Home Ý Kiến Xinh Xô: Khi thành phố vọng lại tiếng khèn

Xinh Xô: Khi thành phố vọng lại tiếng khèn

Đăng vào
0

Bài viết bởi Hoàng Huy Thịnh cho Hanoi Grapevine
Hình ảnh cung cấp bởi nghệ sĩ
Ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

Xinh Xô trình diễn dự án ‘The Field of Heritage’ (‘Cánh Đồng Di Sản’) tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm – ngày 16/10/2023. Ảnh: Monsoon Music Festival

Trong album ‘The Field of Heritage: City Life’, Xinh Xô đưa khán giả đến với những con phố nhộn nhịp và bụi bặm của đô thị – nơi vẫn phảng phất nỗi hoài niệm về Tây Bắc xa xăm, giữa nhịp sống hối hả trong thời kỳ đổi mới.

Sự liên kết mà Xinh Xô vô tình xuất hiện trong đó, là câu chuyện xa xứ của anh, khi anh rời Việt Nam, rời nơi mình sinh sống để tới đất nước khác. Đó là nỗi nhớ hoang hoải, những ưu tư về quê hương, khoảng cách thế hệ, cội nguồn và hiện tại.

Bìa album ‘The Field of Heritage: City Life’ của Xinh Xô, thiết kế bởi team Vidùa

Nếu track đầu tiên ‘Leaving The Village’ – là một cảm xúc khi rời bản làng của mình để tới một vùng đất khác sinh sống, mưu sinh; thì track cuối ‘Dream of a Distant Village’ – khép lại như một mong ước của người trẻ ấy về lại ngôi làng xưa, hoặc chỉ tồn tại trong tưởng tượng. Giấc mơ này có thể là của người trẻ rời bản làng lên thành phố, cũng có thể là của chính Xinh Xô – luôn canh cánh trong lòng một nỗi nhớ quê hương.

Các bản nhạc trong album được sắp xếp như thể dẫn dắt người nghe bước vào một thành phố của âm thanh và ký ức; dù không có lời, những âm thanh điện tử vẫn kể lại câu chuyện một cách đầy rõ nét.

Sau ‘Leaving The Village’, người trẻ đi tới những con đường/đại lộ chưa từng ghé chân với ‘Boulevard He’s Never Seen’. Âm nhạc khiến ta hoang mang, lạc lõng – như cảm giác của người trẻ đang tập quen với lối sống xa lạ, dễ bị choáng ngợp.

Quen dần với lối sống đó, rồi quen dần với vòng lặp của cuộc sống trong ‘Morning In The City’. Thành phố này là nơi người ta bị cuốn vào công việc, xe cộ, sống những chuỗi ngày giống hệt nhau.

Nối tiếp là một lời tự vấn: Thành phố có thực sự là nơi người trẻ “thuộc về”? Hay đó chỉ là điểm dừng tạm thời? Track 5 – ‘Rhythm Of The Soil’ là sự hoài niệm: những âm thanh như tiếng khèn, tiết tấu dân tộc, như khơi lại ký ức về người thân, hay xa hơn là gốc rễ, cội nguồn.

‘Street That Awakens At Night’ – hoàng hôn xuống, ánh đèn phố thị, hết giờ làm. Thành phố không còn ồn ào nhưng ngổn ngang. Ở đây, người nghe như bước vào một cơn mộng du, nơi mọi âm thanh đều chậm lại, khoảng thời gian chập tối khơi dậy những suy tư sâu kín.

Xinh Xô trình diễn dự án ‘The Field of Heritage’ (‘Cánh Đồng Di Sản’) tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm – ngày 16/10/2023. Ảnh: Monsoon Music Festival

07 track trong album ‘The Field of Heritage: City Life’ mang đến một bối cảnh đô thị xô bồ, ngột ngạt, nơi mà những mảnh ký ức từ Tây Bắc vẫn len lỏi giữa những tiếng ồn xe cộ, máy móc, âm thanh từ đời sống của người dân di cư và cuộc sống thành thị. Thay vì là những câu hát có lời, những âm thanh analog mà Xinh Xô tạo ra là không gian kết hợp chất liệu dân gian truyền thống và âm thanh điện tử hiện đại; khiến người nghe cảm nhận được những ưu tư, biến động, đưa mình vào những suy nghĩ lặp đi lặp lại và đầy ám ảnh.

Tôi tiếc vì không thể xem phần biểu diễn trực tiếp album này của nhạc sĩ Quốc Trung và Xinh Xô, kết hợp cùng với hiệu ứng thị giác, đã diễn ra trong khuôn khổ Monsoon Music Festival 2023. Tôi tin chắc rằng khi được xem nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp, cùng với sự bổ trợ của hình ảnh – ánh sáng, những mô phỏng/tái hiện, khán giả sẽ dễ hình dung hơn hành trình nội tâm mà album ‘The Field of Heritage: City Life’ muốn truyền tải. Tôi vẫn thường nghe bản audio của album này nhiều lần, thường là vào buổi chiều muộn, một cách ngẫu hứng.

Nếu ‘Hanoi Waltz’ khiến mình như đang đọc một cuốn hồi ức về khu tập thể Thành Công thời bao cấp, thì ‘The Field of Heritage: City Life’ khiến mình mường tượng ra một bối cảnh rộng lớn hơn. Đó là sự xa cách giữa thành thị và miền núi, về những đứt gãy trong trải nghiệm đời sống của người Việt Nam khi chuyển sang sống ở nước ngoài. Đặc biệt, tất cả đều được ghi chép bằng âm nhạc.

Xinh Xô từng nói rằng “âm nhạc không lời thường khó hơn trong việc miêu tả và truyền tải câu chuyện của người viết tới người nghe”. Nhưng có lẽ, cái thú vị nhất lại nằm ở đó: mỗi người sẽ tiếp nhận, cảm nhận và tưởng tượng theo một cách riêng. Mỗi người một câu chuyện, một quá khứ, một nỗi niềm – có thể gọi là “mỗi người mỗi cảnh” cũng được.

NO COMMENTS

Leave a Reply