Home Sự kiện Mĩ thuật Triển lãm “Vũ Dân Tân và Âm nhạc”

Triển lãm “Vũ Dân Tân và Âm nhạc”

Đăng vào
0

logo_Goethe
exhibition-vu-dan-tan-and-music

Khai mạc: 18:00, thứ sáu 07/10/2016
Triển lãm: 09:00 – 19:00, 08 – 28/10/2016
Viện Goethe

Thông tin từ Viện Goethe:

Nghệ sĩ Hà Nội Vũ Dân Tân (1946–2009) là một nhân vật tiền phong trong đời sống nghệ thuật đương đại Việt Nam. Sự nghiệp nghệ thuật của ông, trải dài từ giữa thập niên 1970 cho đến khi ông qua đời, thực sự có ý nghĩa trong lịch sử nghệ thuật toàn cầu nói chung và ở khu vực Đông Nam Á nói riêng, bởi một một phương pháp luận sáng tạo nguyên bản, bởi những sự sắp xếp tế vi của các tham chiếu xuyên văn hóa khiến cho nghệ thuật của ông có ý nghĩa với bối cảnh phát triển của Việt Nam giữa thế giới này, thời kỳ sau Đổi mới. Nghệ thuật của ông rất sáng tạo trong việc pha trộn các chất liệu khác nhau cũng như các tham khảo tới đa dạng những cách thức biểu hiện của văn hóa, bao gồm cả nghệ thuật biểu diễn và âm nhạc vốn có nguồn gốc lâu đời trong văn hóa Việt Nam.

Triển lãm Vũ Dân Tân và Âm Nhạc, do Viện Goethe Hà Nội khởi xướng, nhằm tưởng niệm 70 năm ngày sinh của Vũ Dân Tân, khám phá mối quan tâm bền bỉ của ông dành cho âm nhạc cùng những cách thức mà ông kết hợp âm nhạc với thực hành nghệ thuật thị giác tiền phong.

Triển lãm giới thiệu các sáng tác có liên quan đến chủ đề âm nhạc, có vay mượn từ sự đa dạng của các khía cạnh trong âm nhạc, được làm từ nhưng vật thể có liên quan đến âm nhạc, và một tác phẩm biểu diễn của ông với âm thanh ngẫu biến, do nghệ sĩ Nguyễn Quang Huy ghi hình. Trong triển lãm, có rất nhiều tác phẩm chưa từng công bố ở Việt Nam hay bất kỳ đâu.

Có thể nói, các sáng tác trong triển lãm này rất đa dạng về mặt chất liệu: tranh vẽ, những vật thể vay mượn và được chuyển đổi công năng, ý nghĩa, video về trình diễn âm nhạc, sắp đặt âm thanh. Thêm vào đó, triển lãm tập trung nhấn mạnh các tài liệu chọn lọc liên quan đến thực hành âm nhạc của nghệ sĩ, bao gồm bản chép nhạc, bản ghi lại ý tưởng của nghệ sĩ về việc sáng tác một thể loại âm nhạc cổ điển Việt Nam mới. Một số bản chép nhạc được sao chụp và trưng bày trong triển lãm, giúp công chúng Hà Nội có thể khảo sát việc sáng tác của Tân những khi thư nhàn ở tại nhà, cũng chính là không gian salon Natasha. Riêng cuốn phim tài liệu hiếm quý được trình chiếu trong triển lãm này, ghi lại cảnh nghệ sĩ Vũ Dân Tân chơi piano bên nhà trí thức Dương Tường ngâm thơ và sau, họ có một trò chuyện với nhau, hồi đầu những năm 2000. Cuốn phim như một chứng thực cho tinh thần đổi mới và cộng tác làm việc cùng nhau trong thế giới nghệ thuật đương đại Hà Nội sau thập niên 1990.

Thông qua triển lãm này, có thể khẳng định rằng nghệ thuật của Vũ Dân Tân vừa liên kết chặt chẽ với văn hóa Việt Nam truyền thống lại vừa tham dự được vào dòng chảy rộng lớn hơn của đời sống nghệ thuật đương đại Đông Nam Á vốn luôn nổi bật ở các trung tâm của khu vực như Bangkok, Singapore, Jakarta và Manila, từ thập niên 1970 trở lại đây. Tác phẩm trong triển lãm do Iola Lenzi tuyển chọn. Bà là nhà lịch sử nghệ thuật Đông Nam Á sống tại Singapore, một chuyên gia về nghệ thuật của Vũ Dân Tân.

Một vựng tập về triển lãm với các bài viết nghiên cứu cùng nhiều hình ảnh tác phẩm minh họa được xuất bản song ngữ Anh – Việt nhân dịp này. Triển lãm do Quỹ Vũ Dân Tân, Hà Nội, phối hợp tổ chức.

Iola Lenzi là một nhà sử học nghệ thuật, một curator (giám tuyển) chuyên về nghệ thuật đương đại Đông Nam Á và là một học giả chuyên biệt về nghệ thuật của Vũ Dân Tân. Bà hiện sinh sống ở Singapore. Bà từng được đào tạo về luật. Iola Lenzi đã thực hiện nhiều triển lãm nghệ thuật đương đại Đông Nam Á trong liên đới chặt chẽ và có tính phê bình với phối cảnh chính trị, văn hóa và xã hội của khu vực. Các triển lãm của bà thường được kết hợp và tài trợ bởi nhiều tổ chức cơ quan văn hóa quốc tế có uy tín ở châu Á và châu Âu. Bà hiện giảng dạy bộ môn Xã hội và Chính trị trong Nghệ thuật Châu Á, chuyên ngành Lịch sử Nghệ thuật Châu Á, thuộc chương trình đào tạo cao học của Đại học Nghệ thuật Lasalle – Goldsmiths, Singapore. Bà là tác giả của hai cuốn sách, biên tập viên/tác giả của nhiều hợp tuyển triển lãm trong đó trung tâm là đề tài lịch sử nghệ thuật Đông Nam Á. Bà hiện đang làm nghiên cứu sinh về thời kỳ đầu của nghệ thuật đương đại ở Hà Nội thập niên 1990.

Vào cửa tự do

logo_Goethe
Viện Goethe Hà Nội
56-58 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội
Tel.: +84 4 37342251
Fax: +84 4 37342254
[email protected]
website

Similar Articles

NO COMMENTS

Leave a Reply