Hòa nhạc “Giai điệu mùa thu 2018” của VNOB: Phỏng vấn nghệ sĩ piano Ji Sung Lee
Út Quyên viết cho Hanoi Grapevine
Ảnh: Út Quyên

Anh đã bắt đầu hợp tác làm việc với Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam như thế nào?
Tôi được một người bạn giới thiệu tới buổi hòa nhạc của dàn giao hưởng thuộc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam tại Nhà hát lớn Hà Nội khoảng 6 năm về trước. Nhưng tới tận tháng 3 năm nay lần đầu tiên tôi mới có dịp tới thăm phòng hòa nhạc của họ. Tôi nghĩ họ biểu diễn rất tuyệt vời, phòng hòa nhạc cũng rất đẹp và gọn gàng. Trong đêm nhạc đó, tôi đi tới phòng chờ của nghệ sĩ và đề nghị được gặp trực tiếp quản lý nhà hát và được chị Trần Ly Ly đón tiếp. Tôi nói với chị ấy: “Tôi muốn biểu diễn với dàn nhạc của chị.” Chị ấy rất bất ngờ và hỏi lại tôi: “Cậu là ai?” Sau đó tôi giới thiệu về bản thân mình và kinh nghiệm tôi đã có sau nhiều lần biểu diễn với các dàn nhạc giao hưởng khác nhau. Vậy là chị ấy trả lời “OK!” Chỉ một từ OK! Rồi chúng tôi trao đổi thêm qua email, ấn định ngày diễn và giờ thì tôi đang ngồi đây. Câu chuyện thật thú vị phải không!
Chắc hẳn rồi! Vậy điều gì khiến anh tới Việt Nam 6 năm trước?
Tôi gặp khủng hoảng trầm trọng năm tôi 22 tuổi. Tôi không có đủ tiền trả học phí ở trường đại học, và học phí thì cũng rất đắt nữa. Tôi phải tự trang trải để nuôi sống bản thân và theo đuổi việc học tập, và thật sự mọi thứ rất khó khăn. Đã nhiều lúc tôi nghĩ tới việc từ bỏ piano và đi du lịch ở một nơi nào đó. Vào lúc đó, một người bạn ở Việt Nam mời tôi tới biểu diễn độc tấu. Buổi diễn rất thành công. Tôi gặp nghệ sĩ piano Nguyễn Huy Phương và anh cũng lại mời tôi biểu diễn trong năm đó. Sau đó tôi gặp thêm nhiều đồng nghiệp Việt Nam, mối liên kết với Việt Nam của tôi ngày càng mạnh mẽ hơn. Tôi luôn biết ơn những người bạn của tôi Việt Nam, mọi người đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Vì lẽ đó tôi có thể khẳng định rằng, chính vì Việt Nam mà tôi đã không bỏ cuộc.
Thật là một câu chuyện cảm động. Nếu chơi piano khó khăn tới vậy, tại sao từ lúc đầu anh lại lựa chọn con đường này? Và tại sao lại là piano mà không phải là một nhạc cụ nào khác? Tôi muốn hỏi điều này vì tôi có một người bạn đã từ bỏ piano để học violin vì cô ấy cảm thấy làm nghệ sĩ piano thật quá cô đơn.
Tôi cũng không biết nữa. Có lẽ là bởi tôi không biết chơi bất kì loại nhạc cụ nào khác trừ piano (cười). Ngày trước tôi thường xuyên tới nhà thờ, và tôi yêu piano khi tôi được xem những buổi hòa nhạc tổ chức tại đó. Ngày đó tôi chỉ nghĩ tôi thực sự muốn chơi piano. Rồi chơi piano trở thành sở thích của tôi. Mọi việc thay đổi khi tôi gặp giảng viên piano đầu tiên của mình, cô Chun Yung Hae. Cô đã dạy tôi không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn cả nhân cách và truyền cảm hứng chơi đàn cho tôi rất nhiều.
Bạn sẽ luôn luôn cô đơn khi tập luyện, bất kể bạn chơi loại nhạc cụ gì đi nữa. Vậy nên với tôi, cô đơn là cách sống. Bạn có biết trò đấu bò tót không? Con bò sẽ luôn nhìn vào tấm khăn choàng đỏ của người đấu sĩ và lao về phía trước. Ngay cả khi thân thể nó bị nhiều mũi giáo đâm vào, có khi hơn 100 mũi, nó luôn tiếp tục nhìn và lao vào chiếc khăn choàng đỏ đến khi nó bị giết chết. Tôi muốn trở thành con bò tót đó.

Anh có nói người thầy đầu tiên của anh đã dạy anh rất nhiều về nhân phẩm cũng như tình yêu với đàn piano. Anh có thể cho biết quan điểm của anh về nghệ sĩ piano là gì không?
Là sống còn. Ý tôi muốn nói là, tôi thấy mình tràn đầy sức sống khi tôi chơi đàn piano. Nói thế nào nhỉ. Với tôi chơi piano còn quan trọng hơn cả chuyện cưới xin nữa (cười). Tôi đã từng hỏi một vài học sinh người Việt: Vì sao em chơi đàn piano. Gần như lúc nào câu trả lời cũng là: “Bởi vì em thích.” Nhưng với tôi nó còn hơn thế nữa.
Tất nhiên là, một vài nghệ sĩ piano là thần đồng, nhưng số khác lại không phải vậy. Tôi nghĩ những người nghệ sĩ dương cầm kém tài năng thiên bẩm hơn thực sự phải nỗ lực rất nhiều. Tôi là một trong những người kém tài năng như vậy. Tôi thật sự đã rất sợ hãi. Tôi đã nhiều lần thất bại, chắc cũng phải 1001 lần rồi cũng nên. Tôi bắt đầu học piano khá muộn, khi tôi đã 16 tuổi. Có những thầy cô đã bảo tôi: “Làm ơn hãy từ bỏ đàn piano đi. Em không có tài đâu.” Tôi đã nhận nhiều chỉ trích gay gắt về âm nhạc tôi chơi. Nhưng tôi đã không bỏ cuộc. Tôi tập đàn liên tục 8 – 12 tiếng mỗi ngày. Vì thế nên tôi nghĩ piano dành cho những người thật sự tâm huyết và nghiêm túc. Nó yêu cầu rất nhiều nỗ lực. Thiếu tâm huyết, thiếu nghiêm túc, ta sẽ không thể chơi bất kì nhạc cụ nào. Thậm chí ta còn không thể tạo ra âm nhạc.
Ví dụ như Schubert, một trong những nhà soạn nhạc yêu thích của tôi. Khi gần 30 tuổi, Schubert gặp bệnh hiểm nghèo khiến ông ra đi năm 31 tuổi. Nếu bạn ốm, bạn sẽ làm gì? Có phải bạn sẽ nghỉ ngơi và tới bệnh viện? Nhưng Schubert không như vậy. Ông sáng tác nhạc. Ông viết hơn 1,500 bản nhạc trong cuộc đời ngắn ngủi của mình. Bạn có biết tại sao không? Còn Beethoven thì mất khả năng nghe năm ông 30 tuổi. Làm thế nào một nhà soạn nhạc bị điếc vẫn có thể sáng tác đến tận lúc chết vào năm ông 56 tuổi? Chopin cũng vậy, vào năm 39 tuổi, sau gần 10 năm bị căn bệnh hiểm nghèo hành hạ, ông vẫn biểu diễn, vẫn viết nhạc. Chỉ có cái chết mới khiến họ dừng sáng tác.
Tôi nghĩ chỉ yêu thôi thì chưa đủ. Người ta cần có tâm huyết và sự nghiêm túc thật sự để nỗ lực phấn đấu đến tột cùng để làm điều gì đó. Kiểu như nếu bạn không làm điều đó, bạn sẽ chết vậy. Vì vậy mỗi khi tôi chơi đàn, tôi luôn chơi như thể đây sẽ là màn trình diễn cuối cùng của tôi vậy.
Chopin nằm trong danh sách những nhà soạn nhạc ưa thích nhất của anh. Có phải anh rất háo hức khi được biểu diễn tác phẩm của ông trong hòa nhạc Giai điệu mùa thu năm nay?
Thật ra tôi cảm thấy lo lắng nhiều hơn. 2 bản nhạc của Chopin đều có rất nhiều nhịp lơi (rubato) và những đoạn kìm nhịp (ritardando). Tiết tấu cũng rất nhanh. Tôi mới kết thúc buổi diễn độc tấu và không có nhiều thời gian luyện tập 2 bản nhạc này. Đây cũng là lần đầu tiên tôi chơi bản Concerto của Grieg.
Vậy ư? Tôi xem buổi tập dượt chiều nay và thấy mọi thứ rất suôn sẻ, không phải vậy sao?
Đó là bởi sự chỉ huy tuyệt vời của Phi Phi. Anh tôn trọng âm nhạc của tôi. Đôi lúc tôi cũng có thể đi theo âm nhạc của anh ấy nữa. Vậy nên mọi thứ rất trơn tru. Âm nhạc của tôi độc đáo, tôi phải nói vậy. Bạn có thể cảm nhận được những cung bậc khác nhau so với các nghệ sĩ khác. Bởi vậy, tôi khá lo lắng trước khi gặp mặt anh ấy ngày hôm nay, tôi tự hỏi liệu chúng tôi có thể làm việc cùng nhau được không. Nhưng mọi việc diễn ra vô cùng suôn sẻ.
Anh mong đợi gì ở buổi hòa nhạc này?
Như tôi đã nói, tôi luôn cảm thấy biết ơn Việt Nam. Tôi hy vọng làm được điều gì đó đê trả ơn. Tôi muốn giúp kết nối cộng đồng âm nhạc Việt Nam và Hàn Quốc, đưa các nghệ sĩ Hàn Quốc tới Việt Nam và nghệ sĩ Việt Nam tới Hàn Quốc. Tôi cũng sẽ tham gia vào một số dự án dạy học cho các học viên piano nhỏ tuổi tại Việt Nam. Từ 2 – 9/10, tôi sẽ tổ chức 3 buổi hòa nhạc lớn tại Hàn Quốc với 10 giảng viên piano tới từ Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn cả, tôi mong sẽ có thêm cơ hội tổ chức hòa nhạc và biểu diễn tại Việt nam, vì vậy tôi rất hi vọng tiếp tục hợp tác với Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.
Cảm ơn anh rất nhiều!
Dịch bởi Hanoi Grapevine