Home Sự kiện Mĩ thuật Workshop Gặp để Gỡ | Gợi mở kỹ năng điều phối chương...

Workshop Gặp để Gỡ | Gợi mở kỹ năng điều phối chương trình văn hóa cho người khuyết tật

Đăng vào
0

13:30 – 16:30, thứ Bảy 26/07/2025 & 09:00 – 16:30, Chủ nhật 27/07/2025
Goethe-Institut Hà Nội
56-58-60 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội
Link đăng ký
Lưu ý: Người tham dự cần cam kết tham gia đầy đủ trọn vẹn chương trình 2 ngày

Thông tin từ ban tổ chức:

Trong bối cảnh nghệ thuật ngày càng gắn bó sâu sắc với các vấn đề xã hội, sự bao hàm không còn là một nguyên tắc phụ trợ mà trở thành nền tảng cho một thực hành ý thức – nơi nghệ sĩ và người làm nghề đặt câu hỏi về quyền được hiện diện, được tham gia, và được cùng kiến tạo.

Workshop “Gặp để gỡ: Chạm để mở – xây kỹ năng điều phối chương trình văn hóa tiếp cận cho người khuyết tật” hướng đến các nhà tổ chức, điều phối viên và thực hành viên nghệ thuật đang mong muốn thiết kế không gian làm việc và sáng tạo thực sự công bằng.

Với sự dẫn dắt của các khách mời là người khuyết tật và chuyên gia lĩnh vực xã hội, chương trình không chỉ cung cấp công cụ lý thuyết và kỹ năng tổ chức, mà còn mở ra các trải nghiệm chất vấn, nhập vai và trao đổi ngang hàng – để từ đó, hình dung lại một thực hành nghệ thuật gắn bó, đồng sáng tạo, và không loại trừ.

Chương trình nằm trong khuôn khổ nghệ thuật bao hàm do Viện Goethe Hà Nội khởi xướng, với sự phối hợp và đồng tổ chức của Hội Khuyết tật thành phố Hà Nội.

Chương trình
13:30 – 16:30, thứ Bảy 26/07/2025
Nhận thức về bình đẳng & rào cản
– Khái niệm bình đẳng & quyền người khuyết tật
– Những rào cản trong nghệ thuật
– Chia sẻ các văn bản pháp lý liên quan
– Thiết kế xây dựng hoạt động nhóm: Vẽ sơ đồ nhu cầu của từng nhóm

09:00 – 16:30, Chủ nhật 27/07/2025
– Điều phối dự án nghệ thuật bao hàm: Nhìn từ trường hợp của Tòhe.
– Thực hành thiết kế hoạt động nghệ thuật hòa nhập.
– Xây dựng khung Cẩm nang dành cho các tổ chức, đơn vị khi xây dựng thiết kế chương trình nghệ thuật có sự tham gia của người khuyết tật

Các diễn giả

Phạm Quang Khoát
Phó Chủ tịch Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam

Ông Phạm Quang Khoát là Phó Chủ tịch Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Người Khuyết tật TP. Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Người Khuyết tật quận Hoàng Mai. Với hơn 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực người khuyết tật, ông đã tham gia nhiều chương trình đào tạo chuyên sâu về hòa nhập và tiếp cận do các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế giảng dạy, trong đó có khóa học của ESCAP – Liên Hợp Quốc. Ông từng giảng dạy cho các dự án khu vực sông Mekong do Đại học Stockholm (Thụy Điển) tổ chức. Với nền tảng chuyên môn vững vàng cùng sự am hiểu sâu sắc về thực tiễn, ông Khoát là người đồng hành tin cậy trong các chương trình nâng cao nhận thức, thúc đẩy tiếp cận và hòa nhập xã hội cho người khuyết tật.

Dương Thị Vân
Đồng sáng lập Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội (DP Hanoi)

Bà Dương Thị Vân là một trong những nhà hoạt động tiên phong vì quyền của người khuyết tật tại Việt Nam, với gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Bà là đồng sáng lập Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội (DP Hanoi) và Trung tâm ICC – nơi bà hiện giữ vai trò Giám đốc. Bà từng đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng trong các tổ chức quốc gia và quốc tế, đóng góp tích cực vào việc xây dựng chính sách và pháp luật liên quan đến người khuyết tật, bao gồm Luật Người khuyết tật và các quy chuẩn tiếp cận xây dựng. Không chỉ là nhà hoạt động, bà còn là giảng viên, tác giả và chuyên gia tư vấn cho nhiều tổ chức như UNDP, UNICEF, ILO, CBM… Với năng lực kết nối sâu rộng, bà là gương mặt tiêu biểu thúc đẩy hòa nhập khuyết tật ở Việt Nam và khu vực.

Nguyễn Thị Mộng Thu
Quản lý mảng Xã hội tại Doanh nghiệp xã hội Tòhe

Nguyễn Thị Mộng Thu hiện là Quản lý mảng Xã hội tại Doanh nghiệp xã hội Tòhe, nơi cô điều phối các chương trình giáo dục và nghệ thuật dành cho trẻ em và cộng đồng có nhu cầu đặc biệt. Từ năm 2016 đến nay, cô trực tiếp xây dựng và triển khai các trung tâm can thiệp, trung tâm bảo trợ xã hội và cơ sở giáo dục tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hòa Bình và Cao Bằng.

Cô phụ trách chuỗi triển lãm nghệ thuật và hội thảo nâng cao nhận thức cộng đồng về phổ tự kỷ, tiêu biểu như Thế giới song song (2021), Nhiều hơn một ánh nhìn (2023) và Chèo Méo (2024). Ngoài ra, cô cùng đội ngũ Tòhe xây dựng Link đình – một sự kiện do UNESCO tài trợ trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, hướng tới tạo không gian sáng tạo thân thiện với người khuyết tật.

Với kinh nghiệm 8 năm phát triển chương trình cho nhiều nhóm đối tượng đa dạng, thực hành của cô tập trung vào việc kết hợp nghệ thuật, giáo dục và phát triển xã hội nhằm khơi gợi sự kết nối và thúc đẩy hòa nhập cộng đồng.

Các đối tác

Hội Người Khuyết tật TP. Hà Nội (DP Hanoi)

Hội Người Khuyết tật TP. Hà Nội (DP Hanoi) là tổ chức xã hội của người khuyết tật hoạt động dựa trên nguyên tắc tự nguyện, không phân biệt dạng tật, giới tính, dân tộc hay tôn giáo. Hội đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy quyền, năng lực và sự tham gia bình đẳng của người khuyết tật vào đời sống xã hội thông qua các chương trình hành động thiết thực và bền vững. Với chuyên môn sâu trong lĩnh vực vận động chính sách, giáo dục hòa nhập, phát triển sinh kế và tiếp cận cộng đồng, DP Hanoi là một trong những tổ chức tiên phong trong việc xây dựng xã hội không rào cản, nơi người khuyết tật được trao quyền để chủ động, tự tin và đóng góp một cách ý nghĩa.

Tòhe

Tòhe là một doanh nghiệp xã hội sáng tạo tại Việt Nam, hoạt động nhằm tạo sân chơi nghệ thuật và phát triển kỹ năng cho trẻ em thiệt thòi, đặc biệt là trẻ em khuyết tật, thông qua giáo dục sáng tạo. Ra đời từ năm 2006, Tòhe xây dựng các chương trình mỹ thuật tương tác, giúp trẻ thể hiện bản thân và phát triển tư duy cá nhân. Các tác phẩm của trẻ em được chọn lọc để thiết kế thành các sản phẩm thời trang, đồ dùng, quà tặng dưới thương hiệu Tòhe, qua đó tạo thu nhập hỗ trợ học bổng và phát triển năng lực cho các em. Mô hình độc đáo của Tòhe kết hợp giữa giáo dục, nghệ thuật và kinh doanh bền vững, mang đến một phương thức tiếp cận mới cho sự hòa nhập và sáng tạo xã hội.

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.

NO COMMENTS

Leave a Reply