Home Sự kiện Mĩ thuật Phỏng vấn chủ nhân bộ sưu tập mỹ thuật Thanh Uy: Sưu...

Phỏng vấn chủ nhân bộ sưu tập mỹ thuật Thanh Uy: Sưu tập mỹ thuật Việt Nam – như những cơn sóng ngầm

Đăng vào
1

Grapevine-Selection-Vol-2-Header

Nhân dịp triển lãm “Lựa chọn của Grapevine – Phần 2” sắp diễn ra với mục tiêu hỗ trợ các nghệ sỹ trẻ và đóng góp vào việc phát triển thị trường nghệ thuật tại Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu chuỗi 3 bài viết về thị trường mỹ thuật của nhà báo / tác giả Đào Mai Trang, với bút danh Phong Vân.

Bài viết 3: Phỏng vấn chủ nhân bộ sưu tập mỹ thuật Thanh Uy: Sưu tập mỹ thuật Việt Nam – như những cơn sóng ngầm

Bộ sưu tập Thanh Uy: Lê Huy Tiếp, "Mực khô và những đồng tiền", in độc bản, 65 x 80 cm, 2004
(Bộ sưu tập Thanh Uy) Lê Huy Tiếp, “Mực khô và những đồng tiền”, in độc bản, 65 x 80 cm, 2004

Sưu tập mỹ thuật là một lĩnh vực công việc vốn dĩ rất được giới mỹ thuật ở bất kỳ đâu mong chờ, kỳ vọng song thực tế ở Việt Nam, công việc này vấp phải không ít trở ngại từ bối cảnh chưa có thị trường nội địa cũng như từ chính lòng tin trong giới mỹ thuật về điều mà họ cũng từng kỳ vọng, mong chờ. Phong Vân và Hanoi Grapevine có cuộc phỏng vấn độc quyền với chủ nhân của bộ sưu tập mỹ thuật Thanh Uy, một bộ sưu tập chuyên về đồ họa và điêu khắc Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên anh lên tiếng chính thức giới thiệu bộ sưu tập của mình.

Lý do khiến anh quyết định sưu tập mỹ thuật Việt Nam và tập trung vào đồ họa?

Có lẽ cũng như các thú vui và đam mê khác như sưu tập đồ cổ, xe, mẫu tem,… tôi yêu thích mỹ thuật và muốn tìm hiểu, khám phá xem những gì được thể hiện qua mỗi tác phẩm. Tôi sưu tập mỹ thuật và tất nhiên, trước hết là mỹ thuật Việt Nam rồi vì là mỹ thuật của nước mình nên mình dễ cảm nhận và hiểu được. Mặt khác tôi cũng sinh sống ở đây nên có cơ hội trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với các họa sĩ để thực hiện việc sưu tập này.

Riêng về việc sưu tập tranh đồ họa, gồm tranh và các bản khắc gỗ nguyên bản, các loại tranh in khác, tôi có ba lý do chính. Thứ nhất, tôi cảm thấy tạng mình thích hợp với dòng tranh này mà điều này thật khó lý giải thêm vì sao (cười). Thứ hai, tranh đồ họa có giá vừa phải, phù hợp với khả năng tài chính của tôi. Thứ ba, như tôi biết thì ở Việt Nam hiện giờ, chưa có ai chuyên sưu tập tranh đồ họa.

Bộ sưu tập Thanh Uy, Trần Nguyên Đán, "Làng Nhị Khê", khắc gỗ, 42 x 185 cm, 1979
(Bộ sưu tập Thanh Uy) Trần Nguyên Đán, “Làng Nhị Khê”, khắc gỗ, 42 x 185 cm, 1979

Như vậy, tôi hiểu tài chính là một yếu tố khiến anh phải cân nhắc nhiều nhất trước khi quyết định bắt đầu công việc này. Những gì là căn cứ để định giá một tác phẩm mà anh muốn có trong bộ sưu tập?

Đầu tiên, và thông thường, người mua căn cứ vào giá thị trường, mà thị trường mỹ thuật nội địa của Việt Nam lại chưa có nên tôi chỉ có hai căn cứ cơ bản là theo giá của bảo tàng Mỹ thuật gần nhất với thời điểm tôi mua và đồng thời (chủ yếu) theo giá thỏa thuận với các họa sĩ.

Tôi cảm thấy cái căn cứ “theo giá thỏa thuận với họa sĩ” có lẽ khiến anh ít nhiều lúng túng, tỉ dụ, làm thế nào có thể thỏa thuận trong khi theo tâm lý thông thường, người mua muốn trả ít còn người bán lại muốn nhận nhiều. Trong việc mua bán một tác phẩm mỹ thuật lại còn cần đến yếu tố tế nhị hay tinh tế trong trả giá nữa. Tôi rất tò mò muốn biết anh từng vướng phải tình trạng cắc cớ này không và nếu có, anh đã thoát khỏi đó như thế nào?

Cái câu hỏi này mới là cắc cớ cho tôi! (cười). Quả thực, việc “trả giá” một bức tranh trực tiếp với họa sĩ luôn là một vấn đề nhạy cảm vì nếu không khéo thì tôi sẽ khiến cho họa sĩ tự ái và bản thân tôi sẽ bị họ nghi ngờ là kẻ không hiểu biết. Phải nói, đây là công việc khiến tôi ngần ngại, lúng túng nhất nhưng lại là một phần việc quan trọng nhất trong quá trình sưu tập. Tôi có từng vướng vào tình trạng này không ư? Có chứ! Nhưng may thay, tình trạng mới chỉ dừng lại ở mức như là cái cảm nhận riêng trong lòng mình thế thôi chứ chưa có xung đột gì với họa sĩ cả. Tôi cũng có trải nghiệm cuộc sống nhất định để biết mình nên tiếp tục câu chuyện với họa sĩ như thế nào. Có những trường hợp, để gặp được một họa sĩ, tôi cũng phải mất không ít thời gian thuyết phục, chờ đợi cho họ thấy sự chân thành muốn gặp của mình. Sau nữa, cũng phải qua khá nhiều câu chuyện mới có thể đi đến một bàn thảo cụ thể về một bộ tranh nào đó mà tôi muốn mua… Cũng dễ hiểu thôi vì nhiều khi, họa sĩ chưa biết rõ tôi là ai, như thế nào, trong khi thường thì họ (các họa sĩ) đã có danh tiếng rồi.

Còn những yếu tố nào khiến anh cũng cảm thấy lúng túng không kém trong công việc sưu tập này?

Còn hai yếu tố nữa. Trước tiên, đó là tình trạng (khi mới sưu tập) tôi không biết bắt đầu công việc từ đâu và quá trình thực hiện sẽ như thế nào vì tôi không biết hỏi ai, tìm hiểu thông tin ở đâu. Không có ai chia sẻ hoặc hướng dẫn mình ban đầu, nhiều lúc cảm giác mình như một kẻ tự dò đường. Tiếp đó, yếu tố thời gian cũng lắm lúc khiến tôi đau đầu vì sự dò dẫm sưu tập này đôi khi lại như một hấp lực cuốn mình đi theo nó, trong khi thực tế mình còn rất nhiều công việc phải làm để có điều kiện tài chính cho việc sưu tập. Thế đấy!

Cho đến nay, bộ sưu tập của anh có bao nhiêu tác phẩm?

Khoảng 1.200 tác phẩm bao gồm tranh đồ họa, tranh bột màu, điêu khắc của 60 họa sĩ, nhà điêu khắc Việt Nam. Tôi cố gắng lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu của mỗi họa sĩ đại diện cho các giai đoạn của mỹ thuật Việt Nam và cho các kỹ thuật và phong cách thể hiện.

Bộ sưu tập Thanh Uy, Nguyệt Nga, "Phong cảnh Hòa Bình", khắc gỗ màu, 40 x 50 cm, 1975
(Bộ sưu tập Thanh Uy) Nguyệt Nga, “Phong cảnh Hòa Bình”, khắc gỗ màu, 40 x 50 cm, 1975

Suy nghĩ của anh về sự trao đổi giữa các bộ sưu tập với nhau và anh đã từng có trao đổi như vậy?

Đây là ý rất hay nhưng lại khó thực hiện. Tôi chưa từng trao đổi như vậy cho đến nay dù có nhu cầu. Cũng như các loại hàng hóa khác, việc trao đổi các tác phẩm mỹ thuật chỉ có thể diễn ra khi có thị trường để định giá mua bán công khai nhưng như chúng ta vừa nói chuyện, Việt Nam hiện chưa có thị trường này. Mặt khác, số lượng người mua bán tranh thì nhiều nhưng sưu tập có hệ thống thì rất ít, mà sở thích, chủng loại sưu tập lại khác nhau nên chưa có tiếng nói chung để chia sẻ kinh nghiệm cũng như trao đổi giữa các bộ sưu tập với nhau. Trước đây, tôi thỉnh thoảng có chia sẻ việc sưu tập với anh Lê Thái Sơn và cũng học hỏi được một số kinh nghiệm từ anh nhưng thật buồn, anh đã mất cách đây hơn hai năm rồi. Hiện nay, việc mua bán các tác phẩm mỹ thuật đều đang âm thầm, không công khai nên các cá nhân sưu tập cũng ít khi biết nhau và không có cơ hội để gặp gỡ trao đổi.

Gia đình anh phản ứng sao trước công việc sưu tập này của anh? Họ không có ý cho rằng anh “đang ném tiền qua cửa sổ” đấy chứ?

(Cười) Mọi người thường thắc mắc là sao tôi chẳng biết vẽ vời gì mà quen nhiều họa sĩ thế?! Tôi làm công việc này tương đối độc lập và gần như gia đình không can thiệp gì. Tôi cũng đã sắp xếp được mọi việc sao cho không ảnh hưởng đến gia đình.

Hi vọng của anh cho bộ sưu tập này?

Tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ triển lãm theo từng chuyên đề của bộ sưu tập, xuất bản sách cho mỗi triển lãm và cuối cùng là có một chỗ để trưng bày thường xuyên các tác phẩm trong bộ sưu tập để những ai quan tâm có thể đến thưởng thức và tìm hiểu. Tôi tin rằng người yêu và muốn tìm hiểu mỹ thuật Việt Nam nói chung ngày càng nhiều.

Xin trân trọng cảm ơn anh!

Phong Vân

Cùng trong chuỗi bài viết:

Bài viết 1: Tầm quan trọng của thị trường mỹ thuật nội địa
Bài viết 2: Hi vọng về người Việt mua mỹ thuật Việt

1 COMMENT

  1. May area of interest is in the Dong Ho woodcuts and prints! I want to collect as many triptychs of large woodcuts, custom made according to my choosing! I would like to get a complete set of these (there are a couple hundred of them) over time at a rate close to $1500-2000USD each! They are, to me, beautiful and represent the deep past of woodcuts and printing. Yes, I also want to collect all of the prints as well. However, the money is a bit much overall! Any ideas anyone! I am asking Master Chi to do these individually and they take a lot of time! He is such a great artist and his craftsmanship is superb!

Leave a Reply