Home Sự kiện mình mẩy múa may một cự tuyệt thay lời chẳng thể thốt

mình mẩy múa may một cự tuyệt thay lời chẳng thể thốt

Hình ảnh: từ phim The Melancholy of this Useless Afternoon, Chapter II (2023) của Dina Mimi

17:00 – 19:00, thứ Bảy 19/07/2025
Địa điểm chiếu phim ở khu vực phường Sài Gòn (phường Bến Nghé cũ), Quận 1, sẽ được thông báo cụ thể trong email xác nhận
Ngôn ngữ: Tiếng Anh
Link đăng ký

Thông tin từ ban tổ chức:

Chuyển động mang tính lịch đại. Chuyển động ngấm tháng năm lịch sử. Đối diện với đàn áp và bế tắc, chuyển động, vốn có thể hiểu theo nhiều cách, mở ra không gian để đấu tranh. Càng ngày việc tổ chức và dấn thân vào một phong trào càng một lênh đênh, việc di chuyển tự do từ nơi này đến nơi khác ngày càng một nhọc nhằn. Phố phường dần bị ám ảnh bởi tĩnh lặng. Các mối quan hệ xã hội trở nên trì trệ. Những thảo luận chính trị rơi vào ngõ cụt. Không gì chuyển dịch ngoài dòng tư bản luôn hấp hối. Dẫu thế, chuyển động không đối lập với bất động; chuyển động là băng xuyên – là bước vào một hành trình phi tuyến tính, cứ rẽ, chệch, xoay. Chuyển động là vượt biên. Biên giới chuyển hoá kẻ băng qua nó ngay khoảnh khắc bàn chân chạm qua bờ bên kia. Kẻ chuyển động là kẻ khôn lường, bởi trong chuyển động ta đổi sắc thay hình. Bước kế tiếp của ta, chúng chẳng tài nào đoán được. Bởi vậy mà không thể phân tích một người đang chuyển động dựa trên một tập hợp điều kiện đồng thời, cố định. Chuyển động không chỉ là tự di động, mà là cho phép mình được lay động bởi điều gì đó.

Trong thời gian ở Algeria, Martinique, và nhiều nơi khác trên lục địa châu Phi, Frantz Fanon quan sát những người sống dưới ách thực dân từ vị thế kép của một bác sĩ tâm thần lẫn một người cùng chiến tuyến, và nhận thấy rằng bạo lực thực dân “vận” vào thân thể kẻ bị trị trong những “cơ bắp bị co rút”. Trong lời tựa cuốn Những kẻ khốn cùng của trái đất (The Wretched of the Earth), Fanon diễn tả sự co rút, căng cứng tích tụ này như một thứ gì đó đang sục sôi, buộc phải giải tỏa. Dẫu lao động ngày đêm, cơ bắp của người bị trị vẫn thắt lại vì không được chuyển động, cơ thể sống bị tê liệt bởi ứ trệ chính trị. Khi sự co rút ấy giải phóng mà không thông qua đấu tranh chống thực dân, nó phác tiết thành bạo lực trong nội bộ cộng đồng. Và rồi khi người bị trị nhảy múa, “những bó cơ đau đớn vì co rút được giãn ra”, căng thẳng giận dữ được trút bỏ bớt. Fanon cho rằng, chủ nghĩa thực dân sản sinh ra sự co rút này để ngăn chặn quá trình khai thông vượt thoát, để kìm kẹp chuyển động. Đây chính là cách cơ thể bị trói buộc trong tù hãm. Đây chính là cách người đang sống không được nhảy múa.

‘mình mẩy múa may một cự tuyệt thay lời chẳng thể thốt’ là một chương trình chiếu phim được tuyển chọn bởi curator Adam HajYahia trong khuôn khổ triển lãm ‘Đó Là Năm XXXX’, cũng là một phản hồi tới trưng bày luân phiên của Joud Al-Tamimi mang tựa ‘Thư gửi các đồng chí’. Chương trình lấy cảm hứng từ các trước tác của Frantz Fanon, đồng thời vượt ra khỏi câu chữ của ông thông qua các chuyển hoá theo tinh thần thi ca, nhằm tưởng tượng những hình thái chuyển động trong một thế giới khước từ những vây hãm, bất động và ứ trệ. Khung chương trình quan tâm tới những hành vi mang tính thơ, bộc lộ qua chuyển động thay cho đối thoại – vốn bị ràng buộc trong lời nói – với mong muốn vượt qua sự thất thủ của ngôn từ trong thời kỳ khủng hoảng. Khi lời thốt ra chẳng ai nghe chỉ vì danh tính kẻ phát ngôn, khi phương ngữ chung chẳng còn gieo thân thuộc, khi ngôn từ tuột mất sức nặng trước tai ương khôn xiết, thì chuyển động vươn mình thay lời.

Chương trình phim lấy điểm nhìn từ vị trí chủ thể của những hình bóng chuyển động qua phế tích của đế quốc và thuộc địa, từ đó tìm cách gợi mở tính chủ thể chính trị không qua phân tích lý tính, mà bằng chất thơ của chính hành động sáng tạo. Ta dõi theo bảy nhân vật bị chia cắt trong chuyển động vẫy vùng của họ: Tay Hái Lượm, Kẻ Đào Thoát, Kẻ Mơ Tưởng, Tên Bạo Động, Người Maroon, Kẻ Mang Lậu. Vai mở, tay vươn, thân chuyển động – họ phóng mình tới những khả thể đang mở ra trước mặt.

*Danh sách phim sẽ được thông báo một tuần trước ngày sự kiện diễn ra

‘Đó Là Năm XXXX’, một triển lãm do Thái Hà curate, hiện đang trưng bày tại EMASI Nam Long và EMASI Vạn Phúc từ tháng 04 – tháng 11 năm 2025.

‘Thư gửi các đồng chí’, một trưng bày luân phiên do Joud Al-Tamimi curate, hiện đang mở cửa tại EMASI Vạn Phúc từ 14 tháng 06 – 26 tháng 07 năm 2025.

Về curator

Adam HajYahia là một cây viết và curator sống và làm việc tại Palestine và New York. Anh quan tâm đến cách những thực hành tạo tác hình ảnh, trình diễn, viết lách và âm thanh – cả trong lẫn ngoài thị trường nghệ thuật – phản ánh, mô phỏng, và khơi mở các đối thoại xã hội và ý thức chính trị. Các tác phẩm của anh tập trung vào mối quan hệ biện chứng vừa gắn bó vừa mâu thuẫn giữa ham muốn tâm lý và chủ nghĩa tư bản, để từ mối quan hệ này, ta có thể hiểu về tổ chức xã hội, lịch sử chống thực dân, sản xuất thẩm mỹ, chính trị lao động, hành động suy đoán, và sự cấu thành chủ thể. Gần đây, anh đã curate dự án Speaking with the dead (tạm dịch: Nói chuyện với người chết) trong khuôn khổ phần trình bày của Bilnaes tại Sharijah Biennial 16, và xuất bản sách cùng Bilnaes, đồng tác giả với Haitham Haddad, mang tựa đề An Echo in Search of its Shadow: Aesthetics of the Repressed (2024) (tạm dịch: Tiếng Vọng trong Công Cuộc Truy Tìm Cái Bóng: Mỹ Học của Kẻ Bị Đàn Áp). Các dự án nghệ thuật, công trình nghiên cứu và xuất bản của anh gần đây đã được phát hành và trưng bày tại nhiều bảo tàng, trường đại học và tổ chức văn hoá như The Vera List Center tại The New School (2024), Bard College (2023), The Mosaic Rooms (2023), The James Gallery tại CUNY Graduate Center (2023), MoMA PS1 (2022), The Berlin Biennale 12 (2022), và Mophradat. Anh cũng đã có nhiều buổi nói chuyện và bài giảng tại Harvard Law School, Yale School of Art, Yale Law School, và Wolfson College, University of Oxford. Anh hiện là Associate Curator tại Center for Human Rights & the Arts, Bard College.

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.

NO COMMENTS

Leave a Reply