Hỏi chuyện Đặng Hoàng Giang – tác giả cuốn sách “Điểm đến của cuộc đời” (Phần 2 – hết)

Thực hiện bởi Uyên Ly – HanoiGrapevine
Ảnh do tác giả cung cấp
Xem phần 1 tại đây
Phần 2: Sống để làm gì? Hạnh phúc là gì?
Người chết đi mà không hòa mình được với bản thân mình, không thống nhất với chính mình, là một bi kịch lớn. Phải sống thế nào để không xung đột với chính cuộc đời mình… Thực ra cần rất ít thứ để có thể thấy hạnh phúc. Trước kia tôi nghĩ không có tiền để đi du lịch hai ba lần một năm là đã thiếu thốn, giờ tôi thấy điều đó không quá quan trọng nữa. Giờ đây tôi ý thức được rằng mình chỉ là con kiến trong vũ trụ, mình đeo bám vào cái gì là có nguy cơ bị tuyệt vọng bởi cái đó: con cái, sức khỏe, cơ thể của mình… Nếu có ai hỏi tôi bản chất của cuộc sống là gì, tôi sẽ nói sống là để vượt qua các thử thách, to và nhỏ, mà số phận quẳng ra trước mặt mình, với sự đàng hoàng, với phẩm giá và bản lĩnh. (Đặng Hoàng Giang)
Lần đầu tiên anh nghĩ đến cái chết là khi nào?
Khoảng ba, bốn năm trước, khi tôi ý thức được sự thay đổi về cơ thể, về những giới hạn của mình khi tập thể thao. Rồi tôi đọc cuốn The Denial of Death (Sự chối bỏ cái chết – tạm dịch – PV) của Ernest Becker và Tạng thư Sống Chết, trong đó nói sự từ chối cái chết khiến người ta làm cái này cái kia, sinh con đẻ cái, xâm chiếm lãnh thổ, xây kim tự tháp, dựng nên các đế chế… Hoá ra người ta bị thôi thúc, bị ám ảnh bởi cái chết mà không ý thức được.
Tôi nghĩ đã đến lúc tập trung thời gian, sức lực để đi thẳng vào nó (cái chết – PV). Khi bắt đầu, tôi nghĩ mình sẽ cọ xát, sẽ đi gặp bác sỹ, điều dưỡng viên, gặp những người mổ xác, đến nhà hỏa táng… để tiệm cận cái chết. Nhưng khi gặp những bệnh nhân ung thư thì tôi thấy không cần thiết phải đứng nhìn một cái xác đang được sinh viên y khoa mổ, hay là chứng kiến quá trình thiêu một cái xác nữa. Những điều tôi thấy từ họ đã rất thấm thía.
Tuy nhiên, khi đã viết gần xong cuốn sách, đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, tôi lại gặp một việc rất liên quan. Ở Kathmandu, vào cuối năm 2017, sau khi kết thúc chuyến leo núi nhiều ngày trên dãy Himalaya, tôi được chứng kiến cảnh thiêu xác của những người theo đạo Hindu. Củi được chất xung quanh và bên trên cái xác của một phụ nữ lớn tuổi, tay, chân của bà để trần và đầu lộ ra ngoài đống củi. Lửa bắt đầu bốc lên rừng rực. Xung quanh đó, cách một đoạn, người ta đi lại, làm lễ, chuẩn bị hoả thiêu những cơ thể khác. Hình ảnh này vẫn gây chấn động, nhưng lúc này tôi có thể nhìn thẳng vào những ngọn lửa. Tôi thấy nó thật dữ dội nhưng cũng thật thiêng liêng, tôi không cảm thấy buồn nôn nữa.
Anh thường tìm kiếm điều gì qua công việc viết lách?
Tôi mong muốn hiểu hơn về thế giới, về xã hội, con người. Hai cuốn trước (Bức xúc không làm ta vô can; Thiện, Ác và Smartphone) là những tìm tòi để lý giải về các hiện tượng xã hội, tâm lý yêu ghét, cách hành xử… Khi hiểu hơn về con người xung quanh, thì ta cũng hiểu hơn về bản thân mình, và rút ra được những bài học là mình nên sống như thế nào.
Còn ở cuốn này, tôi muốn soi sáng vào một góc cơ bản của cuộc sống: ứng xử thế nào khi cái chết ở gần. Trước cái chết, tôi muốn tìm hiểu tôi nên sống như thế nào, cuộc sống có ý nghĩa gì, mình sẽ để lại cái gì.
Anh muốn để lại điều gì?
Cũng như đa số mọi người, tôi muốn để lại cái gì đấy. Tuy nhiên tôi cũng ý thức được rằng bi kịch sẽ xảy ra nếu người ta bị cầm tù bởi khao khát để lại càng nhiều càng tốt, ví dụ một tập đoàn không bao giờ ngừng phình to, một chế độ chính trị toàn uy. Tôi muốn để lại những tác động tốt, có thể là ở con mình, hoặc người lạ. Những chi tiết, những hành vi nhỏ của sự tử tế, những khoảnh khắc mình gieo lại cho người ta cái gì đó khiến họ nhớ, có thể 5 phút, hoặc 5 năm.
Một lo lắng của người cận tử là họ đã sống một cuộc đời không có ích cho người khác. Họ sẽ được an ủi khi biết rằng sự tồn tại của họ không vô nghĩa, khi được nói rằng họ đã sống tốt, và được cảm ơn về sự tồn tại của họ.
Cuối cùng, tôi nhận thấy là người chết đi mà không hòa mình được với bản thân là một bi kịch lớn. Phải sống thế nào để không xung đột với chính mình.

Với cá nhân anh, thế nào là hạnh phúc và sự hài lòng?
Câu hỏi khó trả lời, nhưng ở thời điểm này tôi cho rằng hạnh phúc là được lao động – không chỉ là một job, một việc làm, mà là lao động, một điều gì đó mà ta hài lòng về nó. Lao động có thể không liên quan tới tạo ra của cải vật chất, mà liên quan tới phấn đấu. Thứ hai là những quan hệ tốt đẹp giữa người với người. Thứ ba là khả năng vui hưởng những điều giản dị, nhỏ nhặt trong cuộc sống. Và ai có ba khả năng này thì mức độ hạnh phúc rất cao.
Cuộc sống hàng ngày của anh thay đổi thế nào sau khi viết cuốn sách?
Về hình thức thì không thay đổi nhiều. Về thái độ, nội dung thì có thay đổi.
Tôi cảm thấy tiếc thời gian hơn. Trước đây tôi có thể đi cà phê, đi hội thảo vì buồn chán, hoặc vì được mời, để cho người ta thấy mình xuất hiện, bây giờ tôi sẽ tự hỏi mấy lần xem mình có muốn làm việc đấy, có cần làm việc đó hay không.
Tôi tập trung hơn trong những truyện trò với mọi người, vì tôi không biết sẽ gặp người ta nữa hay không. Có thể người ta sẽ chết. Thời gian của mình và của họ không vô tận.
Tôi cũng cẩn trọng để giữ lời hứa hơn, kể cả những lời hứa nhỏ. Trước đây, ta có thể hứa tìm cho ai một địa chỉ nào đó, rồi bỏ đó, giờ tôi sẽ dành năm phút để tìm địa chỉ đó.
Và nhiều lúc tôi nhìn thế giới qua con mắt của người cận tử, của người chỉ còn một vài năm để sống. Cây cỏ, người xa lạ, cái gì cũng rực rỡ lên, đẹp lên, trìu mến lên. Mỗi sự kiện, dù tầm thường hay nhỏ bé trở nên đặc biệt, vì có khả năng đó là sự kiện cuối cùng mà họ được trải qua.
Tôi hiểu hơn tầm quan trọng của nhiều thứ. Tôi sắp xếp lại những ưu tiên. Tôi thấy mình bình tĩnh hơn, ít bị lôi kéo bởi ham muốn, bởi những nhốn nháo, nhớn nhác trong xã hội.
Tôi cũng có những thay đổi trong việc nhìn nhận người khác. Trước đây, tôi khâm phục những người làm được việc “lớn lao”: chính trị gia, nhà khoa học, nhà thám hiểm… Giờ đây tôi thấy những người như Hoàng, thợ sửa xe máy, người đã chăm sóc, lau chùi cho vợ trong suốt 10 tháng (Hoàng là chồng của Vân – một trong ba nhân vật chính trong cuốn Điểm đến của cuộc đời – PV) là một người anh hùng thực sự. Tôi thấy cậu ấy thật là đáng ngưỡng mộ.
Vì sao cả gia đình anh đã quyết định hiến tạng?
Tôi đã kể nhiều với gia đình câu chuyện của các nhân vật trong sách, trong đó có câu chuyện Vân khao khát và đấu tranh để được gia đình đồng ý cho hiến giác mạc. Sau những câu chuyện đó, với chúng tôi, việc đăng ký hiến tạng là việc hiển nhiên. Chúng tôi không có tín ngưỡng “chết phải toàn thây”. Với gia đình tôi, đăng ký hiến tạng là việc bình thường, như mình đi uống cà phê thôi, không có gì đáng nói.
Cảm ơn anh đã dành thời gian quý giá cho cuộc phỏng vấn này.
Độc giả có thể mua trực tiếp cuốn sách “Điểm đến của cuộc đời” tại đây:
Tham khảo trích đoạn từ cuốn sách về Nam (cậu bé 9 tuổi bị ung thư xương chày) và người mẹ tên Hà:
Kỳ 1
Kỳ 2
Kỳ 3
Kỳ 4
Kỳ 5
Kỳ 6 (kỳ cuối)