Chương trình Ca Trù – Giáo Phường Ca Trù Kim Đức
Tháng 5: 19:00, thứ bảy 26/05/2018
Tháng 6: 19:00, thứ bảy 09 và 23/06/2018
Tháng 7: 19:00, thứ bảy 07 và 21/07/2018
Phù Sa Lab
Thông tin từ Phù Sa Lab:
Mời các bạn đến với Chương trình Ca Trù – Giáo Phường Ca Trù Kim Đức trong tháng 5, 6, 7 tại Phù Sa Lab.
Nghệ sỹ Phó Thị Kim Đức – cây cầu kết nối 5 thế hệ Ca trù
Giáo Phường Ca Trù Kim Đức – Giáo phường truyền dạy và biểu diễn Ca trù theo phong cách Đàn và Hát Khuôn
Nghệ sỹ Phó Thị Kim Đức được sinh ra và lớn lên từ cái nôi của Ca Trù. Trong dòng họ và gia đình bà có nhiều người là danh ca, danh cầm của nghệ thuật Ca Trù.
Quê gốc là làng Ngãi Cầu huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây cũ, song từ những năm đầu của thế kỷ 20 ông bà trẻ của Nghệ sỹ Kim Đức là các cụ Trưởng Bẩy và Phó Thị Yến đã ra mở nhà hát Ca Trù tại ấp Thái hà, lập nên trường phái Ca Trù “khuôn ấp” với phong cách phách chuẩn mực, hát khuôn khổ chặt chẽ, kỹ thuật luyến láy công phu, đĩnh đạc.
Tiếp nối truyền thống dòng họ, bố và các cô, bác và anh của Bà đều là những người kép đàn, ca nương có tiếng tại Khâm Thiên, nơi tụ hội các danh ca danh cầm Ca Trù của Hà Nội. Cụ Phó Đình Ổn – Bố của Bà còn là Quản Ca của giáo phường Khâm Thiên.
Khi lên 7 tuổi, Bà được bà trẻ là Phó Thị Yến trực tiếp dạy hát Ca Trù sau đó lại được Bố tiếp tục chỉ bảo rèn rũa. Đến năm 12 tuổi, Bà trở thành đào nương hát Ca Trù chuyên nghiệp, thường biểu diễn cùng bố và anh trai tại các nhà hát danh tiếng ở Khâm Thiên cho đến những năm hòa bình lập lại.
Từ nền tảng gốc được truyền dạy trong gia đình, trong thời gian sống và biểu diễn tại Khâm Thiên, Bà được tiếp cận và tiếp thu thêm những tinh hoa của nghệ thuật Ca Trù từ những danh ca nức tiếng thời đó như các cụ Chu Thị Bốn, Chu Thị Năm, Đàm Mộng Hoàn… để từ đó nâng cao và làm đẹp thêm nghệ thuật Ca Trù.
Do hoàn cảnh lịch sử, năm 1960 Bà chuyển sang theo học lớp giáo sinh của nghệ thuật Chèo của trường Nghệ thuật Sân khấu Điện ảnh và sau đó về công tác tại tổ Chèo đài Tiếng nói Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu. Trong thời gian này, tuy nhiệm vụ chính là nghệ thuật Chèo, song Bà vẫn tham gia biểu diễn Ca Trù khi có yêu cầu.
Cuối những năm 90 của thế kỷ 20, Nghệ sỹ Kim Đức đã đem giọng ca và ngón phách điêu luyện của mình theo đòan nghệ thuật của nghệ sĩ múa El Sola đi công du hơn 11 nước trên thế giới. Bằng trình độ nghệ thuật đỉnh cao của mình, bà đã đem mẫn cảm nghệ thuật chinh phục những khán giả phương Tây, làm cho không ít người trầm trồ thán phục một thể loại nghệ thuật âm nhạc trác tuyệt của Việt Nam. Có quan viên lâu năm đã từng xưng tụng tiếng phách có một không hai của bà là “Phách trạng nguyên”.
Ca Trù đối với Bà không chỉ là truyền thống thiêng liêng của gia đình mà còn là bộ môn nghệ thuật gắn bó cả cuộc đời Bà. Lo lắng trước nguy cơ thất truyền, mai một của nghề tổ, Bà đã bỏ công đúc kết những kiến thức, kinh nghiệm về khuôn khổ, lề lối và kỹ thuật của phách, hát, đàn, trống trong Ca Trù để truyền dạy và đã đào tạo nhiều lớp học trò về hát Ca Trù.
Nghệ sỹ Kim Đức là Đào Nương hiếm hoi còn lại của Nghệ thuật Ca Trù được đào tạo theo đúng lề lối cổ truyền, là chiếc cầu nối liền mạch của 5 thể hệ Ca trù liên tiếp: từ thế hệ các cụ Trưởng Bẩy và Phó Thị Yến với dòng Ca trù Khuôn Ấp nối danh, đến thế hệ người Cha là Quản Ca Giáo Phường Khâm Thiên cùng các cô chú trong dòng họ, và thế hệ của bà cùng anh trai, tiếp sau là các thệ hệ con cháu được bà truyền dạy trong gia đình thông qua các lớp học do Bà tự tổ chức. Các lớp học này đã được các học trò của Bà yêu quý đặt tên “Giáo Phường Ca Trù Kim Đức” với tâm niệm tiếp nối truyền thống gia đình và gìn giữ bộ môn nghệ thuật độc đáo quý giá của Việt Nam./.
Tham khảo đoạn clip về đêm ca trù “Khúc ca xuân” của nghệ nhân ca trù Phó Thị Kim Đức vào tháng 1/2018 tại Hà Nội:
Về Phù Sa Lab:
Phù Sa Lab là một trung tâm thể nghiệm âm nhạc do nghệ sỹ Nguyễn Nhất Lý thành lập. Ông mong muốn nơi đây trở thành địa điểm cho các nghệ sỹ quy tụ và cùng nhau xây dựng những chương trình nghệ thuật đỉnh cao đặc sắc. Tại đây, chúng tôi làm việc vì một nền văn hoá nghệ thuật đổi mới, mang tinh hoa và tài năng của Việt Nam ra thế giới để khẳng định vị thế của đất nước mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc qua những nhạc cụ chúng tôi sử dụng. Chúng tôi tạo ra giai điệu, âm thanh từ TRE – một trong những biểu tượng của người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng. Đến với chúng tôi, khán giả sẽ đắm mình trong một không gian biểu diễn với sức chứa 50 người bởi các điệu nhạc lôi cuốn phát ra từ TRE và những loại nhạc cụ dân tộc đặc biệt khác.
Ngoài việc phát triển văn hoá nghệ thuật, chúng tôi cũng đang duy trì và bảo vệ môn nghệ thuật Ca Trù – một di sản văn hoá phi vật thể đã được UNESCO công nhận và cần được giữ gìn khẩn cấp. Khi đến với Phù Sa Lab để thưởng thức Giáo Phường Ca Trù Kim Đức tại Kim Đức Ca Quán, khán giả có thể cảm nhận được đẳng cấp 5 sao của nghệ thuật Ca Trù cổ xưa với không gian thiết kế sang trọng nhưng đậm nét văn hoá truyền thống Việt Nam.
Phù Sa Lab hứa hẹn là một trung tâm thể nghiệm âm nhạc mang đến cho các khán giả yêu nghệ thuật và trân trọng di sản văn hoá trong nước và quốc tế những trải nghiệm tuyệt vời khó quên.
Vé
Giá vé: 500,000VND (bao gồm ăn tối và đồ uống miễn phí)
LƯU Ý:
+ Đặt vé trước 24h diễn ra vở diễn
+ Chương trình không dành cho trẻ em dưới 8 tuổi
![]() | Phù Sa Lab 21 ngõ 52 Tô Ngọc Vân, Phường Quảng An, Quận Tây Hồ, Hà Nội |