Home HanoiGrapevine Kể chuyện Sách “Điểm đến của cuộc đời” – Những câu chuyện lay động...

Sách “Điểm đến của cuộc đời” – Những câu chuyện lay động và bài học cho cuộc sống từ sự chết và cái chết (Kỳ 5)

Đăng vào
0
Ảnh: Nhã Nam

“Điểm đến của cuộc đời” – tác giả Đặng Hoàng Giang

HÀ VÀ NAM – Kỳ 5

(Xem kỳ 1, kỳ 2, kỳ 3, kỳ 4)

Tới cuối tháng Chín năm 2015, chị đã có hình dung rõ trong đầu về điều chị muốn làm. Hà ngồi xuống và viết một bức thư ngỏ dài hơn năm nghìn chữ. Chị kể về hoàn cảnh của hai mẹ con, thuyết phục người đọc là mình có kinh nghiệm trong việc chăm sóc bệnh nhi ung thư. Chị liệt kê những quan sát của mình. Rồi chị kêu gọi mọi người góp sức để cải thiện chất lượng bữa ăn. Nếu mỗi suất ăn mười nghìn thì chị cần một triệu mỗi bữa cho gần một trăm bệnh nhân trong Khoa. Qua những gì chị “thử nghiệm” ở Nam, Hà tự tin là mình có thể làm lũ trẻ ăn được.

“Thực sự là đến giờ, sau những gì đã trải nghiệm trong viện K, tuy vẫn rất đau đớn và không ngày nào mình không rơi nước mắt khi nghĩ đến bệnh tình của con trai, nhưng mình thấy mình và cháu Nam vẫn còn may mắn hơn, vẫn có điều kiện hơn các gia đình khác trong viện. Do vậy, đến giờ suy nghĩ của mình cũng có nhiều thay đổi hơn.” Cuối thư, chị viết. “Những tháng ngày chăm sóc con ở trong bệnh viện khiến mình học được cách chia sẻ yêu thương, học được cách sống vì người khác hơn và biết trân quý hơn những gì đang có.”

Chị đăng bức thư trên Facebook vào gần nửa đêm. Hôm đó là Rằm Trung Thu. Nam đang ở đợt truyền hóa chất cuối cùng.

Nhóm thiện nguyện của Hà bắt đầu bằng mỗi tuần một nồi cháo, một tháng hết bốn triệu đồng. Tới giờ, các hoạt động dày đặc. Chị nắm toàn bộ lịch trong đầu và sẵn sàng xả lũ thông tin với tôi với sự say mê có thể sờ mó được.

Trưa nay em thuê xe ôm mang thùng sữa đậu nành đến cho các cháu. Các cháu đang không ăn được nhưng mà uống được thì cực kỳ bổ. Sáng thứ Tư thì mang gần một trăm suất ăn, cháo bò, xôi ruốc, sữa chua hoặc dưa hấu. Tất nhiên là các cháu thì không thể ăn hết được nhưng đây là em hỗ trợ cho cả người nhà luôn. Thứ Bảy này, từ 7 giờ 30 là bọn em hỗ trợ một thùng cháo lòng to đùng cho người nhà bệnh nhân. Mai bọn em sẽ làm chả xương sông lá lốt, mai là lần đầu tiên có món đấy đấy. Cho các cháu ăn với cơm hoặc kẹp bánh mì ăn cũng được. Làm từ chiều hôm trước, hôm sau chỉ rán lại thôi. Hôm sau thì lại có cháo lòng, cháo thịt cho các cháu nhỏ, em mang thêm cả bánh mì nóng giòn từ chợ nhà em mới ra lò. Làm cho các cháu thì phải bột thơm hơn, vừng viếc thơm hơn, làm hẳn mẻ riêng, các cháu kẹp ăn cũng được mà để đến chiều ăn cũng được. Bệnh nhân là phải ăn nhiều suất trong ngày. Chủ nhật thì có thêm bữa ăn cải thiệ n, câu lạc bộ nào có tiền đưa em hai triệu là em sẽ cải thiện cho các cháu bún riêu cua giò bò. Em tăng thịt bò vì nó tăng lượng bạch cầu rất là tốt, nhưng em không làm cái bò như mình ăn ngoài chợ đâu, em lấy cái gân thăn của bò, cháu nào cũng thích ăn, cho cà chua ngọt nước, rồi giò, các cháu ăn được nhiều lắm. Đó là chưa kể hoa quả . Quả bao giờ cũng là quýt ngọt, các cháu truyền hóa chất nhiều rộp hết cả cổ và đường ruột. Tương lai thì em phải đưa Thắng đi học, em phát trước 6 giờ 30 thì vẫn kịp về đưa con đi học.

Chia sẻ. Học được cách sống vì người khác. Hà đã thay đổi nhiều. Theo lời của chính chị thì, “So với trước khi con em bị bệnh, thì sự thay đổi của em quá lớn luôn. Căn bệnh và cái chết của con em khiến em thấm thía nhiều hơn, và cho em căn duyên để em làm nhiều việc khác.”

Đây là điểm tựa thứ hai giúp chị đi qua bi kịch. Thay vì đắm chìm trong đau khổ của bản thân, chị tìm cách xoa dịu nỗi đau của người khác. An ủi người khác cũng là để chữa lành cho chính mình. “Không có công việc của nhóm thiện nguyện thì em phát điên rồi anh ạ,” nhiều lần chị nói với tôi như vậy.

Hà không chỉ cải thiện các bữa ăn của bệnh nhân nhi. Chị trở thành người an ủi. Hà không nhớ người ta bắt đầu tìm tới chị từ lúc nào. Ban đầu là một số người mẹ ở Khoa, phần lớn còn rất trẻ, những người hoặc đang tuột dần đứa con ra khỏi tay mình hoặc đã mất con. Rồi đến những ông bố. Có người gọi cho chị và khóc trong điện thoại, “Cô Hà ơi, tôi nhớ cháu nó quá.” Đứa con trai duy nhất của ông, cháu đích tôn của cả họ, chết khi nó hai mươi tư tuổi. “Tôi không biết làm gì, nên tôi gọi cho cô.” Trong guồng máy bệnh viện, tư vấn tâm lý là một điều xa xỉ. Rời bệnh viện, bệnh nhân và người nhà trơ trọi. Xấu hổ và bất hạnh khiến họ tự xa lánh người khác, những người đằng nào cũng chẳng hiểu nổi cái gì đang xảy ra bên trong họ, và cũng chẳng biết cách nào giúp họ, ngoài buông ra những câu “Cố gắng lên” mà họ đã nghe tới hàng nghìn lần. Nhưng với Hà, họ biết là chị đã đi qua con đường mà họ đang phải đi. Họ nhìn chị như người đứng trước đầm lầy nhìn một người đã lội sang được bờ bên kia. Sau gần hai năm, chị đã dày dạn kinh nghiệm hỗ trợ tinh thần cho bệnh nhân và người nhà mà không qua một khóa đào tạo chính quy nào.

Trong hành trình năm qua của mình, tôi đã gặp nhiều người như Hà. Những người đi qua được thảm kịch, lượm lặt những mảnh vỡ của cuộc đời mình, và phục hồi, là những người thay vì đặt mình vào vai trò nạn nhân thì đặt năng lượng và ý nghĩa sống vào việc làm điều có ích. Kỳ lạ thay, ý tưởng làm việc thiện, mong muốn trở thành người có ích, có thể ùa đến vào lúc người ta đau đớn nhất. Một người mẹ trẻ kể với tôi, chị vừa lau thi thể đứa con ba tuổi mới qua đời, vừa nói trong nước mắt, “Mẹ hứa với con, mẹ sẽ sống cho cả cuộc đời của con. Mẹ sẽ cố gắng gấp hai lần để sống có ích cho xã hội.” Một bà mẹ khác nói, “Mình cứ phải sống tốt thôi, anh Giang ơi.” Chị mất hai trong số ba đứa con nhỏ, và chị nói theo cách để tôi hiểu là phương châm sống đó là cứu cánh cuối cùng và bền vững nhất của chị, sau khi tất cả những thứ khác sụp đổ.

“Ngày xưa một việc nhỏ mình cũng kêu khổ, nhưng đọc Phật pháp nhiều thì em biết được rằng đừng có phóng đại nỗi khổ của mình, và cũng đừng phóng đại hạnh phúc của người khác, không so sánh hạnh phúc của mình với hạnh phúc của người khác.” Một lần khác, Hà bày tỏ. “Mình phải biết mình được cái gì, mình được như bây giờ là hạnh phúc rồi, mình phải tìm thấy hạnh phúc trong những điều bé nhỏ. Ngày xưa hơi một tí là mình nổi đóa lên, mình kêu ca phàn nàn rất nhiều.”

Khi đi đâu xa, Hà hay rủ Nam đi cùng. Hôm cùng tôi về Bắc Giang, chị nói, “Mẹ về Bắc Giang thăm anh Hùng, con rảnh thì đi cùng mẹ nhé, còn nếu con bận gì thì thôi.”

Nếu con bận gì thì thôi. Tôi thầm nhắc lại câu cuối của chị và không khỏi mỉm cười. Trong hình dung của Hà, Nam đang sống một đời sống độc lập. Cậu có lịch riêng của cậu. Hai người sống trong hai thế giới, sự xa cách ở cõi trần này là không thể đảo ngược.

“Tôi biết rằng vì sao chúng ta giữ người chết sống: chúng ta giữ họ sống để giữ họ bên ta.” Joan Didion viết, một năm sau khi chồng bà qua đời. “Nhưng tôi cũng biết rằng để có thể tiếp tục sống, một lúc nào đó, chúng ta cần buông họ ra, cần phải để họ chết.”

Tôi nhận thấy Hà đã đạt tới nhận thức này một cách sâu sắc. “Buông bỏ,” tôi hay nghe chị khuyên nhủ những cha mẹ khác, “buông bỏ nhưng không buông xuôi.”

Hà hiểu là có những thứ thuộc về số phận, mình không chống lại được, có những việc mình không thể kiểm soát. Hãy buông đứa con ra, chấp nhận rằng nó đã chết. Hãy làm bạn với tình thế này, không coi nó là kẻ thù, không kháng cự, căm thù nó. Điều những cha mẹ mất con cần làm không phải là quên đứa con đi, làm sao mà họ có thể quên được. Điều họ cần làm là học sống với sự xa cách. Với Hà, không những chị không quên, những kỷ niệm về Nam đã trở thành nguồn vui và niềm an ủi cho chị.

Hà hy vọng vào sự sum họp ở một thế giới khác, sau khi chị đã chứng minh được với ai đó đang cai quản vũ trụ này rằng chị đã gắng hết sức để làm tròn bổn phận làm người của mình. Chị tin rằng những nỗ lực làm việc thiện sẽ khiến chị được tới miền Tây phương cực lạc để gặp lại Nam. Ở đó chỉ có yên bình và hoa cỏ thơm ngát, không có bệnh tật và bất hạnh, không có khổ đau và sinh ly tử biệt. Một nơi hoàn hảo và tuyệt vời hơn bất kỳ nơi nào.

Còn trong lúc này, Hà phải bình an để Nam không vướng bận.

Trong những tháng cuối của Nam, Hà hay khuyến khích cậu nghe kinh và niệm Phật trong đầu. “Con ơi, con chỉ cần nghĩ trong đầu tới bốn chữ A Di Đà Phật thôi thì Đức Phật sẽ phù hộ cho con.” Nhưng lúc đó Nam thường trả lời, “Con biết là tốt cho con nhưng mà con chưa thích, con thích xem Doremon thôi.”

Trước khi mất mấy hôm, bỗng nhiên Nam bảo, “Mẹ bật cho con cái đài con nghe”. Hà lấy cái đài từ trong tủ cạnh giường bệnh. Tiếng kinh nho nhỏ, văng vẳng bên tai Nam cả ngày.

Với Hà, đó lại là một điều may mắn nữa.

Trong sâu thẳm, chị đã không đánh mất niềm tin là thế giới này công bằng và vũ trụ này có ý nghĩa. Chị tin rằng ở nơi xa xôi, Nam còn có thể hiểu hơn được chính bản thân chị vì sao cậu phải rời xa mẹ và em.

(Hết kỳ 5)

Mua sách trực tiếp tại đây:

NO COMMENTS

Leave a Reply