giữa những chớp bóng, tôi mơ tiếp những giấc mơ
19:00 – 20:30, thứ Tư 30/07/2025 & 17:00 – 18:15, thứ Bảy 02/08/2025
Tầng 6, Khách sạn Amanaki Thảo Điền
10 Nguyễn Đăng Giai, Thảo Điền, TP. HCM
Link đăng ký (30 người)
Thông tin từ ban tổ chức:
giữa những chớp bóng, tôi mơ tiếp những giấc mơ là một chương trình chiếu phim gồm có hai chương do Lại Minh Ngọc giám tuyển. Chương trình phản hồi tới triển lãm 6 giờ chiều. Ngày dài. Đêm cũng dài. Lúc nào tôi cũng đang ở quá khứ… của hai nghệ sĩ Lê Đ. Chung và Tâm Đỗ.
Buổi chiếu phim mở ra một không gian riêng tư, với những tác phẩm điện ảnh và hình ảnh động khắc họa ý niệm từ truyền thống đến phi truyền thống về người phụ nữ—Đức Mẹ Maria dang rộng vòng tay trong những truyền thuyết về một vùng đất mới của người di cư từ Ninh Bình vào Sài Gòn; một nữ y tá trùm mặt trong rừng, ánh mắt khiến người xem khó đoán định được cô là nhân vật chính diện hay phản diện của những thước phim tuyên truyền đã được phân mảnh; những cô gái tìm mình giữa Sài Gòn những năm 70 với âm nhạc, tình yêu và chất kích thích… Khi khung hình lật giở, những cô gái tựa vào giấc mơ của mình, nơi họ thoát khỏi mọi khuôn định.
Chương trình chiếu phim chất vấn sự trình diện của hình tượng người phụ nữ trong điện ảnh Việt Nam—nơi họ thường bị ràng buộc vào khuôn mẫu “tam tòng, tứ đức”. Dưới ảnh hưởng của Nho giáo, người phụ nữ được kỳ vọng phải phụng sự cha, chồng và con trai, đồng thời phải có đức hạnh cùng đức tính chăm chỉ, ngoại hình khiêm tốn, lời nói đúng mực. Điều này ngầm ám chỉ sự tồn tại của họ như là hiện thân của quốc gia, của những giá trị truyền thống được nhìn qua lăng kính nam giới. Trong hầu hết các bộ phim, người phụ nữ luôn hiện diện, nhưng họ lại chẳng thực sự ở đó.
* Ngôn ngữ: tiếng Việt, phụ đề tiếng Anh
giữa những chớp bóng, tôi mơ tiếp những giấc mơ
chương 1: 19:00 – 20:30, thứ Tư 30/07/2025
chương 1 theo đuổi giấc mơ của những cô gái và người phụ nữ cố gắng định vị bản thân giữa yêu cầu hy sinh vì người khác—”tam tòng” (tòng tử, tòng phu, tòng phụ), và trong hầu hết các bộ phim, còn có thêm “tòng quân”. Nếu “Tuổi Dại” (Thái Thúc Hoàng Điệp, 1974) đưa ta trở lại không khí sôi động của Sài Gòn thập niên 1970, nơi những cô gái đấu tranh giữa giá trị truyền thống và những khát vọng riêng trong một xã hội xáo động bên cạnh cuộc chiến, thì trong “Bài ca Ra trận” (Nguyễn Trinh Thi, 2011), nghệ sĩ tái dựng cảnh phim tuyên truyền thành một tác phẩm giật gân, với người phụ nữ ở vị trí trung tâm, dập dằng giữa hình bóng mẫu mực hoặc một nhân vật phản diện tiềm ẩn.
chương 2: 17:00 – 18:15, thứ Bảy 02/08/2025
chương 2 tập hợp những tác phẩm mà trong đó, người phụ nữ và thân thể họ chứng kiến, ẩn mình và tồn tại trong những dòng chảy biến đổi nhanh chóng của cảnh quan và giữa các thế hệ. Trong tác phẩm “The Voice is An Archive” (Hương Ngô, 2016), bốn thế hệ phụ nữ tha hương cùng kết nối với ngôn ngữ và căn tính qua việc ngân nga một bài ru. Hình bóng những người công nhân nữ khám phá cuộc đời mới ở nơi đô thị ẩn hiện trong phim tài liệu “Giấc mơ là công nhân” (Trần Phương Thảo, 2006). Cuối cùng, trong “Ninh Bình – Saigon” (Ngọc Nâu, 2017), người phụ nữ chỉ còn hiện diện qua những truyền thuyết gắn liền với những cuộc di cư.
Về nghệ sĩ & nhà làm phim
Nguyễn Trinh Thi là nghệ sĩ và nhà làm phim sống và làm việc tại Hà Nội. Băng qua những giới hạn của điện ảnh và video art, giữa sắp đặt và trình diễn, thực hành của cô hiện khám phá quyền lực của âm thanh và sức mạnh của việc lắng nghe, cùng những mối quan hệ đa chiều giữa hình ảnh, âm thanh, và không gian. Xuyên suốt là những trăn trở về lịch sử, ký ức, sự biểu đạt, sinh thái, và những điều chưa thấu.
Tác phẩm của Trinh Thi đã được trưng bày và trình chiếu ở các liên hoan và triển lãm nghệ thuật quốc tế, bao gồm documenta, Artes Mundi, Lyon Biennale, the Asia Pacific Triennale of Contemporary Art, Sydney Biennale, the Mori Art Museum,và Fukuoka Asian Art Triennial.
Ngọc Nâu hiện sống và làm việc tại miền Bắc Việt Nam. Thực hành nghệ thuật của cô tập trung khai thác những vấn đề xã hội gắn liền với sự phát triển công nghệ — từ tâm linh, chuyển dịch đất đai cho đến điều kiện lao động — như những cách thức để chiêm nghiệm về tương lai, ký ức tập thể và trải nghiệm của con người. Thông qua tác phẩm của mình, Ngọc Nâu mời gọi công chúng suy ngẫm và đối thoại về những phức hợp của đời sống đương đại. Các sáng tác của cô đã được trưng bày tại Gà Gật: Video Mới từ Việt Nam và Tasmania, Australia (2025); Ecological Art from Beneath, Gangwon International Triennale, Hàn Quốc (2024); Art Basel, Hồng Kông (2023); Documenta15, Đức (2022, cùng với tập thể Sa Sa Art Projects); Thailand Biennale (2021); và Singapore Biennale (2019).
Hương Ngô là nghệ sĩ liên ngành và giảng viên. Cô sinh ra tại Hồng Kông, tốt nghiệp Thạc sĩ Mỹ thuật tại trường School of the Art Institute of Chicago chuyên ngành Nghệ thuật & Công nghệ (2004), và từng là nghiên cứu sinh tham gia Whitney Independent Study Fellow (2011-2012). Cô nhận học bổng Fulbright U.S. Scholar Grant tại Việt Nam (2016) với tác phẩm được tờ báo New City miêu tả là “giải thực dân một cách khéo léo mà dứt khoát” và được tờ Chicago Tribune đánh giá là “sự giao thoa mẫu mực của nghệ thuật nữ quyền liên ngành”.
Tác phẩm của Hương Ngô được trưng bày ở nhiều triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm, gần đây nhất có thể kể đến những trưng bày tại Fine Arts Center ở Colorado College, Colorado Springs, Colorado (Hoa Kỳ, 2024); MASS MoCA, North Adams, Massachusetts (Hoa Kỳ, 2023); Kemper Museum, Kansas City, Missouri (Hoa Kỳ, 2022), CAC Cincinatti, Ohio (Hoa Kỳ, 2021); Chicago Cultural Center, Chicago, Illinois (Hoa Kỳ, 2021); Museum of Contemporary Art, Chicago, Illinois (Hoa Kỳ, 2020); The Factory Contemporary Art Centre, TP. HCM (Việt Nam, 2020); Renaissance Society, Illinois (Hoa Kỳ, 2020); Phillips Collection, Washington DC (Hoa Kỳ 2019); MoMA, New York (Hoa Kỳ, 2018); Para Site, (Hong Kong, 2017); DePaul Art Museum, Chicago, Illinois (Hoa Kỳ, 2017); Nhà Sàn Collective, Hà Nội, (Việt Nam, 2016). Tác phẩm hợp tác với nghệ sĩ Hồng-Ân Trương của cô được trưng bày dài hạn tại Chicago O’Hare’s International Airport, và tác phẩm cá nhân của cô đã trở thành một phần trong bộ sưu tập của nhiều bảo tàng như MoMA, DePaul Art Museum, Smith College Museum of Art, và Walker Art Center. Cô từng tham gia Prague Biennial (2005) và Prospect.5 Triennial (2021).
Hương Ngô hiện đang là giảng viên thỉnh giảng tại University of California Santa Barbara. Trước đó, cô là trợ lý giáo sư chuyên ngành Contemporary Practices (tạm dịch: Thực hành Đương đại) tại trường School of the Art Institute of Chicago, nơi cô đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập ủy ban chống phân biệt chủng tộc đầu tiên trên toàn trường. Trong thời gian sống ở Pháp, cô đã tổ chức chuỗi tọa đàm nghệ sĩ UJVF Rencontre với sự hợp tác của Liêm Bình Lương Nguyễn và WoMA Paris.
Trần Phương Thảo (sn. 1977, Hà Nội) chuyển tới Pháp vào năm 2000 để theo đuổi giấc mơ trở thành nhà làm phim tài liệu. Sau khi tốt nghiệp ngành Khoa học Chính trị tại Paris, cô theo học kỹ thuật làm phim tài liệu và viết tại Poitiers University. Trở về Việt Nam, cô tham gia workshop Varan, nơi cô đạo diễn bộ phim đầu tay “Giấc mơ là công nhân”. Bộ phim được trình chiếu tại nhiều liên hoan phim quốc tế và được giải thưởng tại Liên hoan phim Cinéma du Réel 2007 (cùng học bổng P. Perrault Award).
Từ năm 2011, cô hợp tác cùng Swann Dubus đạo diễn nhiều phim tài liệu, tiêu biểu có thể kể đến “Trong hay Ngoài Tay em” (đạt giải White Goose trong Liên hoan phim tài liệu quốc tế DMZ Docs 2012, Hàn Quốc) và “Đi tìm Phong” (đạt giải Grand Prix Nanook trong Liên hoan phim Jean Rouch IFF 2016, Paris, Pháp). Cùng nhau, họ khám phá những chủ đề về xã hội Việt Nam qua góc nhìn đậm chất cá nhân trong phim của mình, đồng thời sản xuất các tác phẩm của những nhà làm phim tài liệu Việt trẻ tài năng, bao gồm “Những đứa trẻ trong sương” của Hà Lệ Diễm. Trần Phương Thảo quản lý và hỗ trợ công ty sản xuất phim Varan Việt Nam, đồng thời là giảng viên trưởng tại các workshop của Varan Việt Nam.
Thái Thúc Hoàng Điệp là đạo diễn điện ảnh người Úc gốc Việt của nền điện ảnh miền Nam những năm 1960-1970. Một đạo diễn triển vọng trong thời kỳ chiến tranh, Hoàng Điệp hướng ống kính máy quay về những chủ đề gần gũi hơn như đời sống và tâm lý giới trẻ, thay vì tập trung khắc họa bạo lực của chiến tranh. Tác phẩm của ông ghi lại những cảm xúc mong manh nhất cùng những lý tưởng phản chiến, yêu hòa bình trong đời sống xã hội vốn đã từng bị chìm ngập trong những đại tự sự về quyền lực và chiến tranh.
Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.