Long mang đến 19 bức sơn mài trên toan khổ lớn. Lần này anh lại tiếp tục tạo ấn tượng mới mẻ, sáng tạo trong loạt tranh Sơn mài trên toan.
Làm tranh sơn mài trên toan không phải quá mới, nhiều họa sĩ khác đã vẽ theo cách này rồi. Tuy nhiên, sơn mài trên toan của Long hấp dẫn bởi lối tạo hình và dùng màu khác biệt. Hình tượng tranh mạnh mẽ, nét vẽ tự do. Dù vẫn còn giữ hình theo lối biểu hiện nhưng nét phóng khoáng ngẫu hứng khiến tranh đến gần với trừu tượng hơn. Anh thích sử dụng màu của chính chất liệu để tạo nên sắc tranh độc đáo cho mình: màu đen đậm từ sơn, trắng bạc từ kim loại bạc, vàng óng ánh từ chính chất vàng…
Không thể rời mắt khi nhìn ngắm các tác phẩm: “Đàn chim trở về”, hay “Phía sau một cánh rừng”; “Tháng tư về”; “Đàn Cá”; “Cánh đồng hoang”…Tranh của Long sẽ trọn vẹn nhất khi ngắm trực tiếp bên ngoài, ngắm tranh qua hình chụp khó lột tả được tinh thần hay sự thú vị của chất liệu.
Tranh của Trần Quốc Long không phải để xem cho đẹp mắt, mà là để “lắng” lại – như nhìn vào một tấm gương nước – thấy cả truyền thống lẫn chính mình trong đó.