Home Sự kiện Mĩ thuật TP HCM – Triển lãm “Chapter 4: Days and Nights of Revolving...

TP HCM – Triển lãm “Chapter 4: Days and Nights of Revolving Joy” của Sandrine Llouquet

Đăng vào
0

Khai mạc: 18:30, thứ năm 21/02/2019
Trò chuyện nghệ thuật với Sandrine Llouquet: 16:30 – 18:00, thứ bảy 23/03/2019
Triển lãm: 10:00 – 19:00, 21/02 – 06/04/2019 (thứ ba – thứ bảy)
Galerie Quỳnh
118 Nguyễn Văn Thủ, Đakao, Quận 1, TP HCM

Thông tin từ nhà tổ chức:

Mời các bạn đến với triển lãm “Chapter 4: Days and Nights of Revolving Joy” – triển lãm cá nhân lần thứ 5 của Sandrine Llouquet tại gallery, giới thiệu những tác phẩm mới nhất của cô. Tựa đề triển lãm mượn một câu thơ,từ “The Four Zoas”, một cuốn thơ bí ẩn chưa hoàn thiện của nhà thơ William Blake, phản ánh quá trình nghiên cứu và khám phá tỉ mỉ trong nhiều năm của nghệ sĩ. Chương đầu tiên của dự án đang diễn ra này đã được trưng bày tại gallery vào năm 2013, với cái tên “Chapter 1: Where I attempt to drown the dragon”. Chương thứ hai, “Chapitre 2: Midi” đã được ra mắt vào năm 2015 tại L’espace, Hà Nội, Việt Nam; và “Chapitre 3: les 101 Grandes Déesses” được triển lãm tại Le Point Commun, Annecy, Pháp vào năm 2017. Chapter 4 sẽ giới thiệu với khán giả những tác phẩm mới nhất của cô với các chất liệu gốm, sắp đặt và video, dẫn dắt chúng ta khám phá những ý niệm về danh tính và sự phân mảnh – một đề tài thường xuất hiện trong thực hành nghệ thuật của Sandrine.

Thực hành của cô thường tập trung vào những nghiên cứu và bài luận của các triết gia hiện đại như Foucault, Nietzsche, Deleuze và Jung. Trong những lý luận của Carl Jung, Llouquet đặc biệt quan tâm tới những học thuyết về “cổ mẫu” mà ông đặt ra. Những diễn giải về “cổ mẫu” của Jung xoay quanh những câu chuyện và kiến tạo của tiềm thức, được truyền qua nhiều thế hệ và hiện hữu trong bất kể môi trường, giáo dục và địa lý của một cá nhân.

Trong cuốn thơ “The Four Zoas”, Blake đã đề xuất một diễn giải cá nhân về lịch sử tâm linh của Con Người. Cuốn thơ đồ sộ này mang một sự cộng hưởng kỳ lạ với khái niệm “cổ mẫu” của Jung, mặc dù Blake đã qua đời gần 50 năm trước khi Jung được sinh ra. Những vần thơ của Blake biểu hiện khái quát sức mạnh của tiềm thức, luân phiên đối nghịch với nhau trong tâm thức con người.

Cảm quan về những suy ngẫm mang tính phân mảnh và hiện sinh này được đan xen trong những mảnh sứ của Sandrine. Được khơi gợi cảm hứng từ chuyến đi gần đây tới Lisbon, nơi cô bắt gặp những mảnh sứ được tô màu và tráng men – được gọi là azulejos, Sandrine sau đó đã tìm tới cố đô Huế để khám phá kỹ thuật khảm tranh gốm, một kỹ thuật truyền thống sử dụng những mảnh gốm vỡ để tạo ra những bức tranh mosaic phổ biến tại Huế vào thế kỷ 17.

Trong quá trình sáng tác những tác phẩm tranh mosaic mới, Sandrine đã đập vỡ những đồ gốm, một số được thu thập và một số được chính cô vẽ tay, và tái cấu trúc những mảnh vỡ này lại thành những khối hình học. Cô thu thập hình ảnh từ nhiều nguồn khác nhau và sắp xếp chúng lại thành những mẫu hoa văn và những câu chuyện mới. Khi đó, những mảnh bị đập vỡ và chia rẽ giờ đây có thể được tái hiện trong một chỉnh thể mới.

“Chapter 4: Days and Nights of Revolving Joy” hé mở một hành trình, bắt đầu từ tầng trệt và tầng lửng của gallery, nơi trưng bày một bức tranh mosaic lớn được ghép bởi những hình ảnh bí ẩn từ các mảnh gốm vỡ. Phòng triển lãm chính trưng bày nhiều bức tranh gốm và tranh vẽ bằng than mang màu sắc huyền hoặc. Bên cạnh đó là “Days and Nights of Revolving Joy”, tác phẩm video mới nhất của nghệ sĩ tái hiện lại một nghi lễ huyền bí. Người xem sẽ bước vào một không gian tách biệt, với những tấm chiếu tre trải trên sàn, nơi họ chỉ có thể xem tác phẩm này khi quét mã QR trên điện thoại. Trung thực với ý niệm về “thuyết đồng bộ”, tác phẩm video này là sự kết hợp nhiều nguồn tôn giáo khác nhau – từ Hồi giáo cực đoan tới Công giáo và những nghi lễ thường ngày. Nghi lễ này bao gồm sự xuất hiện của những nghi thức tôn giáo khác nhau bao gồm những điệu nhảy, lời tụng chương đầu tiên “Night the First” trong “The Four Zoas” bằng tiếng Esperanto, và một nghi thức “khởi xướng”. Thay vì nỗ lực diễn giải những nội dung này bằng tư duy lý tính thông thường, nghệ sĩ đề xuất sự trải nghiệm và lối tiếp cận bằng một tầng tâm thức khác của mỗi chúng ta.

VỀ SANDRINE LLOUQUET

Những mối quan tâm của Llouquet đối với tôn giáo đều nằm trong sự tiến triển của các nghi thức, hình tượng và biểu hiện của chúng thay vì lối tiếp cận mang tính thần học. Xuất phát từ sự hứng thú cá nhân đối với huyền tích và các câu chuyện thần thoại, nghệ sĩ thu thập những hình ảnh, tranh vẽ và văn bản, để rồi, giống như nhà giả kim, cô chuyển hoá chúng thành một thế giới huyền bí mà ở đó ma thuật và sự kỳ lạ tồn tại bên cạnh nhau.

Sinh năm 1975 tại Montpellier, Pháp, Llouquet đã tốt nghiệp trường École Pilote Internationale d’Art et de Recherche – Villa Arson vào năm 1999. Cô là một nhân tố quan trọng trong sự phát triển của nghệ thuật đương đại Việt Nam, một thành viên sáng lập ra dự án Wonderful District (2005-2011), một dự án tiếp cận nghệ thuật đương đại thông qua các triển lãm, buổi hoà nhạc và các tác phẩm sân khấu; đồng thời cũng là một thành viên của Mogas Station (2006-2007), một nhóm nghệ sĩ hoạt động độc lập tại Việt Nam. Tác phẩm của Sandrine đã được trưng bày tại nhiều phân viện nghệ thuật khác nhau trên thế giới bao gồm Palais de Tokyo, Paris; Trung Tâm Nghệ Thuật Yerba Buena, San Francisco, California; và bảo tàng Tate Modern, London. Vào năm 2016, cô đã trưng bày một dự án về văn hoá Nhật Bản thời Edo, bao gồm những chủ đề về yokai (yêu quái), misemono goya (hội chợ triển lãm), và rangaku (giáo dục tiếng Phần Lan) tại KENPOKU ART, Ibaraki, Nhật Bản. Cô cũng từng tham dự một số liên hoan nghệ thuật lớn với tư cách thành viên của nhóm Mogas Station, như Shenzhen Biennale (2007), Singapore Biennale (2006) và Migration Addicts – một sự kiện bên lề Vienice Biennale lần thứ 52.

Sandrine hiện đang sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Về chương trình bên lề triển lãm:
Thứ bảy, 23 tháng 03, 2019
16:30 – 18:00: Trò chuyện nghệ thuật với Sandrine Llouquet
Buổi trò chuyện sẽ được diễn ra bằng tiếng Anh và phiên dịch tiếng Việt

Galerie Quỳnh
118 Nguyễn Văn Thủ, Đakao, Quận 1, TP HCM
Tel: (84 28) 3822 7218
Giờ Mở Cửa: Thứ ba – Thứ bảy, từ 10:00 đến 19:00; đóng cửa vào các ngày Chủ nhật và Thứ hai

NO COMMENTS

Leave a Reply