Home Sự kiện Mĩ thuật Bill Nguyễn – Nắm lấy Cuộc sống

Bill Nguyễn – Nắm lấy Cuộc sống

bill_portrait_50h1

Bình luận: Triển lãm “Tempography” tại Viện Goethe.

Nghệ thuật video và tôi giống như một mối tình trẻ con vậy: dở dơ ương ương, và lúc giận lúc yêu. Những đoạn video quá dài dễ dàng làm tôi mất hứng thú. Những đoạn video kèm theo tiếng động hay âm nhạc lại trở thành một thể loại nghệ thuật khác. Những đoạn video quá trừu tượng đôi khi không khuấy động được cảm xúc gì trong tôi. Bạn có thể gọi tôi là một người khó tính, và tôi hoàn toàn đồng ý với điều này. Nhưng đó cũng là lí do vì sao, sau khi xem triển lãm ‘Tempography’ tại Viện Goethe, tôi lại trở nên hứng khởi như vậy. Đây là nghệ thuật video đã được thổi vào một luồng gió mới – lạ hơn, khác hơn và vô cùng thú vị.

Tempography là một  dự án nghệ thuật video – ý tưởng được sáng lập vào năm 2003 bởi nghệ sĩ Thụy Sĩ – Anthony Bannwart – và nghệ sĩ Thụy Điển – Magnus Aronson. Nó thuộc về một khu vực nghệ thuật chưa được khai thác, nằm giữa hình ảnh tĩnh và hình ảnh động, hay còn được hiểu là nhiếp ảnh và điện ảnh. Mục đích của Tempography là nắm bắt sự tiếp diễn/thay đổi trạng thái của những thời khắc nhỏ, những chuyển động ngắn. Đây là những khoảnh khắc mà nhiếp ảnh không thể thu lại được, và cũng là những gì điện ảnh thường hay bỏ qua. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là phân biệt hoàn toàn ba loại hình nghệ thuật này; mà là sử dụng và liên kết những khía cạnh nhất định về mặt khái niệm và thực hành của chúng, để đổi mới cách nhìn cuộc sống và cách nắm bắt trạng thái luôn-thay-đổi của nó.

combined-1-small

Những tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật video này được gọi là tempograph. Chúng dài không quá ba mươi giây và thường được trình chiếu với nhau/cạnh nhau thành nhiều chuỗi video. Bằng phương pháp quay và lối thể hiện nên thơ và sáng tạo nhất, các tempograph ở triển lãm này đã quan sát, tìm tòi và thu thập những giây phút và chi tiết thường bị bỏ quên, không gây sự chú ý và đôi khi bị coi là ‘tầm thường’ trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta; và tặng cho chúng một cuộc sống mới – dưới dạng các tác phẩm nghệ thuật video. Được tán dương ở đây là cả những hình ảnh vừa quen thuộc, vừa xa lạ: đàn kiến bò, một cành cây gãy, tuyết rơi, bóng đỏ bay lên trời, một túi trà lộn ngược, một máy bay đi qua, bếp sôi và nước tạo bong bóng, ánh nắng mặt trời xuyên qua khu rừng, một con nhện đứng trên tường, nước trôi xuống ống, máy móc chạy… Tuy được quay bởi nhiều nghệ sĩ và người tham gia đến từ nhiều nước và tại các địa điểm khác nhau trên toàn thế giới, mỗi sự vật/sự việc được ghi lại đều có một điểm chung: chúng có khả năng tạo ra tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt (hoặc riêng tư, hoặc tập thể) với chính nghệ sĩ, người tham gia và với cả người xem. Ta nhận ra rằng: đây là những hình ảnh ta đã gặp và trải qua ít nhất một lần trong đời, là những hình ảnh ai cũng có thể liên hệ được. Nói theo cách khác, triển lãm/dự án ‘Tempography’ đã tạo ra một không gian cho những tình cảm và quan điểm riêng của chúng ta gặp nhau, hoà hợp và chia sẻ, không chỉ với những người dân bản địa mà còn với tất cả mọi người trên thế giới.

combined-2-small

Điều tôi thực sự ấn tượng với triển lãm này là hai phương pháp thực hành điện ảnh hoàn toàn trái ngược nhau, được người tham gia áp dụng để thể hiện ý tưởng và quay đề tài của họ – hoặc là hoàn toàn ngẫu nhiên, hoặc là trong một môi trường và theo một cách thức được xây dựng cẩn thận, có chủ ý. Để quay được những thước phim này, hoặc ta phải ở một không gian nhất định, trong một khoảng thời gian nhất định để may mắn nắm lấy được một sự vật/sự việc nhất định; hoặc ta phải thử nghiệm từ lần này qua lần khác cho tới khi ta hài lòng với sản phẩm video cuối cùng. Hơn nữa, đây là một dự án mở, không có quy định về việc ai được quyền/không được quyền tham gia, và không bắt buộc ta nhất thiêt phải sử dụng một loại camera hay một kiểu phim. Phương pháp thực hành nghệ thuật theo kiểu ‘hãy-tự-làm’ (do-it-yourself) mà Tempography áp dụng làm tôi nhớ tới những ý niệm được sinh ra và phát triển bởi Fluxus – nhóm nghệ sĩ nổi tiếng với loại hình nghệ thuật ‘bản sự kiện’ (event score). Từ ‘bản’ (score) trong cụm từ này có ý nghĩa giống với từ ‘bản’ trong cụm từ ‘bản nhạc’ (music score): nó chỉ một văn bản với những nốt nhạc mà “ai cũng có thể chơi, cho dù họ là nghệ sĩ hay không phải nghệ sĩ” [1]. Quan niệm này kết nối chặt chẽ với chính sách hoạt động chủ chốt của Tempography: làm sao thể hiện cuộc sống chính-là-nó và tương tác với môi trường, đời sống thường nhật của một thành phố, một nơi chốn. Và còn cách tốt hơn khi mời và để chính những người con, những cư dân của cuộc sống đó, thành phố đó, nơi chốn đó thể hiện quan điểm và tình cảm của họ?

combined-3-small

Ngoài ra, lối trình chiếu kết hợp tác phẩm được thực hiện bởi nghệ sĩ, người tham gia nước ngoài và người tham gia địa phương tạo ra cho người xem một trải nghiệm và cách thưởng thức nghệ thuật hết sức thú vị – loại camera, kiểu quay, cách tìm hiểu chủ đề và thể hiện chúng qua video đa dạng tới mức ta khó có thể tìm thấy hai tác phẩm tương tự nhau. Xem những tác phẩm này, quan niệm và tầm nhìn của ta bị đảo ngược và lộn trái; sự chú ý (tới tác phẩm) của ta bị điều khiển và thay đổi liên tục; những giác quan và logic, những kiểu cách suy nghĩ và hoạt động thông thường của ta bị đùa giỡn và trở nên rối bời. Những gì được quay ở môi trường bên ngoài đã được mang vào không gian triển lãm; video được bày ở bên trái và bên phải, phía trước và phía sau, bên trên đầu và nằm sát dưới chân ta; một không gian video đã được hình thành để người xem có thể tự do di chuyển, từ bên này qua bên kia, từ góc này tới góc kia. Bước vào triển lãm này, dường như ta được mời tham dự vào hành trình của chính mình, mỗi bước ta đi là để phát hiện (ra) và tìm tòi (lại) những gì đang xảy ra ở khắp nơi xung quanh ta – những chuyển động ngắn, những thời khắc nhỏ, những chi tiết, và thay đổi bị lãng quên.

Đã lâu rồi tôi mới lại cảm thấy vui và toại nguyện với một triển lãm video. Dựa trên cảm xúc rất riêng tư này, tôi cho rằng ‘Tempography’ là một triển lãm thành công. Với vai trò là một loại hình nghệ thuật mới, Tempography đã trở thành yếu tố trung gian quan trọng giữa nhiếp ảnh và điện ảnh. Nó còn tạo ra cầu nối giữa sự tình cờ và sự sắp đặt; giữa những gì nhân tạo và những gì tự nhiên; giữa sáng tác/thực hành nghệ thuật hoàn toàn tự do và hoàn toàn bị bó hẹp; giữa ca tụng cuộc sống hằng ngày bình thường nhưng tươi đẹp, và chê trách ta đã quên đi và bỏ qua những giây phút đơn giản đó. Nhưng quan trọng hơn cả, nó đã cho ta cơ hội được hiểu và nhìn nhận cuộc sống, nơi sống của mình, qua chính đôi mắt và lời kể chân thành của những người xung quanh ta.

[1] Phát biểu của Yoko Ono, một trong những nghệ sĩ thuộc nhóm Fluxus, khi bà nói về hoạt động nghệ thuật của mình.
http://bd-studios.com/yoko/about/about_articles_timeout1968.html

Triển lãm ‘Tempography’ diễn ra tại Viện Goethe từ 25/09 – 05/10/2009.

Bill Nguyễn là sinh viên khoa nghệ thuật, trường Đại học Nottingham Trent, Anh Quốc. Hiện tại, anh đã ra trường và đang hoạt động nghệ thuật ở Hà Nội.

1 COMMENT

  1. Dear Bill – a beautifully crafted review, both informative and experiential. I look forward to meeting you on my next visit to Hanoi. Meanwhile, I show in Art London next week, and the following month in Amsterdam.
    Best,
    Raquelle

Leave a Reply